ASEAN mở cho Việt Nam một cánh cửa lớn
Việt Nam sẽ đảm nhiệm ghế Chủ tịch ASEAN
vào năm sau và năm 2020 cũng là tròn 25 năm Việt Nam tham gia ASEAN. Ông Trần
Việt Thái ở Học viện Ngoại giao Việt Nam nói rằng ASEAN đã là người hỗ trợ
chính cho sự hội nhập của Việt Nam vào khu vực và thế giới, và thông qua vai
trò thành viên, Việt Nam đã đóng góp vào việc gỡ bỏ sự chia rẽ ý thức hệ trong
khu vực thời quá khứ.
Dưới đây là phỏng vấn của Bangkok Post với ông Thái:
Dưới đây là phỏng vấn của Bangkok Post với ông Thái:
Ghế Chủ tịch ASEAN của
Việt Nam vào năm sau là một thời điểm tốt để nhìn lại tiến trình gia nhập ASEAN
từ năm 1995. Vậy ASEAN quan trọng như thế nào đối với chính sách đối ngoại ngày
nay của Việt Nam?
Trong 24 năm qua, ASEAN cũng như Việt
Nam, đã thay đổi rất nhiều. Nhìn lại quá khứ, chúng tôi nhận ra rằng ASEAN là
đối tác quan trọng, thậm chí là rất quan trọng cho Việt Nam trong lĩnh vực
chính sách đối ngoại. Có 3 khía cạnh chứng tỏ điều đó. Trước hết, ASEAN là bàn
đạp cho Việt Nam hội nhập hơn nữa vào cộng đồng quốc tế. Không có ASEAN, Việt
Nam sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc hội nhập vào cộng đồng thế giới. ASEAN
giúp Việt Nam trong việc cung cấp nhiều kinh nghiệm trước khi Việt Nam tham gia
các cộng đồng lớn hơn như APEC, Liên Hợp Quốc.
Thứ hai là ASEAN giúp Việt Nam đào tạo
một số lượng lớn quan chức nói tiếng Anh. Trước khi gia nhập ASEAN, nhiều quan
chức Việt Nam được đào tạo ở Liên Xô, Nga. Nhưng ASEAN là đối tác trước tiên đã
cung cấp những hiểu biết và giúp Việt Nam cách làm việc với các đối tác nói
tiếng Anh. Trong thực tế, tất cả các bộ, ngành của chính phủ cũng như nhiều tổ
chức ở Việt Nam đã được hưởng lợi từ việc có nhân viên nói tiếng Anh được đào
tạo trong các nước ASEAN, hoặc là từ việc họ được đào tạo trong quá trình làm
việc với các quan chức ASEAN.
Thứ ba là ASEAN đã mở một cánh cửa lớn
cho Việt Nam trong thu hút nhiều FDI, ODA và các dạng trợ giúp phát triển khác.
Thông qua các cơ chế như ASEAN + 1, ASEAN +3, Đối thoại đối tác ASEAN, Việt Nam
là một trong những nước đầu tiên thu hút các trợ giúp phát triển và hỗ trợ xóa
đói giảm nghèo, cải thiện chất lượng cuộc sống cho nhiều người dân. Những điều
đó đã làm sáng tỏ sự quan trọng của ASEAN với Việt Nam.
Ông so sánh thế nào về
ngày nay với thời điểm Việt Nam gia nhập ASEAN năm 1995?
Nếu so sánh ASEAN ngày nay với ASEAN 25
năm trước, đặc biệt là năm 1995, tôi có thể nói rằng ASEAN đã khác 100%. Từ một
hiệp hội trở thành một cộng đồng, đó là thay đổi lớn. Trước đó, ASEAN không có
hiến chương. Hiện giờ họ có một Hiến chương ASEAN mô phỏng theo Hiến chương
Liên Hợp Quốc.
Tương tự như vậy, Việt Nam cũng đã thay
đổi. Trước khi gia nhập ASEAN, Việt Nam bị cô lập và cấm vận bởi Mỹ và nhiều
nước khác. Ngày nay, Việt Nam hoàn toàn mở cửa, hội nhập tích cực vào cộng đồng
thế giới và đóng góp ngày càng nhiều cho toàn cầu hóa cũng như các cộng đồng
toàn cầu và cộng đồng khu vực.
Sự khác biệt lớn nhất là Việt Nam trong
ASEAN là một Việt Nam tự tin hơn, mở hơn và hội nhập. Điều đó khác hoàn toàn
với một Việt Nam cô lập, hướng nội trước khi gia nhập ASEAN.
3 lợi ích hàng đầu cho
Việt Nam khi trở thành thành viên ASEAN là gì?
Thứ nhất, ASEAN là một người hỗ trợ tốt
để mang lại an ninh và ổn định hơn cho Việt Nam. Thứ hai là tạo điều kiện cho
tiến trình phát triển của Việt Nam. Thông qua ASEAN, chúng tôi có nhiều kênh để
nhận tài trợ. Thứ ba là ASEAN giúp Việt Nam tăng cường vị thế trên trường quốc
tế.
Ông có thể lấy vài ví
dụ không?
Nếu chúng ta có thống nhất trong ASEAN,
vị trí của chúng ta sẽ được các nước lớn tôn trọng. Vì thế có một ASEAN thống
nhất là rất quan trọng. Đặt cạnh các nước ASEAN khác, Việt Nam sẽ có vị thế tốt
hơn trước các cường quốc bên ngoài. Đó là một tư thế lớn hơn cho Việt Nam trong
quan hệ quốc tế.
Việt Nam mang đến điều
gì cho ASEAN? Điều gì Việt Nam sẽ đóng góp khi đảm nhiệm ghế Chủ tịch?
Nhìn lại 24 năm qua, đóng góp lớn nhất
của Việt Nam cho ASEAN là đưa khu vực Đông Nam Á từ chia rẽ đi đến một thực thể
duy nhất. Việc Việt Nam gia nhập ASEAN đã khởi đầu cho tiến trình ASEAN đi từ 6
thành viên lên 10 thành viên. Do đó không còn sự chia rẽ giữa các nước Đông Nam
Á lục địa với Đông Nam Á hải đảo. Không còn đối đầu giữa các nước cộng sản với
các nước tư bản. Đó là điều đầu tiên.
Điều thứ hai là Việt Nam cung cấp nhiều
cơ hội tốt cho khối ASEAN-6. Nhìn vào Thái Lan hoặc Singapore, họ đã có thể
kiếm được tiền từ Việt Nam như thế nào? Rất nhiều.
Điều đó nghĩa là sự hội nhập giữa các
nước Đông Nam Á, nhân dân trong khu vực là ngày càng nhiều. Nó có nghĩa là giảm
khả năng xung đột, xung đột vũ trang hoặc chiến tranh giữa mọi người trong khu
vực. Một mặt hòa bình ổn định hơn, quan hệ gần gũi hơn, mặt khác là có nhiều cơ
hội hơn cho kinh doanh.
Sau hơn 20 năm Việt
Nam gia nhập ASEAN, người Việt Nam nhận thức thế nào về ASEAN cũng như về việc
Việt Nam là một phần của ASEAN?
Nhận thức của Việt Nam và nhân dân Việt
Nam về ASEAN đã tăng lên rất nhiều vì các chương trình của chính phủ Việt Nam
và vì sự mở cửa kinh tế xã hội của Việt Nam. Nhiều người đang du lịch ra nước
ngoài... cho nên nếu bạn so sánh với 20 hoặc 24 năm trước thì bức tranh ngày
nay về nhận thức của người dân Việt Nam đối với ASEAN chắc chắn đã thay đổi
100%.
Trong quá khứ, chúng tôi nhìn ASEAN -
đôi khi như cách chúng tôi gọi - là kẻ thù. Việt Nam đã từng nhìn ASEAN như
SEATO (Tổ chức Hiệp ước Đông Nam Á) hoặc một cái bóng của SEATO hay một tổ chức
na ná SEATO. Nhưng ngày nay, chúng tôi nhìn ASEAN như gia đình và Việt Nam là
thành viên của gia đình này. Đó là một thay đổi rất lớn.
ASEAN đã giúp gì cho
Việt Nam trong nỗ lực duy trì hòa bình ở Biển Đông?
ASEAN được thiết kế không phải nhằm giải
quyết các vấn đề tranh chấp lãnh thổ. ASEAN được thành lập để đối thoại và tạo
điều kiện cho tiến trình phát triển. Do vậy, nếu bạn kỳ vọng quá nhiều vào
ASEAN, bạn sẽ sai lầm.
Trong vấn đề Biển Đông, ASEAN có thể cung
cấp một diễn đàn. Bạn đến đó, đàm phán và đưa ra các tuyên bố. Bạn đến ASEAN để
đối thoại, xây dựng lòng tin là được. Nhưng nếu bạn kỳ vọng rằng ASEAN có thể
giúp bạn giải quyết tranh chấp thì không bao giờ - họ không thể giúp bạn.
Tuy nhiên ASEAN có thể tạo điều kiện xây
dựng hoặc tiến trình xây dựng lòng tin trong các bên liên quan. Nó có thể giúp
bạn bày tỏ ý kiến nhưng đừng kỳ vọng họ cung cấp cho bạn cái gì vượt quá đối
thoại... Tuy nhiên, thông qua đối thoại, thông qua hợp tác, họ có thể quản lý
vấn đề để tranh chấp sẽ không bùng phát thành xung đột vũ trang lớn hơn. ASEAN
giúp là giúp trong hoàn cảnh đó.
Theo Bangkokpost
Nhận xét
Đăng nhận xét