Bí thư cấp ủy chống bệnh xa dân
Bí thư cấp ủy chống bệnh xa dân
Xa dân là biểu hiện cụ thể của bệnh quan liêu, một căn bệnh nguy hiểm bậc nhất đối với cán bộ lãnh đạo.
Để phòng, chống căn bệnh này, ngày 18-2-2019, Bộ Chính trị khóa XII đã ban hành Quy định số 11-QĐi/TW về trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy trong việc tiếp dân, đối thoại trực tiếp với dân và xử lý những phản ánh, kiến nghị của dân (Quy định 11).
Sau hơn 3 năm triển khai thực hiện, Quy định 11 đã giúp đội ngũ bí thư cấp ủy khắc phục biểu hiện thiếu sâu sát thực tế cơ sở, xa dân như Nghị quyết Trung ương 4, khóa XII về xây dựng Đảng đã nêu. Nhóm phóng viên Báo Quân đội nhân dân đã làm việc với 17 địa phương cấp tỉnh; tìm hiểu, khảo sát hơn 20 địa phương khác về công tác tiếp dân của người đứng đầu cấp ủy theo Quy định 11.
Bài 1: “Liều thuốc” đặc hiệu của Đảng
Việc ban hành Quy định 11 tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng về quan điểm “dân là gốc”, coi việc gần dân, công tác tiếp dân, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Quy định 11 trở thành thiết chế bắt buộc bí thư cấp ủy phải dành thời gian tiếp dân. Đây được coi như “liều thuốc” đặc hiệu vừa phòng, vừa chống bệnh xa dân.
Nếu không tiếp dân làm sao biết!
Một ngày đầu tháng 6-2022, chúng tôi gặp bà Hoàng Thị Phương (tổ 2, phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên, tỉnh Thái Nguyên) ngay trên đoạn đường mới được đổ bê tông rộng rãi, sạch đẹp trước nhà. Giọng bà Phương không giấu nổi sự xúc động khi kể về “sự tích” của đoạn đường này. Gia đình bà và một số hộ khác nguyên là cán bộ Bệnh viện Điều dưỡng Thái Nguyên (nay là Bệnh viện Phục hồi chức năng tỉnh Thái Nguyên), được UBND tỉnh Thái Nguyên cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại tổ 17 (nay là tổ 8), phường Trưng Vương từ năm 1998.
Thế nhưng, 23 năm kể từ khi được cấp đất, các hộ dân vẫn chưa có đường vào để xây dựng, sử dụng mảnh đất thuộc sở hữu của mình dù đã nhiều lần phản ánh ý kiến đến cơ quan chức năng từ phường tới tỉnh.
Đồng chí Nguyễn Thanh Hải, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên (bên trái) đến thăm bà Hoàng Thị Phương và các hộ dân, kiểm tra tình hình giải quyết vụ việc sau tiếp công dân tại phường Trưng Vương, TP Thái Nguyên. |
Vụ việc diễn ra ngay giữa trung tâm TP Thái Nguyên, cách trụ sở Tỉnh ủy và UBND tỉnh Thái Nguyên chỉ vài trăm mét. Ấy vậy mà phải mất tới 23 năm những ý kiến của bà Phương và các hộ dân nơi đây mới được giải quyết, qua buổi tiếp công dân của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên Nguyễn Thanh Hải. Vài tháng sau buổi tiếp công dân, đường vào khu đất đã được hoàn thành. Hôm đồng chí Nguyễn Thanh Hải đến thăm các hộ dân và kiểm tra tình hình thi công đoạn đường, bà Phương chỉ biết nắm chặt tay nữ Bí thư Tỉnh ủy, xúc động nói lời cảm ơn.
Cũng là vụ việc kéo dài nhiều năm, qua buổi tiếp công dân định kỳ của Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang Dương Văn Thái mới đây, vụ việc tranh chấp quyền thờ cúng liệt sĩ kéo dài 10 năm giữa gia đình ông Nguyễn Văn Nắm (em trai liệt sĩ Nguyễn Văn Được) và anh Nguyễn Văn Bao (cháu ruột liệt sĩ Nguyễn Văn Được) cũng mới được giải quyết dứt điểm, hợp tình, hợp lý và nhận được sự đồng tình, ủng hộ của người dân, cán bộ địa phương.
Đồng chí Dương Văn Trang, Bí thư Tỉnh ủy Kon Tum, từ câu chuyện thực tế ở địa phương đã cho biết: “Thực tế qua các buổi đối thoại với người dân, nhiều vấn đề được giải quyết dứt điểm, như vụ việc phức tạp về an ninh, trật tự tại xã Ia Chim, TP Kon Tum; giải quyết những khó khăn, vướng mắc liên quan đến chế độ, chính sách và công tác giáo dục, chăm sóc, bảo vệ phụ nữ, trẻ em của tỉnh; kịp thời tháo gỡ những khó khăn liên quan đến việc phát triển kinh tế-xã hội, công tác quản lý, bảo vệ rừng ở huyện Đăk Glei; giải quyết chế độ, chính sách cho người dân và chỉ đạo thanh tra về phản ánh của người dân liên quan đến công tác quy hoạch, xây dựng trên địa bàn thị trấn Đăk Hà…”.
Qua việc thực hiện nghiêm Quy định 11, năm 2021, Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre Phan Văn Mãi (nay là Phó bí thư Thường trực Thành ủy, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh) đã nắm bắt những hạn chế của cấp ủy, chính quyền qua tiếp xúc, phản ánh của người dân. Xã Tường Đa (huyện Châu Thành) trước đây là một trong những điểm nóng, nổi lên nhiều vấn đề, như công tác tổ chức cán bộ, quản lý nhà nước, tài chính…
Nhờ việc tiếp xúc, tiếp nhận phản ánh của người dân, với sự chỉ đạo trực tiếp của đồng chí Phan Văn Mãi, các cơ quan chức năng đã làm rõ những dấu hiệu vi phạm đối với tập thể Đảng ủy xã Tường Đa nhiệm kỳ 2015-2020 và 5 cá nhân. Kết quả, các cơ quan chức năng đã xử lý 3 cá nhân có vi phạm; chấn chỉnh kịp thời công tác quản lý, tạo niềm tin tưởng của nhân dân.
Cũng nhờ Quy định 11, người dân có thể thuận lợi tiếp cận người đứng đầu cấp ủy, chính quyền để bày tỏ tâm tư, kiến nghị, phản ánh tình hình địa phương. Đồng chí Phạm Văn Huỳnh, Bí thư Đảng ủy xã Tiến Lộc (Hậu Lộc, Thanh Hóa) tâm sự: “Tôi là người ở địa phương khác về đây công tác, cũng nhờ thực hiện Quy định 11 mà có được sự phản ánh nhiều chiều, nắm được tình hình thực tế tại xã để có những chỉ đạo kịp thời. Cấp xã là cấp gần dân nhất, nhiều sự việc tưởng gần nhưng nếu người dân không phản ánh thì chúng tôi cũng không nắm, xử lý kịp thời được”.
Phòng, chống “căn bệnh nguy hiểm”
Việc ban hành Quy định 11 tiếp tục khẳng định quyết tâm của Đảng về quan điểm “dân là gốc”, coi công tác tiếp dân, giải quyết tâm tư, nguyện vọng của nhân dân là nhiệm vụ quan trọng của cả hệ thống chính trị. Nghị quyết số 04-NQ/TW khóa XII chỉ ra thực trạng “nhiều cán bộ, đảng viên, trong đó có người đứng đầu chưa thể hiện tính tiên phong, gương mẫu; còn biểu hiện quan liêu, cửa quyền, chưa thực sự sâu sát thực tế, cơ sở”.
Nghị quyết cũng chỉ ra một trong những biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên là “quan liêu, xa rời quần chúng, không sâu sát cơ sở, thiếu kiểm tra, đôn đốc, không nắm chắc tình hình địa phương, cơ quan, đơn vị mình; thờ ơ, vô cảm, thiếu trách nhiệm trước những khó khăn, bức xúc và đòi hỏi chính đáng của nhân dân”.
Như vậy, quan liêu vẫn là một căn bệnh của không ít cán bộ lãnh đạo hiện nay mà Đảng ta đã chỉ ra. Quan liêu là không nắm được tình hình cơ sở, không nghe được tiếng nói thực lòng của người dân. Đồng chí Lê Doãn Hợp, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An, nguyên Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, chia sẻ: “Lãnh đạo mà quan cách thì mất nhiều nhất, ấy là mất thực tiễn, mất cơ hội cống hiến, làm mất uy tín của Đảng, tín nhiệm của dân, mất thông tin và lời khuyên, mất cả bạn bè”.
Trong rất nhiều các đồng chí bí thư cấp ủy các cấp mà chúng tôi được tiếp xúc, hết thảy đều cho rằng nếu người đứng đầu cấp ủy lơ là, thực hiện không nghiêm công tác tiếp dân theo Quy định 11 thì tất sẽ mắc bệnh quan liêu. Nhìn nhận từ địa phương mình, đồng chí Tạ Huy Cần, Bí thư Huyện ủy Lạng Giang (Bắc Giang) khẳng định: “Quy định 11 rất quan trọng, cần thiết với huyện Lạng Giang trong bối cảnh phát triển mạnh mẽ, toàn diện cả về kinh tế, chính trị, xã hội hiện nay; nhất là trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong quá trình phát triển kinh tế-xã hội, thực hiện công tác thu hồi, bồi thường, giải phóng mặt bằng các dự án, phát triển hệ thống giao thông, cụm công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới… phải sử dụng diện tích đất lớn, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sản xuất của người dân.
Do đó, người đứng đầu cấp ủy, nhất là ở cơ sở nếu không tập trung cao, lơ là, thực hiện không nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị của công dân sẽ dẫn đến nhiều nguy cơ, mà quan trọng nhất là làm giảm niềm tin của người dân vào Đảng và chính quyền”.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Ngô Chí Cường, Bí thư Tỉnh ủy Trà Vinh nhận định: “Người đứng đầu cấp ủy thực hiện không nghiêm công tác tiếp dân, giải quyết phản ánh, kiến nghị của nhân dân sẽ dẫn đến các cấp, các ngành không quan tâm giải quyết kịp thời quyền lợi chính đáng cho người dân; đồng thời người đứng đầu cấp ủy sẽ không nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng, những yêu cầu bức xúc, chính đáng của người dân, sẽ không kịp thời chỉ đạo giải quyết dứt điểm các vụ việc nóng mới phát sinh ngay từ ban đầu, ngay từ cơ sở. Việc này trở thành điểm nóng, khiếu kiện đông người, sẽ bị một số đối tượng xấu lợi dụng gây rối làm mất an ninh, trật tự ở địa phương”.
Hiện nay, trình độ dân trí khá cao, hầu hết các vụ việc mà người dân phải tìm đến gặp bí thư cấp ủy thì đã kéo dài. Vì vậy, nếu người đứng đầu cấp ủy không tiếp dân thì người dân chỉ còn cách duy nhất là khiếu nại, tố cáo vượt cấp để bảo vệ quyền lợi chính đáng của mình. Mặt khác, người đứng đầu cấp ủy sẽ mất đi nguồn thông tin để nắm bắt cán bộ, đảng viên, nhất là những biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Khi đó người dân sẽ giảm hoặc mất niềm tin vào vai trò lãnh đạo của cấp ủy đảng ở địa phương.
Theo đồng chí Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Cơ sở đảng (nay là Vụ Cơ sở đảng, đảng viên, Ban Tổ chức Trung ương), nếu người cán bộ lãnh đạo địa phương quan liêu, xa dân, sẽ không nắm được tình hình, dẫn đến không đề ra được giải pháp, chủ trương để giải quyết những vấn đề thực tiễn.
Ông cũng nhận định, người đứng đầu cấp ủy không có gì bằng nghe trực tiếp tiếng nói, những kiến nghị, đề xuất của nhân dân. Việc trực tiếp lắng nghe sẽ giúp người đứng đầu cấp ủy phân biệt ý kiến nào là đúng, ý kiến nào là sai, cảm nhận thái độ người dân để “đo” lòng dân thế nào. Qua việc gần nhân dân để thấy chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước khi áp vào thực tiễn có vướng mắc gì, cái gì phù hợp, những gì chưa phù hợp để điều chỉnh, bổ sung, hoàn chỉnh.
Cũng qua nghe tiếng nói từ người dân để người lãnh đạo biết cấp ủy, chính quyền cấp dưới chỗ nào thực hiện tốt, chỗ nào không tốt. Như vậy, gần dân không những nắm được tâm tư, nguyện vọng của người dân mà còn biết đội ngũ cán bộ làm việc thế nào.
Điều 4, Quy định số 11-QĐi/TW của Bộ Chính trị về thời gian tiếp dân: 1. Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân định kỳ như sau: a) Người đứng đầu cấp ủy cấp tỉnh, cấp huyện tiếp dân ít nhất 1 ngày trong 1 tháng; b) Người đứng đầu cấp ủy cấp xã tiếp dân ít nhất 2 ngày trong 1 tháng. 2. Người đứng đầu cấp ủy tiếp dân đột xuất trong các trường hợp sau: a) Vụ việc nổi cộm, phức tạp, kéo dài, có nhiều người tham gia, liên quan đến trách nhiệm của nhiều cơ quan, tổ chức, đơn vị hoặc ý kiến các cơ quan, tổ chức đơn vị còn khác nhau; b) Vụ việc có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, ảnh hưởng đến an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội. |
Bài và ảnh: DƯƠNG HÒA – HOÀNG VIỆT
Nhận xét
Đăng nhận xét