Thay đổi thói quen tiếp nhận thông tin để phòng tránh cạm bẫy


Lừa đảo trên không gian mạng là câu chuyện không mới, nhưng mỗi khi xảy ra thiên tai, dịch bệnh hay trong những hoàn cảnh khó khăn, thì những mánh khóe ấy lại nở rộ với nhiều chiêu thức mới. Phòng tránh các trò lừa đảo vì thế đang là câu chuyện thời sự lúc này khi mà dịch bệnh COVID-19  ngày càng diễn biến phức tạp, có nhiều người mất việc làm dẫn đến tâm lý bất an, lo lắng hoặc do sống trong thời gian cách ly xã hội nên tâm lý trở nên yếu mềm, dễ đặt niềm tin không đúng chỗ.

Với những chiêu thức đem đến cơ hội kiếm tiền dễ dàng thông qua đầu tư trên mạng hay mời tham gia vào những diễn đàn hỗ trợ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch do chúng lập ra, những kẻ bất lương đã mê hoặc, dẫn dắt người tham gia vào ma trận để chiếm đoạt tiền của họ.

Trong hoàn cảnh khó khăn, nhiều người mất cảnh giác là điều dễ hiểu. Báo chí gần đây tiếp tục đưa thông tin cảnh báo về những dạng thức lừa đảo mới thông qua không gian mạng. Gần nhất là việc lợi dụng thời gian giãn cách xã hội, nhiều kẻ đã trà trộn vào các nhóm, các diễn đàn trên mạng xã hội để lừa đảo bán hàng thiết yếu hoặc thông báo rằng mình có đủ điều kiện ra đường rồi đề nghị người khác đi chợ chung hay đi chợ giúp những người không còn thẻ đi chợ. Sau khi người nhờ mua chuyển tiền vào tài khoản, chúng đã chặn các kênh giao tiếp và chiếm đoạt.

Lòng tin là phẩm chất tốt đẹp ở con người nhưng cũng chính là yếu huyệt nếu như cả tin. Những kẻ lừa đảo biết rõ trong hoàn cảnh khó khăn con người thường dễ tin hơn, nhất là với những việc làm có tính hỗ trợ nhau hay những hoạt động mang tính cộng đồng, nên đã nghĩ ra rất nhiều mánh khóe để dụ dỗ lòng tin ấy. Nhiều người bị lừa đảo đã phải rất vất vả để chống chọi với dịch bệnh và giờ lại phải chống chọi với tổn thương sau khi niềm tin bị đánh cắp.

Đặt niềm tin vào người khác không xấu, nhưng khi mà cuộc sống ngày càng có nhiều cạm bẫy, thì đòi hỏi mỗi người cần phải sống chậm hơn, tỉnh táo phân tích, đánh giá các nguy cơ trước khi quyết định làm việc gì. Chúng ta có thể đọc báo, xem truyền hình. Những thông tin lừa đảo như thế được cảnh báo liên tục, nhất là trong những ngày dịch bệnh diễn ra.

Không ít người đang đặt niềm tin quá lớn vào mạng xã hội mà bỏ qua thông tin chính thức từ báo chí, cơ quan chức năng và họ đã phải trả giá. Vậy nên mỗi người dân hãy thay đổi thói quen tham gia, tiếp nhận và ứng xử với thông tin của mình để nâng cao sức đề kháng trước những nguy cơ trong cuộc sống, nhất là trong thời điểm dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến rất phức tạp hiện nay.

Nguồn: baothanhhoa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này