Lệch lạc khi xa rời sợi dây kết nối giữa nhà văn với Tổ quốc và nhân dân
Lệch lạc khi xa rời sợi dây kết nối giữa nhà văn với Tổ quốc và nhân dân
Một trong những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ được Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII chỉ ra là một số văn nghệ sĩ không chỉ phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật mà còn sáng tác, quảng bá những tác phẩm lệch lạc, bóp méo lịch sử, không vì lợi ích chung của đất nước và nhân dân.
Vì vậy, trách nhiệm của văn nghệ sĩ nói chung, của đội ngũ nhà văn nói riêng là phải lấy việc sáng tác về đề tài Tổ quốc và nhân dân là tình cảm cao cả, bổn phận thiêng liêng của mình.
1. Với nhà văn, nếu thay câu hỏi “Ta đã làm gì cho Tổ quốc?” bằng “Ta đã viết gì cho Tổ quốc?” chắc cũng không sai. Bởi, với người cầm bút sáng tạo văn chương thì tình yêu đất nước thể hiện rất rõ trong mỗi trang viết. Nói tình yêu, trong đó cũng bao hàm cả trách nhiệm; trách nhiệm của nhà văn đối với Tổ quốc và nhân dân. Chúng ta sinh ra trên đời này, mặc nhiên được gắn vào dân tộc và nhân loại, đi đến tận cùng cái này sẽ gặp được cái kia. Không ai nhân danh cái tôi của mình để quay lưng lại với dân tộc và nhân loại; là nhà văn càng thấm thía điều đó như thấm thía ý nghĩa của công việc làm ra những trang sách giàu lòng yêu nước, thương dân và lắng đọng tình người.
Từ xưa đến nay, những tác phẩm văn học hướng về đất nước và nhân dân luôn được công chúng trân trọng gìn giữ. Trong chiến tranh hay hòa bình thì cảm thức về đất nước của nhà văn vẫn luôn được đề cao; nó không phải là cái chung chung mơ hồ mà rất rõ ràng, cụ thể, ẩn sâu trong trái tim người viết. Từ đó, ta tiếp nhận được linh khí của non sông này, được đắp bồi phù sa nhân nghĩa, được kết nối quá khứ, được gần gũi hơn với muôn vạn phận đời để khai mở ra những trang văn không nhạt nhẽo, giả dối, vô ích. Ngẫm kỹ mà xem, đấy thực sự không phải là điều suông rỗng mà chính là “sắc tố” có trong dòng máu của nhà văn, như những tinh túy được truyền lưu lại để làm nên hồn cốt, bản sắc của văn chương đất Việt luôn lấy lòng yêu nước, thương người làm cốt lõi.
Văn học cần nhiều phong cách như cõi người vốn có nhiều tính cách, số phận. Phong cách là cái riêng biệt, không trùng lặp, không na ná của các nhà văn. “Mỗi nhà thơ viết câu thơ theo số phận mình, chẳng bắt chước ai” (Chế Lan Viên). Đó là cái riêng, cái tôi của người cầm bút. Tuy vậy, nhà văn cũng có cái chung, rất chung cần tôn thờ và hướng tới. Lại xin được dẫn tiếp hai câu thơ của nhà thơ Chế Lan Viên: “Thơ cần có ích/ Hãy bắt đầu từ nơi ấy mà đi”. Cái có ích của thơ ca nói riêng và văn học nói chung là gì? Chắc chắn không phải tiền của, chức tước, danh vọng, mà trước hết nó là tiếng nói tâm hồn, bản lĩnh của dân tộc.
Ảnh minh họa / tuyengiao.vn |
Nhân dân soi vào đó sẽ thấy hình hài, hơi thở, nhịp đập của cuộc đời, từ một người đến muôn người; từ một chị Dậu thấy được muôn triệu phận người lầm than nhấp nhô trong đêm trường nô lệ thực dân, phong kiến tối tăm; từ một người mẹ nông dân Út Tịch, ta thấy được khí phách chống giặc ngoại xâm “còn cái lai quần cũng đánh” của đất nước thời bom đạn tơi bời; từ hình ảnh người chiến sĩ Giải phóng quân trên đường băng Tân Sơn Nhất trong mùa Xuân 1968, ta gặp được “dáng đứng Việt Nam”; từ những câu thơ về Trường Sa, Hoàng Sa, ta yêu hơn biển, đảo Tổ quốc mình… Nếu như ai cũng chỉ ru rú viết về cái tôi riêng biệt của mình thì hình ảnh đất nước ở đâu trong văn học bấy lâu nay?
2. Thời gian qua, có những nhà văn đề cao tuyệt đối cái tôi. Cả nội dung lẫn nghệ thuật đều là của tôi, cho tôi, vì tôi. Viết về “tôi” là mục đích cao nhất, xuyên suốt của họ. Vì thế, họ thoát ly, lánh xa, thậm chí coi thường những gì liên quan đến truyền thống, đến Tổ quốc, quê hương. Không gian nghệ thuật của họ quẩn quanh trong cái tôi được che chắn bởi khái niệm tự do cá nhân. Rất nhiều buồn bã, chán chường. Rất nhiều ngõ cụt, hẻm tối. Rất nhiều cạm bẫy, xấu xa. Rất nhiều nhục cảm và bạo lực. Hoặc là bôi đen, phủ nhận. Hoặc là ám chỉ, mỉa mai. Hoặc là bất mãn, nổi loạn…
Cái tôi khi được tuyệt đối hóa trở thành “cái duy nhất” rất dễ làm cho nhà văn tháo rời sợi dây kết nối giữa họ với Tổ quốc và nhân dân. Những vui buồn của đất nước hầu như nằm ngoài suy nghĩ và tình cảm của họ, nếu có, nó cũng vô cùng nhạt nhòa, hao hụt. Nếu ai cũng vậy thì văn chương nước nhà sa vào đâu, đi về đâu? Cứ chất chồng, dồn tụ lại những tác phẩm như thế thì chắc chắn văn học nước nhà chỉ còn lại bãi rác và đầm lầy, không có ánh sáng, không niềm tin, không hy vọng.
Một nền văn học thiểu năng, nhược cơ, vị kỷ là vô ích với đông đảo nhân dân. Dân tộc mình luôn lấy hy vọng, niềm tin để tồn tại và vươn lên dù ở trong hoàn cảnh cam go, éo le đến mấy. Tuyệt vọng đồng nghĩa với tàn lụi. “Đừng than phận khó ai ơi/ Còn da lông mọc, còn chồi nảy cây” (ca dao). Song hành với nội dung thiếu ánh sáng là nghệ thuật hũ nút, đánh đố. Nhân danh cách tân, đổi mới, có những kiểu thơ bí hiểm, tắc tị ra đời. Có nhà thơ “làm xiếc” bằng con chữ, thể hiện cái mới nghệ thuật đâu chưa rõ, mà chỉ thấy xuất hiện một mớ kỳ nhông chữ nghĩa khô cứng, rất khó cảm nhận. Trong khi cái chất phác, cái giản dị mới có thời cơ tạo ra được những sắc thái mới mẻ, tự nhiên đầy sức truyền cảm của văn chương. Nhà văn Đỗ Chu từng cảnh báo: “Cứ việc hão huyền, cứ việc đại ngôn, tha hồ tinh tướng, tha hồ mê dụ, tha hồ yếm trá, tất cả đều được thêu dệt, ẩn giấu sau tấm lụa ngôn từ bóng bẩy nhưng hết sức xiêu vẹo, yếu đuối, do vậy một cái chết đang chờ sẵn cho các tác phẩm vô hồn là không sao tránh khỏi” (“Hoa bờ giậu”).
Không ngẫu nhiên trong bài phát biểu của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Lễ kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam (25-7-1948 / 25-7-2023), Tổng Bí thư đã nêu băn khoăn về một số văn nghệ sĩ “phai nhạt mục tiêu, lý tưởng cách mạng, xem nhẹ trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân. Tác phẩm của họ thường xa rời thực tiễn đời sống của đất nước, của nhân dân. Một số phát ngôn, viết hồi ký, sách, báo, trang điện tử, sử dụng các mạng xã hội có nội dung thiếu xây dựng, thậm chí rất cực đoan. Cá biệt có hiện tượng “bôi đen” giá trị thiêng liêng của lịch sử, của chế độ, đề cao quá mức cái “tôi” để kêu gọi tự do sáng tác, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với văn học, nghệ thuật”.
3. Văn chương tốt nhất, ý nghĩa cao cả nhất là nên dành cho số đông. Đó là sự phổ biến có từ xưa đến nay. Những ngôi sao văn chương không tỏa sáng đơn độc mà thường rất gần gũi với công chúng. Ánh sáng của con chữ chiếu rọi vào nhân dân, khi nâng niu, khi góp phần thức tỉnh. Tác phẩm để đời của họ thấm đượm chất nhân văn và không tách rời khỏi số phận dân tộc. Đúng như nhà văn Nguyễn Minh Châu từng viết: “Mỗi nhà văn gắn chặt với số phận dân tộc và đất nước mình như cái đai của người mẹ quấn quanh mình đứa trẻ. Và hình như còn hơn thế nữa. Người nghệ sĩ là một đứa con của đất nước mà chỉ có nó mới có thể giao cảm hết những cái vui buồn và nhọc nhằn của người mẹ, cả những điều mà người mẹ không bao giờ nói ra” (“Trang giấy trước đèn”). Nhà văn Nguyễn Minh Châu còn nói rõ: “Diễn tả chân thực đời sống con người Việt Nam thấu tận chiều sâu triết học, con đường văn học ta luôn luôn được cầm tay nhân dân và tìm thấy tiếng nói trong nền văn học thế giới” (Tạp chí Văn học, tháng 5-1989). Cũng như vấn đề xã hội, văn học đi đến tận cùng dân tộc sẽ gặp nhân loại. Trong văn học nhân loại có văn học Việt Nam.
Trong đời sống xã hội bộn bề và phức tạp, chất chứa rất nhiều sự tương phản và đối lập, những người cầm bút cũng phải tìm đến những nguồn sống, nguồn cảm hứng tích cực để khai thác, bổ sung chất liệu và sáng tạo. Sau đó, những trang viết của nhà văn sẽ tác động tích cực trở lại cuộc sống, làm cho nó tốt đẹp lên. Sự thật thì cuộc sống cũng không thiếu những điều tốt đẹp, những con người xứng đáng trở thành nguyên mẫu cho nhân vật chân chính trong tác phẩm văn học.
Viết về cái tốt đẹp không phải là sự tối kỵ của văn chương và đương nhiên nó không hề làm cho những trang viết thấp kém hay dở đi. Có những tác phẩm văn học viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, viết về các lãnh tụ, tướng lĩnh nổi tiếng của nước ta vẫn được nhiều bạn đọc đón nhận nhiệt tình. Nhiều bài thơ, trường ca ngợi ca Tổ quốc, nhân dân, chiến sĩ vẫn được đánh giá cao về nội dung tư tưởng và chất lượng nghệ thuật, lay động trái tim hàng triệu người. Vẫn xúc động lắm khi ta đọc lại những dòng thơ này: “Đẹp vô cùng Tổ quốc ta ơi/ Rừng cọ, đồi chè đồng xanh ngào ngạt” (Tố Hữu); “Đảo có lính cát non thành Tổ quốc/ Đảo nhỏ quá nói một câu là hết” (Hữu Thỉnh); “Buồm ơi buồm, ngươi có thực hay chăng/ Để con sóng ngổn ngang lời tâm sự/ Để mỗi sáng, mỗi chiều như nỗi nhớ/ Tự chân trời Tổ quốc lại hiện lên” (Anh Ngọc)…
Thơ viết về Tổ quốc vẫn đầy sức lay động người đọc. Khi những câu thơ đứng vững trước thời gian chứng tỏ hàm lượng tư tưởng và nghệ thuật không hề bé nhỏ, lép vế. Những bài thơ, câu thơ hay về Tổ quốc làm ấm lòng chiến sĩ, đồng bào mọi lúc, mọi nơi.
Thời nào cũng vậy, những tác phẩm văn học xuất sắc gắn liền với Tổ quốc và nhân dân đều được công chúng đón nhận và lưu giữ lâu dài. Đến hôm nay, những “Đất rừng phương Nam” của Đoàn Giỏi, “Thời xa vắng” của Lê Lựu, “Bến không chồng” của Dương Hướng, “Bến đò xưa lặng lẽ” của Xuân Đức, “Bên kia sông Đuống” của Hoàng Cầm, “Tây Tiến” của Quang Dũng, “Núi Đôi” của Vũ Cao, “Hoan hô chiến sĩ Điện Biên” của Tố Hữu, “Đất nước” của Nguyễn Đình Thi, “Mặt đường khát vọng” của Nguyễn Khoa Điềm, “Lửa đèn” của Phạm Tiến Duật, “Khoảng trời hố bom” của Lâm Thị Mỹ Dạ, “Tiếng Việt” của Lưu Quang Vũ, “Đường tới thành phố” của Hữu Thỉnh, “Sóng Côn Đảo” của Anh Ngọc, “Trường ca Sư đoàn” của Nguyễn Đức Mậu… vẫn được rất nhiều bạn đọc nhắc tới với tình cảm sâu sắc.
Tổ quốc vẫn là cảm hứng và chất liệu dồi dào cho mọi nhà văn. Đó vẫn là một nội dung văn học quan trọng làm tiền đề cho những tác phẩm xuất sắc có tầm vóc tư tưởng lớn và chất lượng nghệ thuật cao. Đấy chính là mảnh đất màu mỡ để cho các nhà văn tài năng làm nên những tác phẩm lớn ngang tầm thời đại. Đó cũng là điều mà Tổ quốc và nhân dân hằng mong đợi bấy lâu. Viết về đất nước và nhân dân không phải, không chỉ là câu chuyện của hôm qua, mà nó chính là nỗi đau đáu của đội ngũ nhà văn Việt Nam hôm nay. Tổ quốc và nhân dân, không gì cao hơn thế. Viết về Tổ quốc và nhân dân vẫn là tình cảm, trách nhiệm của mỗi nhà văn.
Nói điều đó không phải chúng ta mặc cảm, cấm đoán những tác phẩm đi sâu khai thác cái tôi. Chỉ muốn nói rằng, không có cái tôi nào biệt lập tuyệt đối cả, không có cái tôi siêu hình xa rời đất nước và nhân dân. Tổ quốc và nhân dân sẽ cho ta nội lực sáng tạo, đó là điều chắc chắn. Điều này đã được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Thực tế đời sống văn học ở nước ta và trên thế giới cho thấy, những tác gia lớn đều là những tác gia có khát vọng và hoài bão lớn lao, có tầm nhìn xa rộng và có tư duy sâu sắc. Chỉ có khát vọng và hoài bão lớn về sự sáng tạo thì mới đi xa và bền vững được. Mục đích cuối cùng của người nghệ sĩ là tác phẩm hay, tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Nó phản ánh tâm hồn và tính cách dân tộc, những điều lớn lao, mạnh mẽ của con người và dự báo cho cả tương lai”.
NGUYỄN HỮU QUÝ
Nhận xét
Đăng nhận xét