Thủ đoạn viết lại lịch sử, làm sai lệch chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

 

Thủ đoạn viết lại lịch sử, làm sai lệch chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”

50 năm đi qua, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu làm sáng tỏ bản chất, ý nghĩa chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Những số liệu đưa ra đã được thẩm định, đánh giá với bằng chứng xác thực, cả phía Mỹ và Việt Nam đều thừa nhận chứ không phải là những con số tự nghĩ ra hay thích thì ghi số này, sau lại sửa số khác. Cần khẳng định rõ, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” có được nhờ đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và nghệ thuật quân sự tài tình của Việt Nam.

Trong những ngày cuối tháng 12/2022, các cơ quan chức năng triển khai nhiều hoạt động ý nghĩa, thiết thực nhân kỷ niệm 50 năm chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” (12/1972 – 12/2022). Chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” là một mốc son chói lọi trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Thế nhưng trong dịp này, các thế lực xấu lại rêu rao, đưa ra nhiều bài viết xuyên tạc lịch sử, cho rằng chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” chỉ là do “gặp thời”, “may mắn”. Họ còn cho rằng quân và dân Việt Nam sẽ không thể làm nên một “Điện Biên Phủ trên không” nếu khi đó Mỹ tiếp tục duy trì cuộc ném bom hủy diệt miền Bắc thêm một thời gian nữa. Có bài viết “vặn” vấn đề rằng, Mỹ ký Hiệp định Paris là do phía Mỹ chủ động chứ không phụ thuộc vào kết quả cuộc ném bom trong 12 ngày đêm cuối năm 1972 tại miền Bắc Việt Nam...

Một bài viết đăng trên BBC News Tiếng Việt cho rằng, trong cuộc chiến tranh 12 ngày đêm ấy, các phi công Mỹ bị bắt, cầm tù, tra tấn và thường xuyên bị bêu riếu trên truyền hình, tạo sức ép cho chính quyền Mỹ phải ngồi vào bàn đám phán Paris mới được đưa tù binh Mỹ về nước. Họ biến mọi con số thống kê thành ảo khi nghi ngờ rằng, Việt Nam cố tình thống kê quá mức con số bắn hạ máy bay B52 để khuếch trương thanh thế!

Mới đây, trên Quora, thiếu tá Keith Parker từng phục vụ trên các máy bay B-52G và C-130 cố tình xuyên tạc sự thật khi viết rằng, Việt Nam đã bắn hơn 1.400 tên lửa SAM[1]2 lên bầu trời “một cách mù quáng” để hạ gục các máy bay B-52 chứ không phải là do thực lực của phòng không Việt Nam. Keith Parker cho rằng, Bộ Chỉ huy phòng thủ hàng không vũ trụ Bắc Mỹ (NORAD) và Bộ Tư lệnh Không quân Chiến lược (SAC) đã tự nghiên cứu rất nhiều phương pháp chống B-52 nhưng đều thất bại, ngay cả những quốc gia như Liên Xô cũng đều không dám tự tin hạ gục B-52. Từ đó, đánh lái bản chất sự kiện này thành “Việt Nam đã thất bại vào 12/1972 chứ không phải là một chiến thắng như họ tuyên truyền.

Thủ đoạn viết lại lịch sử, làm sai lệch chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” -0
Máy bay B-52 đầu tiên bị Tiểu đoàn 59, Trung đoàn Tên lửa 261 bắn rơi trên cánh đồng Chuôm, xã Phù Lỗ, Đông Anh (Hà Nội) vào đêm 18/12/1972. Ảnh: Tư liệu

Thiệt hại của Việt Nam nặng nề hơn trong khi chỉ bắn hạ được 2% số B-52 mà Hoa Kỳ có”! Một số cựu phi công của Hạm đội 7 cho rằng, Việt Nam đã may mắn bắn hạ được B-52 nhờ vào chiến thuật “vãi đạn”; là kết quả của chiến thuật sử dụng hỏa lực phòng không “bừa bãi” để hạ gục B-52 chứ không đến từ sự tính toán chiến thuật và năng lực phòng không! Gary Cummings, một cựu binh từng tham chiến tại Việt Nam còn đặt một giả thuyết rằng, tất cả đều do chính những sĩ quan Liên Xô mới bắn rụng B-52 chứ không có bộ đội nào của Việt Nam bắn hạ. Một cựu binh khác là Paul Reinman còn khôi hài hơn khi cho rằng, phi công MiG của Việt Nam đã bắn hạ B-52 là “do vô tình lạc vào đường bay của B-52 chứ không phải là do năng lực”! Trong một diễn đàn tự cho là “nghiên cứu lịch sử”, có một số người cổ suý những quan điểm lệch lạc trên, từ đó bình luận rằng, Việt Nam đã may mắn bắn hạ B-52 vì sự chủ quan của đối phương, vì trời tối, vì sự chủ quan của quân Mỹ…

Những luận điệu trên làm sai lệch bản chất sự kiện, tung ra những con số ảo và tạo nghi vấn về các số liệu lịch sử nhằm gây nhiễu loạn thông tin, xuyên tạc ý nghĩa, giá trị của chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Trên thực tế, chính Mỹ đã thừa nhận mình là bên không chịu nổi tổn thất và buộc phải ra lệnh chấm dứt ném bom miền Bắc và ngồi vào bàn đám phán ký kết Hiệp định Paris.

50 năm đi qua, đã có rất nhiều cuộc hội thảo, nghiên cứu làm sáng tỏ bản chất, ý nghĩa chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Những số liệu đưa ra đã được thẩm định, đánh giá với bằng chứng xác thực, cả phía Mỹ và Việt Nam đều thừa nhận chứ không phải là những con số tự nghĩ ra hay thích thì ghi số này, sau lại sửa số khác. Cần khẳng định rõ, chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không” có được nhờ đường lối chiến tranh nhân dân đúng đắn và nghệ thuật quân sự tài tình của Việt Nam.

Với tầm nhìn xa, trông rộng, Đảng và Bác Hồ đã sớm chỉ đạo bộ đội Phòng không - Không quân chuẩn bị tinh thần và lực lượng để đánh máy bay B.52 và các loại máy bay chiến thuật khác từ nhiều năm trước đó. Trong 12 ngày đêm của chiến dịch lịch sử, quân và dân ta đã chiến đấu anh dũng, không khoan nhượng.

Chiến thắng ấy là sự minh chứng hùng hồn sức mạnh của con người Việt Nam, sức mạnh của sự kết hợp hài hòa các yếu tố cách mạng và khoa học, giữa bản lĩnh vững vàng, khí phách tiến công, quyết đánh và trí tuệ để đánh thắng, sự kết hợp giữa tinh thần quyết chí, tin tưởng với đức hy sinh cao thượng.

Thực tế lịch sử ghi rõ, tháng 12/1972, Mỹ tiến hành cuộc tập kích đường không chiến lược bằng B.52 nhằm gây sức ép buộc ta phải chấp nhận ký Hiệp định Pari theo các điều khoản sửa đổi của Mỹ; đánh phá, hủy diệt tiềm lực kinh tế - quốc phòng của miền Bắc, hạn chế sự chi viện cho cách mạng miền Nam, làm tê liệt ý chí chiến đấu, quyết chiến, quyết thắng của dân tộc ta; đe dọa phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới. Thực hiện âm mưu này, Mỹ đã huy động số lượng lớn máy bay, tàu chiến và các loại vũ khí vào chiến dịch.

Đây là cuộc huy động lực lượng tập kích đường không lớn nhất của Mỹ kể từ sau đại chiến thế giới lần thứ hai đến năm 1972. Trong đó, máy bay chiến lược B.52 gồm 193/tổng số 400 chiếc hiện có của quân đội Mỹ; máy bay không quân chiến thuật gồm 1.077/tổng số 3.043 chiếc (có 1 biên đội máy bay F. 111 khoảng 50 chiếc); tàu sân bay với 6/24 chiếc; hơn 50 máy bay tiếp dầu trên không và một số loại máy bay phục vụ khác như máy bay gây nhiễu từ xa, máy bay trinh sát chiến lược, chiến thuật, máy bay chỉ huy, liên lạc dẫn đường, cấp cứu cùng 60 tàu chiến các loại của Hạm đội 7 ở Thái Bình Dương. Máy bay chiến lược B.52, còn được gọi là siêu pháo đài bay B.52, là máy bay chiến đấu hiện đại nhất của không lực Hoa Kỳ vào thời điểm đó, có tải trọng vũ khí 18 - 30 tấn bom, có thể mang 12-20 quả tên lửa hành trình ALEM hoặc 8 tên lửa hành trình (tàng hình) ACM, 4 pháo 20mm hoặc một pháo 20mm 6 nòng (gấp 10 lần so với máy bay cường kích). Cuộc tập kích đường không chiến lược của đế quốc Mỹ vào miền Bắc nước ta cuối tháng 12/1972 là một cuộc ném bom có tính hủy diệt.

Trong 12 ngày và đêm, Mỹ đã sử dụng 663 lần máy bay B.52 và 3.920 lần máy bay chiến thuật ném xuống Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, thị xã trên miền Bắc nước ta hơn 100.000 tấn bom, đạn. Chiến dịch thả bom đã huỷ diệt nhiều phố xá, làng mạc, phá sập 5.480 ngôi nhà, trong đó có gần 100 nhà máy, xí nghiệp, trường học, bệnh viện, nhà ga, giết chết 2.368 dân thường, làm bị thương 1.355 người khác.

Với sự chủ động, sáng tạo của nghệ thuật quân sự Việt Nam, qua nhiều năm nghiên cứu, tìm tòi cách đánh máy bay B.52, các lực lượng vũ trang ta với nòng cốt là quân chủng Phòng không - Không quân và nhân dân miền Bắc, nhất là quân dân Thủ đô Hà Nội đã phát huy sức mạnh tổng hợp của thế trận phòng không nhân dân vững chắc, hợp đồng tác chiến chặt chẽ giữa các lực lượng, quyết đánh, biết đánh và quyết thắng.

Ngay từ trận đầu ra quân, đêm 18/12/1972, ta đã bắn rơi tại chỗ “siêu pháo đài bay B.52”, mở màn cho những thắng lợi vang dội trong những trận đánh tiếp theo. 12 ngày đêm chiến đấu anh dũng, kiên cường, mưu trí, sáng tạo, quân vàdân ta đã đánh bại hoàn toàn cuộc tập kích chiến lược đường không quy mô lớn chưa từng có, chủ yếu bằng B.52 của Mỹ, làm nên chiến thắng “Điện Biên Phủ trên không”. Sau thất bại này, Mỹ phải tuyên bố ngừng ném bom từ vĩ tuyến 17 trở ra và chấp nhận quay trở lại bàn đàm phán. Ngày 27/01/1973, Hiệp định Paris về chấm dứt chiến tranh, lập lại hoà bình ở Việt Nam được ký kết. Cuối tháng 3/1973, quân đội Mỹ và chư hầu phải rút khỏi miền Nam Việt Nam.

Không chỉ Việt Nam mà các nghiên cứu từ phía Mỹ cũng đã nhìn nhận rõ vấn đề này. Trên tạp chí Air & Space của Bảo tàng Smithsonian (Mỹ) có bài viết tựa đề “The Christmas Bombing” (Trận mưa bom Giáng sinh) được trích từ cuốn sách The Eleven Days of Christmas: Americas Last Vietnam Battle (11 ngày Giáng sinh: Trận chiến Việt Nam cuối cùng của Mỹ) của tác giả Marshall Michel, người đã trực tiếp đến Hà Nội, mô tả khá chi tiết về chiến dịch Linebacker II do Mỹ chủ mưu. Theo tác giả Marshall Michel, đầu tháng 12/1972, Nixon điện cho Kissinger thông báo kế hoạch ném bom trong kỳ nghỉ lễ Giáng sinh.

Ngày 14/12, Nixon họp với cố vấn an ninh Kissinger, tướng Alexander Haig và chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân, đô đốc Thomas Moorer thông qua lần cuối chiến dịch Linerbacker II. Mục tiêu mà Mỹ đặt ra là duy trì nỗ lực tối đa để phá hủy tất cả các tổ hợp mục tiêu chính ở khu vực Hà Nội và Hải Phòng và các vùng lân cận, tạo ra “cường độ khủng khiếp để buộc Việt Nam Dân chủ cộng hòa phải chấp nhận điều khoản của Mỹ, và cho chính quyền Nguyễn Văn Thiệu thấy rằng Mỹ không bỏ rơi họ”. Cũng qua chiến dịch này, Nixon muốn răn đe Sài Gòn nếu giúp Nixon kéo dài đàm phán, xa hơn là giúp Nixon chiến thắng trong nhiệm kỳ tổng thống tiếp theo thì Mỹ sẽ tiếp tục viện trợ...

Bài viết trên tạp chí Air & Space cũng nêu rõ, do thiệt hại ngoài sức tưởng tượng nên ngày 30/12/1972, Tổng thống Nixon đã ra lệnh chấm dứt ném bom… Vậy là Hiệp định Paris đã được ký với nội dung về cơ bản không khác mấy so với phương án đã được ký tắt trước khi đàm phán bị kéo dài do Mỹ từ chối ký kết trước đây. Bài viết cũng cho rằng, Mỹ đã chịu rất nhiều tổn thất để rồi vẫn phải ký vào văn bản mà họ không muốn ký, điều này đồng nghĩa là mục tiêu của Mỹ khi phát động chiến dịch Linebacker II thực sự thất bại. Chiến dịch Linebacker II bị phản đối mạnh mẽ trên khắp thế giới, cả ở các nước XHCN lẫn các nước phương Tây, thậm chí tại Mỹ, Nixon còn bị chỉ trích là kẻ điên rồ…

CAND

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này