Chỉ một màu cờ

 Chỉ một màu cờ

Tà Tổng – một xã nghèo trong huyện nghèo Mường Tè của tỉnh Lai Châu. Trước đây người ta vẫn quen gọi Tà Tổng là “vùng đất bị lãng quên”. Lý do là bởi Đà Giang chia cắt và những dãy núi chót vót bao bọc đã gần như cô lập xã vùng cao này. Lâu nay nhắc đến đây, người ta thường liên tưởng đến thuốc phiện, đói nghèo hay các vấn đề về dân tộc, tôn giáo. Điểm nóng này lên đến đỉnh điểm khi bọn tội phạm dụ dỗ, kích động bà con thành lập “nhà nước riêng”.

Tà Tổng từng được gọi là "vùng đất bị lãng quên" vì cách sông cách núi, tuy nhiên hiện nay Tà Tổng đã và đang chuyển mình. (trong ảnh: Người dân xã Tà Tổng thực hiện quyền công dân trong dịp bầu cử năm 2021)
Tà Tổng từng được gọi là “vùng đất bị lãng quên” vì cách sông cách núi, tuy nhiên hiện nay Tà Tổng đã và đang chuyển mình. (trong ảnh: Người dân xã Tà Tổng thực hiện quyền công dân trong dịp bầu cử năm 2021)

Thế nhưng hiện nay, điểm nóng về an ninh ngày nào, giờ dần dần trở thành điểm sáng. Sau bao gian lao, vất vả, mồ hôi và thậm chí máu của bao người đổ xuống, ở những bản làng của Tà Tổng giờ chỉ còn duy nhất một màu cờ đỏ, ngạo nghễ, thiêng liêng.

Bài 1: Bão ngầm ở vùng đất “bị lãng quên”

Chắc có lẽ bởi cái sự mắc núi, mắc sông nên thiên nhiên dường như ưu ái cho Tà Tổng một diện tích bao la trù phú. Trớ trêu thay vùng đất này lại vô cùng phù hợp với cây anh túc đến nỗi dân “ăn hàng” còn xếp thuốc phiện ở Tà Tổng thuộc hạng “cực phẩm”! Nghiện thì nghèo, nghèo thì đi liền với lạc hậu, những người ở vào hoàn cảnh ấy cũng dễ trở thành công cụ cho các loại tội phạm lợi dụng, đến nỗi rơi vào vòng lao lý.

Ở nơi thuốc phiện được ví nhiều như… gạo!

“Trời ban” cho hơn 7.000 người dân xã Tà Tổng (tại 11 bản và 4 điểm dân cư, 95% là đồng bào dân tộc H’Mông) một vùng lãnh thổ rộng đến nỗi là niềm khát khao của nhiều tỉnh, thành phố.

Với hơn 51.000ha, nếu đem so tỉnh Bắc Ninh (hơn 82.000ha) thì Tà Tổng thậm chí còn chiếm hơn 60% diện tích tỉnh này. Địa bàn rộng lớn đến vậy mà lâu nay cái đói, cái nghèo cứ lẵng nhẵng bám riết những phận người nơi đây.

Báo cáo chính trị Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 5, nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua có một con số khiến nhiều người phải giật mình: Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt có 9,9 triệu đồng/năm. Như vậy nếu chia bình quân, dù có làm tròn số theo hướng tích cực thì mỗi người dân ở đây chỉ có thu nhập chưa đến 30.000 đồng/ngày -số tiền vừa đủ để mua một bát phở! Chẳng phải mẹ thiên nhiên khắt khe. Không phải bà con không chăm chỉ. Và như ông Giàng Dũng Khá, một lão niên uy tín ở bản Tà Tổng khẳng định, cũng chẳng phải Đảng, Nhà nước thiếu sự quan tâm đâu; đói nghèo cơ bản do nghiện thuốc phiện thôi mà.

Chỉ một màu cờ ảnh 1
Tái trồng cây thuốc phiện đã từng là vấn nạn ở Tà Tổng.

Nguyên nhân khiến đồng bào ở đây bao đời chẳng vươn lên được có lẽ có nhiều, nhưng nguyên nhân chính đúng như lời vị già làng Dũng Khá nói ở trên. Chứng minh cho điều này, đồng chí Giàng A Chu, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã cho hay, những năm 2015 ở bản A Mé có khoảng 30 hộ dân thì 80% số hộ có người nghiện, có hộ thậm chí có nhiều người cùng nghiện thuốc phiện.

Còn ở bản Cô Lô Hồ có khoảng 70 hộ thì cũng tới hơn 50% số hộ có người nghiện. Ở các bản khác, hầu như không bản nào không nhức nhối về tình trạng nghiện thuốc phiện. Hiện nay, xã còn đến 197 người nghiện được quản lý. Tuy nhiên, con số thực tế có thể cao hơn.

Đã có lúc, ở đây người già nghiện, người trẻ cũng nghiện, đàn ông hút đàn bà cũng “chân duỗi, chân co”. Có người có “thâm niên” nghiện thuốc phiện đến mấy chục năm. Đến cả thầy giáo vào đây dạy, vì xa xôi cách trở, vì cô tịch đìu hiu, do thiếu thốn bốn bề nên cũng chẳng giữ được mình mà tặc lưỡi buông thả như thể thuận theo phải thế. Không những vậy có cả cán bộ xã, rồi cán bộ huyện là người ở xã này cũng rơi vào vòng lao lý vì thuốc phiện. Theo lời Trưởng Công an xã, Đại úy Lý Phùy Chóng, chỉ vài năm trước chứ đâu xa, có ngày anh phá tới 7 vụ án liên quan ma túy, còn những ngày bắt lẻ tẻ thì không nhớ nổi.

Chỉ một màu cờ ảnh 2
Hiện nay người nghiện ở Tà Tổng đã được quản lý, đa số họ đã tham gia uống Methadone.

Là điểm nóng về số người nghiện ma túy trong khi người dân lại nghèo, để cung phụng được “nàng tiên nâu” người ta chỉ còn cách tự túc, tự cấp. Những năm 2015, vào mùa xuân không khó để bắt gặp những đám nương, trảng rừng ngập màu hoa anh túc. Những cán bộ đã từng tham gia phá nhổ cây thuốc phiện thời điểm ấy đã phải dùng từ “mệt nghỉ” khi kể về những lần hành quân tiễu trừ loài hoa ma mị kia.

Ở thời điểm đó, nếu nói thuốc phiện nhiều như gạo thì hơi ngoa; nhưng con số sau có thể chứng minh mức phổ biến của loại cây này. Niên vụ 2015, hơn 8,5ha diện tích cây thuốc phiện được phá nhổ (bằng 1/10 diện tích trồng lúa của cả xã lúc bấy giờ). Mà đây cũng chỉ phần nổi của tảng băng chìm, chỉ là những diện tích được phát hiện và phá nhổ, còn theo như lời kể của người dân thì rất khó để tìm thấy và “đào tận gốc, trốc tận rễ” loại cây này. Những trảng nương thuốc phiện như ung nhọt di căn, nhổ chỗ này lại mọc lên chỗ khác, phá ở đám nương gần thì lại được gieo trồng ở cánh rừng xa. Dưới bóng “mây nâu”, Tà Tổng cứ “quằn quại” mãi trong đói nghèo.

Ao Rồng – mảng màu xám, tối

Sông Đà, con sông đi vào thi ca với sự nổi tiếng hùng vĩ và hung tợn. Ở hữu ngạn sông, những năm trước đây, Tà Tổng gần như bị cô lập. Cây cầu treo Pô Lếch dài cả trăm mét, cao đến vài chục mét so với những con sóng “há mõm” gầm gào, là huyết mạch của xã này nối với “thế giới bên ngoài”. Trên cây cầu ấy, nhiều người đi ra gần giữa, nhìn xuống dòng sông là bủn rủn chân tay, phải dắt mới qua được.

Chỉ một màu cờ ảnh 3
Những năm 2015 trở về trước, đây đã từng là đường đến trường của học sinh ở vùng Nậm Ngà xã Tà Tổng.

Tương tự đường lên xã bấy giờ chỉ là những lối mòn mà nếu không biết sẽ tưởng là đường chuột đi, khỉ chạy, vì phải leo, phải trèo bằng cả tứ chi. Không phải Nhà nước bỏ quên bà con, bởi cái nghèo chung mà để làm được một cây cầu cứng qua sông, và mở được tuyến đường vài chục cây số lên xã ở thời điểm đấy là việc vô cùng khó khăn. Bởi vậy, Tà Tổng mãi bị bủa vây bởi nghèo đói, nghiện ngập, lạc hậu.

Đời sống vật chất không bảo đảm, đời sống tinh thần còn khó khăn chính là địa bàn lý tưởng cho bọn tội phạm hoạt động, từ tội phạm ma túy, trộm cắp vặt, di dịch cư tự do rồi đến hoạt động tuyên truyền đạo trái pháp luật. Theo thống kê của Ủy ban nhân dân xã, hiện nay, toàn xã có 733 hộ với hơn 4.100 nhân khẩu theo đạo. Đặc biệt, lợi dụng chính sách tự do tôn giáo, ở một số điểm trên địa bàn đã xuất hiện “đạo lạ”. Từ tháng 7/2017, cái gọi là “đạo Bà Cô Dợ” đã xuất hiện trên địa bàn và ngày càng mở rộng phạm vi hoạt động. Đến nay có 33 hộ, 178 nhân khẩu theo đạo này.

Chỉ một màu cờ ảnh 4
Tà Tổng của một thời lạc hậu, phức tạp. (Trong ảnh: Trung tâm xã Tà Tổng năm 2010)

Điều đáng nói của đạo này là khiến người dân trở nên mê muội, tin vào việc cầu nguyện và chỉ cần cầu nguyện mọi thứ sẽ đến; thậm chí là không làm cũng có ăn. Và khi đã theo thì bà con không còn giữ được truyền thống tín ngưỡng, tâm linh thuần túy. Cũng bởi nhẹ dạ, nhiều người dân đã bị lợi dụng, dụ dỗ dẫn đến những việc làm phi pháp như là đòi thành lập “nhà nước riêng”.

Đỉnh điểm của việc này diễn ra vào ngày 1/1/2020, ở khu vực núi Ao Rồng gần bản Giàng Ly Cha, một nhóm người dân bị lôi kéo đã đi theo kẻ xấu đã tuyên bố tự thành lập “nhà nước riêng” với đầy đủ bộ sậu của “chính phủ”. Với đủ cách lôi kéo và những lời hứa vô lý đến mức hão huyền như: Người tham gia sẽ được làm quan, làm bộ trưởng, tỉnh trưởng… Sự kiện trên đã lôi kéo được khoảng hơn 200 người dân tộc H’Mông tham gia, trong đó có 80 người tích cực móc nối, tiếp sức cho các đối tượng cộm cán.

Tất nhiên ngay sau đó vụ việc được xử lý, đám đông được giải tán, nhiều thành phần cộm cán bị bắt, trả lại sự thanh bình cho vùng đất “bị lãng quên”. Tuy nhiên, trong số 80 người hỗ trợ tích cực cho bọn tội phạm, có tới 75 người ở xã Tà Tổng. Lẽ đương nhiên là có một bản án thích đáng cho những người phạm tội, nhưng hậu quả mà nó để lại cho người dân thì dai dẳng, nhất là những đứa trẻ cô đơn, sống lay lắt trong sự đùm bọc qua ngày của bản làng vì cha, mẹ vướng vòng lao lý.

Chỉ một màu cờ ảnh 5
Cho đến hiện tại, chuyện ở Ao Rồng được xem là vết “tâm thương” của người dân Tà Tổng.

Bây giờ, chuyện ở Ao Rồng được xem là vết “tâm thương”, mỗi lần nhắc đến lại làm cho người dân ở đây nghẹn khuất. Họ xấu hổ và họ cũng thấy rất đau. Xấu hổ vì khi đó họ đã nhẹ dạ, nhưng đau vì mất người, mất của; đau thay cho những đứa trẻ bơ vơ vì cha mẹ ngồi tù.

Ở thời điểm ấy, có người đã dốc hết thóc giống, lợn gà để góp cho cái “nhà nước riêng” kia. Rồi đến khi ngã ngửa ra, con lợn mổ để “khao quân” còn chưa kịp ăn, những nồi cơm còn chưa kịp chín thì cái “chính phủ” với những “thần tượng” hoang đường đã phải tra tay vào còng. Và với người Tà Tổng, sự kiện Ao Rồng dù có lùi vào quá khứ thì vẫn là màng mầu xám, tối, bài học đắt giá lâu dài cho những người nhẹ dạ cả tin.

TUẤN – KIÊN – DŨNG

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này