Cách mạng Tháng Tám thành công không phải là “sự ăn may”
Cách mạng Tháng Tám thành công không phải là “sự ăn may”
Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là kết quả tất yếu của một quá trình chuẩn bị lâu dài, trải qua 3 cuộc vận động cách mạng lớn để khi tình thế trực tiếp xuất hiện, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, toàn thể nhân dân Việt Nam đã nhất tề đứng lên làm cuộc cách mạng lật đổ ách thống trị của phát xít Nhật và tay sai, giành chính quyền về tay nhân dân.
Nhờ có sự chuẩn bị chu đáo, tạo thế, tạo lực và nắm bắt đúng thời cơ mà chỉ trong vòng hai tuần (từ ngày 14 đến 28-8-1945), cuộc tổng khởi nghĩa đã nổ ra và giành thắng lợi trên phạm vi cả nước. Sự thật lịch sử là như vậy. Ấy thế mà gần 8 thập niên trôi qua kể từ khi diễn ra sự kiện này, vẫn còn có những ý kiến cho rằng Cách mạng Tháng Tám năm 1945 ở Việt Nam bùng nổ và thành công nhanh chóng chẳng qua là một “sự ăn may” do khách quan mang lại, nhờ vào cái gọi là “khoảng trống quyền lực” và nhờ vào việc “quân đội Nhật Bản đã đầu hàng quân Đồng minh”… Trong số đó, có người chưa hiểu thấu đáo, nhưng cũng có người cố tình không hiểu nhằm hạ thấp vai trò lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh, hạ thấp vai trò của quần chúng nhân dân trong cuộc cách mạng vĩ đại này, làm lu mờ ý nghĩa to lớn của nó. Vậy đâu là sự thật lịch sử?
Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát lớn Hà Nội ngày 19/8/1945. Ảnh: Tư liệu – TTXVN |
Trước hết, cần phải khẳng định, trong khoảng thời gian từ khi quân Nhật làm cuộc đảo chính lật đổ Pháp (9-3-1945) đến ngày Hà Nội tổng khởi nghĩa thành công (19-8-1945), ở Việt Nam không hề tồn tại một “khoảng trống quyền lực” nào cả.
Như nhiều người đã biết, ngay sau cuộc đảo chính lật đổ quân Pháp, Tập đoàn quân 38 của Nhật đã nhanh chóng thiết lập bộ máy thống trị giành quyền kiểm soát trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam và Đông Dương. Các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng, Sài Gòn, Đà Nẵng… đều đặt dưới sự kiểm soát của quân Nhật. Chính phủ Trần Trọng Kim-một bộ máy chính quyền do Nhật dựng lên-tuy không nắm thực quyền nhưng vẫn là một chính phủ đầy đủ ban bệ. Chính phủ này cho đến ngày 17-8 vẫn còn cử người liên lạc, “mặc cả” với Việt Minh đòi chia sẻ quyền lực.
Trước đó, ngày 14-8, một ngày sau khi Ủy ban khởi nghĩa phát đi bản Quân lệnh số 1, Chính phủ Trần Trọng Kim còn ra tuyên bố “Nhất quyết không chịu lùi một bước trước một khó khăn nào để làm tròn sứ mệnh…” và họ cam đoan “vẫn hợp tác chặt chẽ với nhà đương cục Nhật”(1). Ngay trong ngày 19-8, tại Hà Nội vẫn còn diễn ra một cuộc “dàn xếp thỏa hiệp” giữa chính phủ Trần Trọng Kim với chỉ huy Tập đoàn quân 38 của Nhật. Tuy nhiên sự thỏa hiệp đó bất thành.
“Mau lẹ, kịp thời nổ ra đúng lúc phải nổ. Đó là đặc điểm nổi bật của Cách mạng tháng Tám năm 1945” – Đồng chí Trường Chinh |
Để tăng thêm phần thuyết phục, có người lý giải nguyên nhân dẫn đến “khoảng trống quyền lực” ở Việt Nam thời điểm này là do “Chính sách của đồng minh đối với Đông Dương trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 8-1945 là ngu dốt và quên lãng; còn chính sách của Pháp thì bối rối và bất lực”(2). Thực tế có phải vậy?
Qua các nguồn tư liệu cho thấy, lúc bấy giờ cả Anh, Mỹ và Pháp đều thừa hiểu sớm muộn gì thì phát xít Nhật cũng lật đổ Pháp để độc chiếm Đông Dương. Mặc dù vậy, họ đều không thể làm gì được để xoay chuyển tình thế vì lúc bấy giờ cả Anh và Mỹ còn có những tính toán và theo đuổi mục tiêu khác quan trọng hơn. Vào thời điểm này (sau ngày 9-3) trên thực tế đồng minh chưa đủ sức để có thể đánh bại được đạo quân Nhật ở Đông Dương. Còn phía Pháp thì “lực bất tòng tâm”. Sau đảo chính, phần lớn quân Pháp bị Nhật bắt và giải giáp, một số chạy thoát được sang Lào thì rệu rã, giảm sút nhuệ khí. Pháp gần như không còn có vai trò đáng kể ở Việt Nam kể từ sau sự kiện ngày 9-3. Đến tận ngày 17-8, Pháp mới quyết định bổ nhiệm D’Argenlieu làm Cao ủy và Leclerc làm Tổng chỉ huy chuẩn bị đưa quân trở lại Đông Dương và tới ngày 12-9, khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời được 10 ngày thì đơn vị quân Pháp đầu tiên mới theo gót quân Anh tới Sài Gòn. Có thể nói, đối tượng chính của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 là phát xít Nhật và bộ máy chính quyền tay sai do Nhật dựng lên chứ không phải là Pháp.
Chưa dừng lại ở những luận điểm nêu trên, một số người còn cho rằng Cách mạng Tháng Tám đã bùng nổ sau khi Nhật Bản chấp nhận đầu hàng không điều kiện các lực lượng Đồng minh chống phát xít và quân đội Nhật ở Việt Nam đã mất nhuệ khí, không còn chống cự.
Sự thật không phải như vậy, mà thực tế là: 12 giờ ngày 15-8, qua đài Tokyo, Nhật hoàng Hirohito đọc chiếu chỉ “xin chấp nhận bản Tuyên bố Postdam ngày 26-7”. Điều đáng nói đây chưa phải là một tuyên bố chấp nhận “đầu hàng vô điều kiện”, mà mới chỉ là một đề nghị ngừng bắn. Hơn nữa, bản chiếu chỉ đó cũng chưa được chuyển đạt tới cho Tập đoàn quân 38 của Nhật ở Đông Dương.
Theo ông Lê Trọng Nghĩa (Ủy viên Ủy ban khởi nghĩa Hà Nội năm 1945, sau này là Cục trưởng Cục Quân báo), người được giao trực tiếp đi gặp Đại sứ Nhật Bản Tsukamoto vào tối 19-8-1945 thì phải đến ngày 21-8, tức là hai ngày sau khi Tổng khởi nghĩa thành công ở Hà Nội, chỉ huy Tập đoàn quân 38 của Nhật ở Việt Nam mới nhận được lệnh “đình chỉ chiến tranh”. Khi chiếc máy bay chở Thiếu tá Patti, chỉ huy đội “tiền trạm” của quân đồng minh vừa vào tới vùng trời Hà Nội định đáp xuống sân bay Bạch Mai thì bị lực lượng phòng không của Nhật nã đạn buộc phải quay trở lại Côn Minh.
Ngày 22-8, chiếc máy bay này tiếp tục đáp xuống sân bay Gia Lâm trong khi các sĩ quan Nhật tại đây vẫn chưa nhận được chỉ thị gì cả. Trước đó, trong các ngày 17, 18-8, tại Hà Nội, quân Nhật vẫn rất hung hăng, xe tăng, các chốt kiểm soát vẫn luôn sẵn sàng nã đạn gây tình hình rất căng thẳng. Tại nhiều địa phương đã nổ ra những cuộc đụng độ giữa các đơn vị Việt Nam Giải phóng quân và LLVT cách mạng Việt Nam với quân Nhật…
Điểm qua một số sự kiện như trên để thấy rằng Tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân Việt Nam nổ ra và thành công trong bối cảnh quân đội Nhật Bản ở Đông Dương vẫn chưa đầu hàng các lực lượng Đồng minh chống phát xít và đạo quân phương Nam của Nhật ở Đông Dương tuy có suy giảm về tinh thần nhưng thực lực vẫn còn đang sung sức.
Thời cơ tổng khởi nghĩa chỉ xuất hiện trong một khoảng thời gian rất ngắn, nhưng đó là “thời cơ vàng” mà Đảng ta, đứng đầu là Bác Hồ đã kịp thời chớp lấy, lãnh đạo toàn dân dốc toàn lực tung ra đòn quyết định giành chính quyền trong cả nước một cách nhanh nhất. Tổng khởi nghĩa nổ ra vào thời điểm khi mà ở trong nước, cao trào kháng Nhật, cứu nước đã phát triển lên đến đỉnh cao, chỉ huy Tập đoàn quân 38 của Nhật tuy chưa nhận được lệnh ngừng bắn nhưng tỏ ra bối rối trước diễn biến của tình hình; chính quyền tay sai hoang mang và tỏ ra bất lực; quân Nhật ở Đông Dương tuy còn đông và trang bị mạnh nhưng nhuệ khí và tinh thần chiến đấu đã suy giảm; quân đội Anh, Pháp, Tưởng thì chưa kịp kéo vào.
Phải một tuần sau khi Việt Nam tuyên bố độc lập, ngày 9-9 phái đoàn tiền trạm của Trung Hoa Dân quốc do Tiêu Văn dẫn đầu mới tới Hà Nội, sau đó, ngày 14-9 là bộ sậu của Lư Hán và tới ngày 28-9-1945, lễ đầu hàng của quân đội Nhật Bản mới chính thức diễn ra tại Hà Nội. Đây là thời cơ ngàn năm có một cho Tổng khởi nghĩa. Bởi nếu Tổng khởi nghĩa nổ ra sớm hơn, khi Nhật chưa chấp nhận bản Tuyên bố Postdam của đồng minh thì sẽ gặp rất nhiều khó khăn, trở ngại. Nhưng nếu nổ ra muộn hơn, khi quân Anh, Pháp và Tưởng đã kéo vào núp dưới cái ô “giải giáp quân Nhật” thì thời cơ thuận lợi nhất có thể sẽ trôi qua. Không phải ngẫu nhiên mà lúc này, lãnh tụ Hồ Chí Minh mặc dù đang ốm nặng vẫn cố gượng dậy căn dặn đồng chí Võ Nguyên Giáp: Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập.
“Trong các cuộc cách mạng cộng sản, cách mạng của những người Việt Nam nổi lên như là một trong những cuộc cách mạng có sức sống và làm đảo lộn nhiều nhất”-Stein Tonnesson, học giả người Na Uy. |
Cách mạng Tháng Tám diễn ra và kết thúc nhanh gọn trên phạm vi cả nước. Có được điều kỳ diệu đó “căn bản là do lực lượng chính trị của nhân dân đã kịp thời nắm lấy cơ hội thuận lợi nhất, khởi nghĩa giành chính quyền nhà nước. Nhưng nếu Đảng ta trước đó không xây dựng LLVT và thành lập các khu căn cứ rộng lớn để làm chỗ dựa cho lực lượng chính trị, và phong trào đấu tranh chính trị, và khi điều kiện đã chín muồi, không mau lẹ phát động cuộc khởi nghĩa vũ trang thì cách mạng không thể mau chóng giành được thắng lợi”(3).
Quá trình tạo thế, tạo lực để đón thời cơ đã được Đảng ta chuẩn bị từ rất sớm, ngay từ Hội nghị Trung ương 6 (1939), Hội nghị Trung ương 7 (1940) và đặc biệt là Hội nghị Trung ương 8 (1941)-hội nghị hoàn chỉnh sự chuyển hướng chỉ đạo chiến lược, xác định giải phóng dân tộc là nhiệm vụ hàng đầu. Với nghị quyết của Hội nghị Trung ương 8, công cuộc chuẩn bị khởi nghĩa vũ trang trở thành nhiệm vụ trung tâm của toàn Đảng và toàn dân Việt Nam. Mặt trận Việt Minh ra đời. Việc xây dựng LLVT được định hình cụ thể cùng với việc xây dựng và mở rộng các căn cứ địa cách mạng… Tất cả đều nhằm sẵn sàng đáp ứng yêu cầu của tình thế, để không bỏ lỡ thời cơ chiến lược một khi nó xuất hiện.
Như vậy, có thể khẳng định, nhờ có một quá trình chuẩn bị chu đáo, tạo thế, tạo lực cho cách mạng, khi tình thế biến chuyển, thời cơ xuất hiện, Đảng Cộng sản Đông Dương đã kịp thời nắm bắt thời cơ, phát động toàn dân Tổng khởi nghĩa mới là nhân tố chính đưa đến thành công của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, chứ tuyệt nhiên không phải là một “sự ăn may”, “do yếu tố khách quan mang lại” như một số ý kiến đã ngộ nhận.
PGS, TS TRẦN NGỌC LONG
Nhận xét
Đăng nhận xét