Để Quân đội ta tận trung với Đảng, trọn hiếu với dân
Để Quân đội ta tận trung với Đảng, trọn hiếu với dân
Nhân Văn
Gần đến ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam (22/12/1944-22/12/2021), trên mạng xã hội lại rộ lên những tin đồn thất thiệt về “cái gọi là” Quân đội ta chỉ nên “đứng ngoài chính trị” và thực hiện những “nhiệm vụ chung của dân tộc”; đã đến lúc Quân đội nhân dân Việt Nam phải “phi giai cấp”, “trung lập”, đứng ngoài chính trị”để tiến lên hiện đại. Thực hư quan điểm này như thế nào? Tại sao điệp khúc này lại được “tua đi tua lại” nhiều lần, luôn được “tái sinh”?
Chúng ta đều biết, sự ra đời của quân đội là tất yếu khách quan, gắn liền với sự xuất hiện giai cấp và nhà nước, là sản phẩm “không thể nào khác được” của cuộc đấu tranh giai cấp trong xã hội có đối kháng giai cấp và tệ nạn người áp bức, bóc lột người. Điều này đã được thể hiện sâu sắc trong các tác phẩm của C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin, nhất là khi các ông bàn về chiến tranh và quân đội, đấu tranh giai cấp và nhà nước, cách mạng xã hội.
C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã phê phán kịch liệt các quan điểm “ngụy biện” của các lý luận gia tư sản và chỉ rõ các cuộc chiến tranh do giai cấp bóc bột, điển hình là do Nhà nước tư sản tiến hành đều mang bản chất phản động, hiếu chiến, xâm lược, phi nhân tính. Để bảo vệ lợi ích của mình, giai cấp tư sản không tiếc tiền của, đầu tư xây dựng, hiện đại hóa quân đội – công cụ bao lực của nhà nước thống trị nhằm tăng cường sức mạnh đàn áp giai cấp công nhân và nhân dân lao động; tiến hành chiến tranh xâm lược, nô dịch các quốc gia – dân tộc khác, nuôi dưỡng mưu đồ thống trị thế giới. Các cuộc Chiến tranh thế giới thứ Nhất và Chiến tranh thế giới thứ Hai trong thế kỷ XX và các cuộc chiến tranh trong hai thập niên đầu thế kỷ XXI đã minh chứng hùng hồn, đầy thuyết phục về tính đúng đắn của các luận điểm mà C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã khẳng định về bản chất giai cấp, bản chất chính trị của quân đội, của nhà nước tư bản về mục tiêu chính trị của nó.
C. Mác, Ph. Ăngghen và V.I. Lênin đã bóc trần sự giả dối của các lý luận gia tư sản về bản chất giai cấp, về chính trị của quân đội tư sản; chỉ rõ vị trí, vai trò của quân đội ấy là công cụ bạo lực của “bộ máy giết người” để bảo vệ lợi ích của nhà nước bóc lột bằng thủ đoạn bạo lực. Các nhà lý luận của giai cấp tư sản và bọn theo đuôi luôn tuyên truyền lừa mị rằng, do chỗ quân đội của giai cấp tư sản có đông đảo nhân dân tham gia; vì vậy, quân đội ấy là của “toàn dân”, nó đảm nhiệm chức năng có tính chất “toàn dân tộc”, đại diện lợi ích của xã hội. Đó là một điều hết sức phi lý, không thể chấp nhận được. Để che đậy, giấu kín bản chất giai cấp bóc lột, chính trị “phi nhân tính” của mình, các nhà lý luận tư sản ngụy biện rằng, tính ưu việt của quân đội tư sản là đứng ngoài chính trị, đứng ngoài đấu tranh giai cấp, trung lập; chỉ bảo vệ tổ quốc, không bảo vệ đảng phái chính trị; quân đội “phi chính trị”.
Vạch trần luận điệu giả dối của các nhà lý luận tư sản, C. Mác và Ph. Ăngghen đã chỉ ra sai lầm của những lời ngụy biện trâng tráo ấy, là cốt để che đậy sự thật và bản chất phản động của giai cấp tư sản cũng như bản chất chính trị phản động của quân đội tư sản. Thực tế chỉ ra rằng quân đội của bất cứ giai cấp, nhà nước nào, dù là nhà nước chiếm hữu nô lệ, nhà nước phong kiến hay nhà nước tư sản đều là công cụ bạo lực của “bộ máy ăn thịt người” được giai cấp bóc lột sử dụng để đàn áp giai cấp, áp bức những người lao động, thực hiện chính sách xâm lược và cai trị nhân dân. Bản chất chính trị “phi nhân tính” của quân đội tư sản là do bản chất giai cấp thống trị bóc lột của nhà nước tư sản chi phối, quyết định.
Ai đó đã cho rằng quân đội một số nước phương Tây hành quân đến một quốc gia – dân tộc khác là thực hiện sứ mệnh cao cả, giúp các quốc gia ấy gìn giữ hòa bình, ổn định đời sống. Họ cho rằng vì quân đội Mỹ rút khỏi Apganits tan nên lực lượng Taliban “ngóc đầu dậy”, gây rối loạn tình hình. Có phải như vậy không, hãy nghiên cứu kỹ các cuộc chiến tranh hiện đại do phương Tây tiến hành sẽ rõ thực hư, phải trái, đúng sai.
Cần nhớ rằng, quân đội của nhà nước tư sản được nuôi dưỡng, sử dụng không phải để đi làm “từ thiện” mà dùng vào việc đàn áp phong trào công nhân, các cuộc khởi nghĩa của nhân dân, thực hiện chính sách xâm lược các quốc gia – dân tộc khác bằng thủ đoạn bạo lực, thông qua chiến tranh.
Nhìn lại cuộc chiến tranh của thực dân Pháp và đế quốc Mỹ ở Việt Nam, họ đã làm cho dân tộc ta ngót trăm năm dưới ách thống trị tàn bạo của họ, hơn hai triệu đồng bào, chiến sĩ ta bị giết, dân tộc ta chịu hậu quả nặng nề của cuộc chiến tranh “phi nhân tính” ấy. Phải chăng đó là “nhân đạo” của những đội quân đi xâm lược đầy tội ác đem đến cho dân tộc Việt Nam? Không thể mơ hồ về điều đó. Quân đội Mỹ đến Việt Nam là thực hiện mục đích xâm lược Việt Nam vì lợi ích của họ. Hãy nhìn vào chiều sâu bản chất của quân đội tư sản và hành vi giết người của họ thì bất kể là ai có lương tâm, có chút chữ nghĩa cũng có thể vạch trần những luận điệu bịp bợm, phản khoa học của các nhà lý luận tư sản về tính chất siêu giai cấp, phi giai cấp, trên giai cấp của quân đội các nước phương Tây và về “cái gọi là” việc quân đội của họ “đứng ngoài chính trị” và thực hiện những “nhiệm vụ chung của dân tộc”.
Thực tiễn đấu tranh cách mạng khẳng định rằng: Không thể có và không bao giờ có quân đội “phi giai cấp”, “trung lập”, đứng ngoài chính trị; quân đội tư sản mang bản chất của giai cấp tư sản, có chức năng, nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi của giai cấp tư sản; quân đội nào có mục tiêu ấy. Để hiểu sâu sắc điều này, chúng ta cần nhớ lại những điều mà C. Claudơvít (1780 – 1831) – một tướng lĩnh, nhà lịch sử quân sự, lý luận học quân sự nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng thế giới của Vương quốc Phổ,đã khẳng định: Bất cứ cuộc chiến tranh nào cũng đều là sự kế tục của chính trị của một số cường quốc nào đó và của các giai cấp khác nhau trong một thời đoạn nhất định. C. Mác và Ph. Ăngghen đã tán đồng quan điểm ấy và ông chỉ rõ: Trong mối quan hệ giữa chiến tranh và chính trị thì chính trị là mục đích còn chiến tranh là công cụ, là phương tiện. Để đạt được mục đích chính trị, cần phải có công cụ mạnh, công cụ đó chính là quân đội. Quân đội bao giờ cũng là quân đội của một giai cấp, của một nhà nước nhất định; do một giai cấp, một nhà nước tổ chức ra, nuôi dưỡng và sử dụng nó vào mục đích chính trị. Quân đội là công cụ thực hiện mục tiêu, ý đồ chính trị của một giai cấp, một nhà nước.
V.I. Lênin cũng khẳng định, không thể có quân đội đứng ngoài chính trị, quân đội trung lập, quân đội siêu giai cấp. Quân đội nhất thiết phải đặt dưới sự lãnh đạo của một giai cấp và mang bản chất của giai cấp đã tổ chức ra, nuôi dưỡng và sử dụng nó. Ấy thế mà, hiện nay ở nước ta, một số kẻ theo đuôi các lý luận gia tư sản lại gào to luận thuyết “phi chính trị hóa” quân đội, cốt để tách quân đội ta ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam. Đúng là sự “nhai lại” cái “điệp khúc” sai lầm của các lý luận gia tư sản xưa kia chỉ đem đến “chuyện đùa dai” của một số người có quan điểm đối lập với Đảng ta và Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, rõ là nực cười, đáng trách. Cái tích cũ chiêu trò mới “phi chính trị hóa” quân đội ta cần vứt vào “sọt rác” cho trong sạch bầu không khí hòa bình ở Việt Nam; chúng ta không cần nó.
Quân đội ta do Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh tổ chức, lãnh đạo, giáo dục và rèn luyện, mang bản chất của giai cấp công nhân, tính nhân dân và tính dân tộc sâu sắc. Nhờ đó, “Quân đội ta có sức mạnh vô địch, vì nó là một quân đội nhân dân do Đảng ta xây dựng, Đảng ta lãnh đạo và giáo dục”[1]. Trong 77 năm qua, Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm chăm lo xây dựng quân đội về chính trị, coi đó là cơ sở để xây dựng quân đội vững mạnh về mọi mặt, nâng cao sức mạnh chiến đấu. Vì vậy, quân đội ta luôn xứng đáng là công cụ bạo lực sắc bén, lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Đảng, Nhà nước và nhân dân.
Vì lẽ đó, quân đội xứng đáng là quân đội của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, được Đảng, Nhà nước tổ chức, nuôi dưỡng, giáo dục và sử dụng vì mục đích phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Mục đích chiến đấu của quân đội ta chính là mục tiêu, lý tưởng của Đảng: Độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân. Ngoài mục tiêu, lý tưởng, lẽ sống ấy, quân đội ta không có mục đích nào khác. Cán bộ, chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam kiên quyết đấu tranh bác bỏ quan điểm sai trái, phản động cho rằng, quân đội ta cần “trung lập về chính trị”, “phi giai cấp”, là tổ chức “ngoài giai cấp”, có nhiệm vụ thực hiện những chức năng “cộng đồng quốc gia”, phục vụ lợi ích toàn nhân dân; hay quân đội là một tổ chức “nhân dân”. Luận điệu này chẳng qua chỉ là khẩu hiệu suông, đòi “phi chính trị hóa” quân đội mà thực chất là phủ nhận sự lãnh đạo của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam. Đó là sự ngụy biện, đánh lộn sòng bản chất quân đội của các nước tư bản, đế quốc với quân đội ta, hòng lừa bịp nhân dân và lừa gạt cán bộ, chiến sĩ quân đội ta. Ai cũng biết rằng, chính trị của quân đội tư sản là chính trị của giai cấp phản động, hiếu chiến; phục vụ chính trị của giai cấp thống trị, bóc lột giai cấp công nhân và nhân dân lao động trong nước và xâm lược các dân tộc khác; chúng ta không cần học theo điều xấu ấy.
Cần nhớ kỹ lời dạy của V.I. Lênin: Quân đội tư sản là cái “khuôn mẫu” của chế độ tư bản, phản ánh hệ thống chính trị và kinh tế – xã hội của xã hội đó. Vì vậy, “quân đội không thể và không nên trung lập. Không lôi kéo quân đội vào chính trị – đó là khẩu hiệu của bọn tôi tớ, giả nhân giả nghĩa của giai cấp tư sản và chế độ Nga hoàng, bọn này trong thực tế bao giờ cũng đã lôi kéo quân đội vào chính trị phản động, biến binh lính Nga thành tôi tớ… thành những kẻ đồng lõa với cảnh sát”[2].
Để Quân đội nhân dân Việt Nam luôn luôn:
(1) Là lực lượng chính trị tin cậy, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước, Nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa, yêu nước, thương dân, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, nhất thiết cần phải làm cho cán bộ, chiến sĩ quân đội hiểu rõ bản chất chính trị của quân đội ta thể hiện ở việc hoàn thành chức năng nhiệm vụ là đội quân chiến đấu, đội quân công tác và đội quân lao động sản xuất, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó.
(2) Không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả công tác đảng, công tác chính trị, làm cho công tác đảng, công tác chính trị luôn là “linh hồn, mạch sống” của quân đội ta. Trong đó, tập trung xây dựng Đảng bộ Quân đội trong sạch vững mạnh, tiêu biểu, gương mẫu; có sức chiến đấu cao và trình độ lãnh đạo về mọi mặt, làm hạt nhân xây dựng Quân đội nhân dân vững mạnh về chính trị, thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XIII và các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
(3) Nêu cao cảnh giá cách mạng, kiên quyết, kiên trì đấu tranh, làm thất bại âm mưu, hoạt động “diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ, các thủ đoạn chống phá Đảng, Nhà nước, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng đối với đất nước và quân đội, đòi “phi chính trị hóa” quân đội, tách quân đội ra khỏi sự lãnh đạo của Đảng, làm quân đội suy yếu, mất sức chiến đấu của các thế lực thù địch.
(4) Quán triệt sâu sắc và thực hiện hiệu quả tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh trong xây dựng Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh về chính trị là cơ sở lý luận – thực tiễn sinh động để tăng cường sự lãnh đạo tuyệt đối, trực tiếp về mọi mặt của Đảng đối với Quân đội nhân dân Việt Nam trong bối cảnh tình hình mới. Thực hiện tốt công việc này sẽ góp phần tạo sức đề kháng, sự “miễn dịch” cho cán bộ, chiến sĩ quân đội trước sự tấn caaong của các luận điệu sai trái, thù địch, cơ hội chính trị, phản động, cùng toàn Đảng, toàn dân làm thất bại mọi âm mưu, thủ đoạn, hoạt động chống phá sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của các thế lực thù địch, không cho phép chúng và không bao giờ để chúng thực hiện mưu đồ “phi chính trị hóa” quân đội ta./.
Nhận xét
Đăng nhận xét