“Vụ Việt Á” và những kẻ “thọc gậy bánh xe”

 “Vụ Việt Á” và những kẻ “thọc gậy bánh xe”

“Vụ Việt Á” đang được Đảng và Nhà nước xử lý một cách rốt ráo. Ngay từ đầu đợt dịch thứ 4 bùng phát, khi công cuộc phòng chống dịch bệnh đang hết sức khẩn trương, khi có ý kiến phản ảnh về việc giá cả kít xét nghiệm của Việt Nam đắt hơn nước ngoài…, Trung ương Đảng và Chính phủ đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng vào cuộc kiểm tra và khẳng định: “Nếu cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ xử lý nghiêm minh, bất kể người đó là ai và không có vùng cấm”.

Chính sự chỉ đạo rốt ráo ấy mà những kẻ sai phạm bị đưa ra ánh sáng bắt đầu từ Giám đốc Công ty Việt Á Phan Quốc Việt cùng các đồng phạm. Với sự quyết liệt đó, cho đến nay cơ quan chức năng đã khởi tố khoảng 70 cá nhân và một số tổ chức vi phạm. Mới đây nhất là hai ông Chu Ngọc Anh, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội và Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Chưa có vụ án nào mà Đảng ta xử lý nhanh, mạnh và quyết liệt như vậy.

Phan Quốc Việt (trái) cùng loạt bị can đã bị khởi tố trong vụ án Việt Á. Ảnh: Internet.

Xuyên tạc bóp méo, kích động

Không phải đến bây giờ, khi vụ Việt Á xảy ra, các thế lực thù địch mới chống phá. Chúng chỉ căn cứ hình thức bên ngoài, hoặc đánh tráo khái niệm để vu cáo ta. Phải kể đến là những sản phẩm “bịa đặt” của trang phản động “Việt Tân”như: “Ranh giới cho thấy Nhà nước bạc bẽo thế nào với các y bác sĩ, nhân viên y tế”, “Hội chứng về quê và khủng hoảng lòng tin”, “Nhà nước Cộng sản Việt Nam chống dịch Covid-19 bằng cách đàn áp người dân”(?!).

Xảo trá hơn, khi thành phố Hồ Chí Minh bùng phát dịch, Đảng và Nhà nước huy động một lực lượng lớn để chống dịch, đặc biệt là huy động lực lượng lượng quân đội, ngay lập tức chúng cho rằng “mục đích đưa lực lượng quân đội vào để đàn áp người dân”, “đi chống dịch mà sao có cả súng đạn”(?!); chúng cắt ghép và la lên: “Quân đội đã được điều động lực lượng tại thành phố Hồ Chí Minh” với hình ảnh các xe thiết giáp (trên thực tế đây là hình ảnh xe thiết giáp được ghi nhận trong buổi diễn tập khu vực phòng thủ tại Hải Phòng); hay hình ảnh xác chết của các bệnh nhân Covid-19 được cho là tại thành phố Hồ Chí Minh (tuy nhiên qua xác minh bức ảnh trên được chụp tại bệnh viện Myawaddy, thị trấn ở đông nam Myanmar )…

Những thông tin bịa đặt này nhanh chóng được các đối tượng chia sẻ, bình luận để kích động tạo nên một góc nhìn “tối tăm” về tình hình dịch Covid-19, gieo rắc tâm lý hoài nghi, suy giảm lòng tin của người dân đối với công tác phòng chống dịch Covid-19, gây mất ổn định tình hình chính trị, trật tự an toàn xã hội.

Bóp méo, xuyên tạc sự thật, đưa thứ văn hóa phương Tây “dân chủ nhân quyền” vào phân tích đánh giá chỉ đạo của Chính phủ, các tổ chức phản động cho rằng đưa người đi cách ly tập trung hoặc giãn cách xã hội là “vi phạm dân chủ nhân quyền”, “là không tôn trọng quyền tự do của người dân”. Ngay cả việc tiêm chủng bắt buộc, chúng cũng cho là vi phạm tự do dân chủ. Ngoài một số báo, đài, các tổ chức nước ngoài không thiện chí,còn có cả bọn phản động người Việt, những youtuber chỉ nhằm câu view xuyên tạc để lấy tiền.

Những kẻ được coi là “nhà báo”, “luật sư”, những kẻ bỏ trốn khỏi đất nước hoặc bị đào thải, trong chương trình của chúng không hề có một dòng tin nào nói về những cố gắng của cả nước trong ngăn chặn đại dịch. Chúng cười đùa trên những mất mát, những cố gắng của người dân. View đối với chúng là trên hết, là tiền, nhiều người đọc, những nút đồng, nút bạc, nút vàng là mục tiêu mà chúng hướng tới.

Một số trang mạng, báo đài lợi dung “vụ Việt Á” để đưa tin xuyên tạc, chống phá

Với mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, trong các đợt phòng, chống đại dịch Covid-19, Chính phủ đã ban hành nhiều nghị quyết với các gói hỗ trợ lên đến hàng chục nghìn tỷ đồng để giúp đỡ những người bị ảnh hưởng bởi đại dịch. Đặc biệt, đợt bùng phát dịch lần thứ tư, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 68/NĐ-CP “Về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19” và Quyết định 23 hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động (gói hỗ trợ lần 2) của Chính phủ trị giá 26 nghìn tỷ đồng đã được triển khai nhanh chóng; các thủ tục được thực hiện thông thoáng, nhằm góp phần ổn định đời sống nhân dân. Điều đó, khẳng định tính ưu việt của chế độ chính trị ở Việt Nam nhưng bọn chúng cứ ra rả xuyên tạc cho rằng Chính phủ không quan tâm đến dân, phòng dịch sai nên người dân bị thiệt mạng…(?!).

Đặc biệt, khi vụ án Việt Á xảy ra lập tức chúng hùa vào “phanh phui” kít xét nghiệm và cách chống dịch của cả hệ thống chính trị. Nhiều câu hỏi ác ý liên kết, móc nối với kít Việt Á. Chúng suy luận và cho rằng “thì ra mở chiến dịch đại trà “ngoáy mũi” cũng vì Việt Á; “chẳng quan tâm đến dân mà chỉ quan tâm đến tiền”(?!). BBC tiếng Việt còn suy luận: Vụ kít xét nghiệm là dấu hiệu của lũng đoạn nhà nước”(?!).

Một tờ Thời báo mạng và kênh youtube tiếng Việt ở Đức ra rả suốt ngày tìm mọi thủ đoạn gán ghép những sai phạm của cá nhân với sự chỉ đạo và lãnh đạo. Thủ doạn của chúng là từ cái riêng nâng lên thành cái chung, từ cái cá biệt nâng lên thành tổng thể. Hùa theo các phần tử chống đối khác, tờ này tung tin việc xét nghiệm đại trà là thủ đoạn “làm tiền”, tiếp tay cho Việt Á. Từ việc xét nghiệm chúng nâng lên và phủ nhận thành quả chống dịch, bóp méo sự quan tâm của Nhà nước thành sự “kiếm tiền trên đau khổ của người dân”(?!).

Đi xa hơn chúng có sự liên kết, móc nối, hỗ trợ cho nhau kiểu “kẻ tung người hứng”, chúng “xào xáo” tin tức của nhau. Chúng cho rằng Việt Á chỉ là cái vỏ bọc bên ngoài để các phe phái đấu đá lẫn nhau tranh giành quyền lực(?!); rằng Việt Á chỉ là phần ngọn, sẽ còn xuất hiện nhiều Việt Á vì xuất phát từ “bản chất chế độ”(?!). Chúng ra rả suốt ngày về cái gọi là “trùm cuối”. Sau khi hai ông Chu Ngọc Anh và Nguyễn Thanh Long bị bắt, chúng liền suy luận phải có người cao hơn mới sai khiến được hai ông này. Chúng tung ra hoả mù về “trùm cuối” với cách suy luận vô căn cứ hòng làm giảm lòng tin của người dân đối với Đảng,Nhà nước.

Xét nghiệm chỉ là một khâu trong phòngchống dịch

Phải nói ngay rằng đại dịch Covid-19 chưa có tiền lệ trong lịch sử. Đây là căn bệnh mà trong nền y học thế giới chưa từng đề cập và nó xảy ra ở phạm vi toàn thế giới. WHO cho rằng đây là căn bệnh toàn cầu cần có cách tiếp cần toàn cầu. Không có nước nào an toàn khi thế giới chưa an toàn đó là thông điệp chung của cuộc chiến này. Việc sáng tạo ra bộ kít xét nghiệm là một thành tựu trong công cuộc phòng chống Covid- 19.

Cũng phải thấy ngay rằng sai phạm của Việt Á chỉ là một khâu của quá trình chống lại đại dịch. Trong việc nhập khẩu kít xét nghiệm, nhiều doanh nghiệp được phép nhập của các công ty ở các quốc gia khác nhau. Việc các thế lực chống đối suy luận cho rằng kít Việt Á nhập chui, không bảo đảm chất lượng nên thành phố Hồ Chí Minh mới để xảy ra tình trạng bi thảm là hoàn toàn vô căn cứ. Đồng thời, việc xét nghiệm thần tốc không phải là xuất phát từ ý muốn chủ quan mà phải từ thực tiễn khách quan. Khoanh vùng dập dịch, khoanh vùng xét nghiệm là phương châm đặt ra trong quá trình chống dịch.

Lực lượng y tế đã nỗ lực cao nhất để giảm thiểu tổn thất trong đại dịch. Ảnh: Internet.

Như đã nói, đây là đại dịch chưa từng có tiền lệ nên WTO vào cuộc kịp thời để chỉ đạo, hướng dẫn các quốc gia. Không chỉ riêng Việt Nam, các quốc gia khác cũng đều tiến hành truy vết thần tốc để dập dịch. Việt Nam đã trải qua 4 đợt bùng phát song mỗi giai đoạn lại có những đặc điểm riêng. Ở giai đoạn 4 lại phải đối mặt với biến chủng mới Delta có tốc độ lây lan nhanh, độc dược cao nên việc phòng chống cực kỳ khó khăn, phức tạp. Trong khi đó, cái khó của Việt Nam là chưa có vắc xin, chính vì vậy nếu không xét nghiệm nhanh, không truy vết nhanh thì không thể chặn đứng được đại dịch. Biện chứng của chống dịch chính là xuất phát từ thực tiễn, từ năng lực của chính mình để ứng phó.

Phải nói thêm rằng truy vết, phát hiện chỉ là một khâu trong chống dịch. Quan trọng là, chính đội ngũ thầy thuốc Việt Nam đã sáng tạo để có những phác đồ điều trị đúng đắn, hiệu quả. Nhờ đó, những đợt bùng phát đầu tỷ lệ người tử vong là rất thấp. Vì vậy, đã có lúc chúng ta trở thành “nơi an toàn nhất của thế giới”.

Bước vào đợt bùng phát với biến chủng mới, tính biện chứng được thể hiện rõ trong từng giai đoạn chống dịch. Khi chưa có vắc xin thì cách xét nghiệm khác, khi đã đạt được tỷ lệ nhất định thì xét nghiệm và cách chống dịch cũng thay đổi cho phù hợp. Những kẻ chống đối nhìn vào thực tiễn và cho rằng chúng ta thay đổi nhiều lần là sai lầm. Thật là nực cười cho cái tư duy siêu hình ấy! Trên thực tế, biết ứng phó với từng giai đoạn, biết rút ra bài học từ thực tiễn là cách làm khoa học. Và nếu có sai thì phải thay đổi âu cũng là lẽ thường tình. Cái đáng ngại nhất là biết sai mà không chịu thay đổi.

Và, việc ứng phó với đại dịch thế kỷ này làm gì đã có ai có kinh nghiệm. Chỉ có những kẻ “võ mồm” mới phán xét. Tất nhiên, có nhiều người tử vong do đại dịch là điều không ai mong muốn. Trước sự nguy hiểm của đại dịch, ngành y tế và cả hệ thống chính trị Việt Nam đã nỗ lực ở mức cao nhất để giảm thiểu số người tử vong. Theo thống kê, tổng số ca tử vong vì Covid-19 của Việt Nam xếp thứ 25/224 vùng lãnh thổ, số ca tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 128/224 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. So với châu Á, tổng số ca tử vong xếp thứ 6/49 (xếp thứ 3 ASEAN), tử vong trên 1 triệu dân xếp thứ 24/49 quốc gia, vùng lãnh thổ châu Á (xếp thứ 4 ASEAN).

Vì vậy, một số cá nhân vi phạm trong Vụ Việt Á không thể làm lu mờ hình ảnh cao đẹp của người thầy thuốc Việt Nam và không thể phủ nhận những đóng góp to lớn của ngành y tế đối với sự nghiệp bảo vệ sức khoẻ nhân dân. Và, việc lợi dụng vụ án Việt Á như một công cụ chống phá không thể đánh lừa được ai. Mỗi người dân vừa có nhận thức từ thực tiễn, vừa có ý thức về quyền lợi và nghĩa vụ, trách nhiệm của mình. Hàng trăm triệu liều vắc xin được tiêm cho người dân, sự lăn xả của đội ngũ y, bác sỹ trong hành trình chống dịch, cứu người, cùng những đánh giá cao của các tổ chức quốc tế về công tác phòng, chống dịch Covid-19 của Việt Nam là những minh chứng không thể phủ nhận. Những kẻ “thọc gậy bánh xe”, rêu rao chống đối chỉ là hạt sỏi ném xuống ao bèo.

Nguyễn Đăng Tấn

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này