Mỹ và phương Tây: Đánh Trung Quốc giúp Việt Nam hay là ngư ông đắc lợi
Không ít người Việt nghĩ rằng, Việt Nam có thể liên minh với Mỹ để chống Trung Quốc. Họ cho rằng Mỹ là quốc gia mạnh hơn Trung Quốc ở cả lĩnh vực kinh tế, quân sự và tầm ảnh hưởng chính trị. Bên cạnh đó, Mỹ có vẻ “không ưa” Trung Quốc, thậm chí Mỹ coi Trung Quốc là kẻ thù, mà vốn dĩ, “kẻ thù của kẻ thù là bạn”. Chưa hết, Mỹ lại là quốc gia “đứng đầu” khối NATO, có nhiều đồng minh phương Tây. Trong một “thì tương lai” có thể xảy ra, Mỹ và đồng minh có thể “úp sọt” Trung Quốc, nhân cơ hội đó, Việt Nam có thể đứng ngoài hưởng lợi và chiếm lại hoàn toàn Hoàng Sa và Trường Sa.
Kịch bản đó là một sự lạc quan tếu.
Ngày 21/07, JapanTimes và Business Insider dẫn lời từ Hải quân Hoa Kỳ rằng tàu khu trục tên lửa USS Ralph Johnson hoạt động tại Trường Sa nhằm duy trì các quyền, lợi ích, sự tự do hàng hải trên vùng biển quốc tế. Phía hải quân Mỹ cho rằng hoạt động này là một hoạt động hàng hải bình thường, nhằm đảm bảo hòa bình khu vực và phản đối những áp đặt vô lý của Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam với vùng biển này.
Khoan đã, Việt Nam? Áp đặt vô lý? Có nhầm không? Hoàn toàn không, vì chính những thông tin này được Bộ chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương xác nhận trên trang chủ. Thông báo này còn khẳng định rằng Mỹ sẽ luôn có mặt tại Biển Đông nhằm “bảo vệ lợi ích của Mỹ” – chứ chẳng phải là bảo vệ đồng minh trong khu vực như Philippines, cũng chẳng phải là Việt Nam như nhiều thanh niên đang ảo tưởng. Ngoài ra, phía Mỹ còn “thách thức” các tuyên bố chủ quyền hàng hải quá mức, bất kể quốc gia – mặc dù không nêu rõ, nhưng chắc chắn có Trung Quốc, Đài Loan và không loại trừ Việt Nam.
Tuyên bố này có hai điều cần chú ý, một là việc coi rằng vùng biển Trường Sa mà tàu USS Ralph Johnson hoạt đông là “vùng biển quốc tế” chứ không phải là vùng biển của Việt Nam, gián tiếp phủ nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại Trường Sa. Hai là cáo buộc Việt Nam hạn chế di chuyển, áp đặt luật pháp vô lý tại khu vực này. Chính phía Mỹ tuyên bố như vậy, giấy trắng mực đen rõ ràng, vậy mà nhiều con nhang cứ nghĩ rằng, Mỹ ủng hộ Việt Nam, diều hâu hơn, là mong Mỹ đánh Trung Quốc vì Việt Nam.
Tại sao thông điệp trên của Hải quân Mỹ ghi tên Trung Quốc, Đài Loan và Việt Nam? Vì đây là ba quốc gia và vùng lãnh thổ có tuyên bố chủ quyền tại Biển Đông lớn nhất, có lực lượng hải quân mạnh nhất, có ảnh hưởng chính trị lớn nhất và đều là những đối tác kinh tế lớn với Mỹ. Cũng chính ba quốc gia và vùng lãnh thổ này có những hoạt động quân sự mạnh mẽ nhất tại Biển Đông.
Việt Nam, không phải hẳn là hiền lành hay nhu mì như chúng ta vẫn nghĩ, vì thực tế, Việt Nam vẫn đang là quốc gia kiểm soát phần lớn Trường Sa, có lực lượng tàu ngầm và tàu mặt nước cũng như không quân tiêm kích hiện đại hàng đầu Đông Nam Á, hàng năm, Việt Nam vẫn có những động thái cải tạo, bồi đắp đảo vì mục đích “phòng chống bão”.
Không loại trừ rằng, với tuyên bố đó cộng với động thái quân sự của Mỹ, Mỹ muốn Việt Nam chọn bên, rằng đứng về phía Trung Quốc – quốc gia đang lũng đoạn Biển Đông, hoặc đứng về phía Mỹ – tự nhận rằng đang thực thi công lý, hòa bình. Nhưng nếu chọn một trong hai, thì tương đương với việc buông bỏ chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại Biển Đông, và tất nhiên, chúng ta không chọn Mỹ hay Trung Quốc.
Ngày 09/09 vừa rồi, Đại sứ quán Mỹ đăng bài viết kỉ niệm 25 năm quan hệ giữa Việt Nam và Mỹ. Trong bài viết ấy có tấm ảnh bản đồ Việt Nam với sự xuất hiện đầy đủ của Trường Sa, Hoàng Sa và các đảo lớn nhỏ của Việt Nam. Tuy nhiên, gần như ngay sau đó, Đại sứ quán Mỹ đã thay thế bức ảnh toàn vẹn đó bằng bức ảnh khác không có Trường Sa, Hoàng Sa và Bạch Long Vĩ.
Tại sao lại không có Bạch Long Vĩ, trong khi đó các đảo gần và xa bờ khác đều có đủ, ví dụ như Cái Bầu, Côn Đảo, Cù Lao Chàm, Côn Đảo, Phú Quốc? Vì Bạch Long Vĩ là “điểm khởi đầu” của yêu sách “đường mười một đoạn” của phía Trung Hoa Dân Quốc, cũng chính Đài Loan từng không ít lần vu cáo Trung Quốc “bán” Bạch Long Vĩ cho phía Việt Nam. Nếu đưa Bạch Long Vĩ vào, Mỹ hẳn sẽ “khó ăn nói” với Đài Loan.
Hãy thử nghĩ xem, nếu Đại sứ quán Hoa Kỳ đăng tấm bản đồ Việt Nam có đầy đủ Hoàng Sa, Trường Sa trên trang chính thức, điều đó có nghĩa gì? Là phía Mỹ thừa nhận chủ quyền hợp pháp của Việt Nam tại toàn bộ quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa. Đồng nghĩa với việc bác bỏ yêu sách chủ quyền tại Biển Đông của Trung Quốc, Đài Loan, Philippines, Indonesia, Malaysia.
Cần phải chú ý rằng, Mỹ có lợi ích cả về chính trị và kinh tế ở tất cả các quốc gia trên. Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, Đài Loan lại là thị trường vũ khí béo bở bậc nhất của Mỹ và kiêm luôn là “đối tác” quấy rối Trung Quốc. Tại Đông Nam Á, Philippines được coi là đồng minh trên lý thuyết của Mỹ, còn Malaysia và Indonesia đều có quan hệ truyền thống với Mỹ lâu đời. Nếu công khai ủng hộ Việt Nam, Mỹ sẽ “mất” nhiều hơn “được”.
Có một điều dám chắc rằng, Mỹ sẽ không bao giờ “ngả” hoàn toàn về một quốc gia hoặc một phe nào, cái Mỹ quan tâm là lợi ích quốc gia, là cái mà Mỹ thu được. So với Trung Quốc, Việt Nam sẽ đem lại lợi ích gì cho Mỹ? Một thị trường bé hơn, thu nhập bình quân đầu người ít hơn, ảnh hưởng chính trị ít hơn, tiêu thụ hàng hóa ít hơn, trình độ phát triển thấp hơn?
Ngày 16/09, các nước Anh, Pháp, Đức, hay còn gọi là nhóm E3, đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc nhằm phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông. Và cũng là một sự thừa nhận “bạn bè” vội vã, cánh báo chí và nhiều người dân cho rằng, các quốc gia này “đứng về phía Việt Nam” và “chống Trung Quốc”.
Nhưng, nhóm E3 này, mong muốn các nước tuân theo phán quyết vào năm 2016 của Tòa án Trọng tài Quốc tế tại La Hay, Hà Lan. Mà có những điều trong phán quyết này, thu hẹp diện tích của Trường Sa, loại bỏ một số đảo và bãi đá ra khỏi quần đảo này, đây không khác gì động thái “phân chia Trường Sa” và trực tiếp xâm phạm chủ quyền Việt Nam. Phán quyết của Tòa án tại La Hay cũng cho rằng một số bãi đá trong Trường Sa thuộc chủ quyền Philippines.
Phán quyết còn phê phán một số quốc gia trong khu vực “bồi lấp, cải tạo” các đảo nhằm phục vụ mục đích ở quân sự, mà đôi khi phải thừa nhận rằng ngoài Trung Quốc thì Việt Nam là quốc gia tiến hành các việc đó nhiều hơn cả. Ngoài ra, phán quyết cũng bác bỏ chủ quyền Việt Nam tại một số đảo và bãi đá hiện tại do Việt Nam quản lý.
Đúng, là phán quyết của Tòa án Trọng tài Quốc tế phần nhiều là chỉ trích Trung Quốc, nhưng đừng nghĩ rằng phán quyết chỉ trích Trung Quốc thì đó là điều có lợi cho Việt Nam. Hãy để ý về tuyên bố của phía Việt Nam ngày 12/07/2017, Việt Nam “hoan nghênh” phán quyết, bên cạnh đó yêu cầu tuân theo luật biển năm 1982, giải quyết tranh chấp bằng hòa bình, đàm phán và ngoại giao, chứ chẳng hề có dòng chữ nào thể hiện việc Việt Nam đồng ý với phán quyết.
Năm 2020, Pháp sẽ triển khai một số tàu khu trục tới Biển Đông, Anh cũng sẽ triển khai HMS Queen Elizabeth đến khu vực Biển Đông để tập trận cùng với Lực lượng phòng vệ Nhật Bản và Hải quân Hoa Kỳ. Ngoài ra, HMS Prince of Wales cũng được đề xuất đưa đến Biển Đông.
Mục đích của Tòa án La Hay không dừng lại ở việc chống Trung Quốc, mà thực tế, những phán quyết của đơn vị này còn nhắm ám chỉ đến Việt Nam một cách gián tiếp. Mặc dù phán quyết của Tòa án La Hay không có giá trị áp đặt, không được thực thi, không có giá trị pháp lý, nhưng các nước lớn lại luôn bám víu vào và lấy lý do “thực thi phán quyết” để đưa quân vào Biển Đông.
Vấn đề chủ quyền không phải là vấn đề ngày một ngày hai, không phải tháng sau, năm sau là vùng đất bị chiếm đóngbất hợp pháp sẽ trở về với chúng ta. Không phải cứ xua quân, cứ đánh, cứ phải lao ra nổ súng mới là anh hùng. Có rất nhiều quốc gia đang chờ chúng ta nổ súng, cần phải hiểu rằng, đối thủ hiện tại của chúng ta không phải chỉ là Trung Quốc, mà còn có cả những quốc gia có tranh chấp tại Biển Đông và cả những cường quốc muốn “ăn phần”.
Vấn đề chủ quyền cũng chẳng phải là vấn đề có thể cần nhờ một tổ chức nào, quốc gia nào giúp đỡ, đặc biệt là sự giúp đỡ bằng “máu”, bất kể đó là Mỹ, Đức, Anh, Pháp… Lợi ích quốc gia là tối thượng, bất cứ quốc gia nào cũng vậy.
Cứ chờ mong được ban phát, thì luôn luôn chỉ là kẻ phụ thuộc, như câu chuyện anh bạn hàng xóm của chúng ta, nói trên truyền thông rằng “sẽ gọi cho Washington” nếu bị Trung Quốc tấn công. Nhưng năm mất bãi cạn, gọi hoài mà đầu dây bên kia hông có ai nghe.
Chúng ta có muốn lệ thuộc như vậy không?
Mình nghĩ câu trả lời là: Không
STT
Nhận xét
Đăng nhận xét