Không thể bênh vực, biện hộ cho hành vi phạm pháp

 

Phiên tòa xét xử Trương Châu Hữu Danh và 4 đồng phạm trong nhóm “Báo sạch” vào tháng 10/2021 tại Tòa án Nhân dân huyện Thới Lai, TP Cần Thơ.

Để quan điểm con người là trung tâm, là chủ thể của chiến lược phát triển đất nước ngày càng hoàn thiện, Việt Nam luôn sẵn sàng tiếp nhận ý kiến thiện chí giúp bảo đảm, phát huy quyền con người. Song, như mọi quốc gia tự chủ khác trên thế giới, chúng ta không chấp nhận tình trạng một số tổ chức, cá nhân nước ngoài nhân danh việc bảo vệ quyền con người để đưa ra cáo buộc phi lý về việc cơ quan thực thi pháp luật của Việt Nam đã bắt giữ, xét xử một số công dân vi phạm pháp luật can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam. Đó cũng là để bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ an ninh và trật tự xã hội.

Ngày 1/11/2021, nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên hợp quốc (OHCHR) đã gửi thư đến chính quyền Việt Nam đề nghị xác minh thông tin về một số công dân Việt Nam bị bắt giữ, xét xử vì vi phạm pháp luật.

Nhân cớ này, các thế lực thù địch cùng một số tổ chức, cá nhân thiếu thiện chí đã tiến hành một “chiến dịch truyền thông đen” nhằm vu cáo chính quyền, cố tình tẩy trắng tội trạng của số người mà nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của OHCHR đề cập. Họ đăng nhiều bài viết, ý kiến xuyên tạc sự thật hòng kích động thái độ chống cộng, tác động tiêu cực đến một số người ở trong và ngoài Việt Nam chưa nắm bắt bản chất vấn đề. Sau hơn hai tháng, có lẽ vì thấy “chiến dịch truyền thông đen” kém hiệu quả, vừa qua một số địa chỉ truyền thông, đi đầu là VOA, lại tiếp tục đào bới lại bức thư nêu trên nhằm biến thành một sự kiện “thời sự”, qua đó tiếp tục rêu rao, bịa đặt, vu cáo.
 
Trước hết, phải chỉ rõ rằng, dù bày tỏ nỗi “quan ngại” với mấy “nhà đấu tranh” giả hiệu, nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của OHCHR không hề quan tâm đến hành vi vi phạm pháp luật của người mà họ đề cập. Không chỉ mắc lỗi về văn bản, nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của OHCHR còn bộc lộ sai lầm nghiêm trọng trong nhận định.

Chẳng hạn trong bức thư ngày 1/11/2021, họ thể hiện sự quan ngại với việc bắt giữ, xét xử với Lê Trọng Hùng, Trần Quốc Khánh, Lê Chí Thành, cho rằng ba người này bị bắt vì “tuyên bố ý định tự ứng cử đại biểu quốc hội”. Tuy nhiên sự thật không như vậy.

Từ cuối năm 2018 đến cuối năm 2020, Khánh đã sử dụng Facebook cá nhân để đăng, phát trực tiếp nhiều video thông tin xuyên tạc, phỉ báng và chống phá chính quyền, bịa đặt để gây hoang mang trong dư luận; phủ nhận vai trò tổ chức, lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tương tự, từ tháng 4 đến tháng 7/2020, Lê Trọng Hùng đã thực hiện nhiều video clip chứa nội dung tuyên truyền thông tin xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước, phỉ báng chính quyền; tuyên truyền các luận điệu chiến tranh tâm lý, phao tin bịa đặt… Còn Thành, theo Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh, người này từng nhiều lần cản trở lực lượng chức năng đang thực hiện nhiệm vụ để tạo cớ khiêu khích, đưa thông tin sai sự thật, xuyên tạc hoạt động công vụ rồi phát tán lên mạng xã hội, nhằm thu hút người theo dõi và tác động xấu đến an ninh trật tự, trục lợi cá nhân. Do các hành vi này, tại phiên tòa tổ chức ngày 14/1/2021, Tòa án nhân dân thành phố Thủ Đức, thành phố Hồ Chí Minh đã xét xử, tuyên phạt Thành 2 năm tù về tội chống người thi hành công vụ. Do đó, nếu thật sự thiện chí và hướng tới nhân quyền đích thực, lẽ ra nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của OHCHR phải tìm hiểu kỹ quá trình điều tra, cũng như kết quả điều tra của cơ quan chức năng của Việt Nam trên cơ sở pháp luật của Việt Nam để nắm bắt bản chất hành vi của số người mà họ đã đề cập, không thể vin vào lý do không liên quan để bênh vực, đề nghị xác minh. 

Thực tế nhiều năm nay, nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của OHCHR đã gửi bản khuyến nghị, thư ngỏ đến một số quốc gia trên thế giới chứ không riêng chỉ Việt Nam. Hầu hết các văn bản này đều được đăng tải công khai trên trang chủ của OHCHR. Đáng tiếc là phần lớn luận điểm, đề nghị của họ đều dựa trên thông tin thiếu xác thực và có góc nhìn chủ quan, phiến diện. Từ đó dấy lên nghi vấn nhóm Báo cáo viên Đặc biệt này chỉ thu thập số liệu, tài liệu, chứng cứ từ một số tổ chức, cá nhân mà họ quan tâm hoặc muốn bảo vệ, chứ không hề tự điều tra, tìm hiểu kỹ lưỡng dựa trên thông tin chính thức từ chính quyền nước sở tại trong khi thực thi pháp luật, bảo vệ chủ quyền quốc gia.

Đơn cử như năm 2020, trong khi 78 tổ chức phi chính phủ ở nước ngoài cùng viết thư cảm ơn hệ thống chính trị của Việt Nam đã vào cuộc kịp thời, hiệu quả và minh bạch trong hoạt động phòng, chống đại dịch Covid-19, thì một số người ở OHCHR lại ra sức bênh vực cho một số đối tượng là người Việt Nam tung tin giả về dịch bệnh, gây hoang mang, lo sợ trong dư luận xã hội. Còn từ năm 2021 đến nay, họ tiếp tục đăng tải các khuyến nghị, đơn, thư nhằm biện hộ cho một số công dân Việt Nam vi phạm pháp luật. Bất chấp việc các hành vi sai trái của người vi phạm pháp luật đã được thể hiện rất rõ ràng, đầy đủ qua lời khai và sự thừa nhận trước tòa, họ vẫn cố tình cùng một số tổ chức thù địch hoặc thiếu thiện chí đối với Việt Nam xuyên tạc sự thật, tâng bốc các đối tượng này là “nhà dân chủ”, bị bắt và bị xét xử vì “đấu tranh cho nhân quyền”! Như vậy có thể nói, bằng việc làm phi lý, phản nhân quyền, nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của OHCHR không giúp làm sáng danh OHCHR mà chỉ làm tổn hại uy tín của OHCHR. 

Từ việc làm của nhóm Báo cáo viên Đặc biệt của OHCHR nhìn rộng ra, còn thấy một số tổ chức khác cũng có hành động tương tự. Như RSF (Phóng viên không biên giới) lấy tôn chỉ “bảo vệ tự do báo chí” nhưng lại thường xuyên có hoạt động đi ngược quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận, khi đứng ra bảo vệ người vi phạm pháp luật, thậm chí tôn vinh cả đối tượng khủng bố. Liên quan Việt Nam, RSF từng trao giải thưởng cho Phạm Minh Hoàng-thành viên tổ chức khủng bố “Việt tân”. RSF còn bênh vực, ủng hộ nhiều đối tượng vi phạm pháp luật như Phạm Đoan Trang-bị kết án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” quy định tại Điều 88 Bộ luật Hình sự năm 1999; nhóm “Báo sạch” với 5 thành viên bị kết án gần 15 năm tù vì tội “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích, Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”. Và mới đây, RSF lại đứng ra bênh vực, bao biện, kêu gọi “trả tự do ngay lập tức” cho Mai Phan Lợi, người bị tuyên án 4 năm tù do thực hiện hành vi phạm tội với các vai trò là người chủ mưu, cầm đầu, trực tiếp chỉ đạo cho nhân viên dưới quyền không thực hiện kê khai nộp thuế, trực tiếp chiếm hưởng toàn bộ số tiền trốn thuế gần 2 tỷ đồng. 

Không chỉ can thiệp thô bạo vào công việc nội bộ của Việt Nam, một số tổ chức phi chính phủ, quỹ dân chủ quốc tế cũng không giấu giếm việc hậu thuẫn tiền bạc cho các đối tượng lợi dụng tự do dân chủ, tự do báo chí để hoạt động cản trở, phá hoại sự phát triển ổn định của đất nước. Nấp dưới danh nghĩa “giải thưởng nhân quyền”, quỹ khởi nghiệp, “học bổng xã hội dân sự”,… các tổ chức và quỹ này đã trao cho một số tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật Việt Nam những khoản tiền lớn để vừa hỗ trợ kinh phí hoạt động, vừa là “mồi nhử” những kẻ hám tiền tham gia hoạt động chống phá. Ngày 25/2/2021, NED (Quỹ Quốc gia hỗ trợ dân chủ) công bố ngân sách đã hỗ trợ vấn đề dân chủ ở Việt Nam năm 2020 lên đến 642.000 USD, trên ba lĩnh vực là: quyền con người, tự do thông tin, nhà nước pháp quyền. Về số tiền tài trợ này, một (“nhà dân chủ” hiện đang lưu vong tại Đức) bình luận: “Anh em nào muốn làm ăn dân chủ thì vào đây xem mục nào phù hợp thì chọn mục đó. Sau đó thì bắt tay phác thảo… Và đừng quên, là cùng một việc làm này, bạn có thể xin tài trợ thêm từ các quỹ hay nhận những giải thưởng cá nhân cũng được vài chục nghìn nữa. Cũng như nhận từ lòng hảo tâm đóng góp của các kiều bào ở nước ngoài, tóm lại là còn có nhiều nguồn ủng hộ nữa khi bắt tay vào việc, không chỉ của NED mà còn có NGO (tổ chức phi chính phủ) và của quỹ dân chủ… Năm nay tiền về đã khá hơn, chắc đợt tới còn khá thêm nữa”! Cũng phải nói thêm, “buôn dân chủ” là kiếm được tiền nên các nhà “dân chủ cuội” cũng trực tiếp đứng ra hô hào gây quỹ thông qua mạng xã hội. Nhiều tài khoản trong số này thuộc sở hữu của nhiều thành viên ẩn danh, khi chủ tài khoản bị bắt, đồng bọn của họ vẫn tiếp tục đăng tải nội dung chống phá, quyên góp tiền bạc. 

Từ năm 1982 đến nay, Việt Nam đã tham gia 7 điều ước quốc tế cơ bản của Liên hợp quốc về quyền con người; 5 điều ước có quy định liên quan cấm tra tấn. Đáng chú ý, Việt Nam nằm trong nhóm quốc gia sớm nhất tham gia vào Công ước về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử chống lại phụ nữ; Công ước về quyền trẻ em; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung công ước về quyền trẻ em, về việc lôi cuốn trẻ em tham gia xung đột vũ trang; Nghị định thư không bắt buộc bổ sung công ước về quyền trẻ em, về việc buôn bán trẻ em, mại dâm trẻ em và văn hóa phẩm khiêu dâm trẻ em.

Ở Đông Nam Á, Việt Nam cũng đã đóng góp rất tích cực, hiệu quả vào việc thành lập và tổ chức hoạt động của Ủy ban liên chính phủ ASEAN về nhân quyền (AICHR), xây dựng Tuyên ngôn Nhân quyền ASEAN. Ở trong nước, từ nỗ lực không mệt mỏi của Đảng, Nhà nước và toàn dân, dù gặp nhiều khó khăn, nhất là khi đại dịch Covid-19 hoành hành, song đời sống mọi mặt của nhân dân ngày càng được cải thiện và nâng cao, sức khỏe và tính mạng của nhân dân được bảo đảm ở mức cao nhất. Đó là minh chứng cụ thể cho các thành tựu chúng ta đã đạt được trong khi phát huy, bảo vệ quyền con người, chú trọng hợp tác quốc tế để tăng cường thực thi những quyền liên quan con người. Đó là cơ sở để các nước ASEAN ủng hộ Việt Nam là ứng cử viên duy nhất ứng cử làm thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025. Thực tế này đã phần nào chứng minh mọi luận điệu, việc làm của các tổ chức, cá nhân đang lợi dụng nhân quyền để chống phá Việt Nam chỉ là bịa đặt và vu cáo.

Chiều 27/1, Tòa án nhân dân thành phố Cần Thơ đã tuyên y án sơ thẩm đối với bị cáo Trương Châu Hữu Danh cùng các thành viên nhóm “Báo sạch” trong vụ án “Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích Nhà nước; quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân”.
Theo đó, Tòa tuyên phạt Trương Châu Hữu Danh (sinh năm 1982, trú tại tỉnh Long An) 4 năm 6 tháng tù; Đoàn Kiên Giang (sinh năm 1985, trú tại thành phố Hồ Chí Minh) 3 năm tù; Lê Thế Thắng (sinh năm 1982, trú tại thành phố Hà Nội) 3 năm tù; Nguyễn Thanh Nhã (sinh năm 1980, trú tại thành phố Hồ Chí Minh) và Nguyễn Phước Trung Bảo (sinh năm 1982, trú tại thành phố Đà Nẵng) cùng 2 năm tù. Ngoài ra, các bị cáo còn bị cấm hành nghề báo chí trong 3 năm sau khi chấp hành xong hình phạt tù.

QUANG MINH

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này