Suy diễn và ngụy biện – sự ty tiện cần phải đấu tranh

 Suy diễn và ngụy biện – sự ty tiện cần phải đấu tranh

Suy diễn và ngụy biện – sự ty tiện cần phải đấu tranh

Dưỡng Nguyên

Sự băn khoăn và những suy nghĩ lệch lạc cần khắc phục

Sau một số phiên họp bất thường của Ban Chấp hành Trung ương Đảng và Quốc hội nước ta để giải quyết một số công việc cấp bách liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ quốc kế, dân sinh và công tác xây dựng Đảng, Nhà nước, nhất là công tác nhân sự nhằm giữ vững ổn định chính trị – xã hội, tiếp tục phát triển đất nước, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Đây là yêu cầu khách quan của đời sống thực tiễn, phản ánh tính biện chứng của công cuộc đổi mới, kết quả của nhận thức và hoạt động xây dựng Đảng và Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa (XHCN) của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân về “những việc cần làm ngay”, phù hợp với ý Đảng – lòng Dân và quy luật xây dựng Đảng Cộng sản và chế độ XHCN.

Tuy nhiên, do trình độ nhận thức và sự hiểu biết khác nhau, một bộ số cán bộ, đảng viên và người dân còn băn khoăn, lo lắng về tình hình phát triển kinh tế – xã hội của đất nước. Trong đó, có ý kiến xuất phát từ sự thiếu thông tin hoặc nhận thức chưa đầy đủ các khía cạnh khác nhau của từng vấn đề về chính trị – xã hội, đã vội cho rằng “đất nước có biểu hiện mất ổn định chính trị”, “cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã gây ra không khí ngột ngạt, bất an trong xã hội” vì “nhiều cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước vi phạm pháp luật, phải xử lý lỷ luật”, “phải từ chức”, thậm chí “phải chịu trách nhiệm hình sự”.

 Cũng có ý kiến băn khoăn vì sao đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nhiều năm rồi mà vẫn chưa xong; vai trò, trách nhiệm của nhân dân và các tổ chức chính trị – xã hội, đoàn thể như Mặt trận Tổ quốc, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên, Công đoàn, hàng trăm tờ báo, tạp chí ở đâu mà chỉ thấy Bộ Công an, Ủy Ban kiểm tra Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào cuộc… Từ đó, có người đã suy diễn rằng, “công tác nhân sự của Đảng từ Đại hội XII đến nay có nhiều vấn đề cần xem lại, nhất là khâu tuyển chọn cán bộ”.

Sự hoài nghi, bi quan đã nhen nhóm và “rì rầm bàn tán” ở một số ít cán bộ, đảng viên và người dân. Phần đông cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thể hiện trạng thái vui mừng, phấn khởi vì Đảng ta, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “đã nói được, làm được”, “đã kiên quyết đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực nên đã bắt được nhiều sâu mọt hại nước, hại dân”, “đã chặt các cành sâu mọt để cứu cây”, “kỷ luật vài người để cứu muôn người” và thừa nhận cuộc chiến đấu trong thời bình, chống “giặc nội xâm” đã diễn ra đúng định hướng chính trị; thường xuyên, liên tục, không ngừng, không nghỉ, không có vùng cấm, không có ngoại lệ; “các đơn thuốc đã phát huy tốt tác dụng, cơ thể Đảng khỏe mạnh dần lên”; đất nước bước vào Xuân Quý Mão với nhiều tín hiệu vui.

Thế nhưng, đó đây vẫn còn không ít người dân băn khoăn, lo ngại vì không ít cán bộ diện Trung ương quản lý đã vướng vào lao lý, tham nhũng, tiêu cực; đã có hàng chục cán bộ bị bắt vì dính líu vào Vụ án Việt Á và Chuyến bay giải cứu… Có ý kiến nghi ngại rằng trong đội ngũ cán bộ từ Trung ương đến địa phương liệu có còn ai “bị phát hiện và bị truy tố, bị thi hành kỷ luật nữa không”, “có bao nhiêu vụ án sẽ xử lý trong thời gian tới”, “nếu tiếp tục kỷ luật nhiều cán bộ thì sẽ mất ổn định chính trị”, “cán bộ các cấp sẽ không dám làm việc vì sợ khuyết điểm”, vân vân và vân vân.

Mọi sự sai trái đều phải trả giá đắt

Sự sai trái nêu trên là “mảnh đất mầu mỡ để cỏ dại mọc”, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị lợi dụng tình hình này tăng cường xuyên tạc, chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ ta. Chúng tiếp tục “mượn gió bẻ măng”, “té nước theo mưa”, đẩy mạnh “sản xuất”, “chế biến tin giả”, sử dụng mạng xã hội để tán phát thông tin xấu, độc nhằm châm chích, kích động, xúi giục những phần tử bất mãn có thái độ, hành vi “phản ứng”, chống lại Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp. Thậm chí có phần tử cơ hội tỏ rõ quan điểm, thái độ, hành vi sai trái, phủ nhận chế độ XHCN ở nước ta; tung ra các chiêu trò đòi“đa nguyên chính trị, đa đảng đối lập”, “tự do, dân chủ, nhân quyền”; xuyên tạc thành quả đổi mới, bôi nhọ danh dự, uy tín của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ.

Do cách nhìn siêu hình, không ít người dân “nghe đài địch”, đã học đòi, bắt chước, theo đuôi kẻ xấu, hùa theo các trào lưu “phi chính trị”, “phi đảng phái”, kích hoạt các hoạt động đòi xây dựng “xã hội dân sự”, kích thích sự phát triển của chủ nghĩa dân tuý, chủ nghĩa bảo hộ ở phương Tây… với mưu đồ tìm “giải pháp thay đổi chế độ đảng độc quyền, toàn trị của tập đoàn Hà Nội”.

Những suy nghĩ lệch lạc, sai trái về các sự kiện chính trị – xã hội đã xảy ra có thể là vô tình hay hữu ý nhưng chung quy là do thiếu tầm nhìn biện chứng, sự hiểu biết và mức độ nhận thức có hạn dẫn đến hành động vi phạm quy định phát ngôn. Hiện thực này đã “nối giáo cho giặc”, bị những kẻ xấu lợi dụng sai trái ấy để thêu dệt, phao tin, đồn thổi và khuếch đại các hạn chế, khuyết điểm trong phòng, chống tham nhũng của ta để từ “chuyện bé xé ra to”, gây tâm lý bất an cho xã hội.

Hành vi “đổ thêm dầu vào lửa”, “chọc gậy bánh xe” của chúng đã gây ra sự nhiễu loạn thông tin, tạo ra các dư luận xã hội thiếu lành mạnh, dẫn đến việc quy chụp, quy kết, vu khống, buộc tội Đảng, Nhà nước ta “thiếu năng lực lãnh đạo, chỉ đạo công cuộc đổi mới”; làm cho một bộ phận người dân và số ít cán bộ, đảng viên hiểu sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, đã tỏ ra bức xúc, thiếu sự đồng thuận với Đảng, Nhà nước về những vấn đề liên quan đến cuộc chiến đấu trong thời bình, chống “giặc nội xâm”; đặc biệt là phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; xử lý vụ án, kỷ luật cán bộ sai phạm, cũng như việc tổ chức một số phiên họp bất thường, v.v..

Việc suy diễn, ngụy biện rồi quy kết, phát ngôn thiếu ý thức xây dựng về tình hình chính trị – xã hội, nhất là những vấn đề có liên quan đến địa phương và Trung ương. Chính sai lầm ấy đã “châm ngòi nổ”, kích động một số phần tử bất mãn ra mặt đòi Đảng, Nhà nước ta “phải thay đổi tình trạng hiện tồn”, tìm cách sống mới, xây dựng chế độ xã hội mới mà theo chúng là tốt hơn, dù chưa hiểu bản chất của nó là gì, “mô tê” ra sao; mù quáng tin theo CNTB.

Ai cũng biết rằng, bất cứ sự sai trái nào về đạo lý và pháp lý cũng không thể chấp nhận, đặc biệt là sự sai trái, lệnh lạc về quan điểm chính trị, vi phạm nguyên tắc sinh hoạt Đảng, tự biến mình thành kẻ theo đuôi” bọn xấu, đồng lõa với bọn cơ hội chính trị, bất mãn với chế độ, chống phá Đảng, Nhà nước và nhân dân ta. Những người này đang “đội lốt cán bộ, đảng viên”, về thực chất, đã thoái hóa, biến chất, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; vi phạm Quy định về những điều đảng viên không được làm.

Vì vậy, trong bối cảnh hiện thời, phải hết sức đề cao cảnh giác; thận trọng lời nói, phát ngôn. Những cán bộ, đảng viên nào “nhỡ lời”, đã phát ngôn sai trái, thiếu thận trọng, chưa có ý thức về công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; tuyên truyền sai chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, trước hết phải nghiêm túc “tự soi tự sửa”, rút kinh nghiệm để “tự chỉnh đốn lại mình”.

Cấp ủy, tổ chức đảng các cấp phải thực hiện nghiêm nguyên tắc sinh hoạt đảng “tự phê bình và phê bình”; phải nhận diện rõ sự thật và có biện pháp giúp đỡ cán bộ, đảng viên thuộc đối tượng có biểu hiện “hai mặt” trong lối sống, sinh hoạt Đảng. Đó là trong tổ chức thì công khai phát ngôn là tuyệt đối tin tưởng và trung thành với Đảng; nói và làm theo nghị quyết của Đảng, “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”. Trong hội nghị thì cái gì cũng đồng ý, nhất trí cao với nghị quyết, tán thành kết luận của cấp ủy, nhưng ra khỏi hội nghị lại nói theo cách khác, phát ngôn thiếu chuẩn mực, để “lộ thông tin mật”, thậm chí quá đà, đã “phao tin” sai tinh thần nghị quyết của Đảng, bàn đủ chuyện từ Trung ương đến địa phương, từ đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ đến đồng chí bí thư chi bộ; dùng các kiểu ngôn từ để nói xấu, hạ thấp uy tín của Đảng, của đồng chí, đồng đội vì “chạm đến lợi ích của mình”. Những cán bộ, đảng viên thuộc diện này trên thực tế chỉ lấy nghị quyết làm “bình phong”, ngụy trang, che đậy “điều xấu sa bên trong bản thân”; bề ngoài thì tỏ vẻ trung thành, kiên định, “làm gương” tuân thủ pháp luật nhưng trên thực tế thì làm ngược lại.

Họ đã hiện nguyên hình là kẻ cơ hội chính trị nên thường “ba phải”, dùng nghị quyết, đường lối làm “đồ trang sức”; có vụ việc biết nhưng không nói, không đấu tranh chống quan điểm sai trái, chống “diễn biến hoà bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hoá” trong nội bộ, ngại và sợ liên lụy đến bản thân và gia đình, “ngậm miệng ăn tiền”.

Họ đã vi phạm nhiều điểm trong 27 biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XII của Đảng đã chỉ ra. Hệ lụy do họ gây ra từ việc “bơm tin sai trái”, “cổ súy” cho một số người dân, tạo nên sự bức xúc, bất bình với các hiện tượng tiêu cực xã hội ở địa phương, làng xã, khu phố. Họ không đủ bản lĩnh để nhẫn nhịn nên “có cơ hội” là “bùng phát” phản ứng tiêu cực, chống lại Đảng, Nhà nước theo dạng “nói bừa”, “nói lấy được” mặc dù không nắm chắc bản chất vụ việc, các vấn đề diễn ra ở Hà Nội, ở Trung ương và địa phương. Chiêu trò “rỉ tai nhau”, tán phát thông tin sai trái qua “nghe lỏm từ sự phao tin đòn thổi của kẻ xấu”, từ “quán nước vỉa hè” đến nghe và tin theo “đài, báo địch”, dẫn đến phát ngôn bừa bãi, nói xấu chế độ từ sự suy diễn, ngụy biện thật đáng trách, cần xử lý nghiêm theo pháp luật.

Lợi dụng sự sai trái này, các thế lực thù địch, phản động, cơ hội chính trị không chỉ “moi tin” mà còn chế biến các tin tức sai trái ấy “chế tạo” thành các bài viết, video giả mạo để tung lên mạng xã hội, kích động người dân chống phá Đảng, Nhà nước và chế độ, làm rối loạn môi trường chính trị, trật tự an toàn xã hội. Thực tế này đang diễn ra, ít nhiều gây khó khăn đối với việc quy tụ, tập hợp, khơi dậy và phát huy các nhân tố con người trong xây dựng “thế trận lòng dân”, triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, nhất là ở các nơi có “điểm nóng”, địa bàn phức tạp.

Sự chia sẻ và đề cao trách nhiệm của cán bộ, đảng viên

Sự băn khoăn, lo lắng cho vận mệnh của quốc gia – dân tộc, sự sống còn của chế độ, vai trò lãnh đạo của Đảngở một bộ phận người dân cũng là dễ hiểu. Chúng ta chia sẻ và có trách nhiệm giảm bớt sự băn khoăn, lo lắng của người dân bằng việc thực hiện có hiệu quả chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tổ chức thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng. Coi đây là trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân với sự quyết tâm và nỗ lực cao nhất để “quét sạch chủ nghĩa cá nhân”, làm lành mạnh xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN.

Điều đó chỉ có thể khẳng định bằng việc làm, thể hiện ở kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội năm 2023 và các năm tiếp theo. Hơn lúc nào hết, đội ngũ cán bộ, đảng viên của của Đảng, nhất là những người đứng đầu phải mẫu mực nêu gương sáng về đức tính hy sinh, một lòng “phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân”, suốt đời vì nước vì dân; thực hiện tốt Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XII về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, gắn với thực hiện thắng lợi Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, XIII của Đảng và Kết luận số 21-KL/TW ngày 25-10-2021 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch vững mạnh, ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực, lãng phí; thực hiện nghiêm Quy định số 37-QĐ/TW ngày 25-10-2021 về những điều đảng viên không được làm.

Ra sức phát huy vai trò của nhân dân, của các tổ chức chính trị – xã hội, của báo chí cách mạng trong phòng, chống “giặc nội xâm”; có cơ chế, thể chế, chính sách phù hợp để không ai cần tham nhũng, không dám tham nhũng, không muốn tham nhũng. Đồng thời, có biện pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với thực hiện công bằng xã hội, không để xảy ra các vụ án tham nhũng, tiêu cực, các “điểm nóng”; không phải tổ chức các hội nghị bất thường..Lúc này cần làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, đạo đức và pháp luật gắn chặt với việc tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch trong tình hình mới có ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Đây là phương cách tốt nhất để khắc phục tình trạng suy diễn, ngụy biện và sự băn khoăn không đáng có ở một bộ phận người dân về sự phát triển của đất nước. Con đường đi đúng đã khẳng định. Với khí thế mới của Xuân Quý Mão, nhất định Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng sẽ thành công tốt đẹp./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này