Phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng

 Phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng

Việc xây dựng, hình thành các mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng là một vấn đề đã được nhiều địa phương, đơn vị xây dựng, triển khai, tuy nhiên đây cũng là vấn đề mới, đòi hỏi phải có sự đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn và nhân rộng trên thực tế những mô hình hiệu quả. 

Sự phát triển của công nghệ thông tin, không gian mạng chứa đựng cả những yếu tố tích cực, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ về an ninh, trật tự. Vì vậy, việc chú trọng xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng cần được đặc biệt quan tâm.

Việc phát huy vai trò, sức mạnh của đông đảo quần chúng nhân dân trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh mạng, từ đó giúp nắm bắt kịp thời, tận dụng hiệu quả các cơ hội do không gian mạng mang lại để phát triển kinh tế, xã hội; đồng thời chủ động phòng ngừa, sẵn sàng ứng phó để hạn chế các tác động tiêu cực, bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội.

Phát biểu tại Ngày hội toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh Trà Vinh vừa qua, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quốc Hùng nhấn mạnh vấn đề cần chú trọng việc ứng dụng công nghệ, mạng xã hội, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng; tập trung phát triển, nhân rộng và nâng cao chất lượng các hình thức, mô hình tự quản, tự phòng, tự bảo vệ có hiệu quả trên các địa bàn.

Vừa qua, nhiều địa phương trên cả nước đã có những mô hình hay trong việc ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội trong công tác đảm bảo an ninh, trật tự. Trong đó, Ban Chỉ đạo 138 tỉnh Nam Định đã triển khai xây dựng mô hình “Nắm chắc, quản chặt, ngăn chặn vi phạm pháp luật trên không gian mạng”.

Là một trong những đơn vị Công an địa phương đầu tiên trên địa bàn thành phố triển khai mô hình, Thiếu tá Phan Việt Hùng, Trưởng Công an phường Trần Hưng Đạo (thành phố Nam Định) cho biết, UBND phường đã xây dựng kế hoạch triển khai mô hình; giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, tổ chức chính trị – xã hội từ phường tới cơ sở. Trong đó, lực lượng Công an phường là nòng cốt, tham mưu cho Ban Chỉ đạo 138 phường triển khai nhiều biện pháp thực hiện, chú trọng biện pháp thành lập nhóm “Zalo an ninh” từ phường đến các tổ dân phố do lực lượng Công an quản lý và vận hành. Nhóm “Zalo an ninh” là kênh để lực lượng Công an phường phổ biến, cảnh báo những phương thức, những thủ đoạn của tội phạm sử dụng không gian mạng, công nghệ cao xâm phạm an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, tiếp nhận thông tin phản ánh về tình hình an ninh trật tự. Đây cũng là kênh để nhân dân phản ánh, tố giác tội phạm một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất.

Cũng trên không gian mạng, một vấn đề nóng, gây bức xúc trong thời gian qua là tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng với nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi.

Nhận diện về vấn đề này, Thượng tá Nguyễn Đỗ Huấn, Trưởng phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Vĩnh Phúc cho biết, các hình thức lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện trên nhiều lĩnh vực, nhất là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng gần đây diễn biến phức tạp và có chiều hướng gia tăng. Các đối tượng sử dụng nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi như kết bạn qua mạng, thông báo gửi quà, sau đó giả danh nhân viên sân bay, hải quan, thuế yêu cầu nộp tiền để nhận quà; lập tài khoản mạng xã hội hoặc chiếm quyền quản trị mạng xã hội của người khác rồi nhắn tin lừa người thân, bạn bè của chủ tài khoản chuyển tiền; lập trang web đăng tải các nội dung sai sự thật hoặc tạo tài khoản mạng xã hội rao bán các mặt hàng, sau đó lừa bị hại chuyển tiền vào tài khoản để chiếm đoạt.

Một thủ đoạn khác nữa là giả danh nhân viên cơ quan nhà nước, công an, viện kiểm sát, tòa án gọi điện thoại hoặc lập trang web giả mạo để khai thác thông tin cá nhân của bị hại, yêu cầu đóng tiền để nhận quà tặng, cung cấp mã OTP tài khoản ngân hàng, dọa liên quan đến vụ án và yêu cầu chuyển tiền để kiểm tra nhằm chiếm đoạt; thủ đoạn sử dụng các phần mềm, ứng dụng để giả giọng nói, khuôn mặt, giấy tờ của cơ quan Nhà nước nhằm mục đích chiếm đoạt tài sản. Bên cạnh đó còn thủ đoạn lừa đảo thông qua hoạt động đầu tư kinh doanh trên các sàn thương mại điện tử, lợi dụng nhu cầu đầu tư của người dân, các đối tượng xây dựng website tạo thành các sàn giao dịch tài chính, sàn giao dịch thương mại điện tử, chứng khoán quốc tế giả, kêu gọi đầu tư theo mô hình đa cấp có hưởng hoa hồng giới thiệu, hưởng lợi trên số tiền đầu tư dựa trên chính sách khuyến mãi, chiết khấu…, người đầu tư đóng tiền vào hệ thống bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản để đổi thành tiền “ảo” trong từng hệ thống, khi người tham gia đạt số lượng nhất định, chúng sẽ cho “sập sàn” hoặc cho máy chạy tự động giao dịch để chiếm đoạt số tiền nộp vào hệ thống của người chơi….và nhiều thủ đoạn khác lừa đảo tinh vi khác.

Theo Thượng tá Nguyễn Đỗ Huấn, vừa qua, Công an tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành Kế hoạch về thực hiện đợt cao điểm tuyên truyền, tấn công trấn áp tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực, góp phần kiềm chế sự gia tăng của tội phạm này, giữ vững ổn định an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống nhân dân. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng Công an tỉnh đã tiếp nhận, giải quyết 19 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, tổng số tiền thiệt hại hơn 3,8 tỷ đồng, đã khởi tố 14 vụ.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tại địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, phát huy những kết quả đạt được, trong thời gian tới, lực lượng Công an tỉnh tổ chức nắm chắc tình hình hoạt động của các đối tượng, ổ nhóm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, từ đó, áp dụng các biện pháp đấu tranh, xử lý nghiêm đối với loại tội phạm này. Tiếp tục làm tốt công tác tiếp nhận, giải quyết 100% tố giác, tin báo về tội phạm liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng.

Bên cạnh đó là nâng cao chất lượng, đổi mới công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào các khu vực đông dân cư, trường học, khu công nghiệp, nơi có đông công nhân, người lao động sinh sống; đẩy mạnh tuyên truyền trên các nền tảng mạng xã hội; nội dung tuyên truyền tập trung về các phương thức, thủ đoạn và cách phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản gắn với các vụ án, vụ việc để các tổ chức, cá nhân tăng cường cảnh giác trước những thủ đoạn của các đối tượng.

Vấn đề xây dựng, hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng là một vấn đề còn tương đối mới, đòi hỏi phải có sự đi sâu nghiên cứu, tổng kết thực tiễn để khái quát thành lý luận và nhân rộng trên thực tế. Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, cần có một số giải pháp cụ thể, hướng đến như: lực lượng Công an xây dựng cơ chế, thiết lập đường dây nóng, hệ thống tiếp nhận, xử lý thông tin về tội phạm mạng từ không gian mạng để quần chúng nhân dân phản ánh kịp thời, trực tiếp thông tin, hành vi vi phạm pháp luật trên không gian mạng tới cơ quan chức năng có thẩm quyền.

Cùng với đó, đổi mới nội dung, hình thức, biện pháp xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc phù hợp với thực tiễn chuyển đổi số; phát huy vai trò của thế trận an ninh nhân dân trên không gian mạng để hình thành mô hình toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc trên không gian mạng. Hướng tới xây dựng hệ thống cảnh báo sớm quốc gia để kịp thời phát hiện, điều phối, ứng cứu sự cố an ninh mạng; thu thập, chia sẻ thông tin về an ninh mạng giữa Nhà nước và doanh nghiệp, trong nước và thế giới; xây dựng, hình thành nền tảng điều hành, giám sát an ninh mạng thống nhất…

Xuân Tùng (TTXVN)

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này