Góc nhìn, trách nhiệm và fan cuồng
Năm 2018, Refund Gaming – một trong những đội tuyển thể thao điện tử nổi tiếng nhất Việt Nam trong bộ môn PUBG, đã dành được tấm vé đi tham gia giải đấu PGI BerIin tại Đức. Năm đó, giải đấu PGI Berlin của bộ môn PUBG cùng với The International của Dota2, World Championship của Liên Minh Huyền Thoại hợp thành ba cuộc thi thể thao điện tử danh tiếng nhất thế giới.
Điều đặc biệt mà Refund Gaming làm được năm đó là lần đầu tiên một đội tuyển Việt Nam đạt vị trí cao nhất trong 1 ván đấu tại đấu trường thế giới. Bất cứ game thủ nào theo dõi vào đêm Berlin huyền diệu ấy sẽ thấy lá cờ Việt Nam xuất hiện trang trọng cùng với logo của Refund Gaming…
Refund Gaming là đội tuyển do streamer Độ Mixi sáng lập.
Tháng 7/2020, cũng chính streamer này và bạn bè của anh trực tiếp tham gia chương trình thực tế “Xạ thủ đua tài” trên kênh truyền hình Quốc Phòng Việt Nam – QPVN. Chương trình “Xạ thủ đua tài” và “Sao nhập ngũ” là hai chương trình nổi tiếng của kênh QPVN, phục vụ những người yêu thích súng đạn, lịch sử.
Bên cạnh đó, các chương trình đưa những nét đời thường trong quân đội, trải nghiệm thực những ngày quân ngũ đến đông đảo bạn trẻ, khiến “quân” gần “dân” hơn, khiến giới trẻ có những góc nhìn thoải mái, dung dị hơn về hai chữ “nghĩa vụ quân sự”.
Trong một buổi stream có hơn 70 ngàn thành viên xem trực tuyến, có người hỏi Độ Mixi rằng: “Em đang có sự nghiệp nhưng bây giờ lại nhận được giấy gọi đi nghĩa vụ quân sự, bây giờ phải làm sao”. Độ Mixi trả lời: “Nên đi. Đấy là nghĩa vụ và nhiệm vụ của công dân, đừng trốn tránh”.
Trong đoạn đó, Độ Mixi còn chia sẻ thêm về việc nên đi sớm sẽ không vướng bận chuyện gia đình và tình cảm, rồi anh này cũng nói rằng đừng xem những gì có trên mạng mà đánh giá sai lầm về “nghĩa vụ quân sự”, đi bộ đội sẽ rất chất, khỏe mạnh và rắn rỏi, những ai chậm chạp đi sẽ lanh lợi hơn”, được học nhiều thứ, thêm bản lĩnh hơn.
“Đi bảo vệ Tổ Quốc thì có cái lồng gì mà phải xoắn”
Rất nhiều lần, Độ Mixi nói rằng anh là một người chửi bậy rất nhiều và không muốn người xem học theo, đặc biệt là những người xem nhỏ tuổi. Nếu ai hay theo dõi Độ Mixi, sẽ thấy rằng giờ streamer của Độ thường là rất muộn, lúc ấy đã ngoài tầm xem của những người bạn nhỏ tuổi. Bên cạnh đó, Độ Mixi cũng luôn treo banner cảnh báo kênh có những từ ngữ tục tĩu và yêu cầu giới hạn độ tuổi để đón xem stream.
hực ra, với những ai hay thường xem streamer kể cả trong nước và nước ngoài, đều không lạ lẫm gì với việc chửi thề, chửi bậy, ngoài ra, giới streamer còn có những hoạt cảnh khoe thân nhạy cảm khác. Dĩ nhiên, nước ngoài là chuyện của nước ngoài, Việt Nam có chuyện của Việt Nam, thực ra nếu nhìn cụ thể vào việc chửi thề, chửi bậy – dĩ nhiên đây là một hành vi không đúng, nhưng không có nghĩa là nó sai hoàn toàn.
Ví dụ như câu chuyện về trash talk trong thể thao truyền thống hay thể thao điện tử, nói đơn giản dễ hiểu thì tiếng Việt có nghĩa là “cà khịa”, đây là những hành động và lời nói nhằm mục đích khích bác đối thủ, khiến đối thủ ức chế tâm lý, gây ra tranh cãi trong cộng đồng người hâm mộ… Nếu những người không chơi game, nghe những đoạn “cà khịa” đó sẽ nghĩ ngay đến việc khinh thường đối thủ, hạ nhục đối thủ, nghe qua có vẻ “không quân tử” lắm.
Nhưng với những người hâm mộ, đó là những tình tiết có thể khiến trận đấu trở nên hấp dẫn hơn, thú vị hơn, từ đó đưa không khí trận được đấu lên cao. Trong bóng đá, Mourinho hay Diego Simeone là những đại diện tiêu biểu, trong thể thao điện tử, trash talk như là một thứ “văn hóa” vậy.
Ai chơi Liên Minh Huyền Thoại cũng biết đến G2 Esports – những chúa hề cà khịa, những kẻ tấu hài của thế giới. Hay như Doublelift – xạ thủ của TSM thường gáy rất to, luôn cho mình là số một, nhưng luôn đến các giải đấu với sự thất bại và chẳng có thành tích quốc tế gì cả. Trash talk xuất phát từ game thủ phương Tây và hiện dần lan sang đến giới game thủ phương Đông.
Thực chất, mặc dù trash talk khá nhiều, nhưng các game thủ và các đội tuyển vẫn rất tôn trọng nhau. Gần giống với trash talk là toxic, toxic là hành động chửi bới, miệt thị, xúc phạm người khác với hàm ý rất gay gắt. Ranh giới giữa trash talk và toxic đôi khi khá là mong manh.
Ranh giới giữa chửi thề, chửi bậy với bố láo, mất dậy cũng khá là mong manh như vậy. Với những ai không biết đến Độ Mixi, Pew Pew hay Thầy Giáo Ba mà xem họ lần đầu tiên, rất có thể sẽ cảm thấy vô cùng khó chịu vì những câu chửi thề, chửi bậy của họ. Nhưng nếu theo dõi đủ lâu, thì có thể sẽ bị hấp dẫn vì những gì họ chia sẻ, hoặc không. Dĩ nhiên, đó là thuộc phạm trù của mỗi người.
Bất cứ một người nổi tiếng nào cũng có một cộng đồng đông đảo hâm mộ, giữa cộng đồng đông đảo đó, bao giờ cũng có những kẻ “toxic”. Không nói gì xa lạ, ngay trong phóng sự trưa nay của VTV, có rất nhiều người xem, tự nhận là người hâm mộ tràn vào miệt thị, chửi bới, hùa nhau report/báo cáo trang của VTV trên Facebook và Youtube. Cá biệt hơn, có những người hâm mộ tràn vào trang cá nhân của MC, xúc phạm và nói MC dẫn phóng sự “bú fame anh tao à?”. Rồi kêu gọi “thánh chiến” với VTV, tẩy chay VTV…
Nếu ai trung lập, sẽ nhận thấy phóng sự của VTV không hề sai mà VTV đang nói những thứ không dễ nghe. Đó là vấn đề tiêu cực có thể phát sinh từ hành động, lời nói, việc làm trên mạng của các streamer – những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng đến giới trẻ, qua đó góp ý đến các bậc phụ huynh quản lý con cái tốt hơn, chọn lọc các chương trình phù hợp với độ tuổi, suy nghĩ của các con, nhằm tránh những hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
Nhưng nhiều người hâm mộ, chẳng xem hết phóng sự, chẳng biết đúng sai thế nào, nội dung ra sao, mà vẫn lao vào bảo vệ thần tượng một cách mù quáng, chính những việc này khiến những người hâm mộ chân chính bị đánh giá xấu đi, rồi cả một cộng đồng hâm mộ bị ảnh hưởng, cá nhân streamer cũng không vui vẻ gì.
Ví dụ, chỉ vì vài thành viên toxic của “bộ tộc” vào chửi rủa VTV là “Đ** m* VTV bú fame anh tao à”, “report cái trang óc ch* này đi”. Những đám người này còn miệt thị những người trung tuổi có mặt trong phóng sự, dọa sẽ đánh những em nhỏ có ý kiến trong phóng sự. Trên phóng sự của Trung tâm VTV24 dày đặc những dòng bình luận đó, nếu những người trung lập đọc được những dòng viết đó, sẽ không tránh khỏi những suy nghĩ xấu về thần tượng mà họ đang bảo vệ, thậm chí họ có căn cứ để quy chụp luôn cả cộng đồng người hâm mộ là “trẻ trâu”. Điều này không phải là bảo vệ thần tượng nữa rồi, nhìn qua thì có vẻ là ngầu và hung hãn đấy nhưng đây lại là hành vi gây hại cho thần tượng.
Đôi khi ở tư cách của một streamer, cũng giống như ca sĩ hay diễn viên, cần có một cái gì đó gọi là “bản sắc” để thu hút khác giả. Với mỗi streamer thì “bản sắc” đó lại khác nhau, người hâm mộ đến vì những điều đó. Nhưng mình nghĩ, “bản sắc” đó không phải là chửi thề hay chửi bậy.
Người ta tìm đến Độ Mixi không phải vì những điều đó, mà là chất bình dị trong những buổi stream, những chia sẻ về cuộc sống và gia đình, những lời khuyên bổ ích đời thường, những màn chơi game vừa có kỹ năng vừa hài hước.
Nhưng với người trung lập, thì ấn tượng với Độ Mixi lại là những màn chửi thề, chửi bậy vì người ta không có nhiều thời gian để theo dõi, nên người ta sẽ đánh giá lướt qua thôi. Thiết nghĩ, Độ Mixi cần tiết chế lại một chút trong những câu chửi thề, chửi bậy thì sẽ tốt hơn. Những ai bảo rằng làm vậy, Độ Mixi sẽ mất đi “bản sắc” thì chỉ là “fan phong trào” thôi. Hãy nghĩ rằng, Độ Mixi sẽ tiếp cận thêm nhiều người hơn, được biết đến nhiều hơn, sẽ nhận được nhiều ánh nhìn thiện cảm hơn, thoải mái chia sẻ bộc bạch hơn, ít bị “để ý” hơn.
Độ Mixi, cùng với thế hệ streamer hiện tại đang truyền lửa cho những thế hệ game thủ, khiến cho định kiến tiêu cực của xã hội về game thủ bớt định kiến đi. Rằng chơi game cũng có thể kiếm được tiền, chơi game cũng là một nghề. Game thủ không xấu như người ta vẫn nghĩ. Nhưng dám chắc là khi đọc bình luận chửi bới, xúc phạm, miệt thị trên trang VTV, có những người sẽ nghĩ lại.
Hãy hâm mộ chân chính, đừng cuồng.
Nhận xét
Đăng nhận xét