THƯỢNG ĐỈNH G20: THẾ GIỚI ĐANG CHỜ ĐỢI NHỮNG ĐIỀU BẤT NGỜ

Trong tuần này từ ngày 28 đến 29-6, thành phố Osaka của Nhật Bản sẽ được toàn thế giới dõi theo để chứng kiến những điều đang khiến Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay trở thành hội nghị quan trọng nhất kể từ khi các lãnh đạo tụ hội với nhau để cùng thảo luận tìm lời giải cho cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Đặc biệt là sự quan tâm của dư luận đến các cuộc gặp song phương bên lề giữa Mỹ-Nga-Trung Quốc. 

Theo The Japan Times, với tư cách là chủ nhà, Thủ tướng Shinzo Abe sẽ chào đón các nhà lãnh đạo đến từ 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới; đồng thời sử dụng cơ hội này để quảng bá hình ảnh đất nước, con người Nhật Bản đến toàn thể người dân trên toàn cầu.
Hội nghị diễn ra chỉ vài tuần trước cuộc bầu cử Thượng viện quan trọng ở Nhật Bản và trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung và tình hình Trung Đông đang rất căng thẳng. Đây là cơ hội để Thủ tướng Abe thể hiện vai trò nhà lãnh đạo thứ thiệt. Tuy nhiên, theo phong cách của người Nhật, Thủ tướng Abe sẽ không thể hiện quá nhiều để gây chú ý cho dù có thể sẽ đưa ra nhiều tuyên bố chung tại hội nghị này. Sự chú ý của thế giới sẽ tập trung vào 3 cuộc gặp bên lề được coi là vô cùng quan trọng lúc này.
Thứ nhất, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình
Đây sẽ là sự kiện chiếm sóng nhiều nhất tại G20. Sẽ có nhiều đồn đoán được đưa ra dựa trên mọi khía cạnh của cuộc gặp này, một trong số đó là câu hỏi đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh chính thức hay không chính thức, hay chỉ là cuộc thảo luận để giải quyết tranh chấp thương mại giữa hai nước?
Cùng với đó, các cuộc gặp không chính thức trước và sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Trung với sự trung gian của Thủ tướng Abe sẽ thể hiện mối quan hệ cá nhân của nhà lãnh đạo Nhật Bản với cả hai nhà lãnh đạo Trung Quốc và Mỹ. Mặc dù Thủ tướng Abe hầu như không thể định hình bối cảnh của cuộc gặp nhưng kết quả của cuộc gặp sẽ tác động trực tiếp tới Nhật Bản.
Những vấn đề bên lề, đặc biệt là quan hệ Mỹ - Nga - Trung Quốc là những
 vấn đề được lưu ý hơn cả chương  trình nghị sự G20
Các cuộc biểu tình phản đối ở Hồng Kông đã đặt Chủ tịch Tập Cận Bình vào một trạng thái hiếu chiến hơn. Bài phát biểu về Trung Quốc của Phó Tổng thống Mike Pence, ban đầu dự kiến được đưa ra vào ngày 4-6 nhân dịp tưởng niệm vụ thảm sát ở Thiên An Môn, nay có thể sẽ được đưa ra ngay trước thềm Hội nghị Thượng đỉnh G20. Với việc coi Trung Quốc là mối đe dọa nghiêm trọng với Mỹ, bài phát biểu này dự kiên sẽ bao gồm hàng loạt cáo buộc lên án một Trung Quốc thù địch và đang phá vỡ các quy tắc, trong đó có các bình luận về sự đàn áp và thiếu tự do tôn giáo ở vùng Tân Cương, Tây Tạng. Cùng với các bình luận về Hồng Kông, bài phát biểu này sẽ làm leo thang căng thẳng và chạm vào "lằn ranh đỏ" của Trung Quốc. Trong bối cảnh đó, bất cứ cuộc gặp nào giữa Tổng thống Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình ở Nhật Bản sẽ diễn ra với nhiều rủi ro và kỳ vọng khó trở thành hiện thực.
Thứ hai, cuộc gặp giữa Tổng thống Vladimir Putin và Tổng thống Donald Trump
Các vấn đề đối với Tổng thống Trump, xuất phát từ báo cáo của công tố viên đặc biệt Robert Mueller về sự can thiệp của Nga vào cuộc bầu cử năm 2016, đang tiếp tục phủ bóng đen lên quan hệ Nga-Mỹ.
Mối quan hệ này cũng gặp sóng gió do các hành động can thiệp quân sự của Điện Kremlin tại Ukraine, Syria và giờ đây là Venezuela. Tại các chiến trường này, Nga đang dần thắng thế và thay thế Mỹ làm chủ tình hình, đặc biệt là tại Venezuela.
Hiện nay, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã giành lại vị thế tuyệt đối nhờ sự hậu thuẫn chặt chẽ của Nga, Cuba và Iran; đang từng bước khôi phục đất nước và thực hiện những chính sách cải cách kinh tế đất nước.
Quan hệ Nga - Mỹ căng thẳng, nhưng mối quan hệ cá nhân giữa ông
 Donald Trump và ông Vladimir Putin được cho là vẫn tốt đẹp
Tuy nhiên, hai nhà lãnh đạo Nga-Mỹ vẫn duy trì mối quan hệ cá nhân tốt đẹp và mỗi khi họ gặp nhau đều thể hiện sự thấu hiểu lẫn nhau. Khác với Nhật Bản, Mỹ coi Nga như một "đối thủ chiến lược".
Trong bối cảnh Thủ tướng Abe đã gặp Tổng thống Putin nhiều hơn bất cứ nhà lãnh đạo nào khác trên thế giới, ông có thể đề nghị hỗ trợ chính sách ngoại giao của ông Putin, trong đó có các nỗ lực tìm kiếm sự hỗ trợ từ phía Nga đối với vấn đề Triều Tiên và các vấn đề khác. Tuy nhiên, theo giới chuyên gia, các kỳ vọng trên sẽ không cao nếu thời gian tới quan hệ Nga-Mỹ không có sự cải thiện rõ rệt.
Thứ ba, cuộc gặp giữa Tổng thống Donald Trump và Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan
Cuộc gặp song phương khó đoán nhất bên lề Hội nghị G20 có thể sẽ là cuộc gặp giữa Tổng thống Trump và người đồng cấp Recep Tayyip Erdogan của Thổ Nhĩ Kỳ - nước đã quyết tâm mua và sẽ tiếp nhận hệ thống phòng thủ tên lửa S-400 của Nga vào tháng 7-2019.
Thương vụ này đã làm mất thể diện của Mỹ và Tổ chức Hiệp ước quân sự Bắc Đại Tây Dương (NATO), không chỉ vì S-400 không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO, mà còn vì thương vụ này có thể làm suy yếu năng lực tàng hình của chiến đấu cơ F-35 và làm rò rỉ các dữ liệu nhạy cảm về chiến đấu cơ này cho Nga.
Quan hệ đồng minh giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kì đã leo thang thời gian gần đây do Thổ Nhỹ Kỳ mua hệ thống tên lửa phòng thủ S-400 mới nhất của Nga (Nguồn: TASS)
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng trong quan hệ Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ, mọi thứ tùy thuộc vào cuộc gặp giữa ông Trump-Erdogan, bởi đây có thể là cơ hội cuối cùng để Ankara tránh được các biện pháp trừng phạt mà Quốc hội Mỹ có thể sẽ áp dụng đối với thương vụ mua bán vũ khí này. Mặc dù, các biện pháp trừng phạt của Mỹ đối với Thổ Nhĩ Kỳ có thể sẽ hạn chế và có thể sẽ chỉ nhằm vào các đối tượng có liên quan tới thương vụ mua S-400, nhưng nó sẽ đánh dấu đây là lần đầu tiên các biện pháp trừng phạt như vậy được áp đặt lên một quốc gia đồng minh trong NATO.
Đối với Nga, kịch bản này đánh dấu thắng lợi lớn nhất của Moscow trong nỗ lực chia rẽ nội bộ liên minh NAO. Mặc dù, phần lớn sự chú ý ở Hội nghị Thượng đỉnh G20 sẽ tập trung vào các cuộc gặp Mỹ-Trung và Mỹ-Nga, song cuộc gặp Mỹ-Thổ Nhĩ Kỳ có thể lại gây ra hậu quả lớn nhất.
Nguồn: An ninh thủ đô

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này