Giải mã Thượng đỉnh

Không đạt được thỏa thuận nhưng thượng đỉnh Hà Nội vẫn là một thành công, ở ý nghĩa để hai phía Mỹ-Triều hiểu rõ hơn những yêu cầu, đỏi hỏi và cả khả năng nhượng bộ nhau có thể đến đâu.
Hai cuộc họp báo bất thường
Trung tâm báo chí quốc tế trưa 28-2 hỗn độn khi bất chợt tin về việc sẽ không có một thỏa thuận nào được ký kết sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều giữa Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un loang ra. 
Cả buổi ăn trưa được dự kiến giữa hai đoàn Mỹ và Triều Tiên cũng bị hủy. Các phóng viên trong nước và quốc tế túm năm tụm ba dò hỏi tin tức, dò đoán xem điều gì đã xảy ra.
Không có bất cứ câu trả lời nào, ngoài một thông tin chính thức: cuộc họp báo của Tổng thống Mỹ Donald Trump, trước đó dự kiến sẽ diễn ra ở nơi lưu trú của ông là khách sạn Marriott vào lúc 16 giờ, sẽ được đẩy sớm lên 2 tiếng, vào lúc 14 giờ. Các phóng viên vội vã lao về phía khách sạn Marriott...
Cuộc họp báo bất thường sau đó đã làm sáng tỏ phần nào những gì diễn ra ở hội nghị thượng đỉnh tại khách sạn Metropole, Hà Nội. Theo ông Trump, nguyên nhân căn bản khiến cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc sớm hơn dự kiến mà không có bất cứ thỏa thuận nào là do giữa hai bên còn có sự cách biệt quá xa về "tầm nhìn"!
"Tầm nhìn" đó là gì? Vẫn theo ông Trump, đó là việc phía Triều Tiên muốn Mỹ xóa bỏ toàn bộ các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước này để đổi lấy việc Bình Nhưỡng từ bỏ một phần chương trình vũ khí hạt nhân của mình. Mà phía Mỹ thì chưa sẵn lòng làm điều đó! "Đôi khi bạn phải rời đi" - ông Trump nói trước đông đảo các phóng viên báo chí lấp đầy phòng họp báo ở khách sạn Marriott, như để lý giải cái cách mà hai phía đã bất ngờ chấm dứt đàm phán.

Ngay lập tức, truyền thông quốc tế vồ lấy những điều ông Trump nói, như thể đó là toàn bộ những gì cần biết về lý do đã khiến cho thượng đỉnh Mỹ-Triều trở thành một hội nghị không có thỏa thuận.
Đến gần nửa đêm cùng ngày, đoàn Triều Tiên thông báo sẽ có một cuộc họp báo ở khách sạn Melia, nơi ông Kim Jong-un ở lại trong những ngày họp thượng đỉnh. Bất chấp trời đột ngột chuyển mưa rét, một lần nữa các phóng viên lại lao đến khách sạn Melia cho buổi họp báo bất thường diễn ra vào sau lúc nửa đêm!
Trong cuộc họp báo này, ở thời điểm khi mà Tổng thống Trump vẫn còn đang lơ lửng đâu đó trên bầu trời trên chiếc Không lực Một thì ngoại trưởng Triều Tiên Ri Yong-ho cho biết, thực chất, ở cuộc họp thượng đỉnh, phía Triều Tiên không đưa ra yêu cầu Mỹ xóa bỏ toàn bộ các lệnh trừng phạt (như Tổng thống Mỹ nói!) mà chỉ đề xuất dỡ bỏ 5/11 lệnh trừng phạt mà Liên Hiệp Quốc đã áp dụng đối với nước này.
Các lệnh trừng phạt này, chủ yếu bắt đầu được áp dụng trong khoảng thời gian 2016-2017 đã ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân cũng như nền kinh tế, do vậy phía Triều Tiên đề nghị dỡ bỏ; đổi lại, Bình Nhưỡng sẽ phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon như là một phần trong tiến trình phi hạt nhân hóa mà nước này mong muốn theo đuổi. 
Những thủ thuật đàm phán ở thượng đỉnh
Cả Bình Nhưỡng và Washington rõ ràng đã rất nghiêm túc trong công tác chuẩn bị cho hai nhà lãnh đạo tới Hà Nội. Các quan chức và chuyên gia của hai bên đã lần lượt đàm phán bí mật ở Thụy Điển, Bangkok (Thái Lan), Bình Nhưỡng. 
Vòng cuối cùng diễn ra ở khách sạn Nikko tại Hà Nội chỉ ít ngày trước khi hai nhà lãnh đạo chính thức gặp nhau, với những cuộc họp căng thẳng kéo dài nhiều giờ, có những phiên họp xuyên đêm.
Hai bên thậm chí còn chuẩn bị được cả hai văn bản với 4 nội dung chủ chốt, trong đó có văn bản tuyên bố chấm dứt chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên và Tuyên bố chung để xem xét ký sau họp thượng đỉnh. Theo cách nhiều nhà phân tích chính trị vẫn thường hay diễn đạt bằng con số thì các quan chức cấp dưới, chuyên viên của hai bên đã đạt được thỏa thuận 99%; phần 1% còn lại để hai ông Trump và Kim quyết ở thượng đỉnh.
Từ trước tới nay, ông Trump, người được coi là bậc thầy về đàm phán, thường sử dụng chiến thuật phổ biến là ban đầu đưa ra những yêu cầu rất cao trong đàm phán rồi sau đó hạ thấp dần dần để chứng tỏ thiện chí mà cuối cùng vẫn đạt được điều mình mong muốn. 
Cung cách này đã được ông áp dụng thành công trong hàng loạt cuộc đàm phán quốc tế, chẳng hạn như đàm phán lại Hiệp định Tự do thương mại Bắc Mỹ NAFTA với hai thành viên của hiệp định là Mexico và Canada; hay khi ông gây sức ép với các đồng minh châu Âu trong việc buộc họ phải nâng tỷ lệ ngân sách quốc phòng lên để đóng góp vào các hoạt động chung của NATO. 
Trong cuộc chiến thương mại với Trung Quốc, sách lược này cũng thường xuyên được đem ra áp dụng và không phải không có hiệu quả.
Ông Trump cũng tìm cách buộc đối thủ phải chịu sức ép của dư luận để chiếm lợi thế trong đàm phán. Những đánh giá (hơi quá) lạc quan của Tổng thống Mỹ về kết quả hội nghị thượng đỉnh khi ông gặp Chủ tịch Triều Tiên trong đêm trước diễn ra hội nghị chính thức, những lời tán dương có cánh mà ông dành cho Chủ tịch Kim Jong-un cùng các động tác ngoại giao lịch lãm của ông tạo ra một không khí "nồng ấm", khiến cho người ta có cảm giác một thỏa thuận mang tính đột phá về Bán đảo Triều Tiên đã nằm trong tầm tay, chỉ cần với ra là lấy được!
Chủ tịch Kim Jong-un có biết những điều này không? Có chứ, nếu căn cứ vào những gì nhà lãnh đạo Triều Tiên đã thể hiện trong suốt quá trình họp thượng đỉnh.
Ông Kim Jong-un hoàn toàn tự tin, chủ động khi bắt tay, trò chuyện với Tổng thống Mỹ. Khi được hỏi ông có sẵn sàng phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên hay không, Chủ tịch Kim Jong-un trả lời: "Nếu không sẵn lòng làm điều đó, tôi đã không có mặt ở đây (để dự họp thượng đỉnh với Tổng thống Mỹ)".
Và Chủ tịch Triều Tiên áp dụng ngay sách lược đưa ra yêu cầu cao ngay từ đầu quá trình đàm phán: Mỹ phải xóa bỏ phần lớn những lệnh trừng phạt nhằm vào đời sống người dân và nền kinh tế Triều Tiên; đổi lại, Triều Tiên sẽ từng bước tiến hành quá trình phi hạt nhân hóa mà việc phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon có sự giám sát của các chuyên gia người Mỹ, sẽ là bước đầu tiên.
Khi người ta biết rõ "từng cm đất" của nhau!
Vậy vì sao mà đã trải qua nhiều vòng đàm phán bí mật căng thẳng để chuẩn bị sẵn những thỏa thuận sẽ ký kết, rồi thêm cả những lời có cánh mà hai bên dành cho nhau ngay trước khi chính thức bước vào thượng đỉnh, vậy mà cuối cùng hai bên lại không thể vượt qua được cái 1% còn lại khiến cho thượng đỉnh Mỹ-Triều kết thúc mà không có thỏa thuận?
Khi "sư nói sư phải, vãi nói vãi hay" thì không có cách nào khác là phải nhìn vào phía sau những hàng chữ (và tuyên bố) của cả hai bên để tìm hiểu đâu là nguyên nhân thực sự của câu chuyện này.
Có một chi tiết rất đáng chú ý trong buổi họp báo hậu thượng đỉnh, khi được phóng viên hỏi về việc thu hẹp khoảng cách khái niệm "phi hạt nhân hóa" giữa Mỹ và Triều Tiên, ông Trump trả lời: "Việc này sẽ tốn nhiều thời gian. Nhưng chúng tôi biết rõ từng cm trên đất Triều Tiên".
Ông Trump muốn ám chỉ điều gì khi nói rằng Mỹ "biết rõ từng cm đất Triều Tiên"?
Điều này có vẻ như được Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời ngay trong cuộc họp báo. Khi được hỏi về tương lai của cơ sở hạt nhân Yongbyon, vốn được coi là "hạt ngọc trên vương miện hạt nhân của Triều Tiên", ông Pompeo nói: "Kể cả khi cơ sở Yongbyon được phá hủy hoàn toàn, vẫn còn nhiều cơ sở khác và nhiều vũ khí hạt nhân khác. Đây là điều khiến hai bên không thể đạt được thỏa thuận".
 
Cuộc họp báo lúc nửa đêm của đoàn Triều Tiên.
Như vậy rõ ràng việc hai bên không đạt được thỏa thuận không nằm ở chỗ bất đồng về việc Mỹ phải bãi bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận (như lời Tổng thống Mỹ nói, điều sau đó trong cuộc họp báo lúc nửa đêm, ngoại trưởng Triều Tiên đã gián tiếp bác bỏ) mà chính là ở chỗ Ngoại trưởng Mỹ đã đề cập đến: "Cơ sở khác".
Điều này sẽ càng rõ ràng hơn khi xem xét lại toàn bộ nội dung cuộc họp báo nửa đêm của đoàn Triều Tiên. Sau khi bác bỏ tuyên bố của Tổng thống Mỹ, Ngoại trưởng Ri Yong-ho tiết lộ: "Trong cuộc gặp, phía Mỹ nằng nặc đòi chúng tôi phải tiến thêm bước nữa" (không chỉ giới hạn ở việc phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon).
Chính cái "thêm bước nữa" này mới là nguyên nhân khiến hai bên không đạt được thỏa thuận. Xâu chuỗi lại, có thể thấy Mỹ tự tin nắm được "từng cm" lãnh thổ Triều Tiên nên đã đưa ra yêu cầu phía Triều Tiên không chỉ phá hủy cơ sở hạt nhân Yongbyon mà có thể cả những "cơ sở khác" nữa; đây là điều mà Bình Nhưỡng nhất quyết từ chối vì không muốn rơi vào tình trạng bị tước bỏ hoàn toàn các khả năng tự vệ của mình.
Không đạt được thỏa thuận nhưng thượng đỉnh Hà Nội vẫn là một thành công, ít nhất là ở cái ý nghĩa để hai phía Mỹ-Triều hiểu rõ hơn những yêu cầu, đỏi hỏi và cả khả năng nhượng bộ nhau có thể đi xa đến đâu. Ở Hà Nội, Chủ tịch Triều Tiên đã cam kết sẽ không có thêm các vụ thử hạt nhân hay tên lửa; ông chủ Nhà Trắng cũng cam kết sẽ không có thêm các biện pháp cấm vận nhằm vào người dân Triều Tiên nữa.
Cũng gần như ngay lập tức sau thượng đỉnh, các cuộc tập trận cỡ lớn giữa Mỹ với Hàn Quốc như “Đại bàng non” hay “Giải pháp then chốt” đã bị bãi bỏ; thay thế vào đó chỉ là các đợt huấn luyện quy mô nhỏ giữa hai bên...
Đó chẳng phải là những tín hiệu vui của thượng đỉnh Hà Nội hay sao?
Yên Ba - Báo CAND


Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này