31 NĂM SỰ KIỆN GẠC MA (14.3.1988-14.3.2019): Thiên sử anh hùng, bất diệt
Lịch sử như tiếng thở dài của dân tộc, chiến tranh là vết thương sâu thẳm, đau nhói trong lòng mỗi con người ở lại. Hơn ba mươi năm qua đi, đất nước liên tục đổi mới và phát triển, nước biển thì vẫn trong veo, đá Gạc Ma thì vẫn còn đó, nhưng những người chiến sĩ ấy sẽ chẳng bao giờ trở về nữa. Những con người, những tấm gương sáng chói của lòng yêu nước, họ ngã xuống không phải để vĩnh viễn ra đi mà là để ôm trọn lấy vị mặn chát của biển, ôm trọn lấy sự an nhiên của mặt nước hiền hòa. Sự hi sinh của họ cũng giống như tấm thảm trải dài nâng đỡ cho nền hòa bình dân tộc mãi mãi được vẹn nguyên, để Tổ quốc thân yêu sẽ yên bình mà phát triển. Người trước ngã xuống, người sau lại cầm súng mà anh dũng tiến lên. Cứ như thế kết tạo nên một vòng tròn bất tử không bao giờ đứt đoạn.
Sự kiện Gạc Ma là một dấu mốc lịch sử quan trọng trong quá trình chiến đấu bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc. Trận chiến không cân sức giữa những cán bộ, chiến sĩ Hải quân Việt Nam với lực lượng tàu chiến được trang bị hỏa lực mạnh của Trung Quốc diễn ra ác liệt khi xưa vẫn luôn trong ký ức của nhiều thế hệ người Việt. Máu xương của 64 chiến sĩ đã hòa cùng sóng biển Trường Sa, tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc của các anh mãi là thiên sử anh hùng, bất diệt.
Hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa từ lâu đã là lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc Việt Nam.
Thế nhưng, từ cuối năm 1987, đầu năm 1988, với mưu đồ thôn tính Trường Sa, độc chiếm Biển Đông, bất chấp Luật pháp và tập quán quốc tế, hải quân Trung Quốc đã ngang nhiên đưa lực lượng quân sự chiếm đóng một số bãi đá ngầm thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
Đặc biệt là ngày 14/3/1988 đã diễn ra trận chiến đấu anh dũng của cán bộ, chiến sĩ HQND Việt Nam để bảo vệ toàn vẹn chủ quyền biển, đảo thân yêu của Tổ quốc trước sự tấn công trắng trợn và phi lý của lực lượng tàu chiến hải quân Trung Quốc.
Những chiến sĩ HQND Việt Nam đã tự kiềm chế để giữ vững nguyên tắc không dùng vũ lực để giải quyết những vấn đề tranh chấp. Tuân thủ nghiêm túc Công ước về Luật biển năm 1982 và tập quán quốc tế, vì lợi ích hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển trong khu vực.
Trung Quốc đã ngang nhiên tấn công quân sự, bắn chìm, bắn cháy 3 tàu vận tải của ta. Cuộc chiến không cân sức giữa lực lượng xây dựng, bảo vệ đảo và tàu vận tải của ta với nhiều tàu chiến có trang bị vũ khí hiện đại của nước ngoài đã xảy ra.
Càng trong khó khăn gian khổ hy sinh thì bản lĩnh, ý chí, tâm hồn khí phách của dân tộc Việt Nam và phẩm chất “Bộ đội Cụ Hồ” - Người chiến sĩ Hải quân càng được khẳng định và tỏa sáng.
Cũng chính từ trong cuộc chiến đấu anh dũng đó, đã xuất hiện nhiều tấm gương tiêu biểu, sáng ngời chủ nghĩa anh hùng cách mạng.
Đó là cán bộ, chiến sĩ tàu HQ 505, HQ 604, HQ 605 thuộc Lữ đoàn 125; cán bộ, chiến sĩ Lữ đoàn 146; Trung đoàn Công binh 83 Hải quân, những tập thể kiên cường đã vượt qua mọi khó khăn thử thách, dũng cảm, ngoan cường chiến đấu để bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Hình ảnh những Anh hùng liệt sĩ như Trung tá Trần Đức Thông, Phó Lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 146; Đại úy Vũ Phi Trừ, thuyền trưởng tàu HQ 604; Thiếu úy Trần Văn Phương, Phó chỉ huy trưởng đảo Gạc Ma là tấm gương sáng để toàn quân hôm nay noi theo.
Trước sự tấn công của kẻ thù, Anh hùng liệt sĩ, Thiếu úy Trần Văn Phương đã quấn lá cờ Tổ quốc quanh thân mình và động viên đồng đội “Không được lùi bước. Phải để cho máu mình tô thắm lá cờ Tổ quốc và truyền thống vinh quang của Quân chủng”.
Và còn rất nhiều tấm gương sáng thể hiện lòng kiên trung, tinh thần chiến đấu dũng cảm, sẵn sàng hiến dâng trọn tuổi thanh xuân của mình cho sự nghiệp bảo vệ biển, đảo thiêng liêng!
Thanh Long

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này