Giúp ‘Gen Z’ loại bỏ thông tin xấu, độc như thế nào trên không gian mạng?
Giúp ‘Gen Z’ loại bỏ thông tin xấu, độc như thế nào trên không gian mạng?
- Rất nhiều ý kiến tâm huyết của đội ngũ trí thức trẻ được gửi đến cho tổ chức Đoàn để tận dụng, phát huy sức mạnh, nhiệt huyết của thế hệ trẻ trước sự bùng nổ của công nghệ thông tin, chuyển đổi số.
Anh Nguyễn Tường Lâm, bí thư Trung ương Đoàn, phát biểu mở đầu hội nghị chiều 29-3 – Ảnh: HÀ THANH
Chiều 29-3 tại Hà Nội, trí thức trẻ, giảng viên trẻ, học sinh, sinh viên trong và ngoài nước cùng tham gia góp ý kiến cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII.
Phát biểu mở đầu hội nghị, anh Nguyễn Tường Lâm – bí thư Trung ương Đoàn – cho biết dự kiến vào tháng 12-2022 sẽ diễn ra Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII, là sự kiện chính trị quan trọng của tuổi trẻ cả nước.
Anh chia sẻ, hội nghị hôm nay xin ý kiến của trí thức trẻ, các nhà khoa học, học sinh, sinh viên, lực lượng “tinh túy nhất” trong hệ thống đoàn viên, thanh niên, vừa có tri thức, vừa có nhiệt huyết, vừa có điều kiện để đóng góp cho tổ chức Đoàn.
Tại hội nghị, nhiều ý kiến đại biểu tham gia góp ý nội dung tận dụng công nghệ thông tin, không gian mạng nhằm phát huy vai trò của trí thức trẻ, nhà khoa học, học sinh, sinh viên trong bối cảnh mới.
Trung sĩ Phạm Thị Thu Phúc, Học viện Hậu cần, góp ý kiến tại hội nghị lấy ý kiến cho dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội Đoàn toàn quốc lần thứ XII chiều 29-3 – Ảnh: HÀ THANH
Thẳng thắn chỉ ra thực trạng nhiều bạn trẻ, đặc biệt “Gen Z” đang chịu sự chi phối mạnh mẽ của thông tin trên Internet (mạng xã hội), trong đó không ít thông tin xấu, độc, thông tin không chính thống đã tạo ra hiện tượng tiêu cực, lan truyền đến mức báo động, em Nguyễn Thị Mai Hiền (Trường THPT chuyên Phan Bội Châu, Nghệ An) đề xuất công tác giáo dục của Đoàn phải có giải pháp quyết liệt hơn, trang bị cho thanh niên “sức đề kháng”, đủ bản lĩnh vượt qua thông tin xấu, độc.
Cùng với đó, tạo ra nhiều sân chơi trực tuyến, tạo các chương trình bồi dưỡng kỹ năng mềm cho học sinh, nhất là các bạn ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Cùng trăn trở thực trạng trên, bạn Châu Phú Vinh (Trường ĐH An ninh nhân dân) cho rằng trước sự phát triển của công nghệ thông tin, Đoàn cần thay đổi phương pháp tiếp cận, công tác giáo dục đoàn viên, thanh niên cần đổi mới mạnh mẽ hơn nữa, có thể tận dụng mạng xã hội để thành lập câu lạc bộ thanh niên trên không gian mạng.
Bạn cũng đề xuất phát huy vai trò xung kích của thanh niên trong đảm bảo an ninh – quốc phòng, tham gia xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân, nhân rộng các mô hình kết nghĩa – phối hợp giữa công tác Đoàn trong lực lượng vũ trang với tổ chức Đoàn địa phương.
Chia sẻ trong đại dịch COVID-19, học sinh, sinh viên phải thường xuyên sử dụng Internet, dễ bị chi phối bởi các thông tin trên mạng, bạn Nguyễn Hùng Đan Anh (Đồng Nai) mong muốn Đoàn trang bị đầy đủ cho thanh thiếu nhi những kiến thức, thông tin chọn lọc, thông tin tốt để “dẹp” thông tin xấu. Tổ chức tốt các hoạt động, phù hợp với nguyện vọng của thanh niên, trong đó tăng cường giáo dục lịch sử dân tộc cho thế hệ trẻ.
“Tạo ‘hiệu ứng đám đông’ trên Internet bằng cách sử dụng thanh niên để tập hợp nhiều thanh niên hơn nữa, nếu thanh niên thấy hay sẽ rủ thêm nhiều bạn bè tham gia”, Đan Anh đề xuất.
Viện dẫn câu chuyện bắt vợ ở Hà Giang xôn xao trên mạng xã hội thời gian qua, anh Hà Thanh Đạt – bí thư Đoàn Trường ĐH Y khoa Phạm Ngọc Thạch – nêu đề xuất Đoàn cần lồng ghép, tận dụng không gian biểu diễn văn hóa nghệ thuật giúp thanh niên hiểu đúng, góp sức gìn giữ, bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. ‘Thế giới luật’ rộng lớn, Gen Z đã chinh phục thế nào?
Nhận xét
Đăng nhận xét