Sự lan tỏa và âm hưởng của khúc ca về Tết Độc lập

 Sự lan tỏa và âm hưởng của khúc ca về Tết Độc lập

Sự lan tỏa và âm hưởng của khúc ca về Tết Độc lập

Dương Phương Duy

Tết Độc lập 2.9 – Sự thật không thể bẻ cong, chân lý không thể xuyên tạc

Dư âm của Tết Độc lập năm nay thật ngọt ngào, niềm vui thật trọn vẹn. Đó là cảm nhận của tuyệt đại đa số người dân Việt Nam về kỳ nghỉ Tết Độc lập 2.9 vừa qua. Thật khác những năm “giặc dịch Covid-19” hoành hành – trong những ngày Tết Độc lập, chúng ta đã phải căng mình phòng, chống giặc dịch, thì năm nay – trong bối cảnh bình thường mới, tình hình đã khác; nhân dân ta phấn khởi, nô nức chào mừng, kỷ niệm ngày Tết Độc lập – 77 năm Ngày ”Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và Quốc khánh 2.9 trong niềm vui xum họp, thật trang trọng, văn hóa, văn minh. Giá trị, ý nghĩa của ngày Tết Độc lập 2.9 thấm sâu vào từng người dân, mỗi gia đình, mỗi xóm làng, khu phố với tinh thần mới, niềm vui mới, khí thế mới.

Thế nhưng, đó đây trên các trang mạng xã hội vẫn còn những quan điểm sai trái, những giọng điệu lạc lõng, trắng trợn xuyên tạc sự thật, bôi đen hình ảnh đất nước, con người Việt Nam, phủ nhận thành quả, kỳ tích sau hơn 90 năm Đảng lãnh đạo Cách mạng Việt Nam, hơn 77 năm xây dựng và củng cố Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hòa (nay là Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Những người có quan điểm đối lập với Đảng, Nhà nước và chế độ ta đã phủ nhận sự thật lịch sử về Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9, coi thắng lợi của cuộc Cách mạng này “chỉ là sự tình cở”, “sự ăn may”; còn “Đảng Cộng sản Việt Nam và Cụ Hồ không có công cán gì”. Từ đó, họ phủ nhận vị trí, vai trò, tầm vóc, giá trị, ý nghĩa và sự ảnh hưởng to lớn, sức lan tỏa mạnh mẽ của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 đối với tiến trình Cách mạng Việt Nam. Họ đã có những lời thóa mạ cực kỳ thiếu văn hóa, vô trách nhiệm và hành vi thật vô liêm sỉ, hoàn toàn không thể chấp nhận.

Ai cũng biết: Mỗi người dân Việt Nam yêu nước và bạn bè quốc tế có lương tri, nhân phẩm, yêu chuộc hòa bình đều thừa nhận rằng, Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 là những mốc son chói lọi trong lịch sử dân tộc, bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam, sợi chỉ đỏ dẫn đường cho nhân dân Việt Nam thực hiện “cuộc đổi đời”, đi theo con đường chủ nghĩa xã hội mà chủ nghĩa Mác – Lênin đã chỉ ra, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Đó là sự thật khách quan, 77 năm qua, kể từ ngày Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc lập ngày 2-9-1945, trên Quảng trường Ba Đình, tuyên bố trước quốc dân đồng bào và và toàn thể nhân dân thế giới về sự ra đời của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa.

Sự kiện này đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam và lịch sử thế giới, không ai có thể chối cãi được. Thắng lợi của Cách mạng Việt Nam hơn 77 năm qua đã khẳng định sự thật ấy. Đúng là thời gian càng lùi xa thì tầm vóc, giá trị, ý nghĩa thắng lợi và bài học kinh nghiệm về phát huytinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 vào sự nghiệp kháng chiến, kiến quốc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vẫn còn nguyên giá trị, nhất làđối với việc phát huy nhân tố chính trị – tinh thần của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trong sự nghiệp Cách mạng Việt Nam, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Sự thật là, Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công là điều kiện quyết định để Quốc khánh 2.9 được tổ chức trọng thể, Bác Hồ đọc Tuyên Ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam dân chủ cộng hòa. Hai sự kiện này diễn ra chưa được bao lâu thì thực dân Pháp với sự tiếp sức của các nước đồng minh đã trở lại xâm lược nước ta lần thứ hai. Do đó, phát huy tinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 vào cuộc chiến đấu mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc huy động sức người, sức của cho cuộc kháng chiến chống quân xâm lược. Đáp lại Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến của Bác Hồ, quân và dân cả nước đã thực hiện lời thề “Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh”. Sự thật lịch sử những ngày đầu cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, cả lịch sử Cách mạng Việt Nam, lịch sử nước Pháp và lịch sử thế giới hiện đại đều ghi rõ điều ấy.

Với tinh thần “thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”, quân và dân ta đã đồng loạt đứng lên, muôn người như một, chung sức, đồng lòng, quyết tâm chiến đấu chống thực dân Pháp xâm lược để bảo vệ thành quả cách mạng, bảo vệ Nhà nước non trẻ và bảo vệ Tổ quốc lâm nguy. Tinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 cuồn cuộc dâng cao như “triều dâng, thác đổ”, là nguồn sức mạnh vô địch đã động viên, cổ vũ nhân dân cả nước “nuôi chí bền gan”, tự lực tự cường, “đem sức ta mà giải phóng cho ta”, một lòng một dạ vững tin theo Đảng, Bác Hồ, quyết chiến, quyết thắng quân xâm lược.

Tinh thần ấy, khí thế ấy đã kết tinh hồn thiêng sống núi, ý Đảng – lòng dân, đọng lại  bài học sâu sắc về việc quy tụ, tập hợp, phát huy và nhân lên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, là vũ khí “sắc bén” để quân và dân ta vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách“chung sức, đồng lòng”, “đồng tâm hiệp lực” gấp rút chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận, cách đánh,… phát huytinh thần yêu nước, lan tỏa hàokhí cách mạng, nâng ý chí, sức mạnh tinh thần lên tầm cao mới, trở thành chủ nghĩa anh hùng cách mạng Việt Nam, giúp quân và dân ta tiến hành cuộc kháng chiến toàn dân, toàn diện, trường kỳ, tự lực cánh sinh, dựa vào sức mình là chính nên đã giành thắng lợi to lớn, tiêu biểu là thắng lợi của trận quyết chiến chiến lược Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, mở ra giai đoạn mới của cách mạng Việt Nam.

Sức lan tỏa của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9

 Tinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9 được phát huy cao độ, trở thành tài sản tinh thần vô giá đồng hành cùng quân và dân ta trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, tạo nên các phong trào cách mạng rộng khắp. Nhờ đó, chúng ta đã huy động tối đa sức người, sức của cho cuộc kháng chiến với quyết tâm chính trị rất cao “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.

Tinh thần “không có gì quý hơn độc lập, tự do”, “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”,… đã hướng mọi suy nghĩ, hành động, mọi phong trào thi đua yêu nước và dẫn dắt toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta hướng về tiền tuyến lớn miền Nam, tất cả vì miền Nam ruột thịt; quyết tâm thực hiện Di chúc thiêng liêng của Bác Hồ kính yêu: giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.

Bước vào thời kỳ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, sau hơn 35 năm thực hiện đường lối đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo, quân và dân ta đã vượt qua mọi “sóng gió”, nhất là sự chống phá quyết liệt của “thù trong, giặc ngoài”, không những bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 mà còn giành được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử. “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”[1].

Đây là động lực quan trọng, sức mạnh to lớn để chúngta học tập kinh nghiệm đánh giá đúng thời cuộc, tận dụng thời cơ, vượt qua khó khăn, thách thức; vận dụng kinh nghiệm lãnh đạo Cách mạng Tháng Tám và khí thế, tinh thần Quốc khánh 2.9 vào việc ứng phó với những tác động đa chiều của toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, vững vàng, tin tưởng tiến bước trên con đường đổi mới, xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

 Tinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 thấm sâu vào trái tim, khối óc con người Việt Nam, in dấu ấn sâu đậm ở từng chiến công, thắng lợi của cách mạng Việt Nam, sáng ngời chủ nghĩa yêu nước thời đại Hồ Chí Minh.

Phát huy tinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay

Tuy nhiên, lịch sử không ngưng đọng mà luôn vận động, biến đổi không ngừng, tinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 luôn đóng vai trò kiến tạo, động lực phát triển của thời kỳ mới, là sự kết tinh tinh thần, hào khí, nhân cách, phẩm giá con người Việt Nam, chỗ dựa vững chắc của ý chí, niềm tin chiến thắng, sợi dây dẫn đường thôi thúc chúng ta tiến lên, giành những thắng lợi mới. Vì vậy, kế thừa, khai thác và phát huy tinh thần, khí thế Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 vào sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa không chỉ là yêu cầu khách quan mà còn là vấn đề có tính quy luật cần nhận thức đúng và thực hiện tốt.

Hiện nay, bên cạnh những thuận lợi là cơ bản, quân và dân ta đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là tác động không thuận chiều của tình hình thế giới, khu vực, cuộc xung đột quân sự giữa Nga và Ucraina và bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra còn tồn tại, có mặt còn gay gắt hơn. Để thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII, chúng ta cần:

(1) Tăng cường giáo dục, tuyên truyền giá trị, ý nghĩa bài học kinh nghiệm của của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 vào phát huy mạnh mẽ thế trận lòng dân, truyền thống đoàn kết, yêu nước, ý chí tự lực, tự cường của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân ta vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa hiện nay.

(2) Quan tâm chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa thực sự của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh tiêu biểu, gương mẫu, làm cơ sở xây dựng Quân đội vững mạnh về chính trị, nâng cao chất lượng tổng hợp, sức mạnh chiến đấu.

 (3) Đẩy mạnh phát triển kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của của bộ đội và nhân dân, không ngừng củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc, tăng cường mối quan hệ “máu thịt” giữa quân đội với nhân dân; phát huy mạnh mẽ dân chủ xã hội chủ nghĩa và quyền làm chủ của nhân dân; ý chí, tinh thần “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân” của cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới.

(4) Kiên quyết đấu tranh làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, thúc đẩy “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, “phi chính trị hóa” quân đội; phòng ngừa, ngăn chặn những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và thủ đoạn xuyên tạc giá trị, ý nghĩa của Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 và thành quả cách mạng; bảo vệ vững chắc nền tảng tư tưởng của Đảng trong tình hình mới.

 (5) Chủ động, tích cực đổi mới nâng cao chất lượng dạy và học môn Lịch sử. Đồng thời, xây dựng và triển khai thực hiện một số đề án, dự án, công trình khoa học, biên soạn giáo trình, sách chuyên khảo, tham khảo nhằm phục vụ kỷ niệm 80 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2.9 vào năm 2025, tầm nhìn đến 2045, làm cho lịch sử cách mạng và dân tộc như dòng máu nóng chảy mãi trong cơ thể Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa và dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh./.


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII, Tập I, Nxb CTQGST, H. 2021, tr. 104.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này