Nâng cao cảnh giác để tránh rơi vào “bẫy thông tin” lừa đảo


 Chỉ với việc sử dụng một số chiêu trò như dùng logo biểu tượng của các tổ chức, cơ quan chức năng để tạo lập các trang web, fanpage trên mạng xã hội, các đối tượng lừa đảo đã lừa tiền cứu trợ, chiếm đoạt tài sản… của không ít người dân.

Nâng cao cảnh giác để tránh rơi vào “bẫy thông tin” lừa đảo

Lợi dụng thời điểm dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, các đối tượng xấu đã lợi dụng tâm lý lo lắng về sức khỏe của người dân để giả mạo thông tin xin trợ cấp tiêm chủng vắc - xin COVID-19 và lừa tiền cứu trợ thông qua 2 tên miền là “honapply” và “miniboom.vn”.

Ngay sau khi phát hiện dấu hiệu lừa đảo của các trang web này, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia đã phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý để gỡ bỏ tên miền. Đồng thời khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước các thông tin có nội dung tương tự.

Vào giữa tháng 7-2021, tại các hội nhóm trên Facebook xuất hiện nhiều bài đăng về một ứng dụng có tên R383 với nội dung quảng cáo là nền tảng đầu tư uy tín, mỗi gói đầu tư được đặt theo tên của một loại vắc - xin. Lãi suất đầu tư khoảng 5-8%/ngày, như vậy nếu nhà đầu tư bỏ ra 1 triệu đồng, sau một ngày có thể thu lãi gần 100.000 đồng. Từ khoản đầu tư siêu lợi nhuận, nhóm đối tượng lừa đảo đã dụ dỗ được không ít người tham gia đầu tư. Tuy vậy, chỉ khoảng 2 tuần sau khi xuất hiện, ứng dụng này đã bị sập, đồng thời toàn bộ số tiền của các nhà đầu tư cũng mất luôn.

Theo cơ quan công an, bên cạnh các thủ đoạn phổ biến của các đối tượng lừa đảo qua mạng xã hội như: Chiếm quyền sử dụng Facebook, Zalo, giả danh chủ tài khoản, giả danh cán bộ cơ quan bảo vệ pháp luật, ngân hàng, người nước ngoài kết bạn, làm quen, nhắn tin thông báo trúng thưởng và nhận quà tặng… thời gian gần đây xuất hiện thủ đoạn lừa đảo mới trên không gian mạng như giả mạo thông tin của tổ chức y tế, lừa đảo liên quan đến mua bán, giảm giá các mặt hàng nhu yếu phẩm thiết yếu bán lẻ, các hoạt động từ thiện cứu trợ người dân vùng dịch, hoạt động đầu tư…

Qua công tác đấu tranh, điều tra, xử lý của cơ quan công an cho thấy phương thức, thủ đoạn của loại tội phạm lừa đảo trên không gian mạng là lợi dụng những lỗ hổng bảo mật thông tin của các cá nhân, tổ chức và “đánh” vào lòng tham vật chất của một số cá nhân để thực hiện hành vi phạm tội. Thực tế, chiêu trò lừa đảo này vẫn là sử dụng những kỹ thuật cũ nhưng lợi dụng các nội dung, thông tin theo cách mới nhằm làm cho người dân mất cảnh giác và dễ dàng mắc bẫy.

Công an tỉnh Thanh Hóa thông báo và đề nghị tổ chức, cá nhân nâng cao tinh thần cảnh giác, chủ động tố giác hành vi vi phạm pháp luật nói trên đến cơ quan Công an hoặc thông tin về điện thoại đường dây nóng của Công an tỉnh là: 02373.725.725; 02373.858.252.

Nguồn: baothanhhoa

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này