PHẢN BIỆN HAY PHẢN ĐỘNG?
Để xây dựng một xã hội tiến bộ thì hoạt động phản biện đóng một vai trò rất quan trọng. Coi trọng và tạo điều kiện cho phản biện xã hội cũng chính là biểu hiện của dân chủ. Phản biện là nền tảng của phát triển, bởi tư duy phê phán chính là nền tảng của tư duy sáng tạo.
Nhận thức rõ vai trò của phản biện xã hội, thời gian qua Đảng và Nhà nước đã có nhiều chủ trương, chính sách mới nhằm tăng cường, phát huy chức năng phản biện xã hội của các tổ chức, cơ quan, đoàn thể và đông đảo nhân dân.
Tuy nhiên, để phản biện xã hội có tác dụng thì cần hiểu rõ thế nào là phản biện. Phản biện là dùng chứng cứ, lập luận để bác bỏ chứng cứ, lập luận đã được đưa ra trước đó để làm rõ đúng – sai. Trong phản biện phải có các luận cứ để làm rõ cái đúng, cái sai của vấn đề đang tranh luận.
Vì vậy, phản biện khác với góp ý kiến, kiến nghị (không đòi hỏi phải có đủ căn cứ khoa học, thực tiễn). Phản biện bao hàm cả biện luận và phản biện luận, chứ không chỉ là đồng tình, xuôi chiều. Trong phản biện không chỉ là bác bỏ, phủ định, mà có thể có cả sự bổ sung, làm rõ hơn vấn đề từ các góc độ, phương diện khác nhau. Do đó, phản biện không đồng nhất với phản bác, bài xích. Phản biện có nội hàm rộng hơn phản bác. Phản bác chỉ là một khả năng, một tình huống có thể có trong phản biện.
Vậy nhưng, với sự mở rộng dân chủ của đất nước, thời gian qua đã có không ít những hoạt động mang danh phản biện nhưng thực chất chỉ là phản bác, bài xích, thậm chí biến thành phản động khi chăm chăm phủ nhận, bôi đen tất cả.
Phản động là gì? Đó là những hành động chống phá, đi ngược lại tiến trình phát triển của xã hội, nên phản động có thể là bất kể ai gây cản trở sự phát triển. Phản động là “những kẻ mộng du đi lùi” như có nhà tư tưởng đã định nghĩa, vậy mà nhiều người, nhất là..trí thức lại thường giãy nảy khi ai đó nhắc họ là “tư tưởng phản động”!
Một số biểu hiện phản động mang danh phản biện ở Việt Nam, từ các vị có học hàm học vị đến các nhà “chính trị rau lang”:
+ Phản đối tất tần tật các chương trình, dự án kinh tế xã hội của chính phủ, từ dự án điện hạt nhân, đường sắt cao tốc Bắc Nam đến sân bay Long Thành, hay các dự án khu công nghiệp, khu đô thị mới. (Nếu được mời làm ..cố vấn, cam đoan rằng các vị sẽ không phản đối).
Đầu thập kỷ 90, khi về Hà Nội được gặp một số vị giáo sư tiến sỹ, tôi cũng đã bị ngợp nên hùa theo các vị đó khi cho rằng xây dựng cầu Thăng Long là lãng phí, không cần thiết (thực tế là cho đến 1995, chờ cả buổi cũng mới có một vài xe đi qua). Đến nay như thế nào thì mọi người đã rõ, không chỉ cầu Thăng Long mà tổng cộng đã có tới 7 cây cầu vào Hà Nội mới cơ bản đáp ứng được nhu cầu giao thông, đó chính là tầm nhìn xa trong quy hoạch phát triển.
+ Phản đối, không đồng tình với chính sách ngoại giao đa phương của đất nước, nhất nhất đòi phải “thoát Trung, bài Trung” để thân Mỹ, thậm chí bài xích cả Nga để lấy lòng Mỹ.
Những người có tư duy đó không hiểu được rằng, Việt Nam mà “theo Mỹ” để chống Tàu thì sẽ ngay lập tức trở thành Ukraina thứ hai, khi theo đuôi Mỹ và phương Tây để chống Nga mà không hiểu “nước xa không cứu được lửa gần” và bọn đó cũng đâu có muốn cứu!
Họ muốn Nga ủng hộ Việt Nam về vấn đề Biển Đông nhưng lại hùa theo phương Tây cho rằng Nga xâm lược Crimea, trong khi không chịu hiểu Crimea với Nga cũng như Hoàng Sa, Trường Sa đối với Việt Nam.
+ Phủ nhận, xét lại hệ tư tưởng, đòi từ bỏ chủ nghĩa Marx - Lenin, đòi đổi tên nước trở lại là “dân chủ cộng hoà”, đòi “phi chính trị hoá quân đội”; Đánh tráo khái niệm để xét lại, bôi đen lịch sử, bôi nhọ và hạ bệ các anh hùng dân tộc,...vv.
Đây là những biểu hiện rõ ràng nhất của “phản biện biến thành phản động”, muốn kéo lùi lịch sử. Riêng vấn đề “phi chính trị hoá quân đội” thì chỉ cần nhìn ngay sang Thái Lan với hàng chục vụ đảo chính quân sự trong lịch sử, khi quân đội “phi chính trị” lại mặc nhiên tự biến thành một lực lượng chính trị, ngự sơn quan hổ đấu, mặc xã hội náo loạn rồi sau đó điều quân đàn áp, dẹp hết để tự lên nắm quyền!
+ Đánh đồng, lẫn lộn quyền lợi trước mắt của một bộ phận nhỏ người dân với quyền lợi tối thượng của cả dân tộc, lợi dụng chiêu bài "ý dân là ý trời" để đòi hỏi lợi ích cho bộ phận nhỏ đó (trong đó không loại trừ mục đích kiếm tiền hoặc gây “tiếng vang” cho bản thân họ) mà bất chấp việc gây mất ổn định xã hội, đòi hỏi xã hội phát triển nhưng không chịu hy sinh dù chỉ mảy may.
Đó chính là thực chất của hiện tượng một số kẻ đứng sau kích động, gây nên vấn nạn “dân oan” hiện nay ở các nơi.
+ Vô tình hoặc cố ý khi quy nạp những biểu hiện tiêu cực trong xã hội để từ đó thổi phồng, bôi đen thực trạng xã hội, cho rằng cả chế độ đều đã bị tha hoá để kêu gào đòi thay đổi thể chế.
Bạn thì sao, muốn là chủ thể phản biện hay muốn được là phản động?
Nhận xét
Đăng nhận xét