Cần có sự khách quan và bình tâm trong phản biện về giáo dục
Cần có sự khách quan và bình tâm trong phản biện về giáo dục
Năm học mới 2023-2024 chỉ vừa bắt đầu một tháng, nhưng liên tiếp hàng loạt chuyện buồn giáo dục xảy ra trên khắp cả nước, ở nhiều bậc học, được truyền thông và dư luận xã hội đặc biệt quan tâm.
Niềm tin bị đánh mất
Trong luồng thông tin của truyền thông và dư luận xã hội về giáo dục những ngày qua, người ta dễ dàng thấy thật nhiều tâm tư than phiền, tiếng lòng trách giận và niềm khát khao, mong mỏi có thể chấn hưng chất lượng nền giáo dục nước nhà.
Sự phản hồi có phần quen thuộc “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” cho thấy hình ảnh giáo dục qua góc nhìn xã hội đang mất đi thiện cảm hơn bao giờ hết.
Khi phác thảo những đường nét cơ bản về bức tranh giáo dục, dù muốn dù không, dư luận xã hội vẫn phải nghĩ ngay đến những mảng màu tối, những vệt màu buồn đang thực sự tồn tại và hoành hành.
Chẳng hạn như: nạn lạm thu vô tội vạ dưới lớp vỏ ngoài của mỹ từ xã hội hóa; những khoản phí vô lý, “trên trời”, được khoác chiếc áo của sự “thỏa thuận”, “tự nguyện”; bệnh thành tích trầm kha trong dạy và học, trong thi đua các hoạt động phong trào; vấn nạn bạo lực học đường đến từ cả người học lẫn người dạy xuất hiện càng nhiều…
Thế nên, chỉ cần một câu chuyện sai phạm giáo dục nào đó bị truyền thông phanh phui, bị báo chí điểm mặt chỉ tên, là cả xã hội “dậy sóng” đòi công bằng, yêu cầu chỉnh đốn.
Lời chê trách, lên án, cứ thế ào ạt, đổ dồn trên khắp các kênh truyền thông. Xu hướng này ngày càng gia tăng, cho thấy giáo dục đang đánh mất niềm tin và cảm tình một cách trầm trọng trong xã hội.
Nếu không có những giải pháp căn cơ, quyết liệt, giáo dục sẽ mãi loay hoay trong những tình huống đến hẹn lại lên như thế này.
Khách quan và bình tâm
Phản biện xã hội nói chung và phản biện xã hội trong lĩnh vực giáo dục nói riêng là việc làm hết sức cần thiết, mang lại nhiều tác động tích cực.
Hoạt động này giúp không chỉ người trong cuộc, mà cả xã hội cùng nhận thức thực trạng, tìm ra nguyên nhân, và đề xuất giải pháp nhằm cải thiện chất lượng giáo dục.
Tuy vậy, để công tác phản biện mang lại hiệu quả cao nhất có thể, rất cần một thái độ phản biện khách quan và bình tâm.
Nếu giữ những định kiến về giáo dục bởi những câu chuyện tiêu cực xảy ra trước đó, hoặc nếu đánh đồng một sự việc riêng lẻ để quy chụp thành bản chất của tất cả các trường hợp, chúng ta sẽ khó có được sự khách quan trong việc đưa ra những nhận xét, đánh giá; từ đó dẫn đến việc đề xuất những giải pháp không phù hợp, thiếu chuẩn xác.
Không hiếm những lời bình phẩm về giáo dục có phần quá khích, nhất là trên không gian mạng, làm cho chất lượng của hoạt động phản biện giáo dục mất đi giá trị vốn có của mình.
Sẽ thế nào nếu mục đích tốt đẹp là tự vấn giáo dục, phản biện giáo dục, cải cách giáo dục, nhưng lại được thể hiện bằng những lời lẽ cảm tính nóng giận nặng nề, thiếu lập luận xác đáng, thiếu diễn giải logic thuyết phục?
Việc phản biện không khách quan, “vơ đũa cả nắm”, thậm chí sử dụng ngôn từ thiếu bình tĩnh, không chỉ tai hại đến mục đích ý nghĩa tốt đẹp ban đầu của nó, mà còn tác động tâm lý không tốt đến những nhà giáo chân chính, khiến họ bị tổn thương.
Nghề giáo mất đi vị thế, người thầy người cô mất đi sự tôn trọng trong ứng xử của xã hội. Những nỗ lực yêu thương, tinh thần đổi mới sáng tạo, sự cống hiến gắn bó nghề nghiệp bị phủ nhận.
Điều này làm cho những giáo viên yêu nghề không khỏi chạnh lòng. Vì vậy, cần lắm sự khách quan và bình tâm trong phản biện về giáo dục, để những phản biện đóng góp sức mạnh vào quá trình giúp nền giáo dục chuyển biến tốt đẹp hơn.
THS. TRẦN XUÂN TIẾN
Trường Đại học Văn Hiến
Nhận xét
Đăng nhận xét