“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

“Trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”

Đó là thành ngữ mà ai cũng biết. Tuy nhiên, có người biết, hiểu rất rõ về ý nghĩa của câu thành ngữ nêu trên, nhưng họ cố tình bẻ lái làm ngược lại ý chí của người có đủ thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo. Ủy hội Tự do tôn giáo quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) là một tổ chức như thế.

USCIRF được thành lập bởi Quốc hội Hoa Kỳ, có chức năng tham vấn độc lập cho lưỡng đảng, Chính phủ Hoa Kỳ mà trực tiếp là Bộ Ngoại giao Mỹ. Điều đáng nói ở đây là không biết căn cứ vào cơ sở pháp lý nào mà Chính phủ Hoa Kỳ lại cho phép tổ chức này được phép giám sát tự do tôn giáo trên toàn thế giới và khuyến nghị chính sách cho tổng thống, ngoại trưởng và quốc hội. Như vậy, Chính phủ Hoa Kỳ đã tự cho mình và cả tổ chức USCIRF quyền được phép tự do can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào trên trái đất này.

Trong khi đó, tại khoản 1, Điều 1 Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị quy định rõ: “Mọi dân tộc đều có quyền tự quyết. Xuất phát từ quyền đó, các dân tộc tự do quyết định thể chế chính trị của mình và tự do phát triển kinh tế, xã hội và văn hóa”. Đồng thời, Hiến chương Liên hợp quốc được Đại hội đồng Liên hợp quốc thông qua tại Nghị quyết 2625 năm 1970 đã chỉ rõ nội hàm của “quyền dân tộc tự quyết”, hay còn gọi là nguyên tắc tự quyết của các dân tộc với các điểm mấu chốt như sau: “Tất cả các dân tộc có quyền tự do quyết định chế độ chính trị và theo đuổi sự phát triển về kinh tế – xã hội và văn hóa của mình mà không có bất kỳ sự can thiệp nào từ bên ngoài”.

Chưa hết, tuy là một cơ quan do Quốc hội Hoa Kỳ thành lập nhưng cơ quan này không bao giờ đánh giá tham vấn về lĩnh vực tín ngưỡng, tôn giáo ở trong nước Mỹ, mà lại thò tay đến tất cả quốc gia khác trên toàn cầu, với cách đánh giá theo tiêu chí do Hoa Kỳ đưa ra. Chính vì thế mà từ nhiều năm nay, USCIRF đã đơn phương sắp xếp danh sách các nước có “vấn đề” về tự do tín ngưỡng, tôn giáo để tham vấn Bộ Ngoại giao Mỹ đưa vào danh sách theo dõi đặc biệt – SWL, hoặc danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt – CPC. Năm 2022, Bộ Ngoại giao Mỹ xếp Việt Nam vào danh sách SWL. Ngay sau đó, Việt Nam đã kịch liệt phản đối vì Mỹ đã thiếu khách quan, thiếu công bằng khi đánh giá về tình hình thực tế tín ngưỡng, tôn giáo tại Việt Nam. Tuy nhiên, USCIRF vẫn tiếp tục cố tình làm ngơ, không nghe và cũng không thấy. Bằng chứng là mới đây, USCIRF đã có báo cáo tham vấn Bộ Ngoại giao Mỹ về tình hình tôn giáo năm 2023.

Theo trang điện tử của Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV cho biết, tại buổi họp báo của Bộ Ngoại giao ngày 11-1-2024, trả lời câu hỏi của phóng viên về việc Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng khẳng định: “Việt Nam lấy làm tiếc và yêu cầu Hoa Kỳ không đưa Việt Nam vào danh sách theo dõi đặc biệt về tự do tôn giáo, đồng thời cần có đánh giá khách quan, dựa trên thông tin chính xác và toàn diện về tình hình tự do tôn giáo, tín ngưỡng tại Việt Nam. Việt Nam sẵn sàng trao đổi với phía Hoa Kỳ về những vấn đề hai bên cùng quan tâm trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, tôn trọng lẫn nhau, đóng góp vào việc thúc đẩy cho quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững giữa hai nước”. Nhưng cho đến nay, các cơ quan có thẩm quyền của Mỹ vẫn chưa có phản hồi.

Từ ngày 10 đến 11-9-2023, Tổng thống Mỹ Joe Biden tới Việt Nam theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Trong chuyến thăm cấp nhà nước này, hai bên đã ra Tuyên bố chung, chính thức nâng cấp quan hệ lên mức Đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình, hợp tác và phát triển bền vững. Hai bên còn xây dựng sự tin cậy lẫn nhau ở cấp chiến lược, đó là tăng cường hiểu biết và xây dựng lòng tin chính trị giữa hai nước, nhất là các nguyên tắc tôn trọng thể chế của nhau, bình đẳng, hợp tác cùng có lợi.

Sau cuộc hội đàm tại Văn phòng Trung ương Đảng, chiều 10-9-2023, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đồng chủ trì cuộc gặp gỡ báo chí để thông báo về kết quả hội đàm. Phát biểu với báo chí trong và ngoài nước, Tổng thống Joe Biden đã khẳng định: “Việt Nam là một quốc gia quan trọng trên thế giới và trong khu vực. Tôi trông đợi và đón chờ một chương mới trong quan hệ của hai nước chúng ta”. Cũng trong bài phát biểu này, Tổng thống Joe Biden nhấn mạnh: “Sự hợp tác của chúng ta trên những vấn đề đau thương này cũng như việc xây dựng một di sản mới, một di sản của nền hòa bình và thịnh vượng chung là một minh chứng. Đây cũng là một lời nhắc nhở rõ ràng rằng, những gì chúng ta đạt được khi có thể vượt lên một quá khứ đau thương để đón nhận một tương lai của tiến bộ, dựa trên sự thống nhất và đoàn kết của 2 dân tộc”. Thế nhưng, việc làm của USCIRF và Bộ Ngoại giao Mỹ như nêu trên đã vô tình tạo ra hòn đá tảng cản đường đi tới “sự thống nhất và đoàn kết của 2 dân tộc”.

Thế mới thấy rằng, một quốc gia tự cho mình là thiên đường của văn minh, tiến bộ bậc nhất hành tinh lại sản sinh và dung dưỡng tổ chức có kiểu hành xử đơn phương theo tiêu chuẩn của riêng mình để áp đặt những nước khác thì có được coi là văn minh, là tinh hoa của nhân loại? Lịch sử nhân loại cũng đã chứng minh, niềm tin có vai trò to lớn đối với sự phát triển, thành công hay thất bại của một cá nhân hay tổ chức hoặc quốc gia. Ngược lại, sẽ chẳng bao giờ có được niềm tin nếu nó không được xây dựng từ sự tin tưởng lẫn nhau.

Nhật Minh (BPO)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này