Phải phục tùng mà thi hành
Phải phục tùng mà thi hành
Phải phục tùng mà thi hành
Công Minh
Lợi dụng vấn đề dân chủ, các thế lực thù địch, phản động, bất mãn, cơ hội chính trị đã và đang dùng nhiều chiêu trò phá hoại Đảng Cộng sản Việt Nam. Chúng cho rằng trong Đảng không có dân chủ, vì vậy, cán bộ, đảng viên phải giành lấy quyền dân chủ của mình, tự do làm những gì mà mình thích; chúng cổ xúy, tung hô một số trường hợp lợi dụng dân chủ để xuyên tạc, chống phá chủ trương, đường lối, chính sách, các nguyên tắc của Đảng ta. Mục đích của chúng là phá vỡ nguyên tắc tập trung dân chủ, đi đến xóa bỏ sự tồn tại của Đảng.
Thực tế hơn 92 năm qua đã chứng minh những chiêu trò chống phá trên đều bị thất bại. Nguyên tắc tập trung dân chủ vẫn được Đảng Cộng sản Việt Nam duy trì nghiêm túc, hiệu quả. Chính nguyên tắc tập trung dân chủ đã chỉ đạo toàn bộ hoạt động xây dựng tổ chức và hoạt động của Đảng, bảo đảm cho toàn Đảng thống nhất ý chí và hành động.
Là người sáng lập và rèn luyện Đảng ta, Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm đến nguyên tắc tập trung dân chủ trong Đảng, coi đây là nguyên tắc cơ bản trong tổ chức và sinh hoạt đảng. Ngay từ năm 1930, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ trong “Điều lệ vắn tắt của Đảng Cộng sản Việt Nam”: “Bất cứ về vấn đề nào đảng viên đều phải hết sức thảo luận và phát biểu ý kiến, khi đa số đã nghị quyết thì tất cả đảng viên phải phục tùng mà thi hành”. Theo Hồ Chí Minh, phải chú ý đến nguyên tắc: “Làm việc phải có dân chủ bàn bạc, nhưng chú ý dân chủ phải có tổ chức kỷ luật”. Trong bài nói chuyện về bản Tổng cương và Điều lệ Đảng, ngày 10 – 5 – 1950, Hồ Chí Minh phân tích rất cụ thể: “Tập trung trên nền tảng dân chủ là các đảng viên có quyền thảo luận chính sách của Đảng, rồi tập trung ý kiến lên Trung ương, còn dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung là vì nếu cái gì không nên bàn cũng cứ bàn ắt hỏng, cái gì đã bàn rồi thì phải đưa lên. Khi bên trên ra lệnh thì bên dưới phải thi hành, phải tuân theo”. Ngày 21 – 7 – 1956, khi nói chuyện tại lớp nghiên cứu chính trị khóa 1, Trường Đại học Nhân dân Việt Nam, Hồ Chủ tịch chỉ rõ: “Chế độ ta là chế độ dân chủ, tư tưởng phải được tự do. Tự do là thế nào? Đối với mọi vấn đề, mọi người tự do bày tỏ ý kiến của mình, góp phần tìm ra chân lý. Đó là một quyền lợi mà cũng là một nghĩa vụ của mọi người. Khi mọi người đã phát biểu ý kiến, đã tìm thấy chân lý, lúc đó quyền tự do tư tưởng hóa ra quyền tự do phục tùng chân lý”. Và theo Hồ Chí Minh: “Chân lý là cái gì có lợi cho Tổ quốc, cho nhân dân. Cái gì trái với lợi ích của Tổ quốc, của nhân dân tức là không phải chân lý. Ra sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân – tức là phục tùng chân lý”.
Hồ Chí Minh thường xuyên đặt ra yêu cầu: “Toàn thể đảng viên phải theo đúng Đảng chương thống nhất, kỷ luật thống nhất của Đảng. Toàn thể đảng viên phải theo sự lãnh đạo thống nhất của Trung ương”. Theo Người trong bất cứ vấn đề nào của Đảng thì đảng viên cũng phải hết sức thảo luận, phát biểu ý kiến để chung sức xây dựng Đảng, không ngồi im, né tránh. Khi thảo luận, phát biểu phải mang tính xây dựng, đúng nguyên tắc, quy định, không lợi dụng phá bĩnh, gây rối. Hồ Chí Minh từng dạy: “Bất kỳ việc to việc nhỏ, lập trường phải vững, chính sách phải hiểu cho thấu, luôn gần gũi học hỏi nhân dân, đi đúng đường lối quần chúng, thì việc gì cũng thành công. Trái lại thì thất bại”.
Hồ Chí Minh cũng phân tích rõ mối quan hệ hữu cơ trong nguyên tắc tập trung dân chủ của Đảng. Cán bộ, đảng viên dân chủ phát biểu ý kiến của mình, nhưng khi đã biểu quyết thống nhất thì phải phục tùng… Hồ Chí Minh chỉ rõ: “Dân chủ dưới sự chỉ đạo tập trung. Ở trong Đảng, mọi đảng viên có quyền nêu ý kiến, đặt đề nghị, tham gia giải quyết vấn đề. Nhưng quyết không được trái sự lãnh đạo tập trung của Đảng, trái nghị quyết và kỷ luật của Đảng. Quyết chống: không xét thời gian, địa điểm, điều kiện mà nói lung tung; tự do hành động; dân chủ quá trớn”. Tháng 10 – 1950, Người thẳng thắn chỉ ra: “Không nên hiểu lầm dân chủ. Khi chưa quyết định thì tha hồ cho bàn cãi. Nhưng khi đã quyết định rồi thì không được bàn cãi nữa, có bàn cãi cũng chỉ là để bàn cách thi hành cho bằng được, cho nhanh, không phải để đề nghị không thực hiện. Phải cấm chỉ những hành động tự do quá trớn ấy”.
Hồ Chí Minh cũng thường xuyên nhắc nhở đã phục tùng thì phải thi hành chứ không được để đấy, không lấy những lý do khách quan, chủ quan để lẩn tránh thi hành.… Người yêu cầu chú trọng đến việc phát huy vai trò của Đảng, các tổ chức đảng để đảng viên thực hành. Sự lãnh đạo, chỉ đạo chặt chẽ, nghiêm túc của tổ chức sẽ là cơ sở quan trọng giúp cho cán bộ, đảng viên thực hiện nghiêm túc trách nhiệm, nghĩa vụ của mình. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, tháng 10 – 1947, Hồ Chí Minh viết: “Cũng vì lợi ích của dân tộc, mà Đảng cần phải khuyến khích và khen thưởng những ưu điểm và tài năng của đảng viên. Cần phải giúp cho họ học hành, giúp cho họ làm việc và tùy theo hoàn cảnh mà giúp họ về mặt sinh hoạt, trong lúc ốm đau. Khiến cho họ ham làm việc, vui làm việc”. Hồ Chí Minh cũng yêu cầu Đảng phải chú ý quan tâm đến hoàn cảnh cụ thể, đặc điểm, nguồn gốc xuất thân của đảng viên: “Đảng cần phải phát triển và củng cố. Cần phải phát triển thêm thành phần công nhân. Cần phải giáo dục những đảng viên mới. Cần phải cải tạo tư tưởng cho đảng viên nông dân và tiểu tư sản trí thức”.
Hồ Chủ tịch chỉ rõ Đảng và các tổ chức đảng cần chuẩn bị chu đáo mọi mặt, tạo thuận lợi cho cán bộ, đảng viên có thể thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ của mình. Năm 1953, trong các bài viết đăng trên báo Cứu quốc, Hồ Chủ tịch nêu rõ: “Tất cả các nghị quyết của Đảng phải do cơ quan lãnh đạo chuẩn bị kỹ càng, rồi giao cho các cấp thảo luận. Không được làm qua loa, sơ sài” và “Khi bầu cử các cơ quan lãnh đạo trong Đảng, phải xem xét rất kỹ lưỡng để lập danh sách những đảng viên ứng cử”.
Cùng với những điều kiện thuận lợi trên thì theo Hồ Chí Minh, quan trọng nhất vẫn là tính tự giác, gương mẫu chấp hành của từng cá nhân. Bằng sự tự giác sẽ tạo ra sức mạnh nội sinh sâu sắc và bền vững nhất.
Thực hiện tư tưởng và lời dạy của Hồ Chí Minh, trong quá trình xây dựng và trưởng thành của Đảng từ khi ra đời đến nay đã chứng minh rõ tính đúng đắn và những thành công trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ. Nhìn chung, cán bộ, đảng viên của Đảng vừa thực hiện tốt dân chủ, vừa giữ đúng tập trung, góp phần tạo ra sức mạnh to lớn của Đảng. Phát huy những mặt mạnh, thẳng thắn thừa nhận và kiên quyết, kiên trì sửa chữa hạn chế, khuyết điểm trong thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ là cơ sở để chúng ta tin tưởng, kỳ vọng Đảng Cộng sản Việt Nam sẽ thực hiện thật tốt quy định của Điều lệ Đảng Cộng sản Việt Nam: “Đảng là một tổ chức chặt chẽ, thống nhất ý chí và hành động, lấy tập trung dân chủ làm nguyên tắc tổ chức cơ bản, thực hiện tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, thương yêu đồng chí, kỷ luật nghiêm minh, đồng thời thực hiện các nguyên tắc: tự phê bình và phê bình, đoàn kết trên cơ sở Cương lĩnh và Điều lệ Đảng, gắn bó mật thiết với nhân dân, Đảng hoạt động trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật”.
Nhận xét
Đăng nhận xét