Cẩn trọng trước những “cạm bẫy” lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội

 Cẩn trọng trước những “cạm bẫy” lừa đảo tinh vi trên mạng xã hội

 Kể từ khi ra đời từ năm 2003 đến nay, mạng xã hội đã và đang tạo ra một giai đoạn “bùng nổ” cả về số lượng, mức độ và tốc độ lan truyền thông tin, đem đến nhiều tiện ích cho đời sống con người. Tuy vậy, khi việc quản lý và kiểm soát thông tin trên môi trường “ảo” này không theo kịp tốc độ phát triển thì mạng xã hội lại chính là “con dao hai lưỡi” tác động nguy hại đến con người, thậm chí là tạo điều kiện thuận lợi cho các loại tội phạm phát triển ngày một khó lường, phức tạp và tinh vi...

Cẩn trọng trước những “cạm bẫy” lừa đảo tinh vi trên mạng xã hộiNgười dân cần đề cao cảnh giác trước các thủ đoạn lừa đảo tinh vi trên không gian mạng đã và đang phổ biến hiện nay (ảnh chụp từ internet).

Với những người sử dụng điện thoại thông minh hoặc mạng Internet, việc nhận được các cuộc gọi, tin nhắn rác có nội dung quảng cáo như mời chào mua bán bất động sản; sử dụng dịch vụ chăm sóc sắc đẹp, học tiếng Anh; vay tiền, nợ tiền... thậm chí là thông báo trúng thưởng - đã trở nên rất quen thuộc. Đây cũng chính là những trường hợp đã bị lọt, lộ thông tin cá nhân đang diễn ra khá phổ biến hiện nay. Chị Nguyễn Thị Quỳnh, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hóa), chia sẻ: “Thời gian qua, tôi liên tục nhận được các cuộc gọi từ số máy lạ và tin nhắn rác mời chào bán cổ phiếu hay đầu tư. Gần đây nhất thì nhận được một tin nhắn có nội dung vay tiền kỳ lạ và gửi tôi một số tài khoản để tôi chuyển tiền. Khi tôi gọi vào số điện thoại này để xác nhận thì không liên lạc được”.

Cùng với việc các đối tượng sử dụng tin nhắn rác để thực hiện hành vi lừa đảo tinh vi trên mạng viễn thông, thì trên không gian mạng, nhiều đối tượng cũng đang sử dụng và biến các trang mạng xã hội thành sàn giao dịch online để thực hiện các hành vi lừa đảo, chiếm đoạt tài sản... Chia sẻ tại Kỳ họp thứ 11, HĐND tỉnh Thanh Hóa khóa XVIII về tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản, lừa đảo trên không gian mạng, Thiếu tướng Trần Phú Hà, Giám đốc Công an tỉnh, cho biết: Năm 2022, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xảy ra 132 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản, gây thiệt hại hơn 30 tỷ đồng, trong đó lừa đảo trên không gian mạng xảy ra 92 vụ. Điển hình của các hành vi lừa đảo trên không gian mạng là các đối tượng hoạt động thông qua các website, sàn giao dịch tiền ảo ứng dụng mạng xã hội zalo, facebook. Phạm vi hoạt động rất rộng, nơi cư trú ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, thậm chí ở nước ngoài nhưng lừa đảo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa. Quá trình điều tra xác định khu vực sử dụng thiết bị, tang vật để lừa đảo nằm ở khu vực biên giới Việt Nam. Trong đó, nhiều đối tượng, đường dây, ổ nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hoạt động trên lãnh thổ nước ngoài như Campuchia, Đài Loan, Trung Quốc có thiết bị là số điện thoại, địa chỉ IP ở nước ngoài.

Qua nắm bắt tình hình và theo dõi kết quả đấu tranh, xác minh, làm rõ các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên địa bàn, Công an tỉnh nhận thấy có một số thủ đoạn phổ biến mà các đối tượng thường lợi dụng đó là sự nhẹ dạ, cả tin, lòng tham vật chất và sự sợ hãi của bị hại, đặc biệt là phụ nữ và người cao tuổi. Phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là lợi dụng các giao dịch, kết nối trên internet, mạng xã hội, mạng viễn thông để liên lạc với bị hại, sau đó lợi dụng lòng tin, lòng tham hoặc sự sợ hãi của bị hại để thực hiện hành vi lừa đảo. Đối với hình thức này nổi lên một số thủ đoạn chủ yếu, như giả danh người nước ngoài kết bạn làm quen và nhắn tin cho bị hại hứa sẽ chuyển quà hoặc USD, EURO về Việt Nam. Sau đó giả danh nhân viên sân bay, bưu điện, hải quan thông báo và yêu cầu người nhận chuyển tiền đóng cước, thuế hoặc chi phí thông quan mới được nhận quà để chiếm đoạt.

Theo các chuyên gia trong lĩnh vực an ninh mạng thì hầu hết các thông tin cá nhân của người sử dụng mạng internet ở Việt Nam đều do chính người sử dụng tự đưa lên. Theo thống kê từ Bộ Công an, có tới 80% rò rỉ dữ liệu do người dùng tự làm lộ thông tin cá nhân. Với việc sử dụng các ứng dụng trên điện thoại thông minh hoặc tham gia vào mạng xã hội như Facebook, Youtube, Zalo..., người sử dụng sẽ bị yêu cầu cung cấp một số thông tin cá nhân để có thể cài đặt ứng dụng hoặc vào trang web sử dụng miễn phí. Thêm vào đó, nhiều người lại có thói quen thường xuyên cập nhật mọi hoạt động cá nhân lên mạng xã hội.

Trước thực trạng lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng tinh vi của các đối tượng, Công an tỉnh đã chủ động tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và chỉ đạo công an các phòng nghiệp vụ, địa phương chủ động nắm tình hình, phòng ngừa và đấu tranh triệt phá các tổ chức, đường dây, cá nhân lợi dụng công nghệ cao để hoạt động phạm tội. Củng cố chắc chắn hồ sơ, khởi tố các vụ việc có đủ dấu hiệu cấu thành tội phạm. Tăng cường công tác trinh sát nắm tình hình diễn biến, phương thức, thủ đoạn hoạt động của tội phạm. Cùng với công tác đấu tranh, lực lượng công an đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến tình hình, phương thức, thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này; đồng thời nâng cao ý thức tự bảo vệ tài sản của cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân, cũng như kịp thời cung cấp các thông tin, dấu hiệu hoạt động của tội phạm trong quá trình sử dụng công nghệ thông tin, sử dụng máy tính để kinh doanh, thông tin liên lạc...

Dự báo thời gian tới, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng tiếp tục diễn biến phức tạp, các cơ quan chức năng tỉnh đề nghị mọi tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần cảnh giác và nhận biết một số dấu hiệu lừa đảo của các đối tượng. Đồng thời, thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư trên các tài khoản mạng xã hội; không nên chia sẻ thông tin cá nhân trên mạng xã hội; tuyệt đối không cung cấp thông tin cá nhân, số thẻ ngân hàng, mã OTP, không chuyển tiền cho người khác khi chưa xác thực. Đặc biệt, không nên kết bạn với người lạ, người nước ngoài mà trang cá nhân sơ sài, nếu họ có đề nghị tặng quà, nhận bưu phẩm nên từ chối vì chắc chắn “chiếc bánh miễn phí chỉ có trong bẫy chuột”. Theo đó, người dân cần hết sức cảnh giác, khi phát hiện các dấu hiệu, thông tin liên quan đến lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cần kịp thời thông báo cho cơ quan công an gần nhất hoặc gọi điện thoại về đường dây nóng của Công an tỉnh Thanh Hóa theo số: 02373.725.725 để cơ quan công an nắm bắt, xử lý.

Nguồn: baothanhhoa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này