Phân cấp – phân quyền: Vì sao vẫn dưới đẩy lên, trên đùn xuống? – Bài 3: Ai không làm, đứng sang một bên (tiếp theo và hết)

 Phân cấp – phân quyền: Vì sao vẫn dưới đẩy lên, trên đùn xuống? – Bài 3: Ai không làm, đứng sang một bên (tiếp theo và hết)

“Ai không làm thì đứng sang một bên cho người khác làm” là thông điệp thép nhiều lần được các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước truyền đi với quyết tâm mạnh mẽ tuyên chiến với thái độ làm việc bàng quan, vô cảm, né tránh, đùn đẩy, vô trách nhiệm trong thực thi công vụ.

Cán bộ phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự       

Nói về nguyên nhân dẫn đến sự né tránh, đùn đẩy, sợ trách nhiệm, có luồng ý kiến cho rằng, thời gian gần đây, nhiều sai phạm trong thực thi công vụ bị xử lý đã tác động mạnh đến tư tưởng cán bộ, đảng viên dẫn đến tâm lý sợ sai, không dám làm. Cách hiểu sai lệch bản chất của vấn đề này cũng từ đây mà xuất hiện khi một số người cho rằng, có những sai phạm là do lỗ hổng của cơ chế, chính sách mà ra.

Không thể không thừa nhận rằng, cơ chế, chính sách của chúng ta có chỗ còn chưa hoàn thiện, chưa theo kịp diễn biến thực tiễn. Thế nhưng bản chất của các sai phạm thường không nằm ở cơ chế, chính sách mà hầu hết là do bản thân những người thực thi công vụ đã tìm mọi cách để trục lợi từ những kẽ hở trong cơ chế, chính sách. Không thể đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, mà lỗi chủ quan của chính những cán bộ sai phạm do suy thoái về phẩm chất đạo đức, lối sống, thiếu liêm sỉ và coi rẻ danh dự của bản thân mình. 

Sự ngụy biện đổ lỗi cho cơ chế, chính sách, thiếu hành lang pháp lý chỉ là cái cớ để che đậy sự vô trách nhiệm, co cụm, cầu an, sợ sai đến mức tiêu cực, có việc mà không dám làm ở một bộ phận cán bộ, đảng viên hiện nay. Thực tiễn thời gian qua cho thấy, tình trạng báo động khẩn cấp trước vấn nạn làm việc cầm chừng, bàng quan, vô trách nhiệm, ngay cả khi đất nước ở trong hoàn cảnh “nước sôi lửa bỏng” đang rất cần cán bộ phải làm nhanh, làm thật. Đó là tình cảnh bệnh nhân mòn mỏi, hoang mang vì thiếu trầm trọng thuốc chữa bệnh; là những công trình hàng nghìn tỷ đồng nằm đắp chiếu; là nguồn vốn đầu tư công ứ đọng không thể giải ngân; là những thủ tục hành chính vô cùng rối rắm, ì ạch… đã khiến cho hàng loạt cơ hội của người dân, doanh nghiệp bị bỏ qua; là cảnh bao phụ huynh và học sinh rớt nước mắt vì thiếu trường học…  

Phân cấp - phân quyền: Vì sao vẫn dưới đẩy lên, trên đùn xuống? - Bài 3: Ai không làm, đứng sang một bên (tiếp theo và hết)
Người cán bộ biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ sẽ không bao giờ né tránh, đùn đẩy trách nhiệm và tự giác từ chức, xin thôi nếu không đáp ứng được công việc. Tranh minh họa: Tạp chí Tuyên giáo

Cán bộ làm việc trong cơ quan công quyền được trả lương cùng nhiều chế độ đãi ngộ, mà những thứ ấy là từ tiền thuế của nhân dân, doanh nghiệp đóng góp. Quyền lực của cán bộ cũng thuộc về nhân dân, do nhân dân ủy thác mà có. Cán bộ là người đầy tớ, là công bộc của nhân dân. Bởi vậy trong bất luận hoàn cảnh nào, người cán bộ cũng phải hết lòng, hết sức phục vụ nhân dân, hoàn thành mọi công việc, trọng trách mà Đảng và nhân dân giao phó. Đây không chỉ là bổn phận, là trách nhiệm mà còn là thước đo lương tri, đạo đức của người cán bộ biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự khi được hưởng bổng lộc từ nhân dân, được nhân dân tin tưởng trao quyền. Bởi vậy, người cán bộ đừng ngộ nhận về vị trí, quyền lực của mình, đặt bản thân lên trên quần chúng và cho mình cái quyền được ban phát quyền lợi cho dân. 

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhiều lần nhấn mạnh rằng cán bộ là cái gốc của mọi công việc; cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người lãnh đạo phải biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ, không phải vì danh vọng của cá nhân, mà vì lợi ích chung của Đảng, của dân tộc, của loài người. Trọng danh dự, giữ liêm sỉ bao gồm nhiều nội hàm, trong đó điều bao trùm là phải có lòng tự trọng cao, luôn giữ gìn nhân cách, thanh danh và hoàn thành công việc một cách chất lượng. 

Như vậy, rõ ràng, người cán bộ biết trọng danh dự, giữ liêm sỉ sẽ không bao giờ trốn tránh, vô trách nhiệm, đùn đẩy công việc, chỉ biết “ăn trên ngồi trốc”, “ăn không ngồi rồi”, hưởng đãi ngộ từ dân nhưng vô cảm trước việc của dân. Người cán bộ trọng danh dự, giữ liêm sỉ cũng sẽ tự giác từ chức, xin thôi, đứng sang một bên để người khác làm nếu thấy bản thân không đủ trình độ, năng lực, uy tín để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Giải pháp đầu tiên, việc cần làm trước để triệt tiêu tình trạng đùn đẩy, né tránh, không dám làm là bản thân mỗi cán bộ phải tự nhận thức được trách nhiệm, tự học, tự tu dưỡng, không ngừng phấn đấu và nỗ lực hết mình để hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ. 

Điểm mặt chỉ tên đội ngũ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”

Một bộ phận cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc do năng lực hạn chế, yếu kém, dân ta hay gọi hiện tượng này là “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”. Thực tế, việc điểm mặt chỉ tên bộ phận này lại không phải là điều phổ biến, bởi con số cán bộ, công chức không hoàn thành nhiệm vụ được cơ quan chức năng đưa ra khá khiêm tốn, trong khi chất lượng, tiến độ thực hiện nhiệm vụ nói chung ở hệ thống cơ quan công quyền còn không ít những hạn chế, yếu kém. 

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ta có nhiều văn bản, chỉ đạo kiên quyết xử lý, thay thế, miễn nhiệm cán bộ né tránh, đùn đẩy công việc. Để thực hiện hiệu quả chủ trương này thì lẽ dĩ nhiên phải đánh giá đúng, chỉ rõ ai né tránh, đùn đẩy, không dám làm. Thế nhưng, công tác đánh giá cán bộ ở nhiều nơi còn chưa thực chất, chưa sát với thực tiễn. Tình trạng cán bộ, công chức “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về” tồn tại ở không ít cơ quan, đơn vị trong bộ máy công quyền, thế nhưng báo cáo hằng năm vẫn là hơn 90%, thậm chí có những nơi 100% hoàn thành tốt và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Phân cấp - phân quyền: Vì sao vẫn dưới đẩy lên, trên đùn xuống? - Bài 3: Ai không làm, đứng sang một bên (tiếp theo và hết)
 Ảnh minh họa: tuyengiao.vn

Tình trạng đánh giá cán bộ thiếu khách quan, nể nang, đánh đồng những người hoàn thành tốt với bộ phận làm việc cầm chừng, kém hiệu quả khiến không ít cán bộ tốt mất động lực phấn đấu, còn những người thực hiện nhiệm vụ kém chất lượng vẫn ung dung tại vị và nuôi tư tưởng “có làm hay không cũng như nhau, làm ít sai ít, làm nhiều sai nhiều”. Vậy nên yếu tố cốt lõi để đội ngũ cán bộ, công chức thay đổi thái độ, trách nhiệm nằm ở chỗ đánh giá thực chất hiệu quả công việc của mỗi người. Đánh giá đúng để sử dụng đúng, để kịp thời chấn chỉnh, đưa ra khỏi bộ máy những cá nhân đi chệch khỏi quỹ đạo của tinh thần dám nghĩ, dám làm, sáng tạo, đột phá vì lợi ích chung.

Để đánh giá đúng chất lượng hoàn thành nhiệm vụ của mỗi cán bộ, công chức, tránh đùn đẩy trách nhiệm thì việc cụ thể, cá thể hóa quyền hạn, trách nhiệm cá nhân trong từng khâu của quy trình xử lý công việc là điều tối cần thiết. Việc tăng cường công tác kiểm tra hoạt động công vụ, đặc biệt là kiểm tra đột xuất là điều không thể lơ là trong cuộc chiến loại bỏ cán bộ đùn đẩy, né tránh, vô trách nhiệm gây đình trệ công việc, tắc nghẽn mạch phát triển của nền kinh tế – xã hội, tổn hại đến lợi ích của nhân dân. 

Cùng với các giải pháp đồng bộ, nhất là khơi thông những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, hành lang pháp lý, tạo điều kiện thuận lợi để đội ngũ cán bộ hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ, dám nghĩ, dám làm vì lợi ích chung; điều cần làm song song để không còn thấy trong bộ máy công quyền những cán bộ né tránh, đùn đẩy, thờ ơ, vô trách nhiệm với công việc là việc kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh, không có vùng cấm, không có ngoại lệ đối với đội ngũ “sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”.

HỒNG THẠNH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này