Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy ở quán karaoke trong mùa dịch – mức án phạt thế nào?


 Bất chấp nguy cơ lây nhiễm COVID-19 được cảnh báo trước, dù đã có lệnh cấm tập trung đông người, cấm các quán karaoke hoạt động nhưng một bộ phận giới trẻ vẫn tụ tập ở các quán karaoke để “bay lắc”, sử dụng ma túy. Những hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy sẽ bị xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật; những cơ sở kinh doanh karaoke vi phạm cũng bị lên án.

Các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke vẫn tạm dừng hoạt động để phòng, chống dịch COVID-19 (ảnh minh họa).

Rạng sáng ngày 27-8-2021, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy phối hợp với Phòng Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội Công an tỉnh Thanh Hóa và Công an huyện Thọ Xuân bắt quả tang 22 người (13 nữ, 9 nam) đang tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy tại một quán karaoke ở khu 1, thị trấn Thọ Xuân. Quán karaoke này do Lê Anh T. (sinh năm 1976) làm chủ. Đang giữa mùa dịch, chủ quán karaoke vẫn để cho những đối tượng này vào hát sau đó sử dụng trái phép chất ma túy. Tại hiện trường, lực lượng công an đã thu giữ nhiều công cụ, đồ vật, tài sản liên quan đến việc sử dụng trái phép chất ma túy. Khám xét nhà đối tượng Lê Anh T., lực lượng công an đã thu giữ 16 gói nilon màu trắng có chứa các chất dạng tinh thể, cục, bột, viên bột mịn (nghi là ma túy), 1 túi nilon chứa chất thảo mộc (T. khai là cỏ ma túy dạng cỏ Mỹ), 1 khẩu súng tự chế, 6 viên đạn và nhiều dao, kiếm các loại.

Đầu tháng 9-2021, Công an huyện Thiệu Hóa đã bắt quả tang 7 đối tượng đang tổ chức, sử dụng trái phép chất ma túy tại một quán karaoke ở xã Thiệu Hợp. Tại hiện trường, lực lượng công an đã thu giữ 1 viên thuốc lắc và 5 túi nilon chứa ma túy tổng hợp dạng đá đã qua sử dụng cùng nhiều công cụ, đồ vật, tài sản liên quan. Qua xét nghiệm nhanh, cả 7/7 đối tượng đều dương tính với các chất ma túy. Tại cơ quan công an, các đối tượng khai nhận người đứng ra tổ chức sử dụng ma túy là Nguyễn Thị G. (sinh năm 1986) ở xã Quảng Đại, TP Sầm Sơn. Do nghiện ma túy, nên G. đã bất chấp giữa mùa dịch, mang ma túy từ nhà lên xã Thiệu Hợp và rủ thêm một số “bạn nghiện” đến thuê phòng tại quán karaoke để tổ chức sử dụng ma túy và nhảy múa...

Các vụ việc liên quan đến hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy diễn ra ở thời điểm mà cả nước, cả tỉnh đang nỗ lực thực hiện nhiều biện pháp để phòng, chống dịch COVID-19. Những thanh niên này vẫn bất chấp các quy định, tìm kiếm địa điểm để tụ tập, tiệc tùng, “bay lắc” và “thác loạn”. Điều đáng buồn là những hành vi này không chỉ dừng lại ở nhóm đối tượng “dân chơi” mà còn lôi kéo cả nhóm thanh, thiếu niên còn rất trẻ. Trong số đó, ít người ý thức được rằng một phút bốc đồng, một phút ham vui, cuộc đời, tương lai của họ sẽ “sa chân” vào con đường tăm tối.

Một điều đáng lưu ý là nếu không có sự tiếp tay, hưởng lợi và tạo điều kiện của các chủ quán, cơ sở kinh doanh karaoke chắc chắn sẽ không có những “bữa tiệc” ma túy diễn ra như vậy. Ngoài việc để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực mình quản lý, các cơ sở trên còn vi phạm quy định cấm tập trung đông người, hoạt động karaoke trong mùa dịch.

Theo quan điểm của luật sư Trần Đại Xuân, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư tỉnh Thanh Hóa, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp, một số địa phương đã phải thực hiện giãn cách xã hội, tạm dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh dịch vụ karaoke... nhưng lực lượng chức năng vẫn phát hiện các vụ việc thanh niên tụ tập, sử dụng ma túy trong các phòng hát karaoke. Như vậy, chủ quán và người sử dụng ma túy ngoài vi phạm liên quan đến ma túy còn vi phạm quy định về phòng, chống dịch COVID-19.

Nếu như trong trường hợp khách sử dụng chất ma túy mà chủ quán không biết hoặc cơ quan chức năng không thể chứng minh được điều đó thì chủ quán sẽ bị xử phạt hành chính. Theo Điểm a, Khoản 4, Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP ngày 12-11-2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy và chữa cháy; phòng, chống bạo lực gia đình: Phạt tiền từ 5 - 10 triệu đồng nếu người chủ hoặc người có trách nhiệm quản lý để cho người khác lợi dụng sử dụng chất ma túy trong khu vực, phương tiện của mình quản lý.

Nếu chủ quán biết việc sử dụng ma túy mà vẫn cho khách đến thuê phòng để sử dụng ma túy, hoặc tổ chức cho người khác sử dụng ma túy, thì có dấu hiệu của “Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 255 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017). Theo đó, người nào tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy dưới bất kỳ hình thức nào, thì bị phạt tù từ 2 năm đến 7 năm; nếu phạm tội 2 lần trở lên hoặc tổ chức sử dụng 2 người trở lên hoặc tổ chức sử dụng đối với người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18 tuổi... bị phạt tù từ 7 năm đến 15 năm. Khung hình phạt cao nhất đối với loại tội phạm này có thể lên đến 20 năm tù hoặc tù chung thân nếu gây tổn hại cho sức khỏe của 2 người trở lên mà tỷ lệ tổn thương cơ thể của mỗi người 61% trở lên hoặc làm chết 2 người trở lên. Nếu phát hiện chủ quán có hành vi bán, cung cấp ma túy cho khách sử dụng thì còn có thể bị truy cứu tội mua bán trái phép chất ma túy được quy định tại Điều 251, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017. Trách nhiệm chứng minh chủ quán karaoke có biết khách sử dụng ma túy hay không thuộc về cơ quan điều tra.

Đối với những cá nhân tụ tập đông người để hát hò, sử dụng ma túy tại quán karaoke, tùy vào vai trò, tính chất, mức độ, hành vi có thể bị xử lý hình sự hoặc bị xử phạt cảnh cáo, phạt tiền theo quy định tại Điều 21, Nghị định 167/2013/NĐ-CP.

Luật sư Trần Đại Xuân, cho biết thêm: Trong thực tế hiện nay cho thấy, người sử dụng ma túy tổng hợp đa phần là giới trẻ. Những sự kiện như sinh nhật, liên hoan, gặp mặt... thường trở thành “cái cớ” để tổ chức tiệc tùng, tổ chức sử dụng ma túy. Địa điểm các đối tượng này thường sử dụng là các quán bar, karaoke... vì ở đó có những điều kiện “lý tưởng” để sử dụng ma túy, chất kích thích tập thể như âm thanh, ánh sáng, rượu, bia; hoặc tại các nhà nghỉ, khách sạn, các biệt thự nghỉ dưỡng để che đậy hành vi phạm tội của mình. Trong khi đó, một số dạng tiền chất ma túy hoặc các chất gây nghiện, gây ảo giác trá hình, biến tướng dưới nhiều tên gọi khác nhau, như: “bóng cười”, “nước vui”, “trà sữa”, “bùa lưỡi”, “bánh lười”, “cỏ Mỹ”... trở thành thú tiêu khiển của không ít thanh, thiếu niên vì nó tạo ra ảo giác, cảm giác hưng phấn cho người sử dụng. Nhiều bạn trẻ chưa hiểu biết chính xác về tác hại của các loại “ma độc” trên nên tưởng vô hại, “chơi” là không gây nghiện, nhưng khi đã sử dụng rồi thành quen và nghiện lúc nào không hay. Sử dụng nhiều, đến một thời điểm nào đó đòi hỏi mức độ cao hơn, ảo giác mạnh hơn thì các bạn trẻ dễ tìm đến các chất ma túy. Các dạng, chất gây nghiện như đã nói ở trên vẫn trôi nổi trên thị trường. Bên cạnh đó, hoạt động kinh doanh của các cơ sở kinh doanh có điều kiện (cơ sở lưu trú, quán bar, karaoke...) vẫn tiềm ẩn nhiều phức tạp, vì lợi nhuận nên nhiều chủ cơ sở lỏng lẻo trong quản lý, thậm chí là “tiếp tay” cho những hành vi vi phạm pháp luật của giới trẻ.

Ngăn chặn những hành vi này, không chỉ đòi hỏi sự vào cuộc quyết liệt của các lực lượng chức năng, sự quản lý chặt chẽ đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện mà quan trọng nhất chính là cách quản lý, giáo dục con em trong mỗi gia đình, để chính các bạn trẻ phải tự nhận thức rõ về tác hại của ma túy, các chất gây ảo giác để tránh xa sự cám dỗ.

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này