Tại sao VIỆT NAM phải chịu nhiều cuộc chiến tranh?

Những cuộc xâm lược thời phong kiến là những cuộc xâm lược được nhận diện bằng con người – vó ngựa – và v.ũ k.h.í. Trong một thời điểm nào đó, ở một bối cảnh nào đó của lịch sử, rất có thể sẽ diễn ra những cuộc xâm lấn khó nhận diện hơn. Thành thử, bài học xương máu sau mấy ngàn năm đó là phải luôn luôn xây dựng tinh thần đại đoàn kết và nội lực quốc gia.
Thuở nhỏ đi học, tất cả chúng ta đều nằm lòng một mệnh đề: trong mấy ngàn năm dựng nước và giữ nước, Việt Nam đã chiến thắng rất nhiều cuộc chiến tranh, chủ yếu đến từ phương Bắc. Lớn lên, một mặt chúng ta tiếp tục tự hào với mệnh đề lịch sử quen thuộc và đầy tính truyền thống đó nhưng mặt khác, trong một khoảnh khắc nào đó, có thể chúng ta sẽ đặt ra một câu hỏi, để truy tìm một khía cạnh khác của vấn đề: Tại sao Việt Nam lại chịu nhiều cuộc chiến tranh đến vậy?
Thời Xuân Thu – Chiến Quốc xa xưa, người Trung Hoa đã tự chia thiên hạ thành 5 phương, trong đó Trung Hoa là trung tâm, ở chính giữa và 4 phương còn lại lần lượt được định danh là: Bắc địch – Tây nhung – Đông di – Nam man.
Trong chiến lược này, họ coi dân tộc Mông Cổ ở phía Bắc là một đối thủ thiện chiến, nên thực hiện một giải pháp lịch sử là phòng ngự và chống đỡ. Phía Tây là những dân tộc hoang dã nên phải có một chính sách đặc biệt để ‘đối ngoại’. Phía Đông là những dân tộc mà họ muốn áp đặt sự ảnh hưởng của mình, cả về mặt chính trị và văn hóa.
Và đặc biệt các dân tộc ở phía nam sông Dương Tử, họ coi là ‘man di’, nên tự cho mình cái quyền đem quân xuống khai hóa. Như vậy có nghĩa, tiến về phía Nam để thực hiện cái gọi là ‘khai hóa văn minh’ (nhưng sau đó là âm mưu xâm lược) trở thành chiến lược lớn, xuyên suốt các triều đại phong kiến phương Bắc. Và có thể coi đấy là một lý do khách quan khiến dân tộc Việt Nam phải chịu rất nhiều cuộc chiến tranh từ phương Bắc.
Tuy nhiên, không phải lúc nào họ cũng có thể dễ dàng thực hiện cái chiến lược mang tính xuyên suốt đó. Nếu nhìn lại những thời điểm phương Bắc ‘xuất binh’, chúng ta có thể nhìn ra một quy luật mang tính tương đối nào đó, để từ đó rút ra những bài học xương máu cho mình.
Có thể khám phá quy luật này từ những biến động bang giao ở đầu thế kỷ X – những biến động mang tính nền móng, chính thức mở ra một giai đoạn độc lập, tự chủ vững bền của dân tộc. Đó là giai đoạn mà Khúc Thừa Dụ – một hào phú ở vùng Hải Dương ngày nay lật đổ quan lại nhà Đường để trở thành Tiết độ sứ Giao Châu (miền Bắc Việt Nam bây giờ) và liên tiếp truyền lại vị thế này cho con mình là Khúc Hạo và cháu mình là Khúc Thừa Mỹ.
Hàng loạt biến động chính trị xuất hiện từ đây: Vua Nam Hán sai tướng là Lý Khắc Chính sang đánh và bắt sống Khúc Thừa Mỹ. Một viên tướng của Khúc Hạo trước đây là Dương Đình Nghệ liền kéo quân đánh đuổi Lý Tiến, tự xưng là Tiết độ sứ.
Nhưng rồi thuộc cấp của Dương Đình Nghệ là Kiều Công Tiễn làm phản, g.i.ế.t c.h.ế.t Dương Đình Nghệ. Thế là một vị tướng của Dương Đình Nghệ là Ngô Quyền cất binh, báo thù cho chúa. Tới lúc này thì Kiều Công Tiễn làm một động tác mà sau này đã lặp đi lặp lại trong lịch sử, đó là chạy sang cầu cứu nhà Nam Hán. Kết cục của màn ‘cầu cứu’ này ra sao thì tất cả chúng ta đều biết: Kiều Công Tiễn bị Ngô Quyền g.i.ế.t c.h.ế.t khi quân Nam Hán còn chưa kịp sang và sau đó thì hàng vạn quân Nam Hán bị Ngô Quyền đánh dẹp trên sông Bạch Đằng.
Kết luận rút ra sau hàng loạt biến động này chính là: quân Nam Hán chỉ kéo quân vào khi Kiều Công Tiễn ‘cầu cứu’, nghĩa là khi trong nước đang nội loạn, các phe phái đang không ngừng đánh dẹp lẫn nhau. Trong cách mô tả của những dòng bút sử phong kiến, chúng ta thấy rằng phe phái có chính nghĩa (Ngô Quyền) đã giành chiến thắng và phe phái muốn dựa vào ngoại bang để củng cố quyền lực bên trong của mình (Kiều Công Tiễn) đã thất bại.
Nếu câu chuyện ở đầu thế kỷ thứ X, với những dích dắc liên hệ giữa Khúc Thừa Mỹ – Dương Đình Nghệ – Kiều Công Tiễn – Ngô Quyền có thể tạm nhìn nhận một cách giản lược như vậy thì đến cuối thế kỷ X, cuộc chuyển giao triều chính từ nhà Đinh sang nhà tiền Lê, gắn liền với cuộc xâm lược của nhà Tống lại phức tạp hơn nhiều.
Tại sao VIỆT NAM phải chịu nhiều cuộc chiến tranh?
Trong câu chuyện này, chúng ta vẫn nghe những điều rất quen tai rằng, hai cha con vua Đinh Bộ Lĩnh bị ám sát, Đinh Toàn 6 tuổi lên ngôi trong bối cảnh nhà Tống chuẩn bị ‘xuất binh’, không còn cách nào khác, thái hậu Dương Vân Nga khoác áo long bào lên vai Thập đạo tướng quân Lê Hoàn, một động tác chính trị mềm dẻo để chuyển ngôi từ nhà Đinh sang nhà tiền Lê, để cả nước có thể yên tâm đánh giặc.
Tuy nhiên, hậu thế có quyền đặt ra câu hỏi: Nếu cha con vua Đinh không bị ám sát hoặc nếu sau khi hai cha con bị ám sát, ngôi vua vẫn thuộc về nhà Đinh (chứ không phải được chuyển cho Lê Hoàn) thì nhà Tống có xâm lược hay không?
Đã có những nguồn tư liệu nghi ngờ rằng, phải chăng chính thái hậu Dương Vân Nga đã cấu kết với Lê Hoàn ám sát hai cha con vua Đinh? Và khi hai cha con vua Đinh nằm xuống, người được kế vị còn quá nhỏ, quyền lực nằm hết trong tay Lê Hoàn thì đã có những đại thần nhà Đinh phản ứng, điển hình nhất là việc Đinh Điền và Nguyễn Bặc đã mang quân đánh lại Lê Hoàn nhưng sau đó thất bại.
Tức là, trong cuộc chuyển ngôi Đinh – Lê, nội bộ triều chính lúc đó mâu thuẫn và nội bộ đất nước không vững mạnh. Thế nên mới có chuyện, Lê Hoàn lên ngôi, nhà Tống liền cử sứ sang trách phạt: ‘Nhà Đinh truyền tập đã ba đời, vậy cho Đinh Toàn làm thống soái, Lê Hoàn làm phó. Nhược bằng Đinh Toàn còn trẻ tuổi không làm được, Lê Hoàn phải bắt mẹ con Đinh Toàn sang chầu Bắc Triều…’.
Chắc chắn Lê Hoàn không thể chấp nhận lời đề nghị vô lối này và dường như chỉ chờ có thế, nhà Tống lập tức đem quân sang đánh. Trong câu chuyện này, một lần nữa chúng ta thấy rằng nhà Tống chỉ có cớ xâm lược khi nội bộ Đinh – Lê đã diễn ra quá nhiều vấn đề trầm trọng.
Và lịch sử cứ thế lặp lại trong cuộc chuyển ngôi từ nhà Trần sang nhà Hồ ở đầu thế kỷ XV. Khi Hồ Quý Ly chính thức soán ngôi của cháu ngoại mình là Trần Thiếu Đế, chuyển ngôi từ nhà Trần sang nhà Hồ thì lập tức nhà Minh (phương Bắc) cử sứ sang trách phạt. Thêm vào đó, nhà Minh một mặt đòi cha con Hồ Quý Ly phải cống nạp đất đai biên giới, một mặt chủ động bắt giữ mọi sứ thần nhà Hồ được cử sang.
Và đỉnh điểm của màn sách nhiễu là việc nhà Minh dựng lên một nhân vật là Trần Thiêm Bình, người được họ coi là hậu duệ của vua Trần, rồi đề nghị đưa Trần Thiêm Bình lấy lại quyền lực nhà Trần.
Nhiều nguồn sử nói rằng Trần Thiêm Bình thực chất chỉ là gia nô của vua Trần trước đây, cho nên phía sau chiêu bài Trần Thiêm Bình là một âm mưu nham hiểm. Dĩ nhiên, cha con Hồ Quý Ly hiểu âm mưu ấy nên đoàn người đưa Trần Thiêm Bình vừa sang biên giới đã bị Hồ Quý Ly cho người đánh g.i.ế.t. Dường như chỉ đợi có thế, nhà Minh lập tức xua quân xâm lược, giương ngọn cờ ‘Phù Trần diệt Hồ’ để mị dân.
Lịch sử đã nói rất rõ với chúng ta rằng, sau khi dễ dàng đánh dẹp cha con họ Hồ, nhà Minh không hề ‘phù Trần’ như mình rêu rao mà đã tìm mọi cách để biến Đại Việt trở thành một quận huyện của phương Bắc như trước thế kỷ X.
Một trong những cách tàn bạo nhất và khủng khiếp nhất mà giặc Minh đã làm là đốt sạch sách vở, di cảo giá trị của tổ tiên người Việt – khiến con cháu người Việt mãi sau này bị đứt đoạn văn hóa với tiền nhân. Nhìn lại cái cách nhà Minh xua quân xâm lược trong bối cảnh chuyển giao Trần – Hồ, một lần nữa chúng ta lại thấy rõ thêm cái quy luật: nội bộ quốc gia lủng củng, phương Bắc tức thì mượn cớ xâm lăng.
Nếu phải chỉ thêm một ví dụ nữa cho ‘quy luật lịch sử’ này thì đó là những điều đã diễn ra cuối thời Lê – Trịnh, khi ông vua Lê Chiêu Thống muốn khôi phục lại quyền lực thực tế (vốn đã nằm trong tay chúa Trịnh) bằng cách cầu cứu Bắc triều. Khi ấy Lê Chiêu Thống ém quân ở vùng Lạng Giang gần Trung Quốc, bà hoàng thái hậu nhà Lê đem luôn cả công tử nhà Lê chạy sang kêu xin Tổng đốc Lưỡng Quảng Tôn Sĩ Nghị.
Ngay lập tức Tôn Sĩ Nghị dâng biểu lên vua Càn Long nhà Thanh, bày tỏ quan điểm nếu đem quân vào đất Việt vừa để cứu nhà Lê vừa để áp đặt trở lại vùng đất này thì chẳng khác gì một công đôi việc. Và thế là Tôn Sĩ Nghị dễ dàng, thuận tiến một mạch vào Thăng Long.
Điểm lại tất cả những câu chuyện trên đây, chúng ta thấy rằng trong những lúc ngặt nghèo, đau thương nhất của dân tộc thì may mắn thay và tự hào thay luôn có một người anh hùng kiệt xuất nổi lên. Kiều Công Tiễn cầu viện nhà Nam Hán thì dân tộc lại nổi lên người anh hùng Ngô Quyền đánh bại quân Nam Hán; cuộc chuyển giao từ nhà Trần sang nhà Hồ là cái cớ cho nhà Minh xâm lược thì sau đó lại xuất hiện người anh hùng Lê Lợi đánh bại quân Minh. Đến khi Lê Chiêu Thống cầu viện nhà Thanh với hy vọng (trong ảo vọng) rằng có thể khôi phục lại quyền lực vốn có của dòng họ thì trên bầu trời lịch sử lại lừng lững xuất hiện một Quang Trung đại phá quân Thanh trong chớp mắt.
Tuy nhiên, một bài học khác, quan trọng không kém cần phải được rút ra chính là trước khi xuất hiện những người anh hùng dân tộc thì trong lòng dân tộc đã diễn ra những cuộc binh biến, nội loạn và chính những thời điểm mà trong lòng dân tộc binh biến, nội loạn – khi mà nội lực dân tộc bị suy yếu hơn bao giờ hết thì phương Bắc đã không bỏ lỡ cơ hội xuất binh xâm lược.
Những cuộc xâm lược thời phong kiến là những cuộc xâm lược được nhận diện bằng con người – vó ngựa – và v.ũ k.h.í. Trong một thời điểm nào đó, ở một bối cảnh nào đó của lịch sử, rất có thể sẽ diễn ra những cuộc xâm lấn khó nhận diện hơn. Thành thử, bài học xương máu sau mấy ngàn năm đó là phải luôn luôn xây dựng tinh thần đại đoàn kết và nội lực quốc gia.
Một khi chắc chắn đảm bảo được hai yếu tố đoàn kết và nội lực thì không một kẻ thù nguy hiểm nào có thể khiến dân tộc này nao núng!
Nguồn Báo Công an Nhân dân – Tranh minh họa trận chiến trên sông Bạch Đằng.
Vũ Vũ

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này