Quan điểm, chính sách của Việt Nam về quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao
Quan điểm, chính sách của Việt Nam về quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao
Quan điểm, chính sách của Việt Nam về quyền con người được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao
Quốc An
Ngày 11/10/2022, Việt Nam đã trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Kết quả này cho thấy cái nhìn đúng đắn của thế giới về nhân quyền Việt Nam và sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc. Kết quả ấy khẳng định những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao.
Tuy nhiên, bên cạnh các tiếng nói ủng hộ là cơ bản, một số cá nhân, tổ chức thù địch vẫn có những tiếng nói phản đối Việt Nam vào Hội đồng Nhân quyền thế giới vì cho rằng Việt Nam “không đủ tiêu chuẩn”… Chúng ta chẳng lạ gì những tổ chức, cá nhân vốn lâu nay thiếu thiện chí với Việt Nam. Những gì mà các tổ chức, cá nhân ấy nêu ra đã chứng tỏ họ không hiểu hoặc cố tình không hiểu về quan điểm, chính sách của Việt Nam về nhân quyền và những nỗ lực đóng góp của Việt Nam trong bảo đảm quyền con người trên thế giới.
Mục tiêu mà cả loài người hướng tới trong suốt chiều dài lịch sử là đấu tranh nhằm giải phóng con người, xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh. Đối với Việt Nam, một thực tế không ai có thể phủ nhận là do bị nước ngoài đô hộ trong một thời gian dài, để đấu tranh giành độc lập dân tộc và tự do của Tổ quốc, đất nước này đã phải gánh chịu những hy sinh, mất mát vô cùng to lớn. Qua nhiều thế kỷ, bằng cuộc đấu tranh kiên cường, bất khuất dân tộc Việt Nam đã khẳng định rằng, quyền thiêng liêng, cơ bản nhất của con người là quyền được sống trong độc lập, tự do, quyền được tự quyết định vận mệnh của mình. Đây cũng chính là nguyên tắc có tính nền tảng về quyền tự quyết dân tộc đã được khẳng định trong Hiến chương Liên Hợp Quốc và tại Điều 1 của cả 2 Công ước quốc tế cơ bản nhất của Liên Hợp Quốc về quyền con người: Công ước quốc tế về các quyền Kinh tế, Xã hội, Văn hoá và Công ước quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị.
Lúc sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh – người sáng lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (Nay là nước Cộng hòa XHCN Việt Nam luôn có một ước vọng: “Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành”. Ước vọng đó của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã phản ánh khát vọng của nhân dân Việt Nam, thể hiện những giá trị thiết yếu về quyền con người, là mục đích, tôn chỉ hoạt động xuyên suốt của Nhà nước Việt Nam. Nhà nước Việt Nam luôn xác định con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của sự nghiệp xây dựng đất nước. Nhà nước Việt Nam khẳng định con người là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển kinh tế – xã hội, thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là nhân tố quan trọng cho sự phát triển bền vững, bảo đảm thắng lợi sự nghiệp đổi mới xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN. Mọi chủ trương, đường lối, chính sách của Việt Nam đều nhằm phấn đấu cho mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”.
Từng là nạn nhân của nhiều cuộc chiến tranh xâm lược, bị vi phạm lớn nhất quyền con người, hơn ai hết Việt Nam hiểu rõ rằng quyền con người vừa mang tính phổ biến, thể hiện khát vọng chung của nhân loại, được ghi trong Hiến chương của Liên Hợp Quốc, vừa có tính đặc thù đối với từng xã hội và cộng đồng. Chính phủ Việt Nam cho rằng, trong một thế giới ngày càng đa dạng, khi tiếp cận và xử lý vấn đề quyền con người cần kết hợp hài hòa các chuẩn mực, nguyên tắc chung của luật pháp quốc tế với những điều kiện đặc thù về lịch sử, chính trị, kinh tế – xã hội, các giá trị văn hoá, tôn giáo, tín ngưỡng, phong tục tập quán của mỗi quốc gia và khu vực. Không một nước nào có quyền áp đặt mô hình chính trị, kinh tế, văn hoá của mình cho một quốc gia khác. Việt Nam cho rằng, cần tiếp cận một cách toàn diện tất cả các quyền con người về dân sự, chính trị, kinh tế, xã hội, văn hoá trong một tổng thể hài hoà, không được xem nhẹ bất cứ quyền nào. Đồng thời, các quyền và tự do của mỗi cá nhân chỉ có thể được bảo đảm và phát huy trên cơ sở tôn trọng quyền và lợi ích chung của dân tộc và cộng đồng; quyền lợi phải đi đôi với nghĩa vụ đối với xã hội. Việc chỉ ưu tiên hoặc tuyệt đối hóa các quyền dân sự, chính trị và một số quyền tự do cá nhân, không quan tâm thích đáng đến quyền phát triển, các quyền kinh tế, xã hội và văn hoá của cả cộng đồng là cách đề cập phiến diện, không phản ánh đầy đủ bức tranh toàn cảnh về quyền con người .
Chính phủ Việt Nam cho rằng, việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm và quyền hạn của mỗi quốc gia. Các quốc gia có trách nhiệm xây dựng hệ thống pháp luật trong nước phù hợp với các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế, đặc biệt là Hiến chương Liên hợp quốc có tính đến hoàn cảnh của mỗi nước để bảo đảm cho người dân được thụ hưởng quyền con người một cách tốt nhất. Do khác biệt về hoàn cảnh lịch sử, chế độ chính trị, trình độ phát triển, giá trị truyền thống văn hóa… nên cách tiếp cận về quyền con người của mỗi quốc gia có thể khác nhau. Việc hợp tác và đối thoại giữa các quốc gia để thúc đẩy và bảo vệ quyền con người là một yêu cầu cần thiết và khách quan. Việt Nam ủng hộ việc tăng cường hợp tác quốc tế trong lĩnh vực quyền con người trên cơ sở đối thoại bình đẳng, xây dựng, tôn trọng và hiểu biết lẫn nhau, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, vì mục tiêu chung là thúc đẩy và bảo vệ ngày càng tốt hơn các quyền con người. Việt Nam cũng cho rằng không nước nào có quyền sử dụng vấn đề quyền con người làm công cụ can thiệp vào công việc nội bộ các quốc gia, gây đối đầu, gây sức ép chính trị, thậm chí sử dụng vũ lực hoặc làm điều kiện trong quan hệ hợp tác kinh tế, thương mại… với nước khác.
Trong một thế giới tùy thuộc lẫn nhau, các quyền con người chỉ có thể được tôn trọng và bảo vệ trong một môi trường hòa bình, an ninh, bình đẳng và phát triển bền vững, trong đó các giá trị nhân bản được tôn trọng và bảo vệ. Cuộc đấu tranh vì các quyền con người cần tiến hành đồng thời với các biện pháp ngăn chặn các cuộc chiến tranh, xung đột, khủng bố, nghèo đói, dịch bệnh, tội phạm xuyên quốc gia… đang hàng ngày, hàng giờ đe dọa hòa bình, an ninh, độc lập và phồn vinh của mọi quốc gia, ngăn cản việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người trên toàn thế giới.
Các quan điểm nêu trên của Việt Nam hoàn toàn phù hợp với các nguyên tắc, nội dung cơ bản và xu thế phát triển theo hướng tiến bộ của luật pháp quốc tế nói chung và trong lĩnh vực quyền con người nói riêng. Chủ trương nhất quán của Nhà nước Việt Nam là không ngừng phát triển quyền con người. Xuất phát từ chủ trương ấy, để bảo đảm các quyền con người được tôn trọng và thực hiện một cách đầy đủ nhất Nhà nước Cộng hòa XHCN Việt Nam đã và đang xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Theo Việt Nam một khi đã được Hiến pháp và pháp luật ghi nhận, quyền con người sẽ trở thành ý chí chung của toàn xã hội, được xã hội tuân thủ và được pháp luật bảo vệ.
Ngay sau khi giành được độc lập năm 1945, quyền con người, quyền công dân đã được ghi nhận trong Hiến pháp năm 1946 của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và sau đó tiếp tục được khẳng định, mở rộng trong các Hiến pháp năm 1959, 1980 và 1992 (sửa đổi năm 2001) và hiện nay Hiến pháp Việt Nam năm 2013, văn kiện pháp lý cao nhất của Nhà nước Việt Nam, đã ghi nhận một cách trang trọng, rõ ràng và toàn diện các quyền con người và nội dung các quyền này đã được thể hiện xuyên suốt trong các chương, mục của Hiến pháp. Các quyền con người quy định trong Hiến pháp đã không ngừng được cụ thể hóa trong các văn bản pháp quy của Việt Nam.
Cần khẳng định, Hiến pháp và pháp luật Việt Nam đã thể hiện đầy đủ tất cả các quyền cơ bản, phổ biến của con người được nêu trong Tuyên ngôn Nhân quyền thế giới năm 1948 và các công ước quốc tế khác của Liên hợp quốc về quyền con người. Điều này chứng tỏ những tiến bộ vượt bậc và những cố gắng rất lớn của Nhà nước Việt Nam trong việc tôn trọng, bảo vệ và bảo đảm quyền con người trong bối cảnh Việt Nam còn đang trong quá trình xây dựng một Nhà nước pháp quyền XHCN, khi tình hình kinh tế, xã hội của đất nước còn nhiều khó khăn.
Việt Nam trúng cử Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Kết quả này cho thấy sự tham gia tích cực của Việt Nam trong các hoạt động của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc; khẳng định rõ quan điểm, chính sách nhất quán của Nhà nước Việt Nam về nhân quyền cùng những cam kết và nỗ lực mạnh mẽ của Việt Nam về thúc đẩy và bảo vệ quyền con người đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận, tin tưởng và đánh giá cao. Với trọng trách mới tại Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc, Việt Nam sẽ có cơ hội đóng góp vào thúc đẩy tất cả các quyền con người trên cơ sở khách quan, hợp tác và đối thoại… Kết quả này cũng là bằng chứng hùng hồn đập tan mọi âm mưu. luận điệu sai trái của một số cá nhân, tổ chức thù địch hòng lợi dụng vấn đề nhân quyền để chống phá Việt Nam./.
Nhận xét
Đăng nhận xét