QUÁN TRIỆT NQ 35 - BẢO VỆ NỀN TẢNG TƯ TƯỞNG CỦA ĐẢNG
Bài 1: TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH – NGỌN ĐUỐC SOI ĐƯỜNG



Nghiên cứu về Hồ Chí Minh mà chỉ dừng lại ở logic lý trí thuần túy thì không thể tái hiện hết được giá trị khoa học, cách mạng và tính nhân văn cao cả đến độ linh thiêng vượt thời gian của cốt cách Hồ Chí Minh, mà rất cần có một chiều sâu tâm thức của người nghiên cứu. Trên cơ sở của sự chiêm nghiệm tĩnh tại gần như tuyệt đối, tác giả bài viết này muốn được chia sẻ đôi điều về tư tưởng – Chủ nghĩa Hồ Chí Minh. Vì sao lại gọi là Chủ nghĩa Hồ Chí Minh? Xin được trích dẫn một số phát biểu của những người ngoài cuộc, kèm theo những nghiên cứu đối chứng của tác giả. Năm 1923 chỉ ít phút được trò chuyện với Nguyễn Ái Quốc, nhà báo trẻ người Liên Xô Ô. Manđenxtam đã thổ lộ: “Từ Nguyễn Ái Quốc đã tỏa ra một thứ văn hóa, không phải văn hóa Âu châu, mà có lẽ là một nền văn hóa của tương lai… Qua cử chỉ cao thượng, tiếng nói trầm lắng của Nguyễn Ái Quốc, tôi như thấy được ngày mai, như thấy được viễn cảnh trời yên bể lặng của tình hữu ái toàn thế giới bao la như đại dương”. Đúng 90 năm sau vào ngày 12/11/2013, Tổng thống Liên Bang Nga V. Putin đã đến Hà Nội thăm chính thức Việt Nam. Ông đã đến thăm nơi ở của Chủ tịch Hồ Chí Minh và viết trong sổ lưu niệm:"Nhân loại đã bước sang thế kỷ XXI, thế kỷ hòa bình tiến bộ và phồn vinh. Nhưng giá trị tư tưởng, đạo đức của Hồ Chí Minh vẫn là ngọn đuốc, là biểu tượng cho một nền văn hóa tương lai… Và vì thế lịch sử mãi mãi nhắc tới Người như một bậc thánh nhân”.
I. Đối chứng
- C. Mác, cống hiến có ý nghĩa vạch thời đại của Mác là sáng tạo ra Chủ nghĩa xã hội khoa học, đánh dấu bằng tác phẩm tuyên ngôn của Đảng Cộng sản xuất bản tháng 2/1848, trên cở sở của ba phát kiến vĩ đại là: Chủ nghĩa duy vật lịch sử; Học thuyết giá trị thặng dư và Sứ mệnh lịch sử của giai cấp công nhân. Những tiền đề lý luận này đã làm thay đổi căn bản nhận thức của nhân loại, mở ra chân trời nghiên cứu mới cho loài người trên mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, do hạn chế về mặt lịch sử, Mác chưa thể giúp dân tộc mình và nhân loại xây dựng thành công một nước CNXH hiện thực, mặc dù Công xã Pari đã nổ ra, giành thắng lợi và tồn tại trong 72 ngày. Thực chất đây là cuộc cách mạng vô sản đầu tiên còn mang tính tự phát nên khó tránh khỏi thất bại. Do vậy, Ông không có may mắn chứng kiến thành quả nghiên cứu và đấu tranh cách mạng của giai cấp công nhân sau này.
- Lênin, là nhà nghiên cứu lý luận và hoạt động thực tiễn kiệt xuất. Cũng như C. Mác & Ănghhen, Ông đã để lại cho thế giới một hệ thống chước tác kinh điển đồ sộ. Trong đó, đáng chú ý là tác phẩm Nhà nước và cách mạng. Với tác phẩm này, cùng với những hoạt động thực tiễn sinh động, Lênin đã thực hiện bước đột phá cách mạng thành công (1917), hiện thực hóa một cách ngoạn mục và vô cùng sáng tạo Chủ nghĩa Mác ở một nước tư bản trung bình. Cách mạng Tháng Mười Nga thành công đã mở ra cho nhân loại một thời đại mới – thời đại đi lên CNXH trên phạm vi toàn cầu. Đáng tiếc hệ thống xã hội chủ nghĩa ở Liên Xô và Đông Âu đã sụp đổ vào những năm 1990. Cơn địa chấn chính trị này đã đẩy nhân loại tiến bộ đến bờ vực của sự thất vọng. Họ nghi ngại CNXH, sợ sệt CNTB. Vì vậy, thành quả cách mạng do Lênin tạo dựng cũng chưa thể đến được bến bờ vinh quang trên chính quê hương của Người.
II. Tư tưởng Hồ Chí Minh – cốt lõi và trường tồn
Năm 1911, Bác ra đi tìm đường cứu nước. Hành trang của Người khi ấy chỉ có duy nhất một điều, đó là: Tinh thần yêu nước thương nòi. Hồ Chí Minh ra đi tìm đường cứu nước trong bối cảnh hàng chục phong trào yêu nước theo các hệ tư tưởng khác nhau đều bị thực dân, đế quốc dìm trong biển máu. Ví như: phong trào Cần Vương của Tôn Thất Thuyết, Phong trào nông dân của Hoàng Hoa Thám, Phong trào dân chủ tư sản của Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Thái Học…Từ thực tiễn đau buồn trước cảnh nước mất nhà tan đã thôi thúc người thanh niên yêu nước Nguyễn Tất Thành ra đi tìm đường cứu nước. Đi đâu? Và làm gì? Đây là câu hỏi lịch sử mà Hồ Chí Minh đã nung nấu để tìm câu trả lời trong suốt mấy chục năm ròng. Bác đã quyết định đến nơi của cái gọi là “Dân chủ, nhân quyền, bác ái”. Và rồi “cơ may” lịch sử cũng đã đến với Người, khi lần đầu tiên Bác đọc Bản sơ khảo về vấn đề dân tộc thuộc địa của Lênin. Bác nói: Ngồi một mình trong phòng mà tôi như muốn nói với toàn thể dân tộc HẠNH PHÚC LÀ ĐÂY CƠM ÁO ĐÂY RỒI. Bác đã khẳng định: Bây giờ chủ nghĩa nhiều, học thuyết nhiều nhưng chỉ có chủ nghĩa Lênin là chân chính nhất, cách mạng triệt để nhất. Do đó, Bác đã tán thành đi theo Chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ đây, con đường cứu nước và giải phóng dân tộc theo đó cũng sáng tỏ.
Vậy, những đóng góp kiệt xuất được thể hiện trong Tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh là gì? Có thể khẳng định rằng: Bác là hiện thân của tư duy sáng tạo, của ý chí và nghị lực cách mạng phi thường, của tinh thần yêu nước thương dân vô bờ bến. Tựu trung lại, đó là sự hội tụ của tính thực tiễn cách mạng kiên quyết triệt để, biểu hiện sáng ngời của Chủ nghĩa yêu nước Việt Nam xuyên suốt hơn 4000 năm lịch sử.
Trong bài viết này, tác giả chỉ tiếp cận trên phương diện sáng tạo đặc biệt cách mạng của Hồ Chí Minh.
- Về vai trò của Đảng Cộng sản
Là một nhà chính trị chuyên nghiệp – như Bác đã khẳng định: “Con đường cứu nước và giải phóng dân tộc chỉ có thể là con đường cách mạng vô sản”.
Cách mạng muốn thành công trước hết phải có Đảng, để trong thì vận động tập hợp quần chúng, ngoài thì đoàn kết với các đảng anh em. Đảng phải lấy chủ nghĩa làm cốt. Chủ nghĩa như bàn chỉ nam cho Đảng hoạt động. Chủ nghĩa ấy không gì khác, đó là Chủ nghĩa Mác – Lênin. Từ quy luật chung của quá trình hình thành Đảng Cộng sản: “Chủ nghĩa xã hội khoa học kết hợp với phong trào công nhân”. Nhưng đối Việt Nam, theo Hồ Chí Minh cần bổ sung thêm thành tố thứ ba, “Phong trào yêu nước”. Sự sáng tạo kiệt xuất này đã giúp Đảng Cộng sản Việt Nam có đủ lực lượng để gánh vác trọng trách cao cả là lãnh đạo toàn dân tộc đứng lên đánh đuổi đế quốc, thực dân giành độc lập cho dân tộc, thiết lập lên Tổ quốc Việt Nam XHCN. Chính vì lẽ đó và cùng với những thành quả lãnh đạo của mình, Đảng Cộng sản Việt Nam đã có được một danh xưng đặc biệt – ĐẢNG TA.
- Về giải quyết mối quan hệ với cách mạng quốc tế
Nếu các nhà kinh điển Mácxít cho rằng: Cách mạng vô sản chỉ có thể nổ ra đồng loạt ở tất cả các nước trên thế giới, hoặc chí ít là các nước tư bản phát triển như: Anh, Pháp, Mỹ. Hay như, khi chủ nghĩa tư bản từ tự do cạnh tranh phát triển thành chủ nghĩa đế quốc thì cách mạng ở chính quốc phải nổ ra trước cách mạng thuộc địa để hướng dẫn, giúp đỡ cách mạng ở các nước thuộc địa… Hồ Chí Minh cho rằng: Cách mạng vô sản ở các nước như là hai cái cánh của một con chim, cách mạng ở các nước thuộc địa có thể nổ ra và giành thắng lợi trước cách mạng thuộc địa, thậm chí là có thể hỗ trợ cho cách mạng ở chính quốc. Tính chủ động và sáng tạo cách mạng của Hồ Chí Minh đã khởi đầu cho phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc trên phạm vi toàn thế giới.
- Về xác định mâu thuẫn chủ yếu của cách mạng Việt Nam
Trong Chánh cương sách lược vắn tắt ngày 3/2/1930 Bác khẳng định: Làm tư sản dân quyền cách mạng và thổ địa cách mạng, tiến lên CNXH kinh qua giai đoạn phát triển tư bản chủ nghĩa. Đây là sự kiên định Chủ nghĩa Mác hết sức đặc biệt của Hồ Chí Minh. Mác nói: Để có thể hoàn thành được sứ mệnh lich sử thế giới, giai cấp công nhân ở mỗi nước phải trở thành giai cấp dân tộc, phải nắm lấy dân chủ. Tuy nhiên, hoàn cảnh lịch sử của Việt Nam vào những năm 1930 hoàn toàn khác với thời kì Mác. Lúc này Việt Nam là nước thuộc địa nửa phong kiến. Vì vậy, việc xác định đúng mâu thuẫn chủ yếu là không hề đơn giản. Bằng sự sáng tạo kiệt xuất, Hồ Chí Minh đã chỉ rõ: Mẫu thuẫn cơ bản, chủ yếu của cách mạng Việt Nam (1930-1945) là mẫu thuẫn giữa dân tộc Việt Nam với thực dân Pháp. Do đó, cần tập trung mọi lực lượng để đánh đuổi thực dân Pháp giành độc lập cho dân tộc.
- Về khát vọng giải phóng dân tộc và chủ nghĩa xã hội
Một trong những quan điểm tư tưởng trọng yếu xuyên suốt của Hồ Chí Minh là: Độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội. Người nói: không có gì quý hơn độc lập tự do. Để giành được độc lập thì dù có phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn hay, thà hy sinh tất cả chứ không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ. Với lời hiệu triệu này, Hồ Chí Minh đã khơi thông được khát vọng của toàn thể dân tộc Việt Nam. Từ đây, trên bản đồ thế giới đã xuất hiện một nước Việt Nam tuy nhỏ bé, đất không rộng, người không đông nhưng khí phách anh hùng thì kẻ thù nào cũng phải kinh ngạc. Theo Hồ Chí Minh cuộc kháng chiến giành độc lập dân tộc của chúng ta là cuộc kháng chiến trường kì, toàn dân, toàn diện dựa vào sức mình là chính, “lấy sức ta mà giải phóng cho ta”, “đánh cho Mỹ cút đánh cho Ngụy nhào”. Sau khi giành được được độc lập chúng ta sẽ xây dựng đất ta to đẹp hơn, đàng hoàng hơn. Ấy là đi theo con đường CNXH. Bởi lẽ, CNXH là quy luật tiến hóa khách quan của lịch sử nhân loại. Ở đó, khắc có ấm no, tự do, hạnh phúc và trên thực tế chúng ta đã là một nước tự do, hạnh phúc.
- Về đạo đức cách mạng
Muốn có CNXH, theo Hồ Chí Minh trước hết phải có con người mới XHCN. Người cách mạng trước hết phải có đạo đức cách mạng, như cây phải có gốc, nước phải có nguồn, “Trời có bốn phương Đông -Tây -Nam -Bắc; đất có bốn mùa Xuân- Hạ- Thu- Đông; người có bốn đức Cần, Kiệm, Liêm, Chính” cùng hai phương thức ứng xử: “Chí công và vô tư”. Người cho rằng: Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó, có tài mà không có đức thì thành người vô dụng và lại có hại. Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Đạo đức cách mạng không phải từ trên trời rơi xuống mà là quá trình tu dưỡng rèn luyện thường xuyên như ngọc càng mài càng sáng, vàng càng luyện càng trong.
- Về lịch sử nước nhà
“Dân ta phải biết sử ta; cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam; trải qua hơn bốn nghìn năm…”
Lịch sử là hồn cốt của dân tộc, là sợi dây vô hình kết nối giữa quá khư với thực tại và định hướng phát triển cho dân tộc trong tương lai. Chính vì vậy, sau hơn 30 năm bôn ba đi tìm đường cứu nước giải phóng dân tộc, ngay khi vừa đạt chân lên cột mốc 108, Bác đã bắt tay vào nghiên cứu, hệ thống hóa một cách ngắn gọn, súc tích lịch sử nước nhà. Chỉ với 1456 từ, Hồ Chí Minh đã tái hiện chính xác những dấu mốc quan trọng nhất của toàn bộ lịch sử hơn 4000 năm của dân tộc ta. Trong cuốn Lịch sử nước ta bằng thơ ấy, Hồ Chí Minh đã làm sống dậy khí phách và tinh thần Việt. Tác phẩm như là cuốn cẩm lang đã thôi thúc con dân nước Việt nhất tề đứng lên đấu tranh giành và giữ nên độc lập tự do của dân tộc. Theo đó, tinh thần đoàn kết, lòng tự hào, tự tôn dân tộc, khí phách quật khởi cách mạng đã được nhân lên gấp bội. Sức mạnh Việt lại một lần nữa được Người khơi thông, cho phép chúng ta vượt qua mọi khó khăn thử thách, đạp bằng mọi chông gai, góp phần quan trọng đưa sự nghiệp cách mạng đến bến bờ vinh quang. Dân tộc độc lập, giang sơn thu về một mối, cả nước vững bước trên con đường xây dựng CNXH.
Lời kết: Nghiên cứu học tập Chủ nghĩa Mác – Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh cốt là để nắm vững tinh thần biện chứng và sống với nhau cho có tình có nghĩa. Tin tưởng rằng, với giá trị khoa học, cách mạng và tính nhân văn, nhân đạo cao cả trong nền tảng tư tưởng của Đảng (CNMLN, TTHCM), của cả dân tộc sẽ lan tỏa sâu rộng vào các tầng lớp nhân dân, tạo ra sức bật mới để chúng ta xây dựng thành công CNXH, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh./.
Bài của BÙI TIẾN LỢI


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này