Quen thói tức tối, hậm hực

 Quen thói tức tối, hậm hực

Chuyến thăm cấp nhà nước của Tổng thống Mỹ Joe Biden đến Việt Nam trong 2 ngày 10 và 11-9-2023 theo lời mời của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã thành công tốt đẹp. Sự kiện này diễn ra trong bối cảnh đánh dấu 10 năm hai nước thiết lập quan hệ Đối tác toàn diện. Nhân chuyến thăm này, thông qua các cuộc hội đàm, hai bên đã thống nhất đưa ra Tuyên bố chung: Nâng tầm quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ lên Đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, đây lại là nguyên nhân gây ra sự tức tối, hậm hực của giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động nhân quyền, xã hội dân sự…

Sau khi hai nước ra tuyên bố chung về nâng tầm quan hệ lên Đối tác chiến lược toàn diện, sự tức tối, hậm hực, ganh ghét của những nhà dân chủ giả hiệu này liên tục được đưa lên các nền tảng mạng xã hội. Đặc biệt trên facebook Chân trời mới Media, hàng loạt bài viết xuyên tạc về việc nâng cấp quan hệ, đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại tự do, nhân quyền của Việt Nam kiểu như: Vì lợi thế của Đảng cầm quyền qua quan hệ chiến lược toàn diện Việt – Mỹ, giới bất đồng chính kiến, giới hoạt động nhân quyền, xã hội dân sự… sẽ còn đối đầu với nhiều chông gai hơn nữa; cho dù mối quan hệ Việt – Mỹ có được nâng cấp lên tầm Đối tác chiến lược toàn diện mà Việt Nam không chịu vận động, không có những cải cách dân chủ, nhân quyền thì sẽ khó có thể trở thành người chơi cờ; đề nghị chính quyền cộng sản thực hiện tốt vấn đề nhân quyền cho tương xứng trong quan hệ với Mỹ… Có thể thấy, ngoài hậm hực, tức tối vì chuyện xảy ra theo quy luật tự nhiên, những cộng tác viên của Chân trời mới Media còn muốn chuyển qua làm cố vấn cho chính quyền Việt Nam và Mỹ trong việc thực hiện chiến lược nâng tầm quan hệ ngoại giao của mình. Quả thật là một sự khôi hài, giận quá mất khôn, những thành viên của Chân trời mới Media đã quên mất thân phận mình ở đâu.

Trong gần 4 thập niên đổi mới, Việt Nam đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong bảo vệ quyền con người. Tuy nhiên, các thế lực có tư tưởng đối lập luôn cố gắng xuyên tạc những thành tựu trong việc bảo đảm quyền con người ở Việt Nam, nhằm phá hoại công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước và nhân dân. Quyền của con người ở đây được hiểu như là biểu hiện của tự do, là kết quả phát triển lâu dài của lịch sử, phản ánh quá trình đấu tranh của nhân loại để giải phóng bản thân khỏi tình trạng nô dịch, bóc lột, phụ thuộc, nhằm đạt được cuộc sống xứng đáng với danh dự và phẩm giá con người. Tại Việt Nam, từ khi Đảng Cộng sản ra đời và Nhà nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa được thành lập cho đến nay, cả hệ thống chính trị đã luôn nỗ lực bảo đảm quyền con người. Cùng với sự phát triển của đất nước, những tiêu chuẩn về quyền con người ngày càng được củng cố. Dựa trên nền tảng này, Việt Nam liên tục cải thiện hệ thống pháp luật liên quan đến quyền con người, tham gia vào các hiệp ước quốc tế, phát triển kinh tế và đảm bảo sự công bằng để thúc đẩy tiến bộ xã hội. Nhờ những nỗ lực đó, Việt Nam đã đạt những thành tựu quan trọng được cộng đồng quốc tế công nhận, đánh giá cao.

Sau nhiệm kỳ 2014-2016 với những thành công vượt trội, Việt Nam hiện là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Đó là lời khẳng định đanh thép về thành tựu của Việt Nam đối với công tác bảo đảm quyền con người ở trong nước, được thế giới ghi nhận, tin tưởng bất chấp những luận điệu xuyên tạc, chống phá của các đối tượng, tổ chức phản động, thù địch trong và ngoài nước. Việt Nam không chỉ bảo đảm tốt quyền con người ở trong nước mà còn có nhiều đóng góp tích cực cho phát triển quyền con người trên thế giới. Việt Nam đã không ngừng củng cố uy tín và vị thế của mình trên trường quốc tế trong vai trò là thành viên Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Điều này cho thấy sự nỗ lực sáng tạo trong tư duy chiến lược, tính hiệu quả của đường lối đối ngoại của Đảng, Nhà nước ta trong những năm gần đây. Điều này cũng lan tỏa và truyền đạt thông điệp mạnh mẽ về hình ảnh con người, đất nước Việt Nam luôn ủng hộ hòa bình, tôn trọng các giá trị nhân văn, nhân đạo. Đồng thời, thông qua đó cũng giúp truyền tải chính xác, đúng đắn hơn về chủ trương, chính sách, thành tựu trong việc bảo vệ quyền con người ở nước ta.

Khóa họp thường kỳ lần thứ 52 của Hội đồng nhân quyền Liên hợp quốc ở Geneva, Thụy Sĩ, tháng 4-2023, các nghị quyết kỷ niệm 75 năm Tuyên ngôn quốc tế về nhân quyền; 30 năm Tuyên bố và Chương trình hành động Viên do Việt Nam đề xuất soạn thảo. Việt Nam đẩy mạnh thương lượng, đàm phán liên quan đến dự thảo. Nghị quyết đã được Hội đồng nhân quyền thông qua theo hình thức đồng thuận với 102 quốc gia tham gia đồng bảo trợ. Kết quả này cho thấy các nước ghi nhận, đánh giá cao nỗ lực, thiện chí của Việt Nam. Trong các phát biểu, đoàn Việt Nam đề cao chủ trương nhất quán, nỗ lực trong thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Trong nhiều cuộc thương lượng mà Việt Nam làm trung gian, ý kiến của chúng ta đều được lắng nghe và quan tâm. Một số quốc gia như Mỹ, các nước châu Âu cũng đã cử đoàn sang trao đổi với Hội đồng nhân quyền. Sự tham gia tích cực của đoàn Việt Nam đã thể hiện rõ nỗ lực, trách nhiệm của chúng ta, với tư cách là thành viên của Hội đồng nhân quyền nhiệm kỳ 2023-2025. Đồng thời thông qua đó truyền tải thông điệp mạnh mẽ về quan điểm, chính sách nhất quán, thành tựu của Việt Nam nói riêng, của ASEAN nói chung trong công tác thúc đẩy, bảo vệ các quyền con người. Qua đó, góp phần cùng các nước bảo đảm hoạt động của Hội đồng nhân quyền, phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, các công ước quốc tế về quyền con người. 

Quan điểm của Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn nhất quán xác định con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và là mục tiêu của sự phát triển. Bảo vệ quyền con người luôn được tích hợp, thể hiện trong các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội cũng như được quy định trong Hiến pháp và pháp luật. Theo đó, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm theo Hiến pháp, pháp luật. Với sự đồng lòng, phối hợp chặt chẽ trong cả hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý của Nhà nước cùng sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, Việt Nam sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ tại Hội đồng nhân quyền, cùng hợp tác với cộng đồng quốc tế xây dựng một thế giới hòa bình, mọi người dân, quốc gia, dân tộc đều được hưởng lợi từ sự phát triển và tiến bộ xã hội, không ai bị bỏ lại phía sau. Hành động của những kẻ quen thói tức tối, hậm hực không thể phủ nhận được tầm quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hoa Kỳ hiện nay và càng không thể xuyên tạc được thực tế tình hình nhân quyền của Việt Nam.

Công Luận (BPO)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này