Đảng là bà mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ
Đảng là bà mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ
Đảng là bà mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ
Công Minh
Với mục đích xấu là chống phá, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị tuyên truyền: Đảng Cộng sản Việt Nam thực chất không có sự đoàn kết thống nhất, trong nội bộ luôn diễn ra đấu đá, tranh giành quyền lực lẫn nhau. Như Đài RFA xuyên tạc đó là “cuộc xâu xé quyền lực mạnh được yếu thua”. Còn trên cái gọi là “Kênh truyền thông của luật sư Nguyễn Văn Đài”, đối tượng Nguyễn Văn Đài cho rằng: “Trong quan trường Cộng sản Việt Nam lúc thường nó đối xử với nhau rất là đồng chí, rất là anh em”; nhưng rồi y lại trắng trợn bịa đặt, vu cáo: “Trong quan trường Cộng sản nó sẵn sàng hạ bệ những người yếu thế”, “Không có thằng nào tử tế cả” và quy kết lãnh đạo Đảng: “độc tài ngay cả với hơn 5 triệu đảng viên Đảng Cộng sản, những người không quyền lực thì đều bị độc tài nó cai trị”…
Nhưng thực tế diễn ra ở Việt Nam đã bác bỏ những sự chống phá, vu cáo trắng trợn, thâm độc, bịa đặt trên của Nguyễn Văn Đài cũng như các thế lực xấu khác.
Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đến nay, Hồ Chí Minh và Đảng ta luôn duy trì tốt công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, trong đó giải quyết nghiêm túc, hài hòa mối quan hệ giữa sự nghiêm khắc với tính nhân văn.
Tại Hội nghị bồi dưỡng chỉnh huấn do Trung ương triệu tập vào tháng 1 – 1951, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đảng ta là một bà mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ”. Theo Người, Đảng là bà mẹ nghiêm ngặt vì nếu không có kỷ luật sắt thì không có Đảng. Cho nên đòi hỏi Đảng phải thực hiện nghiêm túc việc duy trì kỷ luật Đảng và kỷ luật thì phải thật sự tự giác, nghiêm minh. Trong tác phẩm nổi tiếng Sửa đổi lối làm việc, tháng 10 – 1947, Hồ Chí Minh viết: “Đảng phải giữ kỷ luật rất nghiêm từ trên xuống dưới. Kỷ luật này là tư tưởng phải nhất trí, hành động phải nhất trí. Kỷ luật này là do lòng tự giác của đảng viên về nhiệm vụ của họ đối với Đảng”.
Hồ Chí Minh phân tích: “Lầm lỗi có việc to, việc nhỏ. Nếu nhất luật không xử phạt thì sẽ mất cả kỷ luật, thì sẽ mở đường cho bọn cố ý phá hoại. Vì vậy, hoàn toàn không dùng xử phạt là không đúng. Mà chút gì cũng dùng đến xử phạt cũng không đúng”. Người cũng nhắc nhở phải xử lý nghiêm minh người phạm lỗi, tránh xuê xoa, hình thức: “Nhiều nơi các đồng chí phạm lỗi, nhưng không bị trừng phạt xứng đáng, có đồng chí bị hạ tầng công tác nơi này, đi nơi khác lại ở nguyên cấp cũ hay chỉ bị hạ tầng công tác theo hình thức, nhưng vẫn ở cấp bộ cũ làm việc”. Ngày 10 – 5 – 1950, khi nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ của Đảng, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Đảng có những điều kiện kỷ luật bắt buộc mỗi đảng viên phải theo. Không có kỷ luật sắt không có Đảng. Đã vào Đảng thì phải theo tư tưởng của Đảng. Đảng đã chỉ thị nghị quyết là phải làm. Không làm thì đuổi ra ngoài Đảng”.
Nhưng theo tư tưởng của Hồ Chí Minh, kỷ luật nghiêm ngặt không phải là đấu đá nội bộ, sát hại lẫn nhau mà kỷ luật nghiêm ngặt là để giúp nhau tiến bộ, là để Đảng đoàn kết, thống nhất, vững mạnh hơn. Và, cùng với nghiêm ngặt thì Đảng cũng rất hiền từ, thể hiện rất rõ tính nhân văn và mối quan hệ biện chứng, chặt chẽ giữa nghiêm ngặt với hiền từ, nhân văn.
Hồ Chí Minh luôn chú trọng rèn luyện Đảng ta trở thành người mẹ hiền từ biết nuôi dưỡng, sử dụng, chăm sóc cán bộ, đảng viên của mình. Người yêu cầu việc sử dụng cán bộ, đảng viên sao cho khéo và hiệu quả. Người chỉ rõ cán bộ, đảng viên luôn có cả điểm mạnh lẫn điểm yếu, Đảng phải biết cách phát huy ưu điểm, khắc phục khuyết điểm để họ tiến bộ không ngừng, phục vụ được tốt cho Đảng, cách mạng và nhân dân. Trong Thư gửi các đồng chí Bắc Bộ, ngày 1 – 3 – 1947, Người viết: “…người đời ai cũng có chỗ hay chỗ dở. Ta phải dùng chỗ hay của người và giúp người chữa chỗ dở”. Trong Sửa đổi lối làm việc, Người nêu rõ quan điểm đánh giá, sử dụng cán bộ rất nhân văn: “Nếu có cán bộ không yên tâm làm việc, ta phải xét rõ cái chỗ lãnh đạo không đúng của ta, để thuyết phục và khuyên gắng người đó. Nếu vì công tác không hợp với năng lực của họ, phải tìm công việc thích hợp hơn cho họ làm”.
Hồ Chí Minh thường xuyên nhắc nhở Đảng phải chú ý chăm sóc giúp đỡ cán bộ, đảng viên. “Đối với cán bộ, chẳng những phải xem xét rõ ràng trước khi cất nhắc, mà sau khi đã cất nhắc phải giúp đỡ họ, khuyên gắng họ, vun trồng lòng tự tin, tự trọng của họ”. Người chỉ ra rất cụ thể: “Cần phải giúp cho họ học hành, giúp cho họ làm việc và tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ về mặt sinh hoạt, trong lúc ốm đau. Khiến cho họ ham làm việc, vui làm việc”.
Với quan điểm rất nhân văn về thành phần của cán bộ, đảng viên, người tham gia cách mạng, ngày 30 – 3 – 1956 trên báo Nhân Dân, Hồ Chủ tịch viết: “Còn về thành phần và quan hệ – Trước khi ra đời, người ta không thể lựa chọn sinh ra ở giai cấp nào, ở gia đình nào. Thành phần giai cấp nhất định có ảnh hưởng đến tư tưởng của con người. Nhưng nó không phải là một ảnh hưởng quyết định, không khắc phục được. Khi đã đứng vào hàng ngũ cách mạng, đã được Đảng và nhân dân rèn luyện, người ta có thể đấu tranh và thoát ly ảnh hưởng của giai cấp xấu, thoát ly những quan hệ xấu”.
Ngay cả khi cán bộ, đảng viên mắc khuyết điểm, sai phạm, Hồ Chí Minh và Đảng ta có quan điểm rất rõ ràng: không bao che, nhưng cũng không bỏ rơi, ruồng rẫy hay trù úm họ mà giúp đỡ họ với tinh thần nghiêm minh, nhân văn nhất. Theo Hồ Chí Minh: “…đối với cán bộ bị sai lầm, ta quyết không nên nhận rằng họ muốn như thế, mà công kích họ. Trái lại, ta phải dùng thái độ thân thiết, giúp họ tìm ra cái cớ vì sao mà sai lầm? Sai lầm như thế, sẽ có hại đến công việc thế nào? Làm thế nào mà sửa chữa? Muốn họ thành tâm sửa chữa, phải giải thích rõ ràng, làm cho họ tự trông thấy, tự nhận rõ sự sai lầm đó, làm cho họ vui lòng sửa đổi, chứ không phải vì cưỡng bức mà sửa đổi”.
Những tư tưởng, lời dạy trên đây của Hồ Chí Minh và Đảng Cộng sản Việt Nam đã được Đảng thực hiện hiệu quả trong công tác xây dựng chỉnh đốn Đảng, góp phần để Đảng ta đủ phẩm chất, năng lực, uy tín lãnh đạo cách mạng Việt Nam trưởng thành và phát triển không ngừng. Thực tế những năm gần đây, nhất là trong cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí và xây dựng chỉnh đốn Đảng càng chứng minh điều đó. Đảng kiên quyết xử lý vi phạm của cán bộ, đảng viên, kể cả bằng pháp luật với tinh thần nghiêm minh, công khai, không có ngoại lệ, không có vùng cấm, (thông tin từ Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, cho biết: Năm 2022 có 539 đảng viên, trong đó có 47 cán bộ diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý, bị kỷ luật do tham nhũng, cố ý làm trái). Nhưng đồng thời Đảng cũng chú trọng đến sự nhân văn, nhất là đối với những người biết ăn năn, hối cải, sửa chữa sai lầm, khuyết điểm Đảng vẫn xử lý có tình, có nghĩa, tạo cơ hội cho họ sửa chữa, khắc phục. Những quy định mới đây của Đảng về xem xét giải quyết những vi phạm, khuyết điểm của cán bộ, đảng viên, chế độ chính sách với người có vi phạm tự nguyện khắc phục hậu quả, xin nghỉ, xin chuyển công tác… rất phù hợp với tình hình thực tế, mang tính nhân văn, minh bạch rất sâu sắc, trong đó có cả Quy định xin lỗi và phục hồi quyền lợi đối với đảng viên bị kỷ luật oan… được ban hành và thực hiện trên thực tế đã đem lại kết quả tích cực về nhiều mặt. Những cách làm trên đây của Đảng không chỉ được cán bộ, đảng viên của Đảng mà đông đảo quần chúng nhân dân cũng đồng tình, ủng hộ.
Tình hình và nhiệm vụ cách mạng hiện nay, đòi hỏi toàn Đảng và từng cán bộ, đảng viên phải tiếp tục không ngừng nỗ lực phấn đấu xứng đáng với Đảng – Người mẹ rất nghiêm ngặt mà cũng rất hiền từ của chúng ta! Người mẹ đáng kính mà như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định: “Thực tế từ ngày có Đảng, nhân dân ta đã có người lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt và nhờ thế chúng ta đã giành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, lập nên những kỳ tích trong thế kỷ XX. Trong thời kỳ đổi mới, Đảng ta đã lãnh đạo nhân dân ta vượt qua mọi khó khăn thách thức và đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử… Chúng ta hoàn toàn có quyền tự hào về bản chất tốt đẹp, truyền thống anh hùng và lịch sử vẻ vang của Đảng ta – Đảng do Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại sáng lập và rèn luyện, đại biểu của dân tộc Việt Nam anh hùng”.
Nhận xét
Đăng nhận xét