Không thể xuyên tạc, phủ nhận những kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 5

Không thể xuyên tạc, phủ nhận những kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 5

 

Ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII kết thúc, các thế lực thù địch, phản động đã ra sức xuyên tạc, phủ nhận những kết quả quan trọng của Hội nghị, nhất là việc thống nhất chủ trương thực hiện Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới…

Thực hiện chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII diễn ra từ ngày 4 – 10/5/2022 đã thành công tốt đẹp. Tại Hội nghị lần này, Trung ương đã xem xét, quyết định một số vấn đề hệ trọng. Trong đó, có những nội dung thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận xã hội như: Thực hiện Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới… 

Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII diễn ra từ ngày 4 – 10/5/2022. (Ảnh: PC) 

Tuy nhiên, ngay sau khi Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII kết thúc, các thế lực thù địch, phản động đã tìm mọi cách xuyên tạc, phủ nhận những kết quả quan trọng của Hội nghị. Mục đích của chúng là tạo ra những luồng dư luận xấu, phá vỡ sự đồng thuận xã hội; gây khó khăn cho việc triển khai những nội dung đã được quyết định tại Hội nghị Trung ương 5, khóa XIII.

Cụ thể, những ngày gần đây, trên mạng xã hội, một số kênh thông tin, trang, hội, nhóm phản động đã và đang xuất hiện những bài viết, ý kiến nhận định phiến diện, chủ quan về các kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 5. Đặc biệt, nhiều luận điệu của các thế lực thù địch, cơ hội chính trị trên các trang mạng, báo đài phản động như: Việt Tân, Đài Á Châu tự do RFA; trang đài VOA, BBC New Tiếng Việt, Tiếng Dân… đã đưa ra những thông tin bịa đặt, xuyên tạc sự thật, gây “nhiễu” dư luận.

Trước hết, trọng tâm đầu tiên các thế lực phản động, thù địch tập trung xuyên tạc, phủ nhận đó là quyết tâm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng thể hiện tại Hội nghị Trung ương 5. Lợi dụng việc Hội nghị thảo luận và thống nhất chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; các thế lực phản động, thù địch đã tung các loạt bài viết, video xuyên tạc như: Trên trang Chân trời mới Media, có bài viết “Trung ương 5: Tấp rác xuống dưới thảm”, bài trích của Trần Đông A cho rằng “Đảng Cộng sản Việt Nam thừa nhận sự thất bại toàn tập trên thực tế đối với công cuộc chống tham nhũng”, hay chúng còn cho rằng “tham nhũng tại Việt Nam như một con virus ăn sâu vào tế bào của Đảng Cộng sản, từ trên xuống dưới”, “diện mạo của trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”.

Có thể thấy rõ, những luận điệu nói trên là hoàn toàn phi lý và vô căn cứ; là sự bịa đặt và phủ nhận trắng trợn thành quả công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta trong thời gian qua. Bởi nhìn nhận một cách khách quan, công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã đạt được nhiều tín hiệu đáng tích cực; nhiều vụ việc vi phạm được xử lý triệt để, kiên quyết và có hiệu quả; các cá nhân có sai phạm dù đương nhiệm hay đã nghỉ chế độ, miễn nhiệm đều được đưa ra ánh sáng. Điển hình gần đây nhất là vụ việc bắt tạm giam nguyên Chủ tịch Thành phố Hạ Long (Quảng Ninh) Phạm Hồng Hà về tội “Lừa đảo, chiếm đoạt tài sản” và “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, điều đó cho thấy quyết tâm và sự nỗ lực trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng là rất lớn. Chỉ tính riêng “trong quý I năm 2022, đã có 125 vụ án, 259 bị can về tham nhũng bị khởi tố, tăng gấp 2 lần cùng kỳ năm trước. Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kiến nghị thi hành kỷ luật 14 đồng chí thuộc diện Trung ương quản lý và tính từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có 40 cán bộ cấp cao bị xử lý kỷ luật. Trong khi cả nhiệm kỳ Đại hội XII, số lượng cán bộ Trung ương quản lý bị xem xét xử lý kỷ luật là 110 đồng chí” (1). Điều này khẳng định nỗ lực, quyết tâm lớn trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay. Đồng thời, những kết quả trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực đã củng cố niềm tin của nhân dân, nhận được sự ủng hộ và đánh giá cao của dư luận xã hội.

Việc Hội nghị Trung ương 5 thống nhất đồng ý với sự biểu quyết nhất trí rất cao của 63/63 tỉnh, thành ủy đối với thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực thể hiện sự đồng thuận của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trong công cuộc đẩy lùi và diệt trừ nạn tham nhũng, tiêu cực. Đây cũng là tín hiệu cho thấy sự thống nhất cao trong công tác chỉ đạo và đấu tranh với tham nhũng, tiêu cực, như cách nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng “Trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Qua đó, góp phần khơi dậy niềm tin mạnh mẽ, sức lan tỏa sâu rộng quyết tâm đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; củng cố và nâng cao uy tín của Đảng trước đồng bào và nhân dân.

Vấn đề thứ hai liên quan đến Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII mà các thế lực phản động, thù địch đang ra sức xuyên tạc, phủ nhận đó là việc tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới.

Theo đó, các luận điệu chống phá cho rằng “việc tổng kết chính sách đất đai có thể gây chú ý nhưng không tạo hiệu quả thay đổi vì cơ bản vẫn đất đai là sở hữu toàn dân, Nhà nước quản lý”; “tước quyền tư hữu đất đai là tước tất cả”, hay bài “Đất hỡi” trên trang Chân Trời Mới Media có đoạn viết “Hội nghị trung ương lần này của đảng cầm quyền không phải tự dưng bàn về luật đất đai. Nó đã nhận thấy cái luật ấy “giết” của nó biết bao nhiêu cán bộ đảng viên “ưu tú” rồi, nên hoảng” , Đài Á Châu Tự do (RFA) loan tin: “sáu tổ chức xã hội dân sự trong nước đồng ký tên phát tán cái gọi là “Tuyên bố chống tham nhũng và sửa đổi Luật Đất đai”… Từ đó, các thế lực phản động, thù địch cho rằng, Việt Nam phải thực hiện đất đai thuộc quyền sở hữu của tư nhân như các nước khác thì mới loại trừ được tệ tham nhũng, tiêu cực hay mới có thể “canh tân” được công tác quản lý của Nhà nước về đất đai…

Chúng ta không phủ nhận thời gian qua, các vụ việc vi phạm nghiêm trọng liên quan đến đất đai đã xảy ra tại nhiều địa phương; thị trường bất động sản không ngừng gia tăng những cơn “sốt” đất, tăng giá; sự điều tiết của Nhà nước về đất đai gặp nhiều khó khăn trong công tác quản lý; thị trường bất động sản trở thành một điểm “nóng” thu hút sự quan tâm của người dân. Do vậy, Hội nghị trung ương 5 đã thẳng thắn tiến hành tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, Khóa XI về tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới. Hội nghị đã đánh giá khách quan, toàn diện, cụ thể những điểm đã làm được trong 10 năm thực hiện Nghị quyết số 19-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI về “Tiếp tục đổi mới chính sách, pháp luật về đất đai trong thời kỳ đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới, tạo nền tảng để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, đồng thời cũng chỉ ra những hạn chế, bất cập, tháo gỡ những vướng mắc, không phù hợp với cơ chế, thời đại; nghiên cứu thận trọng, kỹ lưỡng các định hướng trong phát triển đất nước, sự lãnh đạo của Đảng, quản lý, điều hành của Nhà nước về sở hữu toàn dân đối với đất đai do Nhà nước làm chủ, tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng trong hoạt động quản lý đất đai ở Việt Nam.

Tại Hội nghị, Trung ương cũng đã nhất trí ban hành Nghị quyết về “Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất; tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao” (2); khẳng định tính thiết thực, đúng đắn trong sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của Đảng về quyền sở hữu toàn dân đối với đất đai.

Với những nội dung, kết quả của Hội nghị Trung ương 5, không khó để nhận thấy, bản chất những “kiến nghị”, “đề xuất” mà các đối tượng đang tung ra như nêu trên không phải vì mục đích hoàn thiện chính sách, pháp luật về quản lý đất đai mà chỉ là chiêu trò để thu hẹp, tiến tới loại trừ vai trò của Nhà nước trong công tác quản lý đất đai; lâu dài là nhằm làm thay đổi bản chất xã hội, đánh chệch hướng xã hội chủ nghĩa mà Việt Nam đang xây dựng. Nói cách khác, cái gọi là “canh tân” hay kiến nghị sửa đổi Luật đất đai của các thế lực thù địch, phản động thực chất chỉ là luận điệu nhằm xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng đối với hoạt động đất đai, đặt đất đai nước ta ra khởi sự lãnh đạo của Đảng và lôi kéo, kích động nhân dân nghe và tin theo những luận điệu sai trái.

Với tinh thần cảnh giác, Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã nhấn mạnh: “Tăng cường bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, kiên quyết và thường xuyên đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, thù địch; chủ động cung cấp thông tin kịp thời, chính xác, khách quan, đúng định hướng để phòng, chống “diễn biến hòa bình”, thông tin xấu, độc trên internet, mạng xã hội” (3). Quán triệt sâu sắc tinh thần đó, đòi hỏi mỗi cán bộ, đảng viên cần đề cao trách nhiệm, chủ động vạch trần và đấu tranh phản bác các luận điệu sai trái, xuyên tạc, phủ nhận những kết quả quan trọng của Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII. Đồng thời, nghiên cứu, nắm chắc và cụ thể hoá các nội dung của Hội nghị gắn với chức trách, nhiệm vụ của bản thân. Đặc biệt, tích cực thông tin, lan tỏa thành công của Hội nghị Trung ương 5, Khóa XIII đến cộng đồng xã hội và quần chúng nhân dân; khẳng định đó là ý chí, nguyện vọng của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân và không thế lực thù địch, phản động nào có thể xuyên tạc, phủ nhận./.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này