Liên minh 7 nước đau đầu trước nạn thông tin sai lệch trên MXH Facebook

CEO Facebook đã từ chối yêu cầu đứng ra trả lời chất vấn tại buổi điều trần chung với các nhà lập pháp từ 7 quốc gia.
Theo Washington Post, thông tin trên được hé lộ từ một lá thư được Facebook gửi cho các nhà chức trách. Liên minh 7 nước bao gồm Argentina, Brazil, Canada, Ireland, Latvia, Singapore và Anh, với tổng cộng dân số hơn 368 triệu người. Mark Zuckerberg sẽ cử Richard Allan, Phó chủ tịch về các giải pháp chính sách của công ty tới. Nội dung buổi điều trần là các câu hỏi liên quan tới việc xử lý những thông tin sai lệch của mạng xã hội này.
Quyết định của Zuckerberg có thể làm tình hình giữa Facebook và các chính phủ trên khắp thế giới trở nên căng thẳng bởi không phải lúc nào các quốc gia cũng tập hợp và cùng muốn đặt câu hỏi cho một giám đốc điều hành. Việc này cũng phản ảnh mối đe dọa cao về các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc mà Facebook và các công ty công nghệ khác có thể sẽ phải đối mặt trong tương lai. Ví dụ, dự án xây dựng trung tâm dữ liệu đầu tiên ở châu Á, đặt tại Singapore, có trị giá một tỷ USD của Facebook có thể đối mặt với nhiều thách thức.
Ở châu Âu, các nhà lập pháp gần đây bắt đầu nhắm đến cách các công ty truyền thông xã hội trong việc xử lý dữ liệu cá nhân của người dùng hay việc đối phó với các phát ngôn thù địch và chủ nghĩa khủng bố trực tuyến. Liên minh châu Âu trước đó đã triệu tập được Mark Zuckerberg tại một phiên điều trần ngắn hồi tháng 5.
Trong khi đó tại Brazil, Facebook đang phải chống lại thông tin sai lệch liên quan tới cuộc bầu cử gần đây ở nước này trên nền tảng của mình. Còn WhatsApp nổi lên như một nền tảng được dùng để lan truyền thông tin sai lệch về các ứng cử viên.
“Ủy ban vẫn tin rằng Mark Zuckerberg là người thích hợp để trả lời các câu hỏi quan trọng về quyền riêng tư, an toàn, bảo mật và chia sẻ dữ liệu”, các nhà lập pháp đưa ra tuyên bố ngày 23/11.
Làn sóng yêu cầu Mark Zuckerberg ra điều trần bắt đầu từ đầu năm nay tại Anh, sau khi các bê bối dữ liệu liên quan tới công ty Cambridge Analytica. Các nhà điều tra thậm chí tuyên bố phạt tiền Facebook, nhưng mạng xã hội này cho biết vào tuần trước rằng họ sẽ kháng cáo. Zuckerberg cũng nhiều lần từ chối xuất hiện tại một buổi điều trần trước các nhà lập pháp Anh, trong đó có một yêu cầu vào cuối tháng 10.
Đầu tháng 11, nhiều quốc gia kêu gọi lãnh đạo Facebook xuất hiện trước một “ủy ban quốc tế”, bao gồm các nhà hoạch định chính sách của Australia, Argentina và Ireland. Facebook một lần nữa nói “không thể” cho Zuckerberg xuất hiện, theo một bức thư được gửi khi đó. Đầu tuần này, thêm 3 nước là Singapore, Brazil và Latvia tham gia liên minh nhằm thuyết phục Zuckerberg đứng ra làm chứng, thậm chí chấp nhận cả một buổi làm việc qua video từ xa.
Ngoài những tranh cãi mà Facebook đang phải đối mặt, mới đây công ty còn dính líu tới scandal sử dụng “truyền thông bẩn” để hạ uy tín các đối thủ như Apple và Google.
Tacchienmang

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này