Tái diễn luận điệu xuyên tạc công tác cán bộ
Tái diễn luận điệu xuyên tạc công tác cán bộ
Bàn bạc, cho ý kiến kết luận về quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV là một trong những nội dung quan trọng của Hội nghị Trung ương 8 khóa XIII. Xung quanh vấn đề này, các đối tượng “dân chủ” cũng tích cực đăng đàn đưa ra nhiều thông tin sai trái, xuyên tạc để chống phá chính quyền.
“Hội nghị Trung ương 8 là một cuộc dàn xếp nhân sự cho tương lai”, “Đảng đang công khai mua quan bán chức dưới danh nghĩa quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIV”, “nhân sự các cấp đã được sắp xếp bởi giới chóp bu nên việc tổ chức Đại hội Đảng thời gian tới mang tính hình thức”… là những luận điệu độc hại các đối tượng xấu rêu rao liên quan đến công tác cán bộ. Cùng với đó, lợi dụng việc một số cán bộ cấp cao trong Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII bị xử lý hình sự do vi phạm về tham nhũng, tiêu cực, các đối tượng xấu đã đơm đặt, quy chụp cho rằng công tác nhân sự được Đảng thực hiện một cách hời hợt vì mục đích vụ lợi của các phe nhóm chứ không nhằm lựa chọn nhân tài lãnh đạo đất nước. Đây không phải là lần đầu tiên công tác cán bộ trở thành đề tài để giới “dân chủ” nhào nặn, bóp méo.
Quy hoạch cán bộ là việc rà soát, phát hiện sớm nguồn cán bộ có phẩm chất, năng lực, uy tín và triển vọng phát triển để có kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển, bổ nhiệm, tạo nguồn cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. Đồng thời, việc quy hoạch cũng nhằm bảo đảm về cơ cấu trong công tác cán bộ; bảo đảm sự hài hòa giữa cán bộ trẻ với cán bộ có kinh nghiệm, giữa cán bộ nam với cán bộ nữ, giữa cán bộ dân tộc thiểu số với cán bộ dân tộc đa số. Việc làm tốt công tác quy hoạch cán bộ có liên quan trực tiếp đến sự sống còn của Đảng, vận mệnh của chế độ và sự phát triển bền vững của đất nước.
Công tác quy hoạch cán bộ được thực hiện nghiêm túc, bài bản. Mục đích cao nhất của việc quy hoạch cán bộ là tìm ra những cán bộ đủ đức, đủ tài, đủ năng lực lãnh đạo đất nước theo con đường cách mạng đã chọn. Ngày 27-12-2021, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ban hành Quy định số 50-QĐ/TW về công tác quy hoạch cán bộ. Tiếp đó, ngày 15-2-2022, Ban Tổ chức Trung ương tiếp tục ban hành Hướng dẫn số 16-HD/BTCTW hướng dẫn một số nội dung cụ thể về công tác quy hoạch cán bộ. Theo quy định, việc quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý phải xuất phát từ tình hình thực tế đội ngũ cán bộ, yêu cầu nhiệm vụ chính trị của địa phương, cơ quan, đơn vị trong từng nhiệm kỳ và định hướng nhiệm kỳ kế tiếp. Trước khi giới thiệu quy hoạch, cán bộ phải được đánh giá một cách toàn diện trên các mặt: Phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, ý thức tổ chức, kỷ luật và việc thực hiện các quy định về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên; năng lực công tác; uy tín của cán bộ và khả năng đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ theo chức danh quy hoạch. Đồng thời, Bộ Chính trị cũng chỉ đạo rõ: không đề xuất, phê duyệt quy hoạch những trường hợp không bảo đảm tiêu chuẩn, điều kiện; coi trọng chất lượng, không vì số lượng, cơ cấu mà hạ thấp tiêu chuẩn.
Hiện nay, công tác quy hoạch cán bộ đang được thực hiện trên nguyên tắc “động” và “mở”. Đối với những cán bộ không còn đủ tiêu chuẩn, điều kiện, không hoàn thành nhiệm vụ, vi phạm quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước hoặc uy tín thấp phải đưa ra khỏi quy hoạch để thay thế bằng những người có phẩm chất, năng lực, uy tín, triển vọng phát triển. Như vậy, không phải ai vào quy hoạch cũng sẽ được “xếp ghế”, “chắc chân” như những gì các đối tượng xấu cố tình rêu rao. Quy hoạch cán bộ chỉ là bước đầu. Để được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo, cán bộ còn phải nỗ lực rèn luyện, phấn đấu để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.
Không thể phủ nhận công tác quy hoạch cán bộ có lúc, có nơi đang có những tồn tại, hạn chế nhất định. Như việc quy hoạch cán bộ còn thiếu tính tổng thể, liên thông giữa các cấp, các ngành, địa phương; việc quy hoạch dàn trải, khép kín và trong một số trường hợp chưa bảo đảm phương châm “động” và “mở”. Thậm chí, có thời điểm chúng ta đã để lọt vào quy hoạch những cán bộ không có đức, kém tài, uy tín thấp, được giúp đỡ “không trong sáng”. Tuy nhiên, không vì vậy mà các đối tượng “dân chủ” có thể quy chụp mọi tội lỗi cho Đảng. Rõ ràng, Đảng, Nhà nước ta đã rất kiên quyết trong việc xử lý cán bộ vi phạm, không bao giờ có việc Đảng thỏa hiệp với sai phạm. Bất kể cán bộ đó là ai, giữ chức vụ gì nhưng khi đã vi phạm đều bị xử lý nghiêm khắc. Ngay chính tại Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cách chức tất cả chức vụ trong Đảng đối với ông Lê Đức Thọ, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre và ông Trịnh Văn Chiến, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa. Để ngăn chặn những sai phạm trong công tác cán bộ, ngày 11-7-2023, Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Quy định số 114-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ. Cùng với việc chỉ rõ những hành vi vi phạm, Quy định 114 cũng nêu rõ hình thức xử lý đối với tập thể, cá nhân liên quan.
Trong mọi giai đoạn, Đảng, Nhà nước ta đều xác định quy hoạch cán bộ là khâu quan trọng và đồng thời cũng là nhiệm vụ thường xuyên trong công tác cán bộ. Những luận điệu xuyên tạc về công tác quy hoạch cán bộ mà các đối tượng xấu đưa ra chỉ là chiêu trò đánh lừa dư luận, kích động sự hoài nghi, gây bất ổn xã hội, cần lên án, đấu tranh, xử lý nghiêm.
Anh Tú (BPO)
Nhận xét
Đăng nhận xét