TÂNG HẨNG NHƯ CHÓ MẤT DÁI
Thành ngữ Việt Nam có câu “Chạy như chó dái”, lại có câu “Tâng hẩng như chó mất dái”. “Chó dái”, hay “gà dái”, “bò dái”, “trâu dái”…, là chỉ những con súc vật đực trưởng thành, nhưng chưa/không bị thiến. “Chó mất dái” chính là con chó đã bị thiến.
Trong “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia giải thích cặn kẽ như sau: “Tâng hẩng”: Do từ “tăng hoảng” là thiếu mất bộ phận quan trọng để trang trí nên trông chẳng giống ai. “Tâng”: Do chữ “tăng” là con ngựa đực bị thiến mất dái. “Hẩng”: Do chữ “hoảng” là đồ trang sức làm đẹp để thu hút người. Nghĩa câu: Thiếu mất bộ phận quan trọng để trang trí nên trông chẳng giống ai, như con chó bị thiến mất dái. Thí dụ: “Xe gắn máy này mới bị mất cái mặt nạ phía trước nên ngó “tâng hẩng như chó mất dái”.
Bỏ qua cách giải thích “từ nguyên” theo kiểu của Lê Gia, thì nghĩa đen lẫn nghĩa bóng mà soạn giả đưa ra cũng khó chấp nhận. Vì trong thực tế, hai hòn dái của con chó đực hoàn toàn không có chức năng “trang trí”. Mặt khác, dù con chó dái có bị thiến “mất dái”, thì cũng chẳng tạo nên khoảng trống, hay lỗ hổng lớn tới mức đập vào mắt, khiến dân gian lấy đó mà đặt nên thành ngữ để ám chỉ sự mất đi một bộ phận nào đó đáng ra phải có, nên “trông chẳng giống ai”, như cách giải thích của Lê Gia.
Trở lại câu chuyện “chó dái” và “chó mất dái”.
Chó dái có “tính hăng” rất cao. Một con chó dái có thể đáp ứng yêu cầu phối giống với nhiều con chó cái khác. Bởi vậy, thấy bất cứ bóng dáng con chó nào, chó dái cũng “hực” lên và phóng đến như một mũi tên, đánh đuổi con chó đực lạ, hoặc ve vãn con chó cái. Chó nhà, chó ngõ chưa đủ, con chó dái còn chạy xong xóc khắp làng trên xóm dưới, có khi cách nhà đến 2-3 cây số để tìm bạn tình. Thành ngữ “chạy như chó dái” (dị bản “lang thang như chó dái”) là vậy.
Chó dái tốt cho canh giữ nhà, nhưng vì hay chạy rông, dễ bị mất, nên người ta thiến đi.
Khi còn là “chó dái”, lúc nào nó cũng xăng xái sục sạo, chạy chỗ này, ngửi chỗ kia; hết cào xuống đất, lại gếch chân đái, đánh dấu lãnh thổ. Nhưng ngay sau giây phút trở thành “chó mất dái”, phần do đau đớn, phần không còn “tính hăng” nữa, con “chó mất dái” đột ngột thay đổi tập tính.. Vẫn là nó, mà giờ đây con “chó mất dái” hiền lành, chậm chạp, khác hẳn thường ngày. Hết nằm tiu nghỉu đầu hè, lại ngẩn ngơ ra vào, tựa như trạng thái tâm lí của kẻ bị thất vọng, hụt hẫng điều gì đó quá lớn và đột ngột. Thực ra, sự hụt hẫng, thay đổi này không chỉ diễn ra ở “chó mất dái”, mà còn biểu hiện ở một số gia súc, gia cầm như trâu dái, bò dái, ngựa dái, gà dái,… sau khi bị thiến. Tuy nhiên, sự đòi hỏi về tính giao khi chưa bị thiến, cũng như sự mất tính hăng sau khi bị thiến ở chó rõ ràng, điển hình hơn nhiều. Từ sự quan sát đó, dân gian đặt nên thành ngữ “tâng hẩng như chó mất dái”. “Tâng hẩng” hay “tưng hửng”, cũng chính là “châng hẩng”, hay “chưng hửng”.
-“Từ điển tiếng Việt” (Vietlex) giải thích: “chưng hửng • đg. ngẩn ra vì bị mất hứng thú đột ngột do sự việc lại xảy ra trái với điều mình đang mong muốn và tin chắc: chưng hửng vì bị từ chối bất ngờ ~ “Cai tuần Bưởi (...) nghe cậu hai trả lời vô tình như thế thì chưng hửng, đứng ngó cậu trân trân (...)” (Hồ Biểu Chánh). Đn: châng hẩng, tâng hẩng, tưng hửng”.
-“Đại từ điển tiếng Việt” (Nguyễn Như Ý chủ biên): “chưng hửng • đgt. Ngẩn ra, có cảm giác hẫng hụt vì bị mất hứng thú, mất hi vọng một cách đột ngột do việc diễn biến ngược với điều đã tin chắc: Cuộc tham quan bị hoãn làm mọi người chưng hửng”.
Như vậy, nghĩa của “tâng hẩng”, “chưng hửng” hoàn toàn phù hợp với trạng thái “tâng hẩng” của con chó “mất dái” (theo quan sát của dân gian).
Trong “1575 thành ngữ tục ngữ cần bàn thêm”, Lê Gia có trích dẫn cách giải thích của một tác giả như sau: “Chó đực tính hung dữ, lại ưa chạy rông, vì vậy chúng thường bị chủ thiến mất dái. Chó thiến thì hiền, trông có vẻ buồn bực nhưng hiền và bỏ tật chạy rông như trước. Tuy bị thiến nhưng khi gặp chó cái thì chó đực vẫn chạy ra ve vãn, nhưng cụt hứng lại chạy vào nhà. Nghĩa bóng câu này chỉ những người bị mất chức mất quyền nên lúc nào mặt cũng ngơ ngẩn, buồn rầu bực bội”.
Tuy Lê Gia không nêu tên cụ thể, nhưng qua so sánh, chúng tôi nhận ra, đây là cách giải thích của sách “Từ điển thành ngữ, tục ngữ, ca dao Việt Nam” (Việt Chương-NXB Đồng Nai-2007). Theo đó, dù nghĩa đen và nghĩa bóng chưa được cụ thể và rõ ràng, nhưng hướng giải thích mà Lê Gia cho rằng “chúng tôi không hiểu nổi” này của Việt Chương, mới là chính hướng đi đúng.
Phương ngữ Thanh Hoá cũng có một từ gọi là “toang hoảng”, chỉ bức vách, hay cửa giả, phên dậu bị đổ, bị hỏng, tạo nên một khoảng trống toang hoang, trống trải, nhưng là gợi tả về không gian (hữu hình), gần nghĩa từ “tăng hoảng” (mà Lê Gia đã giảng). Trong khi, “tâng hẩng” lại nói về trạng thái tâm lý(vô hình).
“Từ điển từ và ngữ Việt Nam” (GS Nguyễn Lân) có thu thập dị bản:“tâng hẩng như chó cụt tai • ng. Vì thất vọng không muốn làm gì <> Hắn trượt thi nên tâng hẩng như chó cụt tai”. Nhưng, có lẽ soạn giả đã lẫn lộn (hoặc thu thập bản lẫn lộn) theo kiểu râu ông nọ cắm cằm bà kia, đem “tâng hẩng như chó mất dái” lắp ghép với “tiu nghỉu như mèo cắt/mất tai”. Vì chỉ có con mèo hay ăn vụng, bắt gà, mới bị cắt tai để trừ thói xấu, chứ đâu có ai cắt tai chó làm gì. Thế nên mới có câu “Mèo lành ai nỡ cắt tai, gái hư chồng rẫy khoe tài làm chi”.
Như vậy, nếu nghĩa đen thành ngữ “chạy như chó dái” nói lên sự hăng hái, phấn khích, ưa hoạt động của con chó đực trước khi bị thiến bao nhiêu, thì “tâng hẩng như chó mất dái”, lại thể hiện sự đối lập hoàn toàn về bản năng của con chó dái sau khi bị thiến bấy nhiêu. Theo đó, nghĩa bóng của “tâng hẩng như chó mất dái” ám chỉ vẻ đau đớn, thất vọng, hụt hẫng của ai đó với hàm ý mỉa mai, hài hước, đáng đời, chứ không riêng gì “những người bị mất chức mất quyền”,như cách giải thích của Việt Chương.
Sân Đình
Nhận xét
Đăng nhận xét