“Lộng giả thành chân” – Chiêu trò thâm độc trên không gian mạng
“Lộng giả thành chân” – Chiêu trò thâm độc trên không gian mạng
Không ít người Việt Nam đều biết ý nghĩa của câu thành ngữ “lộng giả thành chân”. Nhiều người nghĩ rằng, nó có nghĩa là chuyện đùa cợt, hay đùa quá hóa thật.
Thực chất câu này có nghĩa là: đùa mà rồi thành thật, tưởng là chuyện đùa thôi ai ngờ biến giả thành thật; làm cho cái giả thành cái thật. Hay nói cách khác, câu này có nghĩa là một âm mưu, thủ đoạn nhằm mục đích xấu nào đó.
Câu thành ngữ “lộng giả thành chân” với hàm ý phê phán, cảnh báo những kẻ cố ý ngụy tạo hết sức tinh vi, thậm chí có những hành vi giả dối được lặp đi lặp lại, tái diễn thường xuyên, liên tục để lôi kéo sự nhẹ dạ, cả tin của người khác, khiến người khác tưởng là thật.
Do đó, mọi sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác của người đọc, nhất là giới trẻ trong việc tiếp cận, tìm kiếm những thông tin trên các trang mạng giả mạo các tổ chức, cơ quan và cán bộ lãnh đạo cao cấp, đều có thể bị “sập bẫy” vào mưu đồ xấu độc từ chủ nhân của các trang mạng này.
Tranh minh họa |
Trên thực tế âm mưu, thủ đoạn “lộng giả thành chân” đã được các thế lực thù địch triệt để lợi dụng, khai thác, sử dụng. Nhất là những kẻ cơ hội chính trị, phần tử bất mãn chế độ ở trong nước cấu kết, tiếp tay với các thế lực chống phá, phản động ngoài nước; thông qua lợi dụng tự do thông tin, tự do ngôn luận, tự do báo chí… chúng đã lập ra rất nhiều website, blog, tài khoản Facebook, TikTok, fanpage “tự xưng” dưới danh nghĩa của một số cán bộ lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội, công an và các ban, bộ, thành phố trực thuộc Trung ương; với nhiều tài khoản giả mạo, thường xuyên có nội dung thông tin nói xấu, bịa đặt, xuyên tạc, bôi nhọ lãnh đạo cao cấp và tuyên truyền chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.
Các trang mạo danh này hoạt động rất tinh vi, chúng thiết kế theo dạng trang thông tin để chuyển tải tin tức có tính chuyên nghiệp, bằng các chuyên mục với bố cục rõ ràng, cung cấp thông tin cập nhật, đa dạng. Tinh vi, nham hiểm hơn nữa, chúng lôi kéo được nhiều người tham gia và tạo được sự tin cậy của người đọc. Giai đoạn đầu, chúng đã chủ động đăng tải, chia sẻ nhiều thông tin kịp thời, chính xác như các cơ quan báo chí, trang thông tin điện tử chính thống. Thế nhưng càng về sau, khi số người theo dõi đã tăng lên cao, tạo được niềm tin của người đọc, thì những chủ nhân của các trang mạo danh này sẽ âm thầm “cài bẫy” một vài thông tin thật – giả, đúng – sai đan xen nhau, mập mờ lẫn lộn, gây nhiễu loạn thông tin, tiêm nhiễm vào dư luận những tư tưởng tiêu cực. Và tất yếu sẽ có những người nhẹ dạ cả tin, bốc đồng bị sập bẫy, lún sâu, trượt dài vào những tư tưởng tiêu cực đó, dẫn đến hùa theo một cách mù quáng với bọn phản động để chống phá đất nước.
Các thế lực thù địch sẽ không bao giờ từ bỏ âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam bằng bất cứ hình thức, phương thức, thủ đoạn nào. Do đó, chúng ta càng phải nêu cao cảnh giác, hết sức tỉnh táo, sáng suốt, không để bị “cài bẫy” hay bị “dụ dỗ, mê hoặc” vào những thông tin giả đầy tính xảo trá của các phần tử xấu.
Vì vậy, các cơ quan chức năng cần tăng cường công tác quản lý an ninh mạng, nghiên cứu, xây dựng những cơ chế, chính sách phù hợp để tiếp tục phát triển mạng Internet đúng hướng, lành mạnh; đồng thời sớm nhận diện chân tướng, kịp thời bóc gỡ những trang giả mạo và xử lý nghiêm khắc những kẻ cố tình tung tin thất thiệt, chia sẻ thông tin thật – giả, đúng – sai lẫn lộn.
Mỗi công dân cần đề cao cảnh giác, phát huy vai trò trách nhiệm, có bản lĩnh vững vàng, có đủ kiến thức, kỹ năng và sự tỉnh táo trước những thông tin giả; phải làm hết trách nhiệm của bản thân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; qua đó góp phần giữ vững an ninh chính trị, an ninh tư tưởng, an ninh văn hóa và bảo đảm môi trường thông tin lành mạnh cho xã hội.
Cao Nguyên Hiền Hòa (baodaklak.vn)
Nhận xét
Đăng nhận xét