Bảo vệ vững chắc Tổ quốc trong tình hình mới
Kinh tế, văn hoá, xã hội tiếp tục phát triển, quốc phòng, an
ninh, đối ngoại được tăng cường, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân
được cải thiện rõ rệt. Tuy nhiên, kinh tế - xã hội phát triển chưa tương xứng
với tiềm năng, lợi thế của đất nước và còn nhiều khó khăn, thách thức.
Một số chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội trong Chiến lược
phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2011 - 2020 và việc tạo nền tảng để đưa nước
ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại chưa đạt được mục tiêu
đề ra. Công cuộc đổi mới và tình hình quốc tế tiếp tục đặt ra nhiều vấn đề về
lý luận và thực tiễn cần phải tập trung giải quyết để đưa đất nước phát triển
nhanh và bền vững hơn theo định hướng XHCN, nhất là việc nhận thức, giải quyết
đúng, hiệu quả các mối quan hệ lớn.
Bước vào giai đoạn phát triển mới, Đảng ta nhận định, tình hình
thế giới và trong nước có cả thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan
xen; đặt ra nhiều vấn đề mới, yêu cầu mới nặng nề, phức tạp hơn đối với sự
nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta
phải đoàn kết một lòng; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ tư duy; có quyết tâm chính trị
cao; dự báo chính xác, kịp thời diễn biến của tình hình, chủ động ứng phó kịp
thời với mọi tình huống.
Nỗ lực hơn nữa để tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc
đổi mới; không ngừng gia tăng tiềm lực mọi mặt của quốc gia, bảo vệ vững chắc
Tổ quốc và những thành quả phát triển đã đạt được; đưa đất nước vững bước tiến
lên, phát triển nhanh và bền vững.
Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nêu rõ quan điểm chỉ đạo: Kiên
định và vận dụng, phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí
Minh; kiên định mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội; kiên định đường
lối đổi mới của Đảng; kiên định các nguyên tắc xây dựng Đảng để xây dựng và bảo
vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam XHCN.
Nghị quyết cũng nêu rõ nguyên tắc bảo đảm cao nhất lợi ích quốc
gia - dân tộc trên cơ sở các nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên Hợp Quốc và
luật pháp quốc tế, bình đẳng, hợp tác, cùng có lợi. Tiếp tục phát triển nhanh
và bền vững đất nước; gắn kết chặt chẽ và triển khai đồng bộ các nhiệm vụ,
trong đó phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt;
phát triển văn hoá là nền tảng tinh thần; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng
yếu, thường xuyên.
Trong giai đoạn mới, nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc được hiểu theo
nghĩa rộng. Đó là không chỉ chống chiến tranh xâm lược, bảo vệ độc lập, toàn
vẹn lãnh thổ, bảo vệ chủ quyền quốc gia, vùng trời, vùng biển Tổ quốc mà còn
gắn liền với việc bảo vệ Đảng và Nhà nước; bảo vệ công cuộc lao động hòa bình
của nhân dân, bảo vệ sự nghiệp đổi mới theo định hướng XHCN.
Vì thế, bảo vệ Tổ quốc là nhiệm vụ trọng yếu, thường xuyên của
toàn Đảng, toàn dân và của cả hệ thống chính trị, Điều 64, Hiến pháp 2013 quy
định, bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN là sự nghiệp của toàn dân. Nhà nước củng cố
và tăng cường nền quốc phòng toàn dân và an ninh nhân dân mà nòng cốt là lực
lượng vũ trang nhân dân; phát huy sức mạnh tổng hợp của đất nước để bảo vệ vững
chắc Tổ quốc, góp phần bảo vệ hòa bình ở khu vực và trên thế giới.
Cơ quan, tổ chức, công dân phải thực hiện đầy đủ nhiệm vụ quốc
phòng và an ninh. Điều 44 quy định nghĩa vụ bảo vệ Tổ quốc của công dân: “Công
dân có nghĩa vụ trung thành với Tổ quốc. Phản bội Tổ quốc là tội nặng nhất”.
Tại Điều 45, Hiến pháp quy định: “Bảo vệ Tổ quốc là nghĩa vụ thiêng liêng và
quyền cao quý của công dân. Công dân phải thực hiện nghĩa vụ quân sự và tham
gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân”.
Đồng thời, “Công dân có nghĩa vụ tuân theo Hiến pháp và pháp
luật; tham gia bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội và chấp hành
những quy tắc sinh hoạt công cộng” (Điều 46). Đây là những quy định kế thừa
Hiến pháp 1992, trong đó xác định rõ hơn những nhiệm vụ, trách nhiệm công dân
đối với Tổ quốc.
Văn kiện Ðại hội XIII của Ðảng xác định mục tiêu tăng cường quốc
phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc phải toàn diện, giữ vững môi trường hòa bình, ổn
định chính trị, an ninh quốc gia, an ninh con người; xây dựng xã hội trật tự,
kỷ cương, an toàn, lành mạnh. Con người là trung tâm của mọi hoạt động, là mục
tiêu và động lực phát triển đất nước và quan điểm "do con người, vì con
người" của Ðảng, Nhà nước ta, xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an toàn,
lành mạnh thể hiện bản chất chế độ XHCN ở nước ta.
Theo đó, các cấp, các ngành, các lực lượng, nhất là QĐND, CAND
chủ động xác định giải pháp triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng cường
quốc phòng, an ninh, bảo vệ Tổ quốc, xác định chủ động phòng ngừa là chính. Ứng
phó kịp thời, hiệu quả với các đe dọa an ninh phi truyền thống, nhất là nhiệm
vụ cứu nạn, cứu hộ, phòng, chống thiên tai, dịch bệnh.
Có kế sách ngăn ngừa các nguy cơ chiến tranh, xung đột từ sớm,
từ xa. Nỗ lực phấn đấu để ngăn ngừa xung đột, chiến tranh và giải quyết các
tranh chấp bằng biện pháp hòa bình phù hợp với luật pháp quốc tế. Kiên quyết,
kiên trì đấu tranh bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn
lãnh thổ, vùng trời, vùng biển.
Ðại hội XIII của Ðảng đã xác định nhiệm vụ kết hợp giữa kinh tế,
văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại để thực hiện mục tiêu bảo vệ Tổ
quốc có bước phát triển mới. Kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa kinh tế, văn hóa,
xã hội, đối ngoại với quốc phòng, an ninh và giữa quốc phòng, an ninh với kinh
tế, văn hóa, xã hội và đối ngoại. Thực tế, việc kết hợp chặt chẽ kinh tế, văn
hóa, xã hội với quốc phòng, an ninh và quốc phòng, an ninh với kinh tế, văn
hóa, xã hội… đã được đề cập trong các văn kiện của Đảng trước đây, lần này được
nhấn mạnh cụ thể, đầy đủ hơn.
Đó là xác định rõ việc kết hợp giữa kinh tế, văn hóa, xã hội với
đối ngoại và đối ngoại với kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo thành sức mạnh tổng
hợp bảo vệ Tổ quốc. Ðồng thời, yêu cầu “Cụ thể hóa và thực hiện có hiệu quả
quan hệ giữa hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN
trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, chiến lược bảo vệ Tổ quốc; trong
các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại; trong
từng địa phương, vùng, địa bàn chiến lược và trong từng nhiệm vụ, chương trình,
kế hoạch cụ thể”.
Thời gian qua, trước tình hình quốc tế và trong nước có những
nguy cơ, diễn biến phức tạp, đặc biệt vấn đề chủ quyền biển đảo, đòi hỏi mọi
người dân đều nêu cao ý thức, trách nhiệm bảo vệ Tổ quốc. Đồng thời, một trong
những lực lượng nòng cốt thực hiện nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc chính là dân quân tự
vệ.
Đây là lực lượng vũ trang quần chúng không thoát ly sản xuất,
công tác, có nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, chiến đấu, phục vụ chiến đấu bảo vệ
địa phương, cơ sở; phối hợp với các đơn vị Quân đội, Công an và các lực lượng
khác trên địa bàn tham gia xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng khu vực
phòng thủ, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội, bảo vệ Đảng,
chính quyền, bảo vệ tài sản của Nhà nước, tính mạng, tài sản của nhân dân ở địa
phương, cơ sở.
Trên cơ sở các quy định của Hiến pháp, Văn kiện Đại hội Đảng,
cần tiếp tục thể chế hóa chính sách bảo vệ Tổ quốc của Đảng, Nhà nước ta. Xây
dựng nền quốc phòng toàn dân và nền an ninh nhân dân theo phương hướng toàn
dân, toàn diện, độc lập tự chủ, tự lực tự cường, ngày càng hiện đại. Xây dựng
tiềm lực quốc phòng, an ninh ngày càng vững mạnh, trong đó có xây dựng tiềm lực
chính trị - tinh thần. Tăng cường giáo dục cho toàn Đảng, toàn dân về nhiệm vụ
quốc phòng, an ninh trong tình hình mới, tạo nên sự thống nhất nhận thức về
những thuận lợi, khó khăn của đất nước, của quốc tế và khu vực.
Trần Cẩm Tú
Nhận xét
Đăng nhận xét