MiG-17 bắn rơi Thần Sấm đầu tiên ở Việt Nam như thế nào?
Lịch sử Không quân nhân dân Việt Nam anh hùng ghi dấu những chiến thắng oanh liệt, tiêu biểu trong số đó là sự kiện ngày 4/4/1965 khi máy bay MiG-17 do phi công Trần Hanh điều khiển đã bắn rơi máy bay chiến đấu hiện đại F-105 mệnh danh Thần Sấm đầu tiên trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ trên bầu trời Hàm Rồng – Thanh Hóa.
Trong buổi giao lưu nhân chứng lịch sử tại Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam vào tháng 5/2017, chúng tôi may mắn được ông thuật lại sự kiện này.
rung tướng, Anh hùng LLVTND Trần Hanh, sinh năm 1932, tại Mỹ Lộc, Nam Định. Nhập ngũ tháng 9/1949, ông được cử đi học tại Trường Quân sự Lê Lợi. Ngày 15/3/1950, ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Đông Dương. Trải qua nhiều cương vị công tác khác nhau, đồng chí Trần Hanh đã hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Tháng 9-1956, ông được cử đi học lái máy bay MiG-17 tại trường Không quân số 3 (Trung Quốc). Tháng 8/1964, sau khi hoàn thành khoá học, ông về công tác tại Trung đoàn Không quân 921 giữ chức vụ Đại đội trưởng Đại đội 2.
Trận đánh ngày 4/4/1965 ghi dấu sự kiện lịch sử khi MiG-17 do phi công Trần Hanh điều khiển bắn rơi chiếc F-105 (Thần Sấm) đầu tiên, cản phá thành công đợt oanh tạc của Không quân Mỹ vào khu vực cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa, cây cầu huyết mạch trên tuyến chi viện cho chiến trường miền Nam.
Trước đó, ngày 3/4/1965, biên đội MiG-17 của Trung đoàn 921 đã bắn rơi 2 chiếc F-8 của Mỹ trên bầu trời Thanh Hóa. Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không – Không quân nhận định, chưa đánh sập được cầu Hàm Rồng, Không quân Mỹ sẽ tổ chức oanh tạc trở lại với lực lượng mạnh hơn sau trận thua bất ngờ này.
Ý định tác chiến là dùng biên đội MiG-17 nghi binh phía Tây, biên đội tấn công sau khi cất cánh sẽ bay thấp hướng Đông Nam đến khu vực chiến đấu, sau đó bay lên cao giành ưu thế chiến thuật để tấn công.
Sáng sớm 4/4/1965, nhiều tốp máy bay của địch vào trinh sát khu vực Thanh Hóa với ý đồ đánh sập cầu Hàm Rồng, đội hình tấn công của Không quân Mỹ được tăng cường lên 48 chiếc F-105, cùng 10 chiếc F-100D làm nhiệm vụ hộ tống. Trung đoàn Không quân 921 giao nhiệm vụ đánh chính cho biên đội Trần Hanh, Phạm Giấy, Lê Minh Huân, Trần Nguyên Năm.
Lúc 10 giờ 20 phút, biên đội tấn công xuất kích từ sân bay Nội Bài. Xuyên qua làn mây hướng ra biển Đông, sau đó biên đội bay hướng 230 độ, rồi ngoặt hướng Đông Nam về phía Cầu Hàm Rồng, chừng độ cao 2500m thì gặp địch.
Trung tướng Trần Hanh kể lại: “Chúng tôi gặp đội hình máy bay Mỹ rất đông. Khi đó chưa biết là loại gì, chỉ thấy máy bay sơn loang lổ, có hình dạng đầu nhọn, thân và đuôi dài ngoẵng, cánh cụp phía sau và dưới cánh là hàng loạt loại bom”.
Có lệnh công kích, biên đội chọn vị trí nhằm chiếm lợi thế tấn công. Thấy máy bay địch gần mình nhất, phi công Trần Hanh bình tĩnh đợi điểm ngắm ổn định để nhả đạn. Ông hào hứng:
“Khoảng cách chừng 150m, thấy điểm ngắm hiện hình khoang lái của máy bay địch, tôi nghiến răng bóp cò. 2 khẩu 23mm và 1 khẩu pháo 37mm trong thời gian vài giây bắn cả ngàn viên đạn chụp lấy đầu chiếc máy bay kia. Nó bốc khói rồi nổ tung trên không trung. Tôi hô to “cháy rồi”! Anh em trong biên đội cũng đồng thanh “cháy rồi”! Và nhìn thấy từng mảnh xác máy bay địch rơi lả tả. Khi ấy, thật không có gì vui sướng bằng”.
Ông kể tiếp: “Về sau mới biết, đó là máy bay F-105 có biệt danh Thần Sấm, loại máy bay hiện đại bậc nhất của Mỹ có khả năng bay nhanh gấp hai lần tiếng động”. Nhưng lần đầu gặp nhau, Thần Sấm đã bị bắn rơi bởi máy bay lạc hậu hơn hai thế hệ trong một thế trận hùng hậu nghiêng hẳn về phía Mỹ.
Chiếc F-105 đầu tiên bị bắn hạ trên bầu trời miền Bắc bởi phi công Trần Hanh do Thiếu tá Frank Everett Bennett thuộc Phi đoàn 354 Không đoàn 355 TFW điều khiển, một phi công dày dạn kinh nghiệm của Mỹ từng tham gia chiến tranh thế giới lần thứ II. Tuy đã nhảy dù ra nhưng viên phi công bị chìm mất trước khi lực lượng cứu hộ kịp đến.
Trận đánh tiếp diễn, phi công số 3 Lê Minh Huân được số 4 Trần Nguyên Năm yểm hộ, lao vào công kích chiếc F-105 số 2. Sau nhiều lần nhả đạn trúng thân, chiếc F-105 này đã bốc cháy, rơi ở phía Nam Thanh Hóa 30km.
Lại nhắc đến phi công Trần Hanh, sau khi kéo lên cao định thoát ly, 2 chiếc F-100D nhanh chóng rút ngắn cự ly bám sau, cách khoảng 300m. Phán đoán đối phương chuẩn bị phóng tên lửa, Trần Hanh lật ngửa máy bay, kéo lộn xuống với gia trọng rất lớn. “Tôi thấy tên lửa Sidewinder xoẹt qua cánh thì thở phào nhẹ nhõm vì địch bắn trượt, tôi kéo cần gạt hạ độ cao, làm động tác lượn vòng và bay về phía Tây để thoát ly”, ông kể tiếp.
Theo nhiều tài liệu nghiên cứu, sự kiện này ghi dấu lần đầu tiên một phi công Không quân nhân dân Việt Nam thực hành thành công kỹ thuật tránh tên lửa hiện đại của Mỹ, bằng việc phán đoán đúng thời cơ và động tác cơ động mạnh trong khoảng thời gian chỉ vài giây.
Bay thêm một lúc thì máy bay hết dầu, Sở chỉ huy ra lệnh: “Nhảy dù đi!”. Ông nhớ lại: “Khi kim đồng hồ nhiên liệu về 0 thì máy bay rơi tự do. Trong giây lát, tôi không nỡ nhảy dù vì tiếc chiếc máy bay đã cùng tôi chiến đấu sinh tử bảo vệ bầu trời quê hương. May thay, thấy một khoảng đất trống, tôi gắng bình tĩnh điều khiển cho hạ cánh. Chiếc MiG trượt trên ruộng một lúc bỗng “rầm” một tiếng lớn, khi máy bay dừng hẳn thì tôi ngất đi do va đập với tay lái”.
Khi tỉnh dậy, phi công Trần Hanh bước ra máy bay thì thấy dân quân du kích quây quần xung quanh. Ông nói: “Tôi là không quân của Bác Hồ, không quân của ta đây, vừa đánh nhau với Mỹ ở Hàm Rồng về”. Thấy vậy bà con mừng rỡ và đưa phi công trở về, một tuần sau chiếc MiG-17 cũng được tháo dỡ đưa về căn cứ. Vị trí nơi phi công Trần Hanh hạ cánh được xác định là Bản Tằm, xã Châu Phong, huyện Quỳ Châu, Nghệ An ngày nay.
Chiến thắng của Không quân nhân dân Việt Nam đã gây tiếng vang lớn trên thế giới. Ngày 4/4/1965, trong buổi họp báo, Tướng William W.Momyer – Tư lệnh Tập đoàn Không quân Mỹ số 7 đã phải thừa nhận rằng “các máy bay của không lực Bắc Việt Nam đã dùng súng Cannon bắn hạ các máy bay phản lực siêu âm của Mỹ, trong khi chúng tôi không bắn rơi chiếc nào”.
Hãng tin Mỹ – UPI thì đưa tin: “Việc máy bay MiG bắn hạ những máy bay phản lực bay nhanh gấp 2 lần tiếng động, khiến Nhà Trắng phiền lòng, còn Lầu Năm góc thì đang loay hoay tìm cách thay đổi chiến thuật ném bom ở Bắc Việt Nam…”.
Ngày 3 và 4/4/1965, đi vào lịch sử là trận đánh đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam. Trong trận này ta tấn công các máy bay của Hải quân Mỹ tập kích vào khu vực cầu Hàm Rồng – Thanh Hóa, một cây cầu huyết mạch, yết hầu trên tuyến chi viện Bắc Nam, bắn rơi 4 máy bay của đối phương, mở đầu cho chiến công đầu tiên của Không quân Nhân dân Việt Nam.
Ngày 5/4/1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết thư khen ngợi tinh thần chiến đấu của các chiến sĩ Trung đoàn Không quân 921: “Các chú đã chiến đấu dũng cảm, đã tiêu diệt máy bay Mỹ. Các chú đã thực hiện khẩu hiệu “đã đánh là thắng”. Như thế là xứng đáng với truyền thống anh hùng của quân và dân ta…”.
Trận thắng có nhiều ý nghĩa, vừa rèn luyện bộ đội nhiều mặt, vừa là tiền đề cho những chiến thắng sau này.
Theo NT
Nhận xét
Đăng nhận xét