Bài 1: BIẾN KHÔNG TRANH CHẤP THÀNH TRANH CHẤP VÀ MƯU ĐỒ "CHẸN HỌNG" VIỆT NAM
Từ đầu tháng 7, Trung Quốc đã cho tàu thăm dò khảo sát Địa chất biển 8 (HaiyangDizhi Ba hao) cùng các tàu hải cảnh hộ tống xâm phạm, hoạt động trái phép trong vùng biển thuộc vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở gần bãi Tư Chính. Đến nay các tàu Trung Quốc vẫn tiếp tục hoạt động phi pháp tại vùng biển này.
Phía Trung Quốc ngụy biện cho hành động vi phạm trắng trợn chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam được quy định theo Công ước Liên hợp quốc về luật biển 1982 (UNCLOS) mà cả Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên, là: vùng biển này nằm trong “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự ý vạch ra, chiếm tới 90% diện tích Biển Đông, chồng lên vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam và một số nước khác như Indonesia, Philippines, Malaysia...
Trong phán quyết về vụ kiện Biển Đông năm 2016 mà Philippines tiến hành đối với Trung Quốc, Tòa trọng tài biển quốc tế Hague đã kết luận: cái gọi là “Đường 9 đoạn” mà Trung Quốc tự ý vạch ra là yêu sách vô lý và không có hiệu lực.
Bất chấp sự phản đối quyết liệt của Việt Nam qua con đường ngoại giao và các hành động kiên quyết trên thực địa cùng sự chỉ trích mạnh mẽ của dư luận quốc tế, Trung Quốc vẫn không chịu rút các tàu xâm phạm rời khỏi vùng biển Việt Nam.
Sau một thời gian im ắng, truyền thông Trung Quốc gần đây đã lên tiếng biện minh cho hành động xâm phạm vùng biển Việt Nam ở bãi Tư Chính, vu cáo Việt Nam, đồng thời bộc lộ rõ mưu mô, ý đồ của họ.
Một trong những cơ quan truyền thông đi đầu trong việc này là trang Sohu – trang truyền thông đa phương tiện lớn bậc nhất Trung Quốc. Trong bài viết đăng tải ngày 9/8 với nhan đề “Thu hồi bãi Vạn An (Tư Chính) như sau: Trung Quốc nhảy vào, biến nơi Việt Nam một mình khai thác thành khai thác chung, dần dần đuổi cổ thế lực bên ngoài”.
Bài viết đã không hề giấu diếm ý đồ biến khu vực bãi Tư Chính của Việt Nam từ vùng biển không tranh chấp thành tranh chấp để kiếm lợi cùng mưu đồ lâu dài của Trung Quốc.
Sohu viết: “Cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Việt Nam tại vùng biển Vạn An (tức Tư Chính của Việt Nam, sau đây viết là Tư Chính) kéo dài từ tháng 6 đến tháng 7, tới nay không có dấu hiệu giảm bớt. Theo tin tức mới nhất, để đáp lại các hoạt động thăm dò của Nga và Việt Nam, Cảnh sát biển Trung Quốc đã gửi hạm tàu Hải cảnh số 3901 đến đây để bảo vệ quyền lợi của mình. Tàu này có lượng giãn nước mãn tải lên tới 12.000 tấn có thể nói là càn lướt các tàu công vụ của Việt Nam. Hiện nay, Cảnh sát biển Trung Quốc có hai tàu hải cảnh cỡ vạn tấn, chiếc còn lại là số 2901, được triển khai ở biển Hoa Đông để đối phó với tình hình quần đảo Điếu Ngư. Con tàu này từng được truyền thông Nhật Bản gọi là “Quái thú vạn tấn”. Cảnh sát biển Trung Quốc còn điều động tàu cảnh sát biển Type 718 số hiệu 35111...
Sau chiến thắng của các cuộc đối đầu, Việt Nam đã khoan hàng chục giếng dầu ở vùng biển Tư Chính và xây dựng một số nhà giàn bằng thép trên biển. Sản xuất dầu ở Tư Chính đã trở thành một nguồn quan trọng của GDP Việt Nam. Cuộc đối đầu lần này cũng xoay quanh dầu mỏ và lợi ích kinh tế là nguyên nhân căn bản. Nguyên nhân khởi đầu là Việt Nam lôi kéo một công ty dầu khí của Nga chuẩn bị mở một mỏ dầu mới gần bãi Tư Chính. Thế là phía Trung Quốc liền phái tàu “Địa chất biển số 8” tới để quấy rối, tiến hành tác nghiệp thăm dò dầu khí ở cùng khu vực biển. Vì thế hai bên triển khai đối đầu nhau.
Cả hai bên đều đưa tới một số lượng lớn tàu cảnh sát biển. Trung Quốc thậm chí đã đưa tới con tàu vạn tấn Tư Minh (Si Ming hao). Tuy nhiên, cả hai bên đều rất kiềm chế và vẫn đang tìm kiếm các kênh đối thoại để giải quyết ổn thỏa. Xem xét tình hình hiện tại, không có khả năng phải dùng đến chiến tranh.
Theo suy đoán của người viết, lằn ranh của Trung Quốc là chống lại các hoạt động khai thác của Việt Nam tại bãi Tư Chính, khiến nó trở thành một bong bóng xà phòng và cho cái tát cảnh cáo phía Nga, đừng chơi trò dao hai lưỡi, phía trước gọi nhau anh em đằng sau đâm dao vào lưng. Trung Quốc hàng năm phải bỏ tiền nhập khẩu dầu của Nga với giá cao hơn mức bình quân quốc tế, còn Nga lại khai thác dầu cho Việt Nam ở Biển Đông. Thật chẳng ra làm sao”.
Bài viết phân tích: “Bãi Tư Chính là rạn san hô gần nhất với bờ biển Nam Việt Nam. Mỏ dầu Tư Chính gần đó là một trong ba mỏ dầu lớn ở Biển Đông. Dù về giá trị kinh tế hay giá trị địa chiến lược đều có ý nghĩa trọng đại đối với Trung Quốc. Một khi được lấp biển tạo thành đảo, nó sẽ là con Hổ cản đường Việt Nam, tựa như việc đóng cái đinh trực tiếp trước mặt đồng bằng sông Cửu Long của Việt Nam. Nó sẽ làm cho Việt Nam cảm thấy như bị chẹn ngang cổ họng."
Thậm chí, tác giả còn lớn tiếng dọa nạt: “Khả năng lấp biển tạo đảo mạnh mẽ của Trung Quốc đã khiến cả thế giới kinh ngạc. Nếu Trung Quốc hiện không xua đuổi người Việt Nam, cũng hoàn toàn có thể lấp biển tạo đảo trên vùng biển này và cuối cùng thành lập một căn cứ ở đây. Để đối phó với Việt Nam, Trung Quốc cần phải có biện pháp cứng rắn. Bồi đắp tạo đảo sẽ không chỉ cho phép Trung Quốc thiết lập một căn cứ lâu dài ở đây, mà còn thực sự biến việc độc quyền khai thác của phía Việt Nam thành cùng nhau khai thác. Khả năng chỉ có ở Trung Quốc là điều mà Việt Nam không ngờ tới.
Việt Nam đã xây dựng khá nhiều nhà giàn ở bãi Tư Chính. Trung Quốc gọi là nhà treo trên chân đế. Các nhà treo này của Việt Nam không sánh được các nhà treo ngoài khơi của Hàn Quốc trên rạn san hô Suyan. Cấu trúc đơn giản, thiết bị đơn nhất, xem chừng lạc hậu... Do đó, khả năng chiến đấu thực tế của các nhà giàn này không lớn và chỉ có thể đảm đương chức năng quan sát, giám sát. Dường như mỗi khi có bão chúng sẽ lung lay”.
Tác giả bài báo tiếp tục lên giọng: “Cùng với việc các lực lượng trên biển của Trung Quốc đang dần hùng mạnh, cần phải dùng thép cứng làm lưỡi kiếm. Chủ quyền bị mất ở Biển Đông phải được đòi lại. Dùng hệ thống sức mạnh để chiếm cứ trước các nơi địa hình có lợi cùng nhau khai thác, dần dần giành lấy ưu thế cạnh tranh; sử dụng nhiều phương thức chính trị, kinh tế, ngoại giao, quân sự, thực thi pháp luật và dân gian, cuối cùng phải trở lại những thứ của tổ tiên Trung Quốc”.
Bài báo kết luận: “Lần này, chúng ta chủ động ra tay có thể nói là rửa bụi cho vụ “Haiyangshiyou 981”. Khi đó, con tàu khoan HYSY 981 bị Việt Nam buộc phải rút khỏi vùng biển đảo Trung Kiến (tức Tri Tôn), mà vẫn gây ra một vụ tưng bừng. Do đó, lần này Việt Nam không dám làm một mình và kéo người Nga chống lưng. Họ không để ta khai thác, chúng ta cũng không để Việt Nam khai thác. Cục diện này, ít nhất cũng thể hiện trạng thái cân bằng. Trên thực tế, Trung Quốc không thiếu gì chút dầu đó ở Biển Đông. Nhưng đối với Việt Nam thì khác. Việt Nam không có mỏ dầu nào trên đất liền. Tất cả đều ở Vịnh Bắc Bộ và Biển Đông. Mỏ dầu mới bị Trung Quốc bóp nghẹt, chỉ dựa vào mỏ cũ thì không đáp ứng đủ nhu cầu. Trước cửa có dầu mà không khai thác được, phải bỏ ngoại tệ để mua, người Việt Nam hẳn phải tức tối”.
Nguồn: VietTimes
Nhận xét
Đăng nhận xét