GÓC BẦU CỬ:
Chẳng còn bao lâu nữa, ngày hội toàn dân đi bầu cử sẽ diễn ra vào 23/5/2021 sắp tới. Đây là sự kiện chính trị to lớn của đất nước và của nhân dân. Mỗi lá phiếu bầu cử là đại diện cho tiếng nói, nguyện vọng, quyền lợi và nghĩa vụ của từng cử tri. Để hiểu vai trò, ý nghĩa của cuộc bầu cử từ đó tham gia bầu cử cho đúng, mỗi công dân cần nắm những nội dung cơ bản sau đây:
THỨ NHẤT: QUYỀN BẦU CỬ VÀ QUYỀN ỨNG CỬ
Quyền bầu cử và quyền ứng cử là quyền lực chính trị cơ bản của công dân: Người từ đủ 18 tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ 21 tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội và HĐND các cấp.
- Người đang bị tạm giam, tạm giữ, người đang chấp hành biện pháp đưa vào cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc vẫn có quyền bầu đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND cấp tỉnh; người không còn quyền bầu cử thuộc các trường hợp: Đang bị tước quyền bầu cử theo bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật; Bị kết án tử hình đang trong thời gian chờ thi hành án, đang chấp hành hình phạt tù mà không được hưởng án treo; người mất năng lực hành vi dân sự.
- Đối với việc ứng cử, người ứng cử ngoài tiêu chuẩn về độ tuổi còn phải đáp ứng tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp quy định trong Luật tổ chức Quốc hội và Luật tổ chức Chính quyền địa phương. Ứng cử có 2 hình thức: được giới thiệu ứng cử và tự ứng cử. Nếu bạn cảm thấy bản thân “đủ tiêu chuẩn và khả năng” ứng cử mà không được giới thiệu thì bạn có thể viết đơn “tự ứng cử”. Tất nhiên, để có tên trong danh sách ứng cử viên chính thức thì bạn phải đảm bảo các tiêu chuẩn theo quy định và đặc biệt phải được cử tri tín nhiệm.
THỨ HAI: QUYỀN KIỂM TRA, GIÁM SÁT CÔNG TÁC BẦU CỬ
Cử tri có quyền kiểm tra và khiếu nại việc lập danh sách cử tri (Điều 32, 33 Luật Bầu cử); kiểm tra, giám sát việc lập, niêm yết danh sách người ứng cử tại khu vực bỏ phiếu (Điều 57, 58, 59 Luật Bầu cử) và tố cáo về người ứng cử, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử (Điều 61 Luật Bầu cử); quyền thể hiện tín nhiệm và nêu kiến nghị đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội hoặc đại biểu HĐND các cấp trong hội nghị cử tri nơi công tác, nơi cư trú (Điều 45, 46, 54, 55 Luật Bầu cử); quyền tham gia hội nghị tiếp xúc cử tri để nghe chương trình hành động của người ứng cử nếu được bầu làm đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND và nêu ý kiến, đề đạt nguyện vọng của mình đối với người ứng cử (Điều 66 Luật Bầu cử); quyền kiểm tra, giám sát việc bỏ phiếu, kiểm phiếu và khiếu nại, tố cáo nếu phát hiện sai sót hoặc cho rằng vi phạm pháp luật về bầu cử (Điều 69, 71, 73, 75 Luật Bầu cử).
Ngoài ra, sau khi kết thúc cuộc bầu cử, cử tri vẫn có thể gặp gỡ đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp để kiến nghị, đề đạt nguyện vọng vào các buổi tiếp xúc cử tri định kỳ đồng thời theo dõi hoạt động của Quốc hội, HĐND các cấp thông qua các phương tiện thông tin đại chúng.
TUY NHIÊN, thực tế cho thấy, bên cạnh số đông cử tri tâm huyết, tích cực thì vẫn còn một bộ phận thờ ơ, không nắm quy định về bầu cử, tự phủ nhận quyền lợi, không thực hiện đúng nghĩa vụ của công dân, như vậy là thiếu trách nhiệm với cộng đồng, xã hội. Mặt khác, có một sự thật rằng vẫn còn một số đại biểu chưa xứng đáng với kỳ vọng của cử tri, thậm chí vi phạm kỷ luật, pháp luật nghiêm trọng phải đưa ra truy tố, xét xử nhưng không thể phủ nhận chất lượng của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp ngày càng được nâng cao. Ta có thể thấy được dẫu còn nhiều khó khăn nhưng nước ta đã phát triển về nhiều mặt, đời sống kinh tế - xã hội ngày càng khởi sắc, vai trò và tiếng nói trong cộng đồng quốc tế ngày càng rõ nét. Hoặc gần đây nhất có thể thấy rõ đó chính là chiến thắng của đất nước trước đại dịch Covid-19 nhờ vào sự sáng suốt và quyết liệt của những người lãnh đạo mà cử tri đã bầu ra.
Để ngày hội toàn dân đi bầu cử sắp tới được diễn ra thành công tốt đẹp, để thực hiện đúng quyền lợi và trách nhiệm đối với đất nước, mỗi công dân Việt Nam cần phải:
- Nghiên cứu các quy định, thể lệ bầu cử thông qua các phương tiện truyền thông đại chúng. Kiểm tra tên của mình trong danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu, yêu cầu ủy ban bầu cử cấp xã nơi cư trú bổ sung kịp thời nếu phát hiện thiếu sót. Theo dõi lịch trình, thời gian bầu cử để tham gia các hoạt động bầu cử đúng quy định.
- Bản thân cùng gia đình phải trực tiếp đi bầu cử; tích cực nghiên cứu, tìm hiểu kĩ về danh sách người ứng cử để lựa chọn sáng suốt.
- Tỉnh táo trước những luận điệu xuyên tạc chống phá cuộc bầu cử trên mạng xã hội, không để đối tượng xấu lợi dụng lôi kéo tham gia vào các hoạt động chống Đảng, Nhà nước trong dịp bầu cử; tham gia đấu tranh trước những hành vi phá hoại cuộc bầu cử.
Nhận thức được quyền lợi và nghĩa vụ đối với cuộc bầu cử chính là nhận thức được trách nhiệm của bản thân đối với đất nước, Tổ quốc và đó cũng là cách thức thể hiện lòng yêu nước của mỗi công dân.
#gocnhinnguoidalat
Nhận xét
Đăng nhận xét