TIN VIỆT NAM VỪA CÓ BỆNH NHÂN COVID-19 TỬ VONG LÀ BỊA ĐẶT
Một số thông tin đưa thông tin sai sự thật |
Một số tài khoản Facebook chiều 28/3/2020 đưa thông tin ám chỉ Việt Nam đã có một ca bệnh COVID-19 tử vong. Thông tin này làm người dùng mạng xã hội hoang mang.
Ngay lập tức cơ quan chức năng đã lên tiếng phản bác.
Bộ Y tế yêu cầu:
1. Xin mọi người cần tỉnh táo, đây là tin giả, đồn thất thiệt.
2. Những ai đăng tin và chia sẻ thông tin này, mọi người chụp lại, chuyển cho cơ quan an ninh để họ xử lý.
3. Đề nghị mọi người cần tỉnh táo khi đọc và chia sẻ thông tin, tránh bị kẻ gian lợi dụng.
Chiều 28/3/2020, ông Nguyễn Tấn Bỉnh - Giám đốc Sở Y tế TP.HCM khẳng định như vậy tại cuộc họp về tình hình dịch bệnh COVID-19.
Tại cuộc họp báo, ông Bỉnh cho biết thông tin trên mạng xã hội về việc TP.HCM có một ca tử vong vì nhiễm COVID-19 là sai sự thật.
Theo ông Bỉnh, TP.HCM hiện đang điều trị 42 trường hợp (trong đó có 41 người Bộ Y tế đã công bố, 1 trường hợp phát hiện sáng 28/3). Hiện tại sức khỏe của tất cả các bệnh nhân đều ổn định, không cần thở máy. Không có người chết như mạng xã hội lan truyền.
Ông Bỉnh cho biết thêm, TP.HCM đang kiểm soát tốt tình hình phòng, chống dịch bệnh COVID-19, không có việc lây nhiễm chéo trong các khu cách ly tập trung.
TP cũng đang cố gắng làm tốt việc xét nghiệm để phát hiện sớm những ca nhiễm trong cộng đồng, truy tìm sớm những người tiếp xúc để cách ly.
Ông Từ Lương, phó giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông TP khẳng định, thông tin có người nhiễm COVID-19 tại TP.HCM chết là xuyên tạc, sai sự thật.
Sở này đang phối hợp với các cơ quan liên quan để làm rõ và xử lý nghiêm các chủ tài khoản đưa tin thất thiệt.
Cũng trong ngày 28/3/2020, Sở Y tế tỉnh Tiền Giang cho biết kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm của bà T.A.T. (SN 1939, ngụ quận Đống Đa, TP Hà Nội) âm tính với COVID-19.
Theo Sở Y tế, bà T. cùng với 238 hành khách trở về từ Australia và được đưa đến khu cách ly tập trung Trường Quân sự tỉnh Tiền Giang vào khuya 22/3. Sau khi tiếp nhận bác sĩ và điều dưỡng thực hiện đo thân nhiệt mỗi ngày 2 lần, không phát hiện bà T. bị sốt, ho, khó thở. Tối 26/3, bà T. than ăn uống kém, mất ngủ, đau ngực, mệt nhưng vẫn sinh hoạt và đi lại bình thường.
Bác sĩ trực có khám ghi nhận huyết áp 14/9 cmHg và phát thuốc điều trị. 9h sáng hôm sau, tổ y tế đo nhiệt độ buổi sáng tại các buồng bệnh. Bà T. than mệt, khó thở, điều dưỡng báo cáo cho bác sĩ trưởng ca trực cùng ngày vào khám, kết quả huyết áp 190/100mmHg. Bác sĩ cho thở oxy và uống thuốc và xin hỗ trợ hội chẩn.
Đến 10h cùng ngày, Bệnh viện Đa khoa Trung tâm Tiền Giang cử hai bác sĩ chuyên khoa đến khám và hội chẩn, cho thấy bà T. có vấn đề về hô hấp, tim mạch nên quyết định chuyển đến bệnh viện để tiếp tục điều trị.
Thời gian chuẩn bị hồ sơ, điều dưỡng phát hiện T. nằm bất động trên sàn nhà vệ sinh. Ngay lập tức bác sĩ, điều dưỡng đưa bệnh nhân lên băng ca và đẩy về phòng để hồi sức cấp cứu trong tình trạng mạch bằng 0, huyết áp không đo được, bệnh nhân ngưng tim, ngưng thở. Bác sĩ cùng điều dưỡng hồi sức tim, phổi trong 30 phút nhưng không hiệu quả.
Trưa 27/3, UBND tỉnh Tiền Giang tổ chức họp với các ngành Y tế, Quân sự, Công an đã thống nhất lấy mẫu xét nghiệm gửi Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, đồng thời liên lạc với gia đình để xin ý kiến về việc mổ tử thi xác định nguyên nhân tử vong.
Nhận xét
Đăng nhận xét