SAU “CƠN BÃO” ĐẠI DỊCH, VIỆT NAM CÒN LẠI GÌ ?


David Hutt, nhà báo chuyên viết về Đông Nam Á, lại vừa có một bài báo làm dân ta mát dạ trên Á châu Thời báo. Bài báo có tựa: “Vietnam poised to be big post-pandemic winner”, khen ngợi phong cách “ngoại giao trước đại dịch” của Việt Nam.
Đến giờ, có lẽ không cần phải trích dẫn thêm những bài viết của báo chí nước ngoài về phong cách chống dịch hiệu quả đúng kiểu con nhà nghèo của Việt Nam. Financial Times của Mỹ, Die Welt của Đức, EFE của Tây Ban Nha… đều đã bày tỏ sự khâm phục. Đấy là “đối nội”, còn “đối ngoại” thì sao? David Hutt mở đầu bài viết của mình như sau: “Thông qua việc đóng biên sớm và hiệu quả, sự minh bạch hiếm thấy và những hành động ngoại giao Covid-19 mang tính chiến lược, Việt Nam đang dần trở thành một quốc gia chiến thắng thời hậu đại dịch”.
Việt Nam đã chứng tỏ cho thế giới thấy họ là một người bạn có trách nhiệm và đáng tin cậy. Giữa lúc phải huy động tối đa các nguồn lực để dập dịch, Việt Nam vẫn ra sức để hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề bởi Covid-19. Và lời cám ơn đã vang lên từ Mỹ, Nga, Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức, Anh và hai người láng giềng thân cận: Lào và Campuchia.
GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu và phân tích chính trị Việt Nam và bang giao quốc tế, chỉ ra: “Năm quốc gia châu Âu: Tây Ban Nha, Italia, Pháp, Đức, Anh vốn đã đàm phán các thỏa thuận đối tác chiến lược với Việt Nam trong những năm gần đầy. Và cách Việt Nam ứng xử cho thấy họ thật sự coi trọng “tình bạn” này”.
Trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cám ơn “những bằng hữu ở Việt Nam” đã hỗ trợ sản xuất 450.000 bộ quần áo bảo hộ. Việc nới lỏng thủ tục, co giãn chính sách trong đại dịch có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thắt chặt quan hệ với các nước bạn. Việt Nam cũng đã đóng góp rất nhiều khẩu trang, nước rửa tay và trang thiết bị y tế đến các quốc gia khác, đặc biệt là hai bằng hữu thân cận Lào và Campuchia.
Alexander Vuving, giáo sư tại Daniel K Inouye, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á – Thái Bình Dương ở Honolulu, Hawaii, nhận định: “Đại dịch Corona là cơ hội tuyệt vời để Việt Nam tăng cường quyền lực mềm, vì nó cho thấy sự hào phóng của họ với cộng đồng quốc tế”.
Nghèo mà vẫn hào phóng, điều ấy mới thật sự đáng quý. Có thể thấy ở những nơi mà Trung Quốc mất điểm, Việt Nam đã cho thấy một cách ứng xử lịch thiệp hơn hẳn. Giàu mà không sang là chính xác để mô tả về cường quốc phía bắc biên giới (nói theo kiểu dân gian là giàu mà chơi dơ- bẩn). Cùng là giúp đỡ, mà Trung Quốc ồn ào, trịch thượng. Cũng giống như những người giàu vô tâm, nghe quyên góp từ thiện thì mang hết mấy thứ đồ cũ không xài ra cho. Mấy bạn ngồi phân loại đồ từ thiện nhìn đống đồ đó chỉ có nước mang vứt đi, tốn thêm không ít công sức. Như châu Âu, nhận đồ không xài được người thì trả lại, người thì than phiền. Tức thời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Trung Quốc yêu cầu phương tây không “chính trị hóa” và “thổi phồng” vấn đề.
Ngược lại, Việt Nam cứ im lặng và làm. Lấy nước Ý làm ví dụ. Trong công tác hỗ trợ, Trung Quốc đến trước. Nhưng nếu như Trung Quốc trống giong cờ mở, đại sứ quán Trung Quốc tại Ý còn lợi dụng sương mù quăng lựu đạn khi đăng ảnh bản đồ Trung Quốc có đường lưỡi bò thì Việt Nam âm thầm chuyển đến 88.000 khẩu trang và vật dụng y tế. Ngoại trưởng Italia Luigi Di Maio trong lúc yêu cầu Trung Quốc ngưng phát tán fake news thì lại viết lá thư cám ơn chân thành đến người đồng cấp ở Việt Nam là Phạm Bình Minh.
Việc khéo léo co giãn đã giúp Việt Nam hưởng lợi không ít từ trước đại dịch. Trong cuộc chiến thương mại Mỹ – Trung, Việt Nam là một trong số ít các quốc gia hưởng lợi khi các công ty đa quốc gia chuyển nhà máy của họ từ Trung Quốc sang Việt Nam để tránh thuế quan mới của Mỹ đối với hàng hóa do Trung Quốc sản xuất. Ngân hàng đầu tư Nomura của Nhật Bản ước tính kinh tế Việt Nam phải tăng trưởng 8% trong năm 2019 nhờ sự thay đổi trong chuỗi cung ứng này.
Nhiều chuyên gia nhận định: Việt Nam chuẩn bị được đón “làn sóng thứ hai” khi các quốc gia phương Tây ngày một mất cảm tình với Trung Quốc bởi cách hành xử trong đại dịch. Các chính trị gia ở Washington, Tokyo và một số thủ đô châu Âu hiện đang bàn công khai về việc tách dần ra khỏi nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm việc phá vỡ thế phụ thuộc vào một nguồn cung duy nhất về nước ngoài cho những mặt hàng thiết yếu như vật tư y tế.
Giáo sư Vuving nói: “Người hưởng lợi lớn từ sự dịch chuyển này chính là Việt Nam. Vì Việt Nam đã chứng tỏ sự thân thiện, trong khi giá thành sản xuất vẫn rất dễ chịu với các công ty phương tây. Trong nhiều trường hợp, khi quyết định tách ra khỏi một Trung Hoa ngày càng không đáng tin cậy, Việt Nam chính là ưu tiên số một”.
Sự chuyển dịch này rõ ràng đã đến thật đúng lúc. Ngân hàng thế giới dự báo trong trường hợp tồi tệ nhất của Covid-19, tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ rớt xuống 1,5% trong năm nay, trong khi con số của những năm trước ổn định ở 7%. Con số này là thấp nhất trong nhiều thập kỷ, nhưng giữa bức tranh ảm đạm chung thì như thế vẫn còn lạc quan, đặc biệt so với các quốc gia láng giềng Đông Nam Á, bao gồm cả đối thủ sản xuất Thái Lan, với mức dự kiến tăng trưởng GDP trong năm 2020 là -5,4%.
Các chuyên gia tin kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi nhanh hơn các quốc gia Đông Nam Á khác vào năm 2021, đặc biệt là khi các quốc gia như Mỹ, Nhật Bản, EU di chuyển hàng loạt chuỗi cung ứng hậu đại dịch từ Trung Quốc xuống Việt Nam. Đại dịch cũng nổ ra vào thời điểm ngoại giao quan trọng với Việt Nam vì năm nay, Việt Nam giữ chức Chủ tịch luân phiên của ASEAN, cũng như một vị trí không thường trực trong Hội đồng Bảo an Liên hiệp quốc. Trong một phát biểu khai mạc cuộc họp gần đây giữa các lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc bảo trong những thời khắc nghiệt ngã như hiện nay, sự đoàn kết của cộng đồng ASEAN sẽ tỏa sáng như ngọn hải đăng trong bóng tối.

Khả năng nhiệm kỳ lãnh đạo ASEAN của Việt Nam sẽ được kéo dài đến tận 2021 do sự gián đoạn gây ra bởi khủng hoảng Corona. Nếu vậy, Hà Nội sẽ có thêm thời gian để xây dựng sự đồng thuận trong khu vực về hai vấn đề hệ trọng liên quan đến Trung Quốc: đưa ra một bộ quy tắc ứng xử cho vấn đề biển Đông và việc quản lý tài nguyên nước trên sông Mê Kông. Để Việt Nam nổi lên như một người phát ngôn của khu vực, Hà Nội cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng động quốc tế.
Những năm gần đây, ngoại giao Việt Nam đi theo sách lược tìm kiếm và chinh phục những bằng hữu tiềm năng. Nhiều nhà phân tích xem Việt Nam là “đồng minh thân cận nhất” của Mỹ ở Đông Nam Á. Tháng trước, tàu sân bay USS Theodore Roosevelt đã trở thành tàu sân bay thứ hai của Hoa Kỳ cập cảng Việt Nam kể từ khi kết thúc Chiến tranh Việt Nam năm 1975, sau một chuyến thăm lớn khác của hải quân Hoa Kỳ vào năm 2018.
Nếu nhìn từ bên trong, việc kéo dài thời gian cách ly xã hội thêm một tuần có thể gây ra lo lắng. Nhưng nếu nhìn ra bên ngoài, ta thấy rất nhiều cơ hội đang rộng mở cho Việt Nam sau cơn đại dịch. Nhà nước thật sự đã có những cái nhìn xa hơn để khắc phục hậu quả, thậm chí biến đại dịch thành một cơ hội để tiến lên.
Sau cơn mưa trời lại sáng. Hãy tin mọi thứ sẽ khởi sắc sau khi những u ám này tan đi.
Việt Nam sẽ đi lên bằng tình bạn và lòng chân thành. Đó là thứ không thể mua bằng tiền.



Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này