Phụ hoạ, hùa theo những luận điệu sai trái – Căn bệnh chữa trị
Cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội (ĐBQH) khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân (ĐBHĐND) các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công đẹp. Sự thành công của cuộc bầu cử càng thêm ý nghĩa khi diễn ra trong bối cảnh đại dịch Covid-19 hoành hành trên khắp đất nước. Không chỉ dư luận trong nước mà dư luận quốc tế cũng đánh giá cao thành công của sự kiện chính trị - pháp lý quan trọng này. Thế nhưng sẽ trọn vẹn hơn nếu không có chuyện trong nội bộ ta một số phần tử cơ hội, bất mãn chính trị hùa theo các thế lực thù địch lợi dụng sự kiện này để xuyên tạc nền dân chủ ở Việt Nam.
VẪN TRÒ A DUA, PHỤ HOẠ
Thông qua vài trang tiếng Việt ở nước ngoài và mạng xã hội, một số người viết bài, trả lời phỏng vấn cho rằng Đảng lãnh đạo cuộc bầu cử chẳng khác nào “vừa đá bóng, vừa thổi còi”; là “đứng trên pháp luật”, “đứng ngoài pháp luật”... Họ mang cuộc bầu cử mà chúng ta vừa tiến hành ra so sánh với các cuộc bầu cử ở Mỹ và một số nước phương Tây rồi nói rằng chế độ bầu cử, nền dân chủ ở Việt Nam là “hình thức”, “thiếu văn hóa dân chủ”... Họ tỏ thái độ không đồng tình với việc Hội đồng BCQG qua mạng viễn thông gửi tin nhắn tuyên truyền về cuộc bầu cử ĐBQH và ĐBHĐND các cấp và cho việc làm đó là vi phạm quyền con người.v.v...
Đáng lưu ý trong số đó có những người trước đây là nhà khoa học, nhà báo, nhà văn, nhà thơ... khi còn đương chức họ ngụy trang kín đáo nên khó phát hiện. Khi về nghỉ hưu thì những gì họ che đậy mới bộc lộ. Trước những sự kiện quan trọng của đất nước họ không chỉ vô cảm mà còn đưa ra những ý kiến đi ngược với quan điểm chính thống của Đảng và Nhà nước; a dua, phụ họa theo những quan điểm, luận điệu sai trái của các thế lực thù địch nhằm chống phá Việt Nam, như: Không thể có dân chủ trong chế độ một Đảng duy nhất cầm quyền ở Việt Nam; chỉ thực hiện chế độ đa đảng mới có dân chủ thực sự.v.v... Mục đích sâu xa của những giọng điệu ấy không gì khác vẫn là lợi dụng cuộc bầu cử để xuyên tạc nền dân chủ của Việt Nam;... Đó là những giọng điệu hết sức sai lầm.
Bàn về dân chủ, nhân quyền trước hết cần phải hiểu: Quyền con người là một giá trị cao quý mang tính phổ quát đối với toàn thể nhân loại, đó là một thực tế không ai có thể phủ nhận. Tuy nhiên, ở một khía cạnh khác, cộng đồng quốc tế thừa nhận, quyền con người, quyền dân chủ là một giá trị mang tính lịch sử, có quan hệ trực tiếp và chặt chẽ với đường hướng phát triển của chế độ chính trị - xã hội, điều kiện, hoàn cảnh lịch sử, truyền thống văn hóa... của mỗi quốc gia, dân tộc.
Những nét cơ bản ấy có lẽ ai cũng hiểu được. Vậy chẳng lẽ một số người, trong đó có cả những người vẫn thường khoe mẽ là giáo sư, tiến sĩ... đã từng làm chức nọ, chức kia lại không hiểu được điều ấy? Nếu hiểu được mà vẫn cố tình đem dân chủ phương Tây, bầu cử ở các nước tư bản ra để luận bàn, so sánh với dân chủ, chế độ bầu cử ở Việt Nam thì đó là hành động vô lối và không thể chấp nhận.
Hơn thế càng không thể bê cái mô hình dân chủ tư sản, chế độ bầu cử, “tiêu chuẩn nhân quyền” kiểu tư bản chủ nghĩa để áp đặt vào Việt Nam. Chiêu bài “xuất khẩu” dân chủ phương Tây, dùng “dân chủ, nhân quyền” để can thiệp vào công việc nội bộ của nước khác, trong đó có Việt Nam được các thế lực thù địch toan tính từ lâu. Nhân dân Việt Nam và nhân loại yêu chuộng hòa bình thế giới chẳng lạ chiêu trò đen tối ấy.
Việt Nam sẵn sàng học hỏi, tiếp thu tinh hoa của thế giới để hoàn thiện nền dân chủ của mình. Nhưng Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam khẳng định mạnh mẽ và dứt khoát không bao giờ chấp nhận kiểu dân chủ vô lối mà một số phần tử bất mãn chính trị đang tung hô, tô vẽ. Dù bằng chiêu trò gì chăng nữa, các thế lực thù địch, phản động cũng không thể “xuất khẩu”, không thể áp đặt cái thứ “dân chủ vô chính phủ” ấy vào Việt Nam.
ĐA ĐẢNG KHÔNG PHẢI CỨU CÁNH CHO DÂN CHỦ
Như đã đặt vấn đề, dân chủ chính là quyền của người dân làm chủ vận mệnh của mình, làm chủ xã hội mà mình đang sống trên tất cả các lĩnh vực, trong mọi hoạt động. Dân chủ gắn liền với tiến bộ xã hội và sự phát triển của lịch sử qua các chế độ xã hội và thời đại khác nhau. Dân chủ chỉ xuất hiện khi có nhà nước và mỗi nền dân chủ đều phải gắn với một nhà nước nhất định, được pháp luật của nhà nước đó quy định.
Chế độ dân chủ mà con người ta có được là kết quả của quá trình phát triển thông qua đấu tranh giai cấp, để giải phóng con người. Chừng nào xã hội còn có giai cấp thì dân chủ trong xã hội đó mang tính giai cấp sâu sắc và phải đặt trong khuôn khổ pháp luật của xã hội đó. Không có thứ dân chủ chung chung phi giai cấp, không có thứ dân chủ nằm ngoài pháp luật... Tất cả những luận điệu phủ nhận vấn đề này đều là lừa bịp, nhằm động cơ đen tối.
Dân chủ chẳng những không thể tách rời mảnh đất hiện thực xã hội, mà còn phụ thuộc rất lớn vào nền tảng kinh tế, văn hóa, xã hội và trình độ dân trí của xã hội đó. Chúng ta không phủ nhận theo lịch sử phát triển của xã hội, sự ra đời của nhà nước tư sản đánh dấu một nấc thang phát triển về dân chủ so với dân chủ trong chế độ phong kiến. Nhưng nền dân chủ trong chế độ tư bản cũng không thể vượt ra ngoài nền tảng kinh tế của xã hội đã sinh ra nó. Do đó toàn bộ thiết chế của nền dân chủ tư sản đều chỉ nhằm đến mục đích cao nhất là bảo vệ sự thống trị của giai cấp tư sản. Bộ máy chính quyền mà nhà nước tư sản lập nên đều hướng đến mục tiêu chống lại tư tưởng tự do, dân chủ của giai cấp công nhân và nhân dân lao động.
Với tư cách là một nấc thang phát triển cao hơn xã hội tư bản, dân chủ trong xã hội chế độ XHCN khác hẳn về chất so với dân chủ trong xã hội tư bản. Nền dân chủ XHCN lấy tiêu chí cốt lõi để khẳng định bản chất nhà nước của mình đó là “nhân dân là chủ” và “nhân dân làm chủ”. Theo đó, dân chủ XHCN được thể hiện trên những nội dung cốt lõi là: nền dân chủ của nhân dân lao động, vì nhân dân lao động, thể hiện ở việc bảo vệ quyền sống, quyền tự do, quyền mưu cầu hạnh phúc của nhân dân lao động; thừa nhận nguyên tắc bình đẳng và tự do được bảo đảm về mặt pháp lý để thực hiện quyền làm chủ của nhân dân. Dân chủ XHCN có nội dung toàn diện, thể hiện trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội,... trong đó nổi bật là sự tham gia một cách bình đẳng và ngày càng rộng rãi người lao động và công việc quản lý nhà nước và xã hội thông qua hai hình thức, đó là: dân chủ trực tiếp và dân chủ đại diện.
Nhìn từ bản chất của hai nền dân chủ, chúng ta thấy rõ ràng dân chủ XHCN ưu việt hơn hẳn. Do đó việc Việt Nam lựa chọn nền dân chủ XHCN là điều không cần phải tranh luận.
ĐẤU TRANH ĐẨY LÙI NHỮNG NHẬN THỨC LỆCH LẠC
Đối với Việt Nam, dân chủ là bản chất của chế độ; dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển đất nước. Dân chủ không phải là thứ bất biến mà nó vận động phát triển không ngừng theo quá trình đi lên của lịch sử xã hội. Bằng nhiều chủ trương, giải pháp chúng ta phấn đấu đẩy mạnh phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; bảo đảm an toàn, an ninh, trật tự; hoàn thiện hệ thống pháp luật... Thực chất đó là quá trình chúng ta hoàn thiện nền dân chủ, bảo đảm mọi quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Thực tế cho thấy việc thực hành dân chủ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội; cũng như trên mọi mặt, mọi lĩnh vực của đời sống ở Việt Nam đang ngày càng tốt hơn.
Sẽ là sai lầm nghiêm trọng khi cho rằng chỉ có đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập mới có “dân chủ thực sự”. Một điều mà chúng ta phải khẳng định với nhau rằng, dân chủ không đồng nghĩa với đa nguyên, đa đảng mà nó hoàn toàn phụ thuộc vào bản chất của đảng cầm quyền và bản chất của chế độ xã hội. Do đó thể chế nhất nguyên một đảng lãnh đạo hoàn toàn không đồng nghĩa với mất dân chủ hay kém dân chủ. Thực tiễn tại nhiều quốc gia cho thấy đa đảng nhưng vẫn mất dân chủ, vẫn là nước nghèo, kém phát triển. Trong khi nhiều quốc gia chỉ có một đảng lãnh đạo nhưng dân chủ được bảo đảm; kinh tế, văn hóa, xã hội phát triển; đời sống của nhân dân ngày càng nâng cao. Đó là bằng chứng hùng hồn khẳng định đa nguyên, đa đảng không phải cứu cánh cho dân chủ.
Sự xuất hiện những luận điệu sai trái về nền dân chủ XHCN ở Việt Nam do nhiều nguyên nhân, nhưng có thể khu biệt lại ở hai nguyên nhân chính là: do nhận thức hạn chế, thiếu hiểu biết mà vô tình nói sai và nhận thức rõ, có hiểu biết nhưng cố tình phát ngôn lệch chuẩn. Quan điểm của Đảng, Nhà nước ta về vấn đề này rất rõ ràng. Với những người do nhận thức hạn chế mà vô tình phát ngôn lệch chuẩn thì phải tuyên truyền để giúp họ nâng cao nhận thức, hiểu biết về dân chủ. Còn với những người hiểu biết rõ về dân chủ nhưng cố tình xuyên tạc, phụ họa, hùa theo các thế lực thù địch nhằm lợi dụng dân chủ để chống phá đất nước thì phải nghiêm trị theo pháp luật.
Đảng và Nhà nước ta luôn phấn đấu để bảo đảm và phát huy dân chủ của nhân dân, đi liền với đó là tăng cường pháp chế XHCN, giữ gìn kỷ luật, kỷ cương, theo tinh thần “Thượng tôn pháp luật” chứ không phải là thứ dân chủ tự do vô hạn độ như những phần tử bất mãn chính trị tung hô.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 hoành hành nhưng cuộc bầu cử ĐBQH khóa XV và ĐBHĐND các cấp nhiệm kỳ 2021-2026 đã thành công tốt đẹp. Cuộc bầu cử thành công mang ý nghĩa rất lớn trong việc đưa Nghị quyết Đại hội lần XIII của Đảng vào cuộc sống, đặc biệt là chủ trương tiếp tục xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN - Nhà nước của dân, do dân, vì dân.
Thực tế đòi hỏi một mặt chúng ta phải đẩy mạnh tuyên truyền giúp người dân nâng cao nhận thức về dân chủ; tổ chức để nhân dân phát huy quyền làm chủ trong đời sống xã hội. Mặt khác phải coi trọng công tác đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn lợi dụng dân chủ để chống phá Việt Nam mà các thế lực thù địch đang mưu toan móc nối với những phần tử “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” ở trong nước để tiến hành.Nhưng các thế lực thù địch không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá Việt Nam. Một trong những chiêu trò quen thuộc của chúng là lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, gây phân tâm trong xã hội, chia rẽ mối quan hệ máu thịt giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân; làm suy giảm niềm tin của nhân dân vào chế độ. Nguy hại hơn các thế lực thù địch luôn tìm cách móc lối với các phần tử thoái hóa, biến chất ở trong nước hòng kích động, lôi kéo những người dân nhẹ dạ cả tin, thiếu hiểu biết về dân chủ phụ họa theo những luận điệu, chiêu trò của chúng.
Nguồn: tuyengiao.vn
Nhận xét
Đăng nhận xét