Ðấu tranh, phòng ngừa xuất cảnh trái phép sau tết
Ðấu tranh, phòng ngừa xuất cảnh trái phép sau tết
Nhằm ngăn chặn tình trạng người lao động xuất cảnh trái phép sau Tết Nguyên đán Quý Mão 2023, lực lượng công an và chính quyền các địa phương trong tỉnh đã chủ động nắm bắt tình hình, vận động người dân không xuất cảnh trái phép.
Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn huyện Hậu Lộc có gần 200 công dân xuất cảnh lao động trái phép ra nước ngoài, tập trung nhiều nhất ở các xã Minh Lộc, Ngư Lộc... Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật, Công an huyện Hậu Lộc đã tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các xã trên địa bàn rà soát, lập danh sách các trường hợp xuất cảnh đi lao động trái pháp luật, đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con nắm rõ các quy định của Nhà nước về xuất nhập cảnh, những tác hại và hiểm họa khôn lường khi xuất cảnh trái phép để Nhân dân cảnh giác phòng ngừa.
Thượng tá Nguyễn Văn Đại, Phó trưởng Công an huyện Hậu Lộc, cho biết: Dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán Quý Mão, Công an huyện đã phối hợp với các địa phương, ban, ngành, đoàn thể tuyên truyền một cách đồng bộ về các phương thức, thủ đoạn hoạt động của các đường dây đưa, dẫn lao động trái phép, đối tượng buôn bán người đến từng khu dân cư để người dân biết và cảnh giác phòng tránh. Thông qua tuyên truyền người dân đã nâng cao ý thức, trách nhiệm tố giác tội phạm, nhất là những đối tượng móc nối đưa người xuất, nhập cảnh trái phép. Đối với trường hợp trở về quê ăn tết, tổ chức cho họ ký cam kết yêu cầu ở lại địa phương không xuất cảnh trái phép.
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa hiện có gần 3.000 công dân đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài, trong đó ở các nước châu Á có trên 2.000 lao động, các nước khác có khoảng 1.000 người. Nguyên nhân chính được xác định là do người lao động không có việc làm, thu nhập không ổn định, nhất là nhận thức pháp luật của một số người còn hạn chế; nhiều người chỉ nghĩ đơn giản là sang nước ngoài lao động, tích cóp tiền gửi về phụ giúp gia đình mà không nghĩ rằng đây không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật của Việt Nam và các nước sở tại, mà quan trọng hơn nó còn tiềm ẩn nhiều yếu tố rủi ro, đe dọa trực tiếp tới quyền lợi, sức khỏe và tính mạng của người lao động.
Từ thực trạng trên có thể thấy, công tác quản lý hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thời gian qua vẫn còn những hạn chế, yếu kém. Công tác kiểm tra, giám sát, phối hợp với các doanh nghiệp trong việc tư vấn, đào tạo nghề, ngoại ngữ, giáo dục pháp luật, tuyển chọn lao động... chưa chặt chẽ; người lao động ở một số địa phương vi phạm hợp đồng, tự ý bỏ hợp đồng ra ngoài làm việc, cư trú bất hợp pháp, vi phạm pháp luật nước sở tại. Ngoài ra, còn hiện tượng cá nhân, tổ chức không có chức năng, không được cấp phép, lừa đảo, lôi kéo và tổ chức đưa công dân sang các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Lào, Campuchia... làm việc, cư trú bất hợp pháp gây nhiều hệ lụy xã hội.
Thượng tá Hoàng Chí Đăng, Trưởng Phòng Quản lý xuất nhập cảnh, Công an tỉnh cho biết: Sau Tết Nguyên đán Quý Mão, công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật ở nước ngoài có nhiều diễn biến phức tạp. Qua điều tra, xử lý các vụ việc liên quan đến hành vi xuất cảnh lao động trái pháp luật thì thủ đoạn của các đối tượng thường là gặp gỡ, tiếp xúc với những người đang có nhu cầu tìm việc làm, vẽ ra viễn cảnh công việc ổn định, lương cao để dụ dỗ, lôi kéo người lao động. Mục đích của các đối tượng là lôi kéo càng nhiều người đi lao động trái phép càng được hưởng hoa hồng và thù lao nhiều. Trước thực trạng trên, Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo các phòng nghiệp vụ và công an địa phương chủ động nắm chắc tình hình, phát hiện, xử lý nghiêm các đầu mối, cá nhân, tổ chức có hành vi lừa đảo, môi giới, lôi kéo, tổ chức đưa người lao động đi làm việc và cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài. Phối hợp với các địa phương, nhất là các địa bàn có nhiều người đi lao động ở nước ngoài, để tuyên truyền, vận động Nhân dân chấp hành pháp luật, cam kết không xuất cảnh đi lao động trái phép, không bỏ trốn, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài; rà soát, nắm chắc số lượng công dân đã xuất cảnh trái phép, công dân tự ý bỏ hợp đồng, hết hợp đồng ở lại làm việc, cư trú bất hợp pháp ở nước ngoài và những người có ý định xuất cảnh trái phép; có biện pháp giáo dục, xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm để răn đe, nâng cao hiệu quả phòng ngừa chung.
Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn tình trạng công dân xuất cảnh đi lao động trái pháp luật, thiết nghĩ các cấp, ngành, địa phương cần chú trọng công tác đào tạo nghề, tư vấn, giới thiệu việc làm, xuất khẩu lao động; tăng cường quan tâm hỗ trợ vốn vay; đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về pháp luật liên quan đến xuất cảnh, nhập cảnh; tuyên truyền, vận động Nhân dân nâng cao nhận thức pháp luật, nâng cao tinh thần cảnh giác không để các đối tượng xấu lừa gạt, lôi kéo ra nước ngoài trái phép. Đồng thời tăng cường công tác nắm tình hình, xây dựng kế hoạch phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn tình trạng công dân trên địa bàn tỉnh xuất cảnh trái phép, vi phạm pháp luật; kiên quyết xử lý nghiêm đối với những hành vi vi phạm, thậm chí xử lý hình sự đối với những đối tượng môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh đi lao động trái pháp luật.
Nguồn: Công an Thanh Hóa
Nhận xét
Đăng nhận xét