Dành tặng tất cả các bạn đã, đang, sẽ và không yêu môn Lịch sử.
Hồi ấy, mình yêu Văn – Sử – Địa bằng cả tâm can này. Các bạn có tin không, mình từng cố tình ngồi nói chuyện trong giờ để cô giáo gọi lên trả bài. Mình đọc thuộc lòng văn bản “Người lái đò Sông Đà” và “Ai đã đặt tên cho dòng sông”, thuộc gần như không thiếu một chữ nào cả và chả hề bị bắt ép. Còn Lịch sử và Địa lý, nhắm mắt mình cũng có thể thuộc được toàn bộ nội dung hai cuốn sách này.
Mình học, vì mình thực sự yêu thích nó, không ai bắt ép mình cả.
Mình tìm đến thư viện, tìm đến không gian mạng. Mình sưu tầm nhiều tài liệu về lịch sử Việt Nam. Từ thời phong kiến, đến cận đại, chiến tranh Việt Nam… Ngoài ra, mình tìm hiểu thêm cả về lịch sử Phục Hưng, phát kiến địa lý, Liên Xô, châu Phi… Hồi ấy, cô giáo phụ trách mình đi thi học sinh giỏi thành phố bảo rằng: Người ta không ra đề về vấn đề đó đâu.
– Em học vì thích, chứ không học vì giải thưởng.
Trong khi mấy đứa bạn ngồi chơi điện tử thì mình một góc để viết blog, xem phim tài liệu lịch sử và tìm kiếm tư liệu lịch sử. Mình từng ngồi rưng rưng nước mắt khi xem các bộ phim tư liệu lịch sử được biên tập trên nền nhạc Epic Music của kênh Sairagon1988.
Mình lớn lên từ những dòng lịch sử của ông nội kể về thời kỳ kháng chiến chống Mỹ và của ông ngoại kể về hồi ông đi học Y và trải qua những ngày tháng 1972 ác liệt khi Hải Phòng bị đánh bom như thế nào. Mẹ mình kể, hồi mình mới sinh ra, bố mình phải đi nghĩa vụ vì còn chưa đủ 20, mẹ mình còn chưa 18, thế là mình có quãng thời gian được ông bà chăm và ngồi kể chuyện thời chiến tranh, và dĩ nhiên, mình không nhớ gì cả. Nhưng không nhớ, không có nghĩa là những gì được truyền dạy không thấm vào trong trái tim.
Mình và cô giáo dạy sử hồi lớp 12 của mình vẫn ngồi với nhau mỗi dịp Tết, vào ngày 29 Tết, mình hay phi xe về Hà Nội thăm cô và những câu chuyện của hai cô trò về mọi thứ. Đến giờ, cô vẫn bảo mình là một thằng học trò khùng.
Hồi đó, mình gần như là một trợ giảng của cô vậy. Trong tiết học 45 phút, cô sẽ cho mình 15 phút mỗi tiết để mình nói về tất cả những gì mình tìm kiếm, học tập được ở trên mạng và mình sẽ nói trước cả lớp. Từ thuyết trình về trận Điện Biên Phủ trên bộ và trên không, thuyết trình về chiến dịch Hồ Chí Minh, thuyết trình về Lam Sơn 719, về Đồi Thịt Băm, về Nam Lào, Vịnh Bắc Bộ, về năm 1979, về hải chiến Hoàng Sa và Trường Sa… Đại khái là tất cả những gì trên sách vở không nói, thì mình nói.
Mình nhớ có lần mình thuyết trình về chiến dịch Điện Biên Phủ trong suốt 45 phút, nói về những chiếc xe thồ, những lần kéo pháo, những con đường dẫn đến Điện Biên được người dân tộc dựng lên. Nói về nghệ thuật quân sự của tướng Giáp. Cả lớp im bặt không có bất cứ tiếng động nào và lũ bạn mình, chưa bao giờ cười chê vì mình cố gắng thể hiện điều gì cả.
Lịch sử dân tộc Việt Nam là chuỗi những chiến công vĩ đại, hào hùng. Với bề dày ấy, đáng lý ra chúng ta hoàn toàn có thể hun đúc được những người trẻ với tâm thế anh hùng, ý chí tự hào và lòng yêu thích nhiệt thành lịch sử của Tổ Quốc. Tâm thế ấy, nuôi dưỡng những người trẻ và góp phần vào công cuộc kiến thiết đất nước. Mình nghĩ rằng, SGK hiện tại đã đủ về mặt kiến thức, cái chúng nó thiếu ở đây là sự “truyền lửa”.
Trong điện ảnh, có những bộ phim đại chúng, được làm để phục vụ khán giả, để thu tiền. Một bộ phim thu được nhiều tiền, chắc chắn là một bộ phim hay và hợp thị hiếu. Dĩ nhiên, không phải bộ phim nào không được đón nhận thì bộ phim đó dở, nhưng chắc chắn bộ phim đó đã quá yếu đuối trong việc tiếp cận khán giả và không truyền cho khán giả cái mà họ cần. Blade Runner 2049 là một tuyệt phẩm nhưng chả mấy ai xem. Nhưng tại sao Inception quá khó nuốt nhưng lại bội thu về doanh thu? Đó chỉ là 2 ví dụ cho chúng ta thấy rằng, việc dạy Lịch sử ở phổ thông cần được làm khác đi, ở đây nói về cả việc biên soạn bộ SGK và phong thái dạy của thầy cô.
Người ta không thể đổ lỗi cho khán giả tầm thường được.
Tại sao bộ phim “Cánh én đầu tiên” của một studio non trẻ thuộc Đại học Duy Tân lại đạt hơn 2 triệu lượt xem trailer và sold out mọi ghế ở mọi rạp phim khi nó được công chiếu. Trailer của bộ phim này đã từng là trailer được xem nhiều nhất lịch sử điện ảnh Việt Nam. Mặc dù đây chỉ là một bộ phim tài liệu và diễn họa điện ảnh? Tại sao Đuốc Mồi và dự án có thể thu hút vài triệu lượt xem trên Youtube? Tại sao phim hoạt hình “Con Rồng cháu Tiên” có thể thu hút gần 20 triệu lượt xem và đại đa phần trong số đó là các em thiếu nhi, học sinh và cả các bậc cha mẹ? Đã bao giờ chúng ta đặt ra câu hỏi, nếu chúng ta làm khác một chút đi, thì sao?
Và mình cũng hay xem từng bình luận, chia sẻ của mọi người về các bài viết chính trị, lịch sử, kinh tế, xã hội của mình, những bài viết về các vấn đề tưởng chừng như sẽ khô khan nhưng vẫn khiến bạn đọc hứng thú và chia sẻ. Có những bài viết thu hút cả triệu lượt đọc và có những bạn là giáo viên đã lưu lại để giảng dạy cho các em học sinh.
Giới trẻ chưa bao thờ ơ với lịch sử nước nhà.
Giới trẻ cần một điều gì đó, tươi mới hơn, truyền lửa hơn. Chúng ta chưa bao giờ hiểu người trẻ muốn gì, cần gì và vẫn cứ áp đặt quan điểm của lớp người lớn cho lũ trẻ. Và rồi khi lũ trẻ không có được thứ chúng muốn, kết quả không tốt, chúng ta lại chỉ trích. Điều đó có thực sự đúng không?
Lịch sử có sức mạnh lớn hơn những gì chúng ta nghĩ. Nó có thể chữa căn bệnh tự nhục trầm kha, có thể khiến cả dân tộc này đoàn kết hơn, có thể khiến cho chúng ta tự hào hơn, đi ra thế giới với tâm thế ngẩng cao đầu hơn. Lịch sử có thể khiến đất nước này trở nên vĩ đại vì sự thực nó đã quá vĩ đại trong khứ. Lịch sử nuôi dưỡng các tâm hồn trẻ, từ hồi còn thơ đến khi chết. Lịch sử đi theo chúng ta đến cuối đời.
Tại sao chúng ta cứ bắt môn Lịch sử phải khô khan, phải toàn số liệu, phải ép người trẻ phải nhớ thay vì để người trẻ chủ động nhớ?
Đừng giết chết môn Lịch sử.
Vietnam Projects Construction.
Nhận xét
Đăng nhận xét