Nhìn thẳng-Nói thật: Giữ điều thiêng liêng, cao quý nhất
Nhìn thẳng-Nói thật: Giữ điều thiêng liêng, cao quý nhất
Người đứng đầu Đảng ta nhiều lần nhắc nhở cán bộ, đảng viên cần học tập lý tưởng sống của nhân vật Pavel Korchagin trong tác phẩm “Thép đã tôi thế đấy” của nhà văn Nikolai Alekseyevich Ostrovsky và nhấn mạnh: “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Điều nhấn mạnh ấy là chân lý cuộc sống, là nguyên tắc đạo đức, cũng là đạo lý ở đời.
Thế gian này có thể vươn tới sự văn minh cao hơn hôm nay nhiều lần thì con người vẫn là quý nhất. Người Việt có ngạn ngữ: “Người ta là hoa đất”, tức con người là đáng quý trọng, đáng được nâng niu, đáng được chiêm ngưỡng, thưởng thức, tôn kính nhất. Vì ở con người có điều quý nhất là danh dự. Danh dự chính là bộ mặt nhân cách nói lên tất cả sức sống nội sinh cũng như tương lai của một con người, rộng ra là của cả một dân tộc.
Trong thời toàn cầu hóa, thế giới sẽ kính trọng, mong muốn được đối thoại với những dân tộc nào trọng danh dự, vì ở dân tộc đó giàu có trữ lượng văn hóa cần được khám phá học hỏi. Việt Nam là một dân tộc như vậy. Không chỉ giàu có truyền thống yêu nước, Việt Nam còn có một truyền thống nhân văn coi trọng phẩm giá con người: “Giấy rách còn giữ lấy lề”, “Tốt danh hơn lành áo”, “Tiếng thơm còn mãi”, “Hổ chết để da, người chết để tiếng”… Hình tượng con cò trong ca dao, dù trong tình huống bi kịch, thậm chí có thể phải chết thì cũng xin: “Có xáo thì xáo nước trong/ Chớ xáo nước đục đau lòng cò con”.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn
Trong lịch sử có rất nhiều tấm gương danh dự sáng ngời. Danh tướng Trần Bình Trọng chẳng may bị giặc Nguyên bắt (1285). Giặc dụ dỗ nếu đầu hàng sẽ cho “làm vua”. Ông khẳng khái mắng vào mặt chúng: “Ta thà làm ma nước Nam còn hơn làm vương đất Bắc”. Khi thành Hà Nội thất thủ (1882) trước sức mạnh vượt trội của quân Pháp, Tổng đốc Hoàng Diệu đã tuẫn tiết để bảo toàn danh dự của một vị tướng, một công dân yêu nước. Ông đã làm theo tấm gương của vị tiền bối Nguyễn Tri Phương cũng từng giữ thành Hà Nội, đã thà chết (1873) chứ không chịu hàng giặc!
Ngày xưa, từ thời cổ đại, Khổng Tử từng lấy danh dự làm căn cứ để phân loại các hạng người. Ông thường nói “Người không liêm không bằng súc vật” và dạy học trò phải lấy đức ngay thẳng, thật thà, trong sáng làm đầu. Phương Tây cũng có ngạn ngữ nổi tiếng: “Danh dự quý hơn mạng sống”. Như vậy, danh dự nhân phẩm con người luôn được đề cao ở mọi nơi, mọi thời.
Ở thời kỳ trước năm 1945 những chiến sĩ cộng sản luôn phải tiến hành đồng thời hai cuộc đấu tranh chống thực dân đế quốc và chống chủ nghĩa cá nhân-thứ kẻ thù bên trong nguy hiểm luôn dụ dỗ con người xa rời lý tưởng cao cả là giải phóng dân tộc, giải phóng giai cấp cần lao. Làm theo lời dạy của V.I.Lênin: “Chiến thắng bản thân mình là chiến thắng vẻ vang nhất”, nên với họ: “Không thể gì quyến rũ/ Mua bán được lương tâm/ Danh dự của riêng thân/ Là của chung đồng chí/ Phải giữ gìn tỉ mỉ/ Như tròng mắt con ngươi (Tố Hữu-bài thơ “Con cá, chột nưa”). Nhờ những con người ưu tú ấy nước ta mới độc lập, dân ta mới tự do!
Công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng ta hôm nay không chỉ làm Đảng mạnh thêm còn góp phần khơi dậy truyền thống đạo lý rất quý của dân tộc: “Trọng nghĩa khinh tài” (quý trọng nghĩa khí, nghĩa tình, coi nhẹ tài sản vật chất); “Đói cho sạch, rách cho thơm”, nhưng không có nghĩa là chấp nhận cái “đói”, cái “rách”. Trọng danh dự là còn phải làm cho danh dự tỏa sáng: Giàu có về trí tuệ; văn minh về vật chất; phong phú về tinh thần; vị tha, nghĩa tình trong ứng xử…
Là thước đo giá trị của nhân cách nên danh dự luôn mang tính chuẩn mực, với cán bộ, đảng viên càng phải chuẩn mực để làm gương. Lời Bác Hồ dạy chính là cách tốt nhất để giữ gìn, phát huy chuẩn mực ấy: “Đạo đức cách mạng không phải trên trời sa xuống. Nó do đấu tranh, rèn luyện bền bỉ hằng ngày mà phát triển và củng cố. Cũng như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong”.
PGS, TS NGUYỄN THANH TÚ
Nhận xét
Đăng nhận xét