Tỉnh táo trước dã tâm lợi dụng dịch bệnh để kích động, gây bất ổn

Tỉnh táo trước dã tâm lợi dụng dịch bệnh để kích động, gây bất ổn

 

Covid -19 là đại dịch chưa có tiền lệ, các quốc gia trên thế giới đang áp dụng mọi biện pháp có thể để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng của dịch bệnh. Tại Việt Nam, từ cuối tháng 4/2021, cuộc chiến chống dịch Covid-19 bước vào giai đoạn khó khăn, thử thách chưa từng có. Song hành với các lực lượng chống dịch khác được Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ, lực lượng vũ trang đang nỗ lực ngày đêm để góp phần kiểm soát dịch bệnh. Thế nhưng, lợi dụng tình hình đất nước gặp khó khăn trong công tác phòng, chống dịch Covid 19, các thế lực thù địch, phản động, phần tử cơ hội chính trị lại liên tục tìm cách xuyên tạc, bôi nhọ nhằm phá hoại những thành quả phòng chống dịch của đất nước, kích động chia rẽ người dân với lực lượng vũ trang nhân dân.   

Trong khi cả nước đang căng mình chống dịch thì trên internet cũng đã xuất hiện các đợt tấn công đồn dập của các thế lực thù địch. Lợi dụng việc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an triển khai một số đơn vị, lực lượng giúp dân phòng, chống dịch, tổ chức khủng bố Việt Tân đã xuyên tạc, kích động rằng “TP. Hồ Chí Minh đang áp dụng thiết quân luật” hay “Việt Nam dùng bạo lực để răn đe dân chống dịch”. Từ đây, RISE – một nhánh của tổ chức khủng bố Việt Tân và không ít phần tử phản động, bất mãn chính trị liên tục đưa ra những “câu hỏi”, “bình luận” mang tính chia rẽ lực lượng vũ trang với nhân dân…

Để tăng mức độ ảnh hưởng, một số đối tượng phản động, chống đối trong và ngoài nước như: Hoàng Tứ Duy, Lê Văn Sơn, Phạm Minh Vũ…triệt để khai thác các tính năng bình luận, chia sẻ và phát trực tiếp để đăng tải, chia sẻ, lan truyền các thông tin, hình ảnh sai sự thật, xuyên tạc công tác phòng, chống dịch, từ đó kích động, hướng lái dư luận, bôi nhọ lực lượng vũ trang, chia rẽ người dân với lực lượng làm nhiệm vụ.

Theo Thiếu tá, Tiến sỹ Trần Tiến Thành, Khoa An ninh xã hội, Học viện An ninh nhân dân, thông tin trên mạng xã hội khó kiểm soát độ chính xác nên các đối tượng phản động thường xuyên cắt ghép, xuyên tạc sai sự thật như đưa thông tin giả về các lãnh đạo TP.HCM bị mắc Covid-19, cắt ghép các bức ảnh về dịch bệnh ở Indonesia để gán ghép cho rằng, đó là người chết vì Covid 19 tại bệnh viện Chợ Rẫy, TP. Hồ Chí Minh. Nguy hiểm hơn, một số đối tượng chống phá, cơ hội chính trị còn đưa các video clip dàn dựng nhằm kích động người dân biểu bình, chống người thi hành công vụ và gây rối an ninh trật tự tại các địa bàn, địa phương đang xảy ra dịch bệnh.

Phân tích về vấn đề này, Thiếu tướng Bùi Thanh Hà, Nguyên Phó Cục trưởng Cục An ninh nội địa, Bộ Công an cho biết, thực tế cho thấy, các cuộc “cách mạng màu”, “cách mạng đường phố” ở Trung Đông, Bắc Phi hay một số cuộc biểu tình liên quan đến dịch bệnh Covid- 19, các đối tượng phản động, chống đối đều sử dụng mạng xã hội để tuyên truyền, móc nối, lôi kéo, tập hợp lực lượng cho các cuộc tụ tập, biểu tình hòng thực hiện ý đồ bạo loạn, lật đổ.

Ngoài các tài khoản cá nhân trên mạng xã hội, hệ thống truyền thông phản động, những trang tin cực đoan thiếu thiện chí với Việt Nam cũng vào hùa đăng tải hàng loạt bài viết với nội dung lên án, phỉ báng, phê phán cách thức, biện pháp phòng, chống dịch của Việt Nam. Vẫn với thủ đoạn cắt ghép hình ảnh, nói không thành có, lời lẽ kích động, các đối tượng này xuyên tạc rằng, việc siết chặt giãn cách ở TP Hồ Chí Minh và ở các địa phương có tình hình dịch phức tạp là “biện pháp sai lầm, phi khoa học”, chúng cho rằng, Nhà nước, chính quyền bỏ mặc dân, từ đó kêu gọi người dân bất tuân quy định giãn cách. 

Qua công tác bảo đảm an ninh nội địa thời gian qua, Thiếu tướng Bùi Thanh Hà nhận thấy, các đối tượng phản động, chống đối lợi dụng tình hình dịch bệnh Covid-19 nhằm mục tiêu: Gây nhiễu loạn thông tin, tạo hoang mang trong dư luận, gieo rắc sự hoài nghi của nhân dân đối với các chủ trương, chính sách phòng, chống dịch Covid-19 của Đảng, Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc. Cùng với đó, lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của nhân dân để kích động tụ tập gây rối, biểu tình phản đối các quy định phòng, chống dịch bệnh, tạo sự bất ổn về tình hình an ninh, trật tự, mưu đồ thực hiện bạo loạn, lật đổ khi có thời cơ; Bôi nhọ, hạ uy tín, vai trò lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; gây chia rẽ giữa chính quyền và người dân, giữa lực lượng vũ trang và nhân dân.

Lâu nay, việc chia rẽ nhân dân với quân đội, công an luôn là thâm ý không đổi của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội, bất mãn chính trị. Ý đồ này càng rõ hơn trong lúc cả nước đang quyết liệt phòng, chống dịch Covid-19. Đối diện với dịch bệnh đã khó khăn, nay chúng ta lại phải đối mặt với một loại virus không kém phần nguy hiểm, đó là virus thông tin xấu độc từ các đối tượng phản động.

Không khó để nhận ra ý đồ của những kẻ đang lợi dụng tình hình dịch bệnh phức tạp hòng tuyên truyền, phá hoại công cuộc phòng, chống dịch. Thông qua việc dựng lên những câu chuyện không có thật, các thế lực thù địch, đối tượng phản động âm mưu vẽ nên một bức tranh u ám về Việt Nam trong đại dịch, đồng thời kích động, gây hiểu nhầm để chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, đặc biệt là chia rẽ lực lượng vũ trang với nhân dân.

Trái ngược với những lời lẽ tiêu cực, thực tế tại những vùng tâm dịch lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác. Với “kỷ luật thép và trái tim hồng”,  sự vào cuộc mạnh mẽ của lực lượng vũ trang cùng đội ngũ thầy thuốc đã và đang nhận được sự ủng hộ, đồng lòng của nhân dân.

Với biến thể Delta, số ca mắc Covid-19 liên tục tăng nhanh. Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành phía Nam là những địa phương bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Áp lực giảm số ca mắc, hạn chế thấp nhất số người tử vong, giúp đỡ, hỗ trợ người dân và bảo đảm an ninh trật tự là thách thức không nhỏ của của cả hệ thống chính trị. Mệnh lệnh sống còn trong lúc này là phải sớm khống chế được dịch bệnh.

Cùng với y tế, Bộ công an, Bộ Quốc phòng đã sớm cử lực lượng tham gia dập dịch và triển khai nhiều biện pháp hỗ trợ người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

·        

·        

Đại tá Nguyễn Hồng Nguyên, Phó Chánh Văn phòng Bộ Công an cho biết, lực lượng CAND đã vào cuộc sớm nhất, đồng bộ nhất và hiệp đồng chặt chẽ với các đơn vị tuyến đầu như y tế, quân đội các địa phương, ban ngành đoàn thế.

Hơn 3.000 cán bộ, chiến sỹ công an thuộc các đơn vị, cùng hơn 1.500 học viên đã được chi viện cho các vùng tâm dịch. Sự tham gia hỗ trợ của lực lượng quân y của CAND cũng đã giúp giảm tải cho y tế địa phương.

Đại tá Phạm Thị Lan Anh, Cục trưởng Cục Y tế, Bộ Công an cho biết, lực lượng y tế công an còn gánh trên mình một trọng trách mà không một đơn vị y tế nào có thể đảm nhận lúc này, không chỉ điều trị cho người dân mà còn điều trị cho các can phạm nhân, những người đang chấp hành án…trong các trại giam, trại tạm giam.

·        

·        

·        

Bộ đội đi chợ giúp dân, hỗ trợ chống dịch ở TP.HCM

Để người dân yên tâm chống dịch, những túi nhu yếu phẩm được các cán bộ, chiến sĩ trao trực tiếp cho từng gia đình. Người có hoàn cảnh khó khăn, người già, trẻ em là những đối tượng được ưu tiên nhất. Hơn ai hết, người dân hiểu chính quyền, lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch, trong đó có công an, quân đội đang nỗ lực vì họ.

Đại úy, Thạc sỹ Phan Hải Dương, Khoa An ninh xã hội, Học viện An ninh nhân dân cho rằng: “Việc lực lượng công an, quân đội đi chợ, vận chuyển lương thực giúp người dân cũng chính là trách nhiệm, bổn phận thiêng liêng, cao quý của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam. Điều này góp phần bảo đảm, thực hiện nghiêm minh giãn cách xã hội để phòng chống dịch Covid-19, vừa đảm bảo an sinh, an toàn cho người dân, không để cho người dân thiếu ăn, thiếu mặc”.

Đi bất cứ đâu nhân dân cần.
Đến bất cứ nơi nào nhân dân gặp khó khăn.

Trong bất cứ hoàn cảnh nào, lực lượng quân đội, công an cũng luôn kề vai sát cánh với nhân dân vượt qua mọi khó khăn trong đại dịch.

·        

·        

·        

Công an giúp dân gặt lúa chạy bão ở Nghệ An, Hà Tĩnh

Ông Nguyễn Đức Hà, Nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở Đảng, Ban Tổ chức Trung ương cho rằng, rất nhiều chiến sĩ công an ngày đêm bám sát địa bàn, thậm chí còn bị những phẩn tử chống đối tấn công bị thương khi vượt chốt kiểm dịch, nhiều người bị lây nhiễm Covid-19. Lực lượng công an ngoài nhiệm vụ chống dịch còn đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội để làm trong sạch địa bàn, giữ gìn cuộc sống bình yên cho nhân dân.

Dịch bệnh không chừa bất kỳ quốc gia nào, chính thể nào, dù giàu hay nghèo đều phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Với truyền thống gắn bó với nhân dân, hy sinh quên mình vì nhân dân, việc huy động lực lượng vũ trang để giúp dân trong những tình huống ngặt nghèo ở Việt Nam như thiên tai, dịch bệnh đã được kiểm chứng qua thời gian. Bởi vậy, việc đưa thông tin nhiễu loạn, gây bất ổn chính trị, bất ổn an ninh trật tự, gây chia rẽ giữa nhân dân với các lực lượng vũ trang… đều xuất phát từ cái tâm đen tối, không phỉ vì nhân dân mà vì những ý đồ nham hiểm, phá hoại./.

vov.vn

 

 


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này