Với khí thế này thì giặc nào cũng phải tan tành
Đáp lại lời kêu gọi của Đà Nẵng, 25 bác sĩ, điều dưỡng và kỹ thuật viên ngành y của Bình Định đã xung phong ra “chiến tuyến” chống dịch.
Mặc dù gia đình lo lắng, nhưng bác sĩ Nguyễn Hữu Thủy Tiên (26 tuổi, Khoa Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định), một trong những người đầu tiên xung phong đi chi viện, vẫn kiên định với lựa chọn của mình:
“Những ngày qua, khi xem thông tin dịch bệnh tại Đà Nẵng qua báo đài, tôi cảm thấy rất thương và đồng cảm với sự vất vả của các anh chị đồng nghiệp đang chiến đấu ngày đêm. Khi nghe tin chi viện cho Đà Nẵng, tôi đăng ký đi ngay lập tức. Cha mẹ thấy lo cho tôi vì tôi là con gái, sức khỏe không bằng người ta. Tuy nhiên, sau hai lần thuyết phục, cha mẹ tôi cũng đã yên tâm để tôi lên đường. Tôi nói với cha mẹ: Con ra Đà Nẵng chống dịch cũng là để bảo vệ cho Bình Định và nhiều nơi khác. Cha mẹ đừng lo, con còn có rất nhiều anh em bên cạnh”.
Trong khi đó, Nguyễn Công Huấn (27 tuổi, điều dưỡng viên của Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định) cho biết ngay khi nghe tin kêu gọi chi viện cho Đà Nẵng, anh lập tức đăng ký lên đường.
“Cha tôi trước kia từng là lính chiến đấu tại chiến trường Campuchia. Tất cả những nơi nguy hiểm nhất cha tôi đều đặt chân tới. Tôi chắc chắn trong lúc này, cha mẹ tôi cũng sẽ đồng tình với quyết định của tôi!”, Huấn chia sẻ.
Ông Nguyễn Chờ (58 tuổi, cha của Nguyễn Công Huấn) nói: “Khi biết tin con tôi xung phong đi Đà Nẵng, tôi rất vui và ủng hộ vì cảm thấy con mình có tinh thần trách nhiệm. Theo tôi, làm gì cũng vậy, khi đất nước cần thì mình phải có mặt. Là bậc cha mẹ, chúng tôi sẽ luôn dõi theo và tôi rất mong con cùng đồng nghiệp tự tin, chiến thắng được dịch bệnh”.
Trước sự hưởng ứng nhiệt tình của đội ngũ y bác sĩ tại bệnh viện, bác sĩ Võ Thành Nam Bình – phó giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, không giấu nổi xúc động.
Theo ông Bình, chưa bao giờ việc chọn ai và bỏ ai ra khỏi danh sách lại trở nên khó khăn như vậy. Tuy nhiên, đến phút chót, bệnh viện chọn ra 10 người đáp ứng các điều kiện: trẻ khỏe, chưa có gia đình và có kinh nghiệm làm việc.
“Tôi rất cảm động trước tinh thần của các em. Đi vào vùng dịch là một trong những thách thức lớn. Người ta chạy đi nhưng mình lại lao vào.Tôi rất mong các em hãy thật cẩn trọng, biết bảo vệ sức khỏe bản thân để san sẻ gánh nặng cùng các đồng nghiệp, phục vụ thật tốt cho người dân”, ông Bình nhắn nhủ.
Bác sĩ Trần Thượng Dũng – trưởng khoa Khám chữa bệnh Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Định, cho biết từ lúc có thông tin đăng ký đi Đà Nẵng, nhóm Zalo của cán bộ y bác sĩ bệnh viện hoạt động sôi nổi vô cùng.
“Hàng trăm tin nhắn của các bác sĩ, điều dưỡng đăng ký đi. Tôi thức suốt đêm theo dõi. Quả thật từ trước đến nay chưa có sự kiện nào thu hút sự quan tâm của lãnh đạo, các trưởng khoa và đội ngũ cán bộ của bệnh viện như vậy” – bác sĩ Dũng kể.
Với khí thế bừng bừng “xung phong ra tiền tuyến” ta như nghe văng vẳng đâu đây âm hưởng hào hùng “Chẳng kẻ thù nào ngăn nổi bước ta đi” lại tiếp tục vang vọng trong thế kỷ 21.
TOÀN DÂN VIỆT NAM CHUNG SỨC, ĐỒNG LÒNG CHIẾN THẮNG “GIẶC” COVID-19!
Nhận xét
Đăng nhận xét