Đặc xá năm 2021 – minh chứng bác bỏ luận điệu vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền”
Nhân dịp Quốc khánh 2/9 vừa qua, Chủ tịch nước đã ký quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn cho 3.035 người. Đây là một chủ trương, chính sách lớn của Đảng, Nhà nước ta, thể hiện truyền thống tốt đẹp của dân tộc Việt Nam, vừa nghiêm minh trong xét xử người phạm tội, đồng thời khoan hồng, nhân đạo đối với những phạm nhân có quá trình cải tạo, lao động tốt, tạo điều kiện để họ tái hoà nhập cộng đồng.
Trong lúc cả nước đang gồng mình chống lại đại dịch COVID-19, việc Chủ tịch nước quyết định đặc xá cho 3.035 phạm nhân vào đúng dịp Quốc khánh thể hiện ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Quyết định đặc xá năm nay tiếp tục phản ánh rõ sự ưu tiên bảo đảm và thúc đẩy quyền con người của Đảng và Nhà nước Việt Nam. Đồng thời, bác bỏ lại luận điệu xuyên tạc vu cáo Việt Nam “vi phạm nhân quyền” của các thế lực thù địch, phản động.
Thời gian qua, thực hiện âm mưu “diễn biến hòa bình” đối với Việt Nam, các thế lực thù địch, phản động luôn triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền, coi đó là một mũi tấn công chiến lược nhằm phá vỡ sự ổn định chính trị, xã hội, làm suy yếu, tiến tới lật đổ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản.
Chúng triệt để lợi dụng vấn đề nhân quyền để can thiệp vào công việc nội bộ của Việt Nam; vu cáo Việt Nam vi phạm nhân quyền, đàn áp những người “bất đồng chính kiến”, những người “hoạt động dân sự”; gây sức ép về chính trị, kinh tế, ngoại giao nhằm thực hiện mục tiêu “chuyển hóa dân chủ” đối với Việt Nam; hậu thuẫn, thúc đẩy hình thành lực lượng, tổ chức chính trị đối lập với Đảng, Nhà nước.
Điển hình như, trước chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Haris, một số tổ chức núp bóng nhân quyền như “Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam”, “Người Bảo vệ Nhân quyền”; một số dân biểu Hoa Kỳ còn gửi “thỉnh nguyện thư” đến các cơ quan lập pháp, hành pháp của chính quyền Hoa Kỳ và cá nhân Phó Tổng thống Kamala Haris, với mục đích “vận động nhân quyền cho Việt Nam”.
Thực chất là kêu gọi Phó Tổng thống Kamala Haris và chính quyền Hoa Kỳ can thiệp, gây sức ép với Việt Nam về vấn đề nhân quyền. Luận điệu được các tổ chức, cá nhân này đưa ra là tình hình nhân quyền ở Việt Nam trong những năm qua chưa được cải thiện đáng kể; Việt Nam vẫn là một trong những nước vi phạm nhân quyền nghiêm trọng như: “chà đạp quyền con người”, “tước đoạt tài sản”, “phân biệt đối xử với tôn giáo, tín ngưỡng”, vu cáo Việt Nam không có tự do ngôn luận, tự do báo chí, chính quyền gia tăng đàn áp những người “hoạt động dân sự”, “bất đồng chính kiến”, giam giữ nhiều “tù nhân chính trị”, “tù nhân lương tâm”…
Từ đó, họ kêu gọi chính quyền Hoa Kỳ, Phó Tổng thống Kamala Haris phải có chế tài đối với Việt Nam, yêu cầu Việt Nam phải có những cam kết để cải thiện tình hình nhân quyền, như: Phải đưa vấn đề nhân quyền vào lịch trình nghị sự; khuyến nghị Việt Nam cải thiện vấn đề nhân quyền trong luật pháp và trong hành động; kêu gọi chính quyền Việt Nam “ngưng ngay việc bắt bớ và giam giữ tùy tiện những người biểu đạt bất đồng chính kiến một cách ôn hòa”, “trả tự do vô điều kiện những tù nhân chính trị và tôn giáo”…
Thậm chí, các cá nhân, tổ chức này còn lớn tiếng cho rằng, nếu Phó Tổng thống Kamala Haris không nêu bật được vấn đề nhân quyền và cải thiện quyền con người với giới chức Việt Nam thì bà “đã không làm tròn trách nhiệm, chuyến đi Việt Nam của bà sẽ không được thành công như mong đợi”! Đây rõ ràng là những luận điệu vô căn cứ, xuyên tạc tình hình nhân quyền tại Việt Nam và cố tình rêu rao để tạo dư luận xấu trong chuyến thăm Việt Nam của Phó Tổng thống Hoa Kỳ Kamala Haris.
Nhân quyền là vấn đề còn những cách hiểu khác nhau, chính bởi vậy quan niệm về vấn đề này không có sự thống nhất giữa các quốc gia. Tuỳ theo góc độ tiếp cận, quan điểm chính trị, lợi ích giai cấp mà các quốc gia có những quan niệm khác nhau về quyền con người.
Ở Việt Nam, nhân quyền được hiểu là những giá trị cơ bản mà con người giành được trong lịch sử đấu tranh cải tạo tự nhiên và xã hội nhằm khẳng định địa vị chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, pháp lý của mình. Đó là tổng thể các nhu cầu, năng lực, tự do, nhân phẩm của con người với tư cách cá nhân và cộng đồng xã hội được ghi nhận và bảo đảm thực hiện trong hệ thống luật pháp quốc gia và luật pháp quốc tế.
Quan điểm, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước Việt Nam là không ngừng mở rộng dân chủ XHCN, bảo đảm ngày càng tốt hơn các quyền con người. Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (bổ sung, phát triển năm 2011) đã chỉ rõ: “Tôn trọng và bảo vệ quyền con người, gắn quyền con người với quyền và lợi ích của dân tộc, đất nước và quyền làm chủ của nhân dân”. Điều 14 Hiến pháp nước Cộng hòa XHCN Việt Nam năm 2013 quy định: “Ở nước Cộng hòa XHCN Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật”.
Nghị quyết Đại hội XIII Đảng Cộng sản Việt Nam khẳng định: “Tôn trọng, bảo đảm, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ của công dân theo Hiến pháp năm 2013; gắn quyền công dân với nghĩa vụ và trách nhiệm công dân đối với xã hội”.
Nghị quyết Đại hội XIII cũng nhấn mạnh: “Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; mọi chủ trương, chính sách phải thực sự xuất phát từ cuộc sống, nguyện vọng, quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân, lấy hạnh phúc, ấm no của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu”.
Như vậy, chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, được quy định rõ trong Hiến pháp năm 2013, hệ thống các văn bản pháp lý như Bộ luật Hình sự 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, Luật thi hành tạm giam, tạm giữ năm 2015, Luật thi hành án hình sự năm 2019…
Công tác đặc xá năm nay được tiến hành trên cơ sở những quy định mới, chặt chẽ hơn về các tiêu chuẩn được đặc xá, từ việc bảo đảm thời hạn đã chấp hành án phạt tù, hoàn thành các nghĩa vụ bồi thường dân sự, hình sự, trả lại các tài sản có được do hành vi phạm tội, cho đến xem xét kết quả cải tạo trong quá trình chấp hành án phạt tù, bảo đảm chỉ những người thực sự đủ tiêu chuẩn mới được hưởng khoan hồng của Đảng và Nhà nước.
Đặc biệt, đặc xá năm 2021 được thực hiện theo Luật Đặc xá mới (Luật Đặc xá sửa đổi, bổ sung năm 2018) và cũng là đợt đặc xá đầu tiên sau thành công của Đại hội Đảng XIII, bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2021 – 2026.
Thực tiễn cho thấy, các quy định của pháp luật đã bảo đảm đầy đủ các quyền của người dân, không phân biệt công dân nước ngoài hay công dân Việt Nam, trong quá trình tố tụng và thi hành án hình sự. Những quyền này được bảo đảm trên thực tế tại các tòa án, các cơ sở giam giữ. Đó là các quyền cơ bản của những người chấp hành án phạt tù như quyền về ăn, mặc, ở, chăm sóc y tế, nhận quà hay bưu phẩm, thăm gặp thân nhân, người bào chữa, tiếp xúc lãnh sự, người đại diện hợp pháp để thực hiện giao dịch dân sự…
Đây rõ ràng là minh chứng khách quan phản bác luận điệu, thông tin sai sự thật của những cá nhân, tổ chức có ý đồ xấu, cố tình xuyên tạc về tình hình bảo đảm quyền con người ở Việt Nam. Bên cạnh đó, việc xem xét đặc xá cho những trường hợp quốc tịch nước ngoài trên cơ sở công bằng, minh bạch cũng giúp cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ta.
Với Quyết định đặc xá, hàng nghìn người đã được hưởng niềm vui khoan hồng, trở về đoàn tụ với gia đình, khởi đầu cho quá trình tái hoà nhập cộng đồng, từng bước ổn định cuộc sống. Hoàn toàn không có khái niệm Nhà nước Việt Nam cố tình bắt bớ, giam giữ chỉ nhằm trừng phạt mà không cho người phạm tội cơ hội sửa chữa, cải tạo… như luận điệu kẻ xấu rêu rao.
Nguyễn Sơn (HSV)
Nhận xét
Đăng nhận xét